Thành Thăng Long hùng vĩ bên bờ sông Hồng, là nơi sinh sống của Long – Phụng, của công khanh quý tộc, và của 30 vạn bách tính đủ mọi tầng lớp, đủ hết sang hèn.
Phía Đông Bắc thành Thăng Long có một xóm lá xập xệ là nơi nương náu của 8.000 người nghèo nhất xã hội, phường nô lệ vô chủ, hoặc những gia nô bệnh tật già yếu bị chủ nhân ruồng bỏ. Họ sống chen chúc với chuột, gián, rết, bọ. Làm đủ mọi việc hèn hạ, bẩn thỉu nhất để kiếm miếng cơm qua ngày.
Địa ngục trong thành
Trê và Đong mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hai anh em phải nương tựa nhau mà sống. Vì Đong bẩm sinh gầy gò lắm bệnh, nên Trê phải làm lụng gấp đôi để nuôi em, nó thường chầu chực quanh bến cảng xin làm khuân vác cho các thuyền buôn. Công việc vô cùng nặng nhọc lại bị đối xử như trâu chó. Chủ thuyền cầm sẵn roi mây, thi thoảng chán quá lại quất vào lưng Trê một cái đau điếng, nhưng nó không kêu la dù chỉ một tiếng.
“Làm biếng hả con khỉ đen đúa. Tao trừ tiền công bây giờ.”
Thấy Trê không phản kháng, gã béo quất thêm hai roi như trời giáng:
“Lại còn bị câm. Thằng nô lệ chết bầm. Thua cả con chó.”
Trê nai lưng làm việc từ sáng sớm tới chiều tối chỉ kiếm được 1 tô cơm hẩm và vài xu lẻ. Bị giới chủ buôn chèn ép tận cùng, nhưng nó chẳng dám than vãn, vì ở đất nước này nô lệ không có tiếng nói, không được bảo vệ. Giây phút vui vẻ nhất của Trê là được nhìn em mình – thằng Đong ngồi ăn cơm trong căn nhà lá yên bình.
“Nay cơm ngon quá anh hai, còn có miếng thịt nhỏ xíu nữa nè.”
“Mai anh sẽ ráng vác thêm chút, có tiền mua xoài cho em ăn, đang mùa xoài đó.” Trê nói.
“Lâu dữ lắm rồi, em không còn nhớ mùi vị của xoài nữa…”
Trê nằm xuống ván, vết thương sau lưng đau thấu tủy, nhưng miệng nó lại cười, nụ cười méo xẹo chan nước mắt.
“Anh sắp để dành đủ tiền cho em đi học rồi, sau này đỗ đạt làm quan, không lo đói nữa.”
Nhưng ước mơ của Trê mãi mãi không thể thành hiện thực. Ngày hôm sau, mưa dông tầm tã, nó không chịu nghỉ, cố gắng vác thêm chút nữa, thêm chút nữa, chút nữa… cho đến khi kiệt sức ngã xuống sông sâu mất tích.
Nghe được tin dữ, Đong lặn hụp suốt đêm mò xác anh, nhưng chẳng thể tìm thấy, thành Thăng Long lạnh giá và trống rỗng.
“Em nghe nói bên ngoài tường thành là một thế giới vô cùng rộng lớn, có đồng ruộng, có rừng sâu, có sông suối. Đồ ăn rất nhiều, không bao giờ lo đói.”
Trê thở dài, buồn rầu nói:
“Chúng ta là nô lệ vô chủ, ở trong đây còn có thể nương tựa bảo vệ nhau, nhưng ra ngoài thành sẽ bị lũ Hắc Dực săn lùng đó. Nhẹ thì đày ra biên cương đục đá xây thành. Nặng thì bị tống vô hầm mỏ tối tăm, đói khổ cùng cực, cuộc sống thua cả súc vật, 10 người đi thì hết 9 người bỏ mạng.”
Bốn bề biển nước, Đong gào khóc tức tưởi, nhưng chẳng ai nghe, trời không thấu. Mưa xối xả nhấn chìm tấm thân gầy gò của Đong. Sau đêm đó, ai cũng nghĩ thằng Đong sẽ đi bán muối chung với anh mình. Nhưng không hiểu sao nó vẫn bò lết cố sống, nhặt nhạnh từng miếng rác trong chợ để ăn.
“Em không thể chết. Em phải trở thành người hùng mạnh nhất. Em phải thực hiện bằng được ước mơ của anh. Bất cứ giá nào. Bất chấp mọi giá…”
Có hôm người ta thấy Đong ăn cả con chuột to đùng, hôm thì ăn xác chó trương sình, hôm lại nhai ngấu nghiến con rết trông tởm vô cùng. Nó ăn mọi thứ trong tầm mắt, để tiếp tục bám víu sự sống hèn mạt.
“Ngạ quỷ, quỷ đói!”
“Đánh nó đi!”
“Đồ nghiệt súc kinh tởm.”
Kể cả dân nô lệ cũng hất hủi Đong, đánh đuổi nó vào nơi tối tăm nhất của Xóm Nô Lệ: Bãi Tha Ma, nơi chỉ có cái chết và những kẻ cùi lở bệnh tật nằm thoi thóp chờ chết.
Chiều hôm đó, bầu trời xám xịt như sắp đổ mưa, thế gian oi bức ngột ngạt khủng khiếp. Đong lết vào bãi tha ma muốn giành thịt người với lũ quạ. Chợt, nó dừng trước một căn nhà gỗ mục nát, xung quanh đất bùn nổi xanh nổi đỏ khá kì dị. Trên cửa treo một tấm bảng ghi mấy chữ gọn lỏn rằng: “Mướn người làm, tiền công 1 đêm 1 lượng bạc.”
Trời đất, suốt cả cuộc đời Đong chưa từng thấy 1 lượng bạc bao giờ, nhưng nó biết số tiền đó to lắm. Đủ ăn uống phủ phê cả tháng trời.
“Ma quỷ, đáng sợ lắm, đừng vào.” Một ông lão cản Đong lại.
“Mẹ kiếp, còn gì đáng sợ hơn cái đói.”
Dứt lời, Đong liền đẩy cửa, những tiếng lạch cạch, kẽo kẹt quái dị vang lên.
Đó là nhà của một lão già què quặt tên là Câu, nghe nói thời kháng Nguyên Mông từng là một tướng quân lừng danh, nhưng không hiểu sao lại bị cắt hết gân tay gân chân, trúng loại kì độc phá hủy toàn bộ dung mạo, biến thành một kẻ thân tàn ma dại, xấu xí khủng khiếp.
Nghe đồn đại, lão đã lấy xác trẻ con bị sét đánh làm mồi nhử bắt được 4 con rết vương, dùng tà thuật yểm rết vào vị trí các gân bị đứt. Nhờ vậy có thể đi đứng trở lại, nhưng tướng hình quặt quẹo dị hợm, các khớp chân khớp tay lĩa chĩa chân rết, ban đêm mà gặp phải chỉ có chết khiếp. Lão Câu biết vậy nên suốt 70 năm sống ở Bãi Tha Ma, lão chưa hề bước ra ngoài. Công việc chính của lão là nuôi luyện rắn rết trùng độc, tinh chế độc dược. Độc của lão nổi tiếng khắp nước, rất được cánh thương buôn ưa chuộng, hầu như làm ra không kịp bán.
Lại kể, ngay khi Đong bước vào trong nhà lão Câu, cánh cửa tự động đóng sầm lại. Đêm hôm đó, những tiếng la hét kinh khủng vang vọng khắp bãi tha ma, từ trong tiếng thét ta có thể mường tượng ra thằng nhỏ đang chịu đủ thứ cực hình tra tấn: lột da cắt xẻo, ruột gan tùng phèo, lửa đốt kim châm, giã xương tách sọ… đủ mọi hình thái của cái đau đớn thể xác. Đẩy lên cực hạn, giày xéo, kéo dãn ra vô tận.
Gần sáng, người ta thấy lão Câu trùm áo choàng đen, lén lút kéo một cái xác xanh dờn quẳng ra Bãi Tha Ma.
Cái xác cứ nằm phơi nắng phơi sương, hôi thối đến mức quạ cũng không dám lại gần để mổ, rắn rết đụng phải đều bỏ chạy. 3 ngày liền như vậy. 3 đêm liền như vậy…
Thốt nhiên có một tia sét sáng lòa đánh xuống giữa kinh thành, chớp nhoáng sáng như ban ngày. Và người ta thấy cái xác xanh dờn kia từ từ ngồi dậy. Nó ngồi đó, mắt nhắm, cứng đờ, tựa như một khúc gỗ điêu khắc hình người. Nó ngồi đó liên tục 6 ngày liền. Sang ngày thứ 7, cái xác xanh dờn hơi cử động, nó vừa bò trườn vừa lẩm nhẩm rằng: “Khát… khát quá…”
Nó bò khỏi gò xác, chui qua bụi cỏ gai, mặc kệ mấy lão già bệnh tật thoi thóp nằm rải rác khắp Bãi Tha Ma. Đến khi trời gần sáng nó đã bò tới chỗ tường thành bị sụp lở, gục đầu xuống một vũng nước mưa đục ngầu.
Và khi nó ngẩng đầu nhìn lên, bình minh vừa nở, ánh sáng dịu nhẹ trải khắp kinh kỳ. Nó nhìn qua bờ tường sụp, qua bãi bồi um tùm lao sậy, bên kia sông có một tòa phủ đệ nguy nga, nổi bậc nhất là tòa lầu hai tầng xây bằng loại gỗ đỏ rất đẹp. Trên tầng lầu, có một cô gái trạc tuổi nó đang đứng dựa vào lan can. Nàng mặc giao lĩnh xanh quây thường tía, tóc cài trang sức vàng ngọc. Đường mày đẹp như một nét bút, mắt trong trẻo tựa hoa đêm.
“Tiên… tiên nữ…”
Hạt mầm sự sống một lần nữa mọc lên, chảy tràn khắp huyết quản nó. Đong gồng tay đứng dậy, mắt sáng dữ dội, gào lên một tiếng kinh động:
“Sống! Ta nhất định phải trở thành người hùng mạnh nhất!”
Rồi nó quay đầu chạy trở lại Bãi Tha Ma, liên tục đập cửa nhà lão Câu, quát tháo ầm ĩ:
“Lão quỷ quyệt, mau trả công 1 lượng bạc cho tôi, tính quỵt hả?”
Cửa cót két mở, lão Câu thập thò nhìn ra:
“Mày… còn sống… ngạc nhiên đó. 1 lượng của mày đây, phắn!
Vô tình Đong thấy trong nhà lão Câu có 3 vị khách vận áo gấm, cầm binh khí mạ vàng, mặt mày lạnh sát khí. Nó ngờ ngợ nhớ rằng mình đã gặp những người giống vậy ở đâu đó. Ở đâu ta? Đúng rồi! Là Cấm vệ quân.
Nó cầm 1 lượng bạc trên tay, nặng thật. Sức nặng của tiền đây sao? Lúc ra khỏi ngõ, Đong lại nghe loáng thoáng lão Câu gắt với tụi Cấm vệ rằng: “Huyết độc cái mẹ gì, làm gì còn huyết độc trên đời nữa, lũ người biết huyết độc đã chết rã xác hết rồi, khốn kiếp…”
Cứ như thế Đong tìm được việc làm đầu tiên của mình, lão Câu đã thử mọi loại độc quái gở nhất lên người Đong: độc rết vương trả công 1 lạng bạc, độc cóc vương 2 lạng, độc ong sét đánh 4 lạng, độc rắn hổ chúa 7 lạng…
Sau 1 năm siêng năng làm việc, Đong đã để dành được 100 lạng bạc, trở thành người giàu thứ hai trong Xóm Nô Lệ sau lão Câu.
Một ngày đẹp trời, chuyện bất ngờ nhất xảy ra. Đong đem hết 100 lượng bạc mà mình đổi cả tính mạng kiếm được đưa cho lão Câu. Cậu quỳ dưới đất, khấu đầu nói rằng:
“Xin người nhận con làm đồ đệ, con muốn học võ, học kiếm thuật, học độc công. 100 lượng này là lễ bái sư!”
Lão Câu xếch mắt:
“Đồ đệ cóc khô, tao không nhận.”
Dứt lời, lão giật lấy 100 lượng của Đong rồi đóng sầm cửa lại.
Lát sau, ta thấy cửa sổ he hé mở, lão Câu ồm giọng nói rằng:
“Hôm nay sẽ dạy mày Kiếm Quyết, nhớ cho kĩ, tao chỉ đọc 1 lần thôi…”
Thế là ban ngày Đong luyện kiếm, ban đêm luyện độc, mỗi sáng đều dậy rất sớm chạy đến chỗ tường thành sụp đợi tiên nữ xuất hiện. Đôi khi nàng đứng trên tầng lầu đó rất lâu, đôi khi chỉ lướt qua như cơn gió, đôi khi vắng lặng như tờ. Đôi khi nàng vui, nhiều lúc nàng buồn khóc. Đong ngồi co rúm như con chuột trong hang, thầm lén ngắm nàng ngày qua ngày, tháng qua tháng.
3 năm sau, thằng nhóc Đong gầy gò, ốm đói như quỷ đã trở thành một thanh niên cường tráng, da ngăm đen, kiếm pháp tuyệt luân, đánh khắp Xóm Nô Lệ không có đối thủ. Việc làm đầu tiên của Đong là trở lại khu cảng, nơi anh Trê đã làm việc đến chết, chặt hết tay chân tên chủ buôn to béo, rồi thả hắn xuống hầm rết, dùng máu tươi nuôi luyện rết vương. Đong quy tụ trai tráng nô lệ lập thành một đội quân hơn trăm người, phân phong chức tước, truyền dạy võ nghệ, chẳng mấy chốc đã hùng bá một góc kinh sư. Đến cả quân triều đình cũng phải nể mặt Đong vài phần.
Thời đại của Nghệ Hoàng
Bấy giờ vua Trần Dụ Tông mất mà không có con nối dõi. Hiến Từ Thái hậu bèn chọn cháu đích tôn của mình là Trần Nhật Lễ nối ngôi mà bỏ qua những hoàng thân trưởng thành tài giỏi hơn như Trần Phủ, Trần Kính.
Ai ngờ chuyện vỡ lở ra Nhật Lễ là con tu hú, Cung Túc vương Trần Nguyên Dục vì mê đắm nhan sắc của một ca kĩ đóng vai Tây Vương Mẫu mà bắt ép nàng về làm thiếp, lúc đó nàng đã có mang với kép hát Dương Khương, 8 tháng sau thì sinh ra Nhật Lễ.
Nhật Lễ biết mình không phải họ Trần nên ra sức đàn áp Trần gia, đón rước cha ruột Dương Khương vào cung phong làm Lệnh thư gia, lại muốn đổi hẳn sang họ Dương. Hiến Từ Thái hậu phản đối liền bị y bỏ độc giết chết. Sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc mưa máu gió tanh về sau. Cuối cùng các hoàng thân Trần Phủ, Trần Kính, Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa đã hợp sức đánh bại Nhật Lễ, trung hưng nhà Trần. Trần Phủ lên ngai vàng, hiệu là Nghệ Hoàng tức Trần Nghệ Tông.
Nghệ Hoàng là ông vua nhân hậu, đức độ. Một ngày sau đăng cơ, ông chở 100 xe lương thực, áo ấm vào Xóm Nô Lệ phân phát cho bá tánh nghèo khổ, không phân biệt dân thường hay nô lệ. Ông tuyên bố:
“Tất cả thần dân sống dưới vòm trời đều là con của trẫm. Ai đói cần thức ăn, ai đau ốm cần thuốc, ai lạnh rét cần áo mặc cứ tới cửa cung lãnh về. Quan viên nào dám ngăn cản, đánh đuổi dân sẽ bị nghiêm trị.”
Nghe vua nói, ai cũng mừng rỡ hô vang, nhiều người còn ôm nhau khóc nức nở. Họ chưa bao giờ được thấy một ông vua hiền minh, thương dân như vậy. Nước Việt sắp quay trở lại thời thịnh thế xa xưa rồi.
Đong ngồi trên gò đất phía xa, vừa chăm chú nhìn vua, vừa nhai trái ổi chát ngắt, nói rằng:
“Ta muốn trở thành đại tướng quân, phò tá đế nghiệp phi thường của ông ấy.”
Thằng Lươn, một trong những thân tín của Đong đáp:
“Nô lệ vô chủ như chúng ta làm sao có cửa, đừng mơ mộng tầm phào nữa.”
Đong trừng mắt:
“Không có cửa thì phá tường mà đi.”
Bước ngoặt nghiệt ngã
Vậy mà, ánh sáng vừa tỏa rạng mây mù liền kéo tới. Vào một buổi tối, lửa bay đầy trời, hàng trăm hòn đá rực cháy trút xuống thành Thăng Long cổ kính. Nhà cháy, cây cháy, chùa cháy, sông cháy, xác người lớp lớp cháy thành tro.
