Bách Binh Đồ Quyển – Vũ khí thời Tây Sơn

Truyền thuyết kể rằng, ai có trong tay Bách Binh Đồ Quyển của thần Kim Quy sẽ nhất thống được thiên hạ.
Vào một ngày mưa bão mịt trời, nước lũ như sắp nhấn chìm cựu đô Đồ Bàn, Tây Sơn minh chủ Nguyễn Nhạc đang cho binh sĩ đào bật gốc cây Krek thần. Đêm qua rùa vàng báo mộng, mách ngài biết nơi chôn giấu Đồ Quyển, trong đó ghi chép phương thức rèn đúc các loại thần binh bảo khí. Vừa mở chiếc rương làm bằng gỗ đàn hương ra, Nguyễn Nhạc rất ngạc nhiên khi thấy chiếc rương trống rỗng. Một sự trống rỗng rùng rợn. Thần minh đùa giỡn với ta sao? Nguyễn Nhạc thét lớn, nhưng tiếng thét ấy đã bị tiếng sấm nuốt chửng. Thành Đồ Bàn xa xưa, nơi hoang tàn dữ dội.
Đâu đó nơi thành Thăng Long, có người dâng lên chúa Trịnh một cuộn vải lạ lùng, cũ mốc nhưng thoang thoảng hương thơm lạ. Bên ngoài ghi 4 chữ “Bách Binh Đồ Quyển”. Cuộn vải được niêm phong kín, không ai được phép chạm vào. Thấy Đồ Quyển, chúa Trịnh mừng rỡ mở tháo ra xem, nhưng thật lạ, mặt chúa đột nhiên thất sắc, miệng lẩm bẩm rằng: “Không! Trống rỗng! Vô tự đồ quyển sao? Tại sao đồ quyền không có chữ nào hết?”
Trên một chiếc thuyền nào đó, giữa Trường Sa vạn đảo, có một tráng sĩ mặc áo tía, tay cầm gươm bén, lưng giắt súng hỏa mai. Lại thêm một đồ quyển khác nằm trong tay nải của y. Đồ quyển này là thật hay giả, chỉ có y biết, trời biết, đất biết và tác giả biết.
Đó là một câu chuyện dài.

TÂY SƠN KÝ là dự án trường thiên tiểu thuyết viết về giai đoạn chiến loạn giữa Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn, cuộc kháng chiến chống Xiêm – Thanh và những cuộc thương hải tang điền đi đến thống nhất sơn hà vào nửa cuối thế kỷ 18.

Dự án chia thành 4 bộ gốc là:

– Tây Sơn phụng thần ký
– Tây Sơn hổ thần ký
– Tây Sơn long thần ký
– Tây Sơn ma thần ký

Góp chút trà bánh để tác giả thức khuya cày chữ:
Phong ma tuyết nguyệt