[Huyết độc] 2: Tử chiến Đà Mạc

Thiệu Bảo năm thứ 7 (1285), mùa Xuân, tháng 2.

Thành Thăng Long mang một vẻ đẹp trầm mặc khó tả, mùa cơm nguội vàng qua đi, mùa hoa cúc dại đến. Cuối xuân là khoảnh khắc hoa ban nở rộ, nhuộm tím cả một vùng kinh kỳ. Những bức tường rêu phong bao quanh đầm nước xanh lơ, xanh nhạt. Mấy vọng lâu cũ ít người qua lại, hay hàng liễu rủ điểm tô mái chùa cổ kính. Hoàng cung là công trình kỳ vĩ, to lớn bậc nhất thiên hạ, trung tâm có đại điện Thiên An, nơi tổ chức những buổi lễ, yến quan trọng. Phía sau có điện Trường Xuân, một tòa lầu bốn tầng tuyệt đẹp, là nơi vua nghỉ ngơi, đọc sách. Trước điện Trường Xuân có điện Thiên Khánh, là nơi vua nghe chính sự và xử án, điện làm kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu Phượng Hoàng. Rồi quảng trường rộng thênh thang phía trước lầu Ngũ Phụng, là nơi triều đình thường tổ chức duyệt binh, cho voi hổ đấu nhau, hay trình diễn những loại vũ khí mới.

Đầu năm nay, giặc Thát đánh gấp, chúng huy động một lực lượng đông đến 30 vạn binh mã do hoàng tử Thoát Hoan chỉ huy. Dưới trướng là một loạt tướng lĩnh đình đám, như A Lý Hải Nha người Duy Ngô Nhĩ, được mệnh danh là chó sói khát máu, đánh đến đâu đều làm cỏ thành trì, sát hại dân chúng dã man đến đó. Lý Hằng, viên tướng xuất sắc người Tây Hạ, từng lập được nhiều công lao trong trận Tương Dương, Phàn Thành, kết liễu nhà Nam Tống. Ô Mã Nhi, viên tướng gốc Hoa Lạt Tử Mô, được phong hiệu là Bạt Đô, nghĩa là anh hùng hay chiến binh quả cảm nhất. Toa Đô, người của bộ tộc Trát Lạt Nhi, trong trận Tương Dương, Toa Đô dũng mãnh phá một loạt trại của quân Tống, còn tự tay chém hơn ba trăm thủ cấp. Thế giặc Thát mạnh như rồng hổ, do vừa mới đánh bại Nam Tống không lâu, binh lính đều thành thạo trận mạc, chiến tích như rừng. Trong khi Đại Việt ta an hưởng thanh bình hơn hai mươi năm, việc kiếm cung có phần bê trễ.

Cuối tháng Giêng, giặc ồ ạt tràn qua biên giới, liên tiếp thắng lớn ở Khả Ly, Nội Bàng, Vạn Kiếp. Quân Trần tan vỡ, ngài Hưng Đạo Vương bị vây, may nhờ có Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền, Vương mới thuận lợi lui binh. Tiếp đến thành Thăng Long cũng thất thủ, hoàng tộc cùng dân chúng lũ lượt sơ tán khỏi kinh sư.

Cậu ngoái nhìn rừng ban tím lần cuối, trước khi ruổi Ác Là chìm vào đêm trường. Cậu tên gì? Không thể nhớ. Gió bụi chiến chinh dần khiến đầu óc ta mụ mị, hoang đường. Cậu chỉ cao hơn con chó săn một chút, cầm kiếm còn không vững, nói gì đến giết giặc lập công.

“Nhóc con quá lùn và yếu”. Nguyệt tỷ vò đầu rồi ném cậu về phía hậu phương, bắt cậu làm những việc lặt vặt, đầy buồn tẻ. Không, cậu muốn được kề vai sát cánh bên Nguyệt tỷ, muốn vung kiếm thét gầm trong sấm chớp. Muốn được nhìn thấy Nguyệt tỷ mỗi ngày.

Ngày qua ngày, cậu lang thang giữa khu vườn rộng lớn, khi chơi trò cút bắt với con Ác Là, khi luyện bắn cung đến chai sần cả hai tay, Nguyệt tỷ vẫn chưa trở về. Cậu thường trèo lên cây sưa khổng lồ, nheo mày nhìn đường trời mờ mịt. Quạ đen kéo bè kéo lũ bao vây một ngôi làng đỏ lửa, kháo nhau rằng có nhiều thịt người lắm. Sông Cái đổi màu nâu đỏ, cậu không rõ đó là phù sa hay máu người. Kiên trung cũng chết, hèn nhát cũng chết, giặc Thát nổi tiếng với trò chặt đầu người xếp kim tự tháp. Có bao nhiêu vương quốc đã bị hủy diệt dưới vó ngựa hung tàn? Tây Liêu, Tây Hạ, Ba Tư, Đại Kim, Đại Lý, Đại Tống, Cao Ly? Có bao nhiêu thành trì phồn hoa bỗng chốc biến thành cát bụi? Cậu nằm dài trên tán cây ngắm áng mây trôi dài, Nguyệt tỷ vẫn chưa trở về.

Dân chúng lũ lượt di tản vào rừng sâu, ruộng lúa bị đốt sạch sẽ, Đại Việt quyết liệt dùng kế thanh dã kháng giặc. “Bọn Mông Thát không thể đánh nhau với cái bụng đói, chúng sẽ sớm bại trận”. Hàng trăm cột khói não nùng, tiếng voi thét gầm bi ai. Tịch tà tàn úa nuốt chửng tất cả, Nguyệt tỷ vẫn chưa trở về.

Sáng hôm đó, sương phủ đầy mặt đất, tiếng chim tranh nhau ngoài bờ bãi. Cậu giật mình thức giấc, tìm đường thoát khỏi khu vườn rậm rạp. Trên người chỉ mặc một tấm giao lĩnh mỏng manh, tay cầm thanh kiếm mỏng. Giặc Thát có thể tràn đến bất cứ lúc nào, nhưng không phải buổi sáng tuyệt đẹp hôm nay. Hết khu vườn, đến chân đê nở đầy hoa dại. Hết rặng tre gai, đến ngọn đồi cỏ mọc lưa thưa. Cậu sững sờ nhìn sương đọng trên hoa sưa trắng. Có thứ gì đó dọa dẫm, rình rập dưới tán cây, ẩn mình trong màn sương đậm đặc.

Tiếng dây cung căng cứng, tiếng cọ xiết của kim loại. Xoẹt, mũi tên xoáy tròn thổi tung mái tóc cậu, vài lọn tóc bị cắt lìa bay tá lả khắp không trung. Cậu cắn răng nhảy vụt về phía lùm cây gai, tay bị cắt chảy máu nhưng cậu không thấy đau. Nheo mày và tuốt trần thanh kiếm mỏng, cậu lộn mấy vòng thu hẹp khoảng cách với cây sưa già. Cây sưa ngàn tuổi bị sét đánh làm đôi, nhưng hai phần vẫn sống, đơm hoa kín cả ngọn đồi.

Xoẹt, thêm ba mũi tên sắc nhọn xé gió lao tới. Cậu không thể tránh né tất cả, liền vung kiếm uyển chuyển như ngọn sóng, đánh bật cả ba mũi tên. Khoảng cách còn năm bước chân, cậu hồi hộp đến mức không thể thở nổi. Tuy nhiên, cái bóng đen vẫn kiêu ngạo như vậy, nó xoay chuyển cây trường thương, liên tục đánh vào yếu điểm trên người cậu. Thương linh hoạt, thương đảo chiều, thương liên hoàn, thương vần vũ. Các chiêu thức đều nhanh nhẹn và biến hóa khôn lường. Vài đường kiếm cỏn con của cậu không thể bì kịp đẳng cấp của cái bóng đen. Cậu loạng choạng thở dốc, nhưng quyết không bỏ cuộc. Cậu nắm chặt tay, rồi tung ra một luồng phi châm đen kịt. Cái bóng xoay một vòng tránh né, nhưng khi định thần trở lại, thì cậu đã biến mất. Cậu linh hoạt như một con sóc nhỏ. Cậu ẩn nấp ở đâu? Bên trái, bên phải, lùm cây gần đó, hay từ trên cao thình lình đánh xuống?

Không, sương chảy đều như suối đổ, ngay vị trí vừa biến mất, cậu đột ngột xuất hiện trở lại, vùng dậy như một con sói dữ dằn, lia lưỡi kiếm ngang cổ cái bóng. Rồi mọi thứ dừng lại, bẽ bàng, cậu phát hiện ra ngọn thương bén ngót đã nằm trước yết hầu của mình từ khi nào. Cậu không thể đánh bại cái bóng, chỉ biết lùi lại thủ thân.

Mái tóc Nguyệt tỷ vẫn dài như vậy, nét mi đường mày xinh đẹp xuyến xao.

“Biết lợi dụng sương mù ẩn nấp sát mặt đất, cũng khá khôn lanh, nhưng vẫn chưa đủ.”

Nói đoạn, Nguyệt tỷ xoay thương đánh vào vai cậu. Cậu hét lên:

“Đau quá!”

Dù đau điếng nhưng cậu vẫn gan lì đứng thẳng, ngước nhìn Nguyệt tỷ không chớp mắt. Hai bóng người bất động, chỉ có vạt áo giao lĩnh bay bay trong gió nhẹ. Lâu thật lâu, khi sương tan bớt, nắng ấm vừa lên, Nguyệt tỷ nắm tay cậu cùng ngồi xuống đất, lựa hái rau khúc tươi non. Nàng thủ thỉ trò chuyện:

“Rau khúc cuối xuân, hái vào buổi sớm, hấp lên rồi đem giã nhuyễn, trộn với bột gạo làm vỏ bánh. Nhân bánh thì dùng đậu xanh, ngâm đủ nước, đồ chín tới, giã thật mịn, trộn với thịt thái hạt lựu… Cuối cùng nấu thành món bánh khúc ngon lành.”

Bất giác cậu ngắt ngang lời Nguyệt tỷ:

“Tay tỷ bị thương kìa!”

Cậu định chạm vệt máu trên tay Nguyệt tỷ, nhưng nàng vội vàng rụt lại, mắt nhìn cậu đượm buồn, nàng nói:

“Cẩn thận! Trúng phải Huyết độc là toi mạng đấy.”

Cậu khảng khái đáp:

“Em cũng muốn luyện Huyết độc.”

Rau khúc mọc tràn xuống chân đồi, men theo cung đường mòn, lẫn vào đám cỏ gai chằng chịt. Nguyệt tỷ thở dài:

“Môn tà độc này nữ nhân luyện dễ, nam nhân e khó luyện thành…”

Cậu đáp:

“Chỉ cần thành tâm thì có gì khó đâu tỷ, như việc nấu nướng, làm bánh, tỷ dạy một lần là em làm được ngay.”

Nguyệt tỷ lắc đầu:

“Không kịp đâu nhóc.”

Câu nói của tỷ nghe thật buồn, cuộc chiến với giặc Thát ngày càng ác liệt. Triều đình tứ tán, quan tướng lũ lượt hàng giặc, cung thất bị giặc đốt phá không thương tiếc. Quân Huyết Dực chỉ còn mười chín người, các quân vệ khác cũng tử thương vô số…

Suốt buổi sáng hôm đó, cậu và Nguyệt tỷ tập trung nấu món bánh khúc, không nhắc gì đến chuyện giao tranh nữa. Người giã nhuyễn, kẻ đồ đậu, vo tròn nhân bánh như quả trứng gà. Hấp bánh cũng là một thú vui, hai chị em ngồi bên bếp lửa tỉ tê hàng ngàn chuyện trên đời. Nào là hành cung Vũ Lâm có một vườn xoài rất rộng, đang mùa trổ bông, đến giữa năm thì xoài chín, nhà vua sẽ hái xuống ban thưởng cho quan lại, tướng sĩ. Năm nào quân Huyết Dực cũng được một giỏ to, chia nhau ăn thỏa thích. Rồi chuyện nhà vua của chúng ta, tuy kế thừa ngôi cao, hậu cung toàn là quốc sắc thiên hương, nhưng lại nuôi chí hướng xuất gia theo Phật. Có lần người trốn khỏi hoàng cung, bí mật lên núi Yên Tử ẩn tu, vua cha biết được liền cử quan quân tìm về, khuyên răn mãi ông mới miễn cưỡng nhận ngôi. Rồi chuyện Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ngại tắm, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn thì thích thơm, một hôm hai người gặp nhau, ngài Quốc Tuấn đùa bảo Quang Khải rằng: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, liền cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải cũng vui vẻ đáp: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai ông càng thêm bền chặt. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.

Nhắc đến chuyện tắm rửa, Nguyệt tỷ chợt thấy bứt rứt vô cùng, đánh giặc suốt mấy ngày nay lấy đâu ra thời gian tắm gội tử tế. Thế là cậu nhanh nhảu chạy tuốt ra bến sông múc nước, đổ đầy hồ bán nguyệt. Gọi là hồ bán nguyệt cho vui, thực ra nó chỉ là một bể nước nhỏ làm bằng đá cuội, xung quanh trồng hoa thiên điểu, lấy đậu biếc làm rèm châu, trông thật thi vị. Cậu tiện tay hái thêm mớ hoa bưởi, hoa nhài rắc lên mặt nước cho thơm tho. Nguyệt tỷ dựng thương dài bên vách, cởi hết giáp phục nặng nề, xõa mái tóc phủ đầy bờ vai trần, yểu điệu bước vào bể nước. Thật sự không đến mức yểu điệu như nhi nữ thường tình đâu. Cậu đứng ngay bậc cửa, ngượng ngùng chẳng dám nhìn vào.

“Để… để em hái thêm hoa nhài cho tỷ…”

Nguyệt tỷ vẫy tay gọi cậu:

“Được rồi, nhóc vào đây gội đầu giúp ta được không?”

Đó là lần đầu tiên cậu run rẩy khi chạm vào mái tóc Nguyệt tỷ. Nhìn thấy vẻ bối rối của cậu, Nguyệt tỷ chỉ cười nhẹ rồi khép hờ mắt, lim dim ngủ. Tiếng gió lùa qua song cửa nghe thật buồn thương. Lúc vén tóc Nguyệt tỷ cậu phát hiện ra điều gì đó, liền hỏi rằng:

“Sau gáy tỷ có xăm hình, ngộ quá!”

Nguyệt tỷ kể bằng chất giọng trầm buồn:

“Lúc bị tống vào tù, bọn cai ngục thích chữ lên trán ta để đánh dấu, vết nhơ đó khiến ta buồn phẫn suốt một thời gian dài. Sau này, khi luyện tới cảnh giới cao nhất của Huyết độc, ta phát hiện ra Huyết độc có khả năng chữa lành mọi tổn thương, không để lại dấu vết gì. Tuy nhiên, theo quy định, tất cả Huyết độc nhân buộc phải xăm chàm một biểu tượng nào đó lên người. Ta đã dùng đến trấm độc và độc núi lửa để tạo ra hình xăm phụng hoàng lật ngược này. Thật buồn cười phải không, lúc nhỏ ta tìm mọi cách để xóa bỏ một vết xăm, lớn lên ta lại rước một hình xăm khác vào người”.

Nghe chuyện, cậu trầm ngâm suy tư một lúc rồi đáp:

“Em cũng muốn xăm chàm giống tỷ”.

Nguyệt tỷ lắc đầu:

“Không kịp đâu nhóc…”

Ngày tàn úa, ánh tà rọi ngang mặt lũy. Hai chị em rủ nhau chèo xuồng hái mớ rau dại bên kia truông. Nguyệt tỷ mặc chiếc áo giao lĩnh màu xanh nhạt, tóc búi cao cài ngang cây trâm sắt. Vài lâu thuyền tàn tạ của triều đình lướt qua, binh lính ngồi gục như những hồn ma vất vưởng. Cậu nhìn vào mắt họ, cậu nhìn xuống đáy sông, tất cả đều phản chiếu một màu đồng nhất, của cái chết.

“Quân ta tiếp tục thua trận Thu Vật, sĩ khí giảm sút quá nhiều. Truy binh của giặc đang bám đuổi quyết liệt, e rằng…”

Nguyệt tỷ bỏ lửng câu nói, cậu buông mái chèo lững lờ, nước trôi chậm và thời gian trôi rất nhanh.

Đêm hôm ấy, Nguyệt tỷ chong đèn ngồi chép sách suốt canh thâu, thế gian yên tĩnh một cách lạ thường. Không còn tiếng voi gầm khủng khiếp, không tiếng vó ngựa giục giã. Vài giọt sương đọng trên mái ngói rơi xuống bậc thềm đầy rêu. Rêu xanh và cỏ xanh, gió núi xua đi bầu không khí ẩm thấp, ngột ngạt. Trăn trở mãi cũng không ngủ được, cậu ngồi dậy, lững thững đến văn án mài mực cho Nguyệt tỷ, ngô nghê hỏi:

“Sao tỷ còn thức?”

Nguyệt tỷ tập trung cao độ, nàng đang chạy đua với thời gian, những con chữ dính liền và không còn vuông vức nữa. Nàng đáp rằng:

“Hồi sáng em nói muốn luyện Huyết độc, ta nghĩ nên chép lại bộ công phu này, chẳng may tử trận, thì nó cũng không bị thất truyền.”

Cậu vội ngắt lời:

“Tỷ đừng nói gở!”

Cậu buông thỏi mực đen xuống, đưa tay bịt miệng Nguyệt tỷ, chỉ là một cái chạm nhẹ, không hiểu mân mê hay quở trách. Không hiểu hữu ý hay vô tình. Suốt đêm cậu cứ trăn trở mãi, chờ Nguyệt tỷ chép xong quyển sách sẽ sà xuống giường, vô tư ôm cậu ngủ như ngày xưa. Nhưng hết canh bốn rồi đến canh năm, ngọn đèn vẫn sáng, bút ghi đều trên giấy, từng trang, từng trang mệt nhoài.

Cậu nghĩ mình vừa thiếp đi một chút. Chỉ một chút thôi, khi tỉnh dậy, nhìn quanh đã không thấy bóng người. Bút đặt ngay ngắn trên bàn, mùi giấy thơm tho, mực vẫn chưa khô hẳn. Cậu hoảng hốt cắp gươm chạy ra sân, hàng hiên trống vắng, vừng đông mờ nhạt. Nguyệt tỷ không có ở đây. Cậu chạy quanh vườn bưởi, lá cành lộn xộn cản bước chân người. Cậu chạy ra triền đê, cây dâu già lẻ loi, con nước chùng chình trôi mãi, mấy chiếc thuyền mông đồng[1] neo bến từ hôm qua đã biến mất.

Vậy là Nguyệt tỷ đi thật rồi, không một lời từ biệt. Cậu thất thểu trở về khu lũy cũ. Con đường mòn sao dài ghê. Nắng nhạt nhòa rọi ngang khoảng sân vắng.

“Nhóc cắp kiếm đi đâu sớm vậy?”

Nguyệt tỷ đang ngồi tết tóc trên thềm, cây thương dài sáng lóa đặt bên cạnh, giáp phục đã vận chỉn chu, đường mày kẻ đậm và gương mặt vẽ màu như huyết lệ. Cậu đứng nhìn Nguyệt tỷ trân trân, nước mắt chợt ứa ra, xóa nhòa tất cả. Chưa bao giờ cậu thấy vừa đau lòng, vừa bình thản như vậy, cậu nói:

“Để em tết tóc cho tỷ.”

Những ngón tay bé nhỏ đan vào suối tóc thướt tha, tết thật khéo rồi búi lên cao, vén hết tóc mây cho gọn gàng. Cậu không thể trì hoãn công việc này, ngoài kia, mười tám chiến binh Huyết Dực đang chờ đợi Nguyệt tỷ. Họ đều khoác áo choàng đen, đeo mặt nạ quỷ thần hay vẽ thẳng lên mặt những hình thù rất kinh dị.

Đội mũ trụ xong, Nguyệt tỷ cầm thương uy nghiêm đứng dậy. Cậu cúi gằm mặt, cảm xúc ngổn ngang trong lòng:

“Em nghe nói… đây là nhiệm vụ cảm tử.”

Nguyệt tỷ đáp:

“Nước mất nhà tan, bách tính sẽ chịu khổ. Ngoan đi nhóc, ta đi vài hôm lại về.”

Cậu muốn níu kéo Nguyệt tỷ, nhưng chẳng biết phải nói thế nào, câu từ cứ loạng xoạng vỡ tan:

“Nguyệt tỷ…”

Nàng chỉ ngoảnh mặt một lần, rồi bước đi mải miết. Cậu buồn bã đứng dưới nhánh dâu già, nhìn con thuyền chở mười chín chiến binh Huyết Dực dần chìm vào biển sóng.

Cậu vẫn đợi chờ, hai ngày rồi ba ngày, năm ngày sang bảy ngày. Khu vườn rậm rạp kín lối, con ngựa Ác Là hồn nhiên ăn sạch mớ rau khúc mọc dưới chân đồi. Cây sưa trổ bông nhiều hơn, những ngày sương mù sớm kết thúc. Lũ quạ kháo nhau rằng, thế giặc bức bách, hai vua đã ngầm đi thuyền nhỏ lánh ra Tam Trĩ nguyên, rồi lại vượt biển Đại Bàng vào Thanh Hóa. Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đem gia thuộc hàng giặc.

Khi mọi hy vọng tan biến hết, cậu dũng cảm cầm thanh gươm mỏng, nhét ám khí đầy áo choàng. Đơn độc chèo thuyền lao qua biển sóng. Một cậu nhóc mười ba tuổi, lênh đênh, không tìm được bến bờ. Cờ Mông Thát cắm đầy gò bãi, gió đổi chiều đẩy xác người co cụm quanh chân đê. Cuối cùng, sau nửa ngày lang thang, cậu cũng đến được bãi Đà Mạc. Chiến tàn. Trời đất tĩnh mịch vô cùng, không tiếng người rên rỉ, khóc thương. Không tiếng quạ tranh nhau ăn xác. Chỉ mấy lá cờ đuôi nheo tàn tạ. Im lìm đến kỳ dị. Chìm đắm như rơi vào vực sâu.

“Nguyệt tỷ ơi!”

Bước qua một cánh cổng, cậu thấy nhiều cái xác đứng, quỳ, gãy gập, giương cung, chống thương, muôn hình vạn trạng. Những gương mặt chảy xệ loang lổ kiến xé. Những vũng lầy đặc quánh máu bùn. Quân Thánh Dực mặc giáp đen choàng đen, đeo mặt nạ quỷ hung tợn. Quân Thần Sách mặc giáp choàng trắng toát, đeo mặt nạ tễu toét cười. Quân Củng Thần mặc giáp tía, dựng đứng khiên nhai xải trung kiên.

Chết hết rồi!”

Cậu bước qua cánh cổng thứ tư, cố tránh những cái chân đung đưa, lủng lẳng. Từ đoạn này, cây cối trơ khô và héo mòn với tốc độ chóng mặt. Lũ quạ lao đầu xuống đất chết ngạt. Bọn chó săn cắn xé nhau đến chết. Bầy ngựa hóa điên tự ném mình vào chông tre. Có một cây đa khổng lồ trấn giữ trên gò cao, ngay trung tâm chiến trường Đà Mạc. Hàng ngàn cụm rễ cuộn vào nhau, rồi lan tỏa như biển sóng. Cậu vén màn sương ảm đạm, tuốt thanh kiếm mỏng lật mở từng chiếc mặt nạ một. Quân Huyết Dực ở đâu? Những người đã nhặt cậu về, nuôi dưỡng cậu từ tấm bé? Quân Huyết Dực đâu rồi?