Lợi dụng lúc nước Việt đang nghỉ lễ ăn mừng, quân Căm – Pa – Desh – Sa lén lút vượt biển tấn công, 300 chiến thuyền bao vây kinh sư, 1 vạn tay thủy thủ khát máu liên tục tràn xuống, bắc thang trèo vào thành, cướp giết, hãm hiếp, treo xác lên cây, mổ bụng phụ nữ mang thai, chặt đầu nhà sư chất thành núi. Không có việc tởm lợm gì mà chúng không dám làm. Chúng phá cửa hoàng cung, bắt phi tần, công chúa và cung nữ đẹp hàng trăm người. Ai chống cự đều bị chúng hãm hiếp, phanh xác tại chỗ.
Bấy giờ vua Trần Nghệ Tông đang nằm ngủ, nghe tin giặc tới thì hoảng quá, chỉ mang theo được 1 rương ấn tín, sắc thư, lên thuyền chạy sang Đông Ngàn. Bỏ lại vạn dân trong vòng binh lửa.
So với những khu vực giàu có khác, Xóm Nô Lệ vẫn khá yên bình vì chẳng có gì để giặc vào cướp. Đong cầm trường kiếm, cùng chục tay thân tín nhóm họp quanh gò đất. Thằng Lươn nói:
“Nhân cơ hội này hãy đi đánh cướp các nhà giàu, phỉ chí một phen.”
Thằng Thẹo vỗ đùi nói:
“Có lý, tao cũng muốn bắt vài em gái đẹp về xơi thử cho biết mùi! Ngủ với lũ chuột gián chán quá rồi.”
Đong nổi giận quát:
“Con mẹ tụi bây, làm vậy khác gì với giặc.”
Thằng Lươn khịt mũi:
“Lũ nhà giàu quyền quý đó có bao giờ coi chúng ta là người. Mắc gì phải nể nang. Đi thôi anh em! Được thời phải thế! Không làm thế trời tru đất diệt! Ha ha!”
Vậy là cả bọn lúc nhúc kéo nhau vào hoàng thành cướp phá các nhà buôn và phủ đệ quan lại. Tang thương chất chồng tang thương. Tiếng kêu khóc ngập tràn nhân thế. Chỉ còn một mình Đong ngồi trên gò đất, lòng suy nghĩ hỗn loạn. Bất chợt gã đứng phắt dậy, chạy mải miết tới chỗ tường thành lở, nhìn qua bên kia bãi bồi. Ôi trời, tòa phủ đệ đẹp đẽ kia cũng đang cháy ngút.
“Con mẹ nó!”
Đông bất chấp bơi qua sông. Nhưng khi tới được giữa dòng thì cảm thấy có gì bất thường, hàng chục, hàng trăm con bọ nhớp nháp đang bám vào mình gã. Ngứa ngáy châm chích khủng khiếp.
Gã cắn răng bơi tiếp thì đụng phải một vũng xác chết sền sệt, da thịt ai cũng toát máu, mắt mũi miệng tai ầng ậc đổ máu. Có đến hàng trăm cái xác quanh đây. Khi Đong lồm cồm bò được lên chân đê thì đụng phải một tên giặc mặc giáp vải cá, đầu u như sừng bò, tay cầm thanh kiếm đen ám, hắn trừng mắt nhìn Đong:
“Quái, mày còn sống hả?”
Đong không thèm đáp lời, cứ xăm xăm đi về phía tòa phủ đệ bốc cháy, hoa liễu bốc cháy, hồ nước sục sôi, Đong tìm kiếm khắp xung quanh, nhưng chỉ thấy sự trống rỗng. Tiên nữ đã biến mất, thế gian chỉ còn quỷ dữ. Không, gã thề không tha thứ, không tha thứ. Phải rửa sạch thế gian này, bắt đầu từ…
“Con mẹ mày, dám phớt lờ tao? Cái thằng đen đúa chết bầm… Mày đã làm gì đám thủy trùng của tao hả? Sao chúng chết hết rồi?”
Đong nhoẻn miệng nhưng không cười:
“À! Chắc là chúng nó lỡ hút phải… thứ huyết độc đang sôi sục trong người tao!”
Nghe đoạn, tên Căm – Pa – Desh – Sa xám mặt. Lửa vây quanh hai gã độc thủ, cuộc chiến thật sự chỉ vừa mới bắt đầu.