Review sách: Đọc Về Một Bùi Thị Xuân Rất Khác

Review Tây Sơn phụng thần ký, góc nhìn cảm nghĩ từ bạn Giang Nguyen là biên tập viên gắn bó với tác phẩm từ lúc lên ý tưởng:

Từ một người đọc sử theo kiểu bên lề và hâm mộ những nhân vật lịch sử có cá tính thật sự “chẳng giống ai” tới lúc đồng hành và biên tập một cuốn tiểu thuyết dã sử, với tôi mà nói, là một hành trình dài.

Hồi bé học sử ở trường lớp, cũng được đọc những cuốn sách kể chuyện lịch sử như “Đô đốc Bùi Thị Xuân” của tác giả Quỳnh Cư, nên chắc không riêng gì tôi mê đắm và thấy nữ tướng Bùi Thị Xuân siêu ngầu, có tài khiển voi, lại văn võ song toàn. Nhưng những gì đọng lại trong tôi, thú thật mà nói là những vấn đề lịch sử xoáy sâu vào cuộc giằng co giữa Tây Sơn – nhà Nguyễn, câu chuyện của người lớn sẽ thiên về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung hay cái cách mà Nguyễn Ánh đã trả thù nhà Tây Sơn mà đến giờ người ta vẫn dám nói thẳng thừng rồi chẳng viết như vậy hoặc viết ra rồi lại nói sao cho nhẹ bớt đi. Bùi Thị Xuân cứ vậy, qua quãng tuổi thơ và loai choai của tôi, chỉ là một bà tướng giỏi, sát cánh với một triều đại chẳng mấy dài.

Lớn lên, đọc và học nhiều hơn, tôi nhận ra nữ tướng Bùi Thị Xuân nên có nhiều góc nhìn phân tích hơn, chứ không đơn thuần là một nhân vật được lấy ví dụ cho nữ quyền trong sử Việt và xếp mờ nhạt với những nữ anh hùng khác, ấn vào tâm trí nhiều người những cụm từ thường thấy như “oai phong lẫm liệt”, “nữ tướng võ nghệ hơn người”… Bà sinh trưởng trong một giai đoạn đặc biệt, khi tình hình chính trị rối ren với quá nhiều con đường để đi và thế lực để chọn cho một người học võ, chưa kể bà còn phải vượt qua cảnh coi thường nữ nhi. Bùi Thị Xuân không nên và không chỉ lưu lại trên trang giấy ở các đoạn giết giặc, đánh giặc, mưu lược… hay mọi thứ chỉ xoay quanh phạm vi chiến trường đã có quá nhiều nam tướng, nam vương được ca tụng.

Cuộc đời bà, theo tôi, có sự phát triển về tư tưởng và hướng đi, cũng có những lúc đấu tranh rất nhiều tìm ra lối đi cho người học võ chính đạo, lối đi cho một người thương dân và đặt người dân trước nhất, và cũng có lúc bà mềm mại, dịu dàng chứ chẳng cớ gì luôn phải gồng mình mọi lúc. Phải viết một cuốn sách nói về bà Xuân như vậy thôi, tôi cứ nghĩ hoài như vậy. Nhưng ai viết đây? Và viết sao khi mà phá cách nhân vật cũng là nhận lấy một phần rủi ro nhận những ý kiến đánh giá như “làm sai lệch nhân vật” hay thậm chí là “cần tôn trọng lịch sử hơn”?

Vẫn nhiệt huyết và có vẫn chút e dè, may thay vào một ngày tháng 7 năm 2021, tôi có cuộc đối thoại tới công chuyện với tác giả Thành Châu Thế là suốt sáu tháng, từ cái nền truyện mà nhân vật Bùi Thị Xuân thực sự “ảo” hơn nhiều và thế giới trong truyện còn định triển khai có chút kì ảo, huyền huyễn thì tôi đã lôi được tác giả về con đường chính đạo, xây dựng cốt truyện và tư tưởng nhất quán cho vị nữ tướng. Nể phục rất nhiều vì Thành Châu là một tác giả trẻ, tài năng và ấn tượng nhất là chỉ cần nêu tên và ý tưởng mơ hồ về một nhân vật lịch sử, Châu đã có thể nắm bắt và đặt bút viết liền.

Những cảm nhận và sáng tạo của Châu về nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng rất độc đáo, như chỉ từ chi tiết tương truyền đánh hổ cứu Trần Quang Diệu rồi nên duyên vợ chồng, Châu đã cải biên lồng ghép không thể hợp lí hơn một câu chuyện về thần Hổ, những ma mị đổi trắng thay đen, quan quân lọc lõi lừa dân và cao trào đồng điệu trong suy nghĩ cứu nước, cứu dân của cặp đôi tài sắc Quang Diệu – Thị Xuân. Hay các nhân vật phụ, có hoặc không có thật mà Châu xây dựng cũng thực sự đưa đến cao trào cho chuyện, không chỉ là một sự điểm xuyết ngẫu nhiên, trong đó Hồ thị, Trần thị, Nguyễn Phúc Dương, Lê Duy Khiêm là những số phận không được thời thế ưu ái, thù hận và buông xuôi cũng đều vì chữ tình.

Nếu đã quen với các tác phẩm trước của Thành Châu như Hỏa Dực, Thánh dực dũng nghĩa, tôi cá bạn đọc Tây Sơn phụng thần ký sẽ thấy điểm trung hòa giữa cả hai tác phẩm này, chút kiếm hiệp phiêu lưu và chút tình cảm nhẹ nhàng. Truyện không kết thúc ở cuối đời nữ tướng Bùi Thị Xuân, như một người đọc thông thường vẫn mong được đọc trọn vẹn về một nhân vật qua cuốn dã sử mà chỉ để lại phần Vĩ thanh, khi bài sấm truyền về phụng thần lại vang lên, tới tai vị vua trẻ Cảnh Thịnh, báo hiệu một quãng dài những biến loạn sắp ập tới, còn nữ tướng Bùi Thị Xuân vẫn bình tĩnh, sẵn sàng tuốt song kiếm xông pha trận mạc. Thành Châu, theo tôi thấy, từ cuốn sách này, cũng đã sẵn đà mở ra một “vũ trụ Tây Sơn” với nhiều cuốn truyện sau đó, mà người đọc chắc chắc sẽ háo hức mong đợi, say mê trải nghiệm sự biến hóa tài tình của các nhân vật và những màn hành động không thể hấp dẫn hơn.

Thành Châu, cây bút trẻ yêu lịch sử rất đơn thuần, khiến tôi tự tin nhận định, bạn đã đưa đến một Bùi Thị Xuân chưa từng có, với những nét cá tính chưa từng được soi tỏ, và một tư tưởng của người cầm kiếm chiến đấu vượt trên các nam nhi cùng thời.

Nhân đây cũng cảm ơn rất nhiều bồ tèo Trần Quốc Anh đã mất ăn, mất ngủ cho chiếc bìa sách đầy cách tân và sáng tạo, thoát khỏi hình mẫu Bùi Thị Xuân cưỡi voi, chít khăn vốn vẫn được đưa lên các trang sách báo trước giờ. Công lao may áo cho sách thực sự không nhỏ chút nào.

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây: