Trùng Hưng năm thứ 3 (1287)
Cá nhà táng chết cạn ở sông Bạch Đằng, nhân dân đổ ra than khóc, an táng tử tế cho cá Ông, rồi lập đền thờ hằng năm tổ chức bái tế. Mười lăm tuổi, cậu không trèo lên ngọn cây cao nhất nữa. Mặc cho hoa sưa nở trắng cả đất trời, mặc cho rau khúc mọc xanh bờ bãi. Con ngựa Ác Là trúng gió độc, giở chứng đi hoang, thân thể gầy gò thảm hại. Mùa đông, Ác Là lăn ra chết, quân Huyết Dực huyền thoại chỉ còn một mình cậu.
Ban ngày luyện kiếm, ban đêm cậu ngồi kiết già dưới gốc sưa ngàn tuổi. Hương hoa không làm cậu lay động nữa. Mưa ngâu hay sấm chớp cũng dửng dưng. Nghe nói năm nay giặc Thát lại sang xâm phạm. Nhà vua hỏi Hưng Đạo Vương rằng: “Giặc tới, liệu tình hình thế nào?”. Vương ung dung đáp lời: “Năm nay đánh giặc nhàn.”
Trùng Hưng năm thứ 4 (1288)
Cuối xuân, sau ba năm ngồi lì dưới gốc cây sưa, cậu khoác áo choàng đen, đeo thanh kiếm mỏng sau lưng, quyết định rời khỏi rừng Cấm. Cậu đi suốt mấy ngày mấy đêm, hết nương dâu này đến bến sông khác. Cậu không thể nhớ tên của mình. Người ta nói Bạch Đằng giang là một con sông lớn, sóng trùng trùng bủa vây, hàng trăm xác thuyền đã chìm đắm nơi đây. Qua đêm trường chỉ còn một vùng trắng xóa.
“Trước đó, Hưng Đạo Vương cho đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm qua, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rối giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Tướng Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh Dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp ứng, tung lưới bủa vây, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Lại bắt sống được bọn tướng lĩnh sừng sỏ của giặc là Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ vương, Phàn Tiếp, Phạm Nhan. Cánh thủy quân của giặc bị tiêu diệt hoàn toàn.”[1]
“Nghe nói Thoát Hoan vì quá hãi hùng, vội dẫn quân trốn về Tư Minh.”
“Tên con hoang đó lại chui ống đồng thêm lần nữa.”
Ba vị bô lão chống gậy đứng trò chuyện trên triền đê. Cậu ngồi xuống mé sông, vốc một ngụm nước nhỏ, ngửa đầu uống cạn hết. Vị ngầy ngậy của phù sa, vị tanh tưởi của máu huyết, vị mặn nồng của mồ hôi. Xã tắc trải dài ngàn dặm, cậu không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu vùng đất, hoang hóa rồi dựng xây, rực rỡ rồi suy tàn. Từ cung thành chật chội, đến đại ngàn mênh mông. Từ sông sâu thác đổ, đến biển trời thẳng tắp. Cánh cửa này tiếp nối cánh cửa khác. Cậu là ai? Cậu không nhớ mình là ai cả.
Cậu đã từ bỏ thói quen đếm ngày, tháng, thời gian. Cuộc đời chỉ có một, đồng nhất và không thể chia tách. Cậu ngồi kiết già dưới bất cứ gốc cây nào. Hôm nay cây cơm nguội vàng, hôm qua cây mơ trắng. Năm nay cây dâu già, năm kia cây táu cổ thụ. Dừng chân, đứng dậy, hít thở, bước đi.
Sau một thời gian lang bạt, cậu gặp gỡ người bạn đầu tiên của mình. Hai ẩn sĩ cùng kiết già dưới gốc bồ đề khổng lồ. Người ngồi đằng đông hứng mưa bão, kẻ ở đằng tây dãi nắng chiều. Bầy sóc chạy quanh, hoa nở rồi tàn. Đồi xa chi chít hoa vàng và cỏ dại. Tuy hình thức bên ngoài giống nhau, nhưng mục tiêu của họ hoàn toàn khác biệt, một người muốn giác ngộ giải thoát, một kẻ muốn đạt đến cảnh giới cao nhất của Huyết độc. Hôm nọ, có con hổ đói từ trên núi đi xuống, định vồ hai người. Cậu lấy châm độc toan giết hổ, nhưng vị tu sĩ ngăn lại:
“Ông giết nó, bầy hổ con sẽ chết đói.”
Cậu phản bác:
“Không giết nó, sẽ có người bị hại.”
Tu sĩ bình thản đáp:
“Ta sẽ trừ dã tâm của nó”.
Cậu nhíu mày nói:
“Hổ là loài ăn thịt, không ăn thịt người sẽ ăn hươu nai, tự nhiên vốn dĩ như vậy, ông không thể trái mệnh trời.”
Vừa dứt lời, cậu liền phóng bốn mũi châm độc vào đầu con hổ, nó lăn lộn một lúc rồi nằm im dưới chân hai người. Vị tu sĩ thở dài, tụng một bài chú vãng sanh để an ủi linh hồn con vật, sau đó loạng choạng đứng dậy, cất bước ra đi. Cậu hỏi:
“Ông định đi đâu?”
Tu sĩ đáp:
“Tu cho bản thân vậy là đủ, giờ ta phải đi phổ độ chúng sanh.”
Cậu hỏi tiếp:
“Ông tên gì?”
Tu sĩ trả lời:
“Ta không có tên, người đời gọi ta là Trúc Lâm Đại sĩ. Còn cậu tên gì?”
Cậu nói:
“Tôi không có tên.”
Tu sĩ gật đầu:
“Vậy ta gọi cậu là Vô Danh.”
Thế rồi, cả hai cùng du hóa đến châu Bố Chính, sau đó sang tận Nagaracampa, đi khất thực trong dân gian. Vua Nagaracampa là Chế Mân biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn hai người về nước. Cậu dành vài năm cùng đọc sách, nghiên cứu kinh kệ với Trúc Lâm Đại sĩ ở thành