Độc Thần kiếm của Nguyễn Nhạc

Sử sách không hề nhắc đến Độc Thần Kiếm, cũng không ghi nhận Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc sử dụng võ công hay binh khí gì. Nên tất cả những gì dự án phục tả về Độc Thần Kiếm chỉ là phỏng đoán dựa trên truyền thuyết dân gian.

Độc Thần Kiếm là thanh kiếm cổ mà Nguyễn Nhạc tình cờ có được trong một chuyến phiêu lưu buôn trầu ở miền đất Tây Sơn thượng đạo. Có thuyết cho rằng thanh kiếm cắm chặt vào tảng đá, không ai có thể rút ra được. Lúc mọi người đang bàn tán xôn xao, thì Nguyễn Nhạc bình thản xuống ngựa, rút kiếm rất nhẹ nhàng, một luồng hào quang tỏa tràn khắp xung quanh. Núi rừng như chuyển động. Dân chúng ở Tây Sơn thượng đạo cho rằng đó là thanh kiếm Trời (Giàng) ban cho Nguyễn Nhạc để làm việc đại nghĩa. Họ đồng loạt quỳ xuống, tôn xưng Nguyễn Nhạc là vua Trời. Đây cũng chính là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho quân Tây Sơn vào những ngày đầu khởi nghĩa.

Có thuyết lại kể, một hôm nọ, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về ấp Tây Sơn thì ngựa lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt khiến Nguyễn Nhạc té nhào xuống đất, chân bị trật khớp không đứng dậy được.

Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy lên ngựa, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Ông sai người lấy thì thấy một thanh kiếm cổ, lưỡi sáng. Ai nấy đều mừng, cho rằng đó là kiếm Trời ban. Sau này, ngọn núi đó mang tên hòn Kiếm Sơn.

Sau khi có được Độc Thần Kiếm, Nguyễn Nhạc mang tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương sư phụ biết là kiếm quý nên cất giữ rất kỹ. Khi Nguyễn Nhạc xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Văn Hiến trả lại Độc Thần Kiếm cho minh chủ Tây Sơn để làm đại sự.

Theo sách Võ Nhân Bình Định, cây Độc Thần Kiếm dài hơn sải tay, có thể chém sắt như chém bùn. Khi lưỡi kiếm được rút ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra lóa mắt. Binh sĩ vì thế chiến đấu càng hăng hái, đánh đâu thắng đấy, chiến công lẫy lừng.

Độc Thần Kiếm đã theo chân Nguyễn Nhạc chinh phạt khắp từ Quy Nhơn đến đất Quảng, từ Phú Yên vào Gia Định.

Tất cả đã trở thành huyền thoại.


TÂY SƠN KÝ là dự án trường thiên tiểu thuyết viết về giai đoạn chiến loạn giữa Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn, cuộc kháng chiến chống Xiêm – Thanh và những cuộc thương hải tang điền đi đến thống nhất sơn hà vào nửa cuối thế kỷ 18.

Dự án chia thành 4 bộ gốc là:

– Tây Sơn phụng thần ký

– Tây Sơn hổ thần ký

– Tây Sơn long thần ký

– Tây Sơn ma thần ký

Ngoài truyện đăng tải miễn phí trên mạng, chúng mình còn có các tác phẩm xuất bản tại đây:
Phong ma tuyết nguyệt