“Nguyệt tỷ…”

Máu thấm sâu vào lòng đất, xác chết là thứ quả mọc ngược. Cậu không dám đối diện với sự thật. Cậu chống gươm quỳ sụp trước một cái xác mặc giáp đen choàng đen. Lá cờ Huyết Dực rũ xuống, cái xác đứng hiên ngang, tay cầm thanh kiếm màu xanh đen, xoay ngược lưỡi kim loại hắc ám, tự đâm vào tim mình. Mái tóc xõa dài che phủ gương mặt vô cảm, vô ưu. Từ cái xác, lan xa hơn năm mươi bước chân có hàng trăm xác Mông Thát, xác ngựa, xác quạ, xác voi, xác chim ưng, xác chó săn, hòa trộn, lẫn lộn. Chúng kêu gào, gầm thét, cào cấu, cuối cùng tự chém giết, cắn xé lẫn nhau theo cách man rợ nhất. Không ai có thể thoát khỏi vòng xoắn ốc của tử thần. Không một ai.

“Đây chính là cảnh giới cao nhất của Huyết độc sao?”

Cậu vén mái tóc của cái xác trung tâm. Tuy đã chết nhiều ngày nhưng hoàn toàn không có mùi phân hủy, da dẻ chỉ trắng bệch đi, hơi gầy một chút, thậm chí còn thoang thoảng hương hoa nhài quỷ dị. Cậu đã lường trước được việc này, bảy ngày qua cậu cố giữ thâm tâm mình bình thản nhất, để đối diện với sự thật.

“Nguyệt tỷ…”

“Nguyệt tỷ!”

Đành rằng, đành đoạn. Cuộc đời là một giấc mơ dài, khi tỉnh dậy, ta sẽ lãng quên tất cả. Mười ba tuổi, cậu không kịp trưởng thành để kề vai sát cánh bên tỷ. Càng cố kìm nén, càng giả vờ bình thản, con tim càng đau đớn vạn lần. Đến khi hàm răng không thể cắn chặt được nữa, cậu uất nghẹn hộc ra một ngụm máu tươi. Máu hóa đen, rỏ tong tong xuống chân Nguyệt tỷ. Cậu ôm chầm cái xác, khóc rưng rức không thành câu. Sắc đẹp của tỷ giờ như đóa hoa bị phong kín, vĩnh viễn, chẳng bao giờ phai tàn.

Tỷ đứng dưới gốc đa khổng lồ, tự đâm thanh Quỷ kiếm xuyên qua trái tim mình, để kích hoạt cảnh giới cao nhất của Huyết độc. Độc nhân phải dùng chính dòng máu bị nguyền rủa của mình đem hiến tế cho quỷ thần. Nguyệt tỷ nhắm hờ mắt, giống như đang ngủ say, lay một chút sẽ tỉnh lại thôi. Cậu cầm bàn tay lạnh lẽo như băng giá của Nguyệt tỷ. Cậu hôn nhẹ lên tóc nàng. Mái tóc tỷ xõa dài gần chạm gối, một vẻ đẹp ma mị, quyến rũ không ai sánh bằng. Bàn chân cậu bước lên dấu chân người đi trước. Lạnh lùng, điềm nhiên.


[1] An Nam chí lược của Lê Tắc cho rằng, Đô hộ kinh lược sứ nhà Đường là Trương Châu đã chế ra thuyền mông đồng. Đây là loại thuyền rất phổ biến và đặc trưng của thủy quân nước ta đến tận thời Nguyễn. Thuyền được trang bị nỏ lớn, có đáy nông, ra vào sông lạch vô cùng thuận tiện, chèo tới lui, di chuyển mau như gió.

CHIA SẺ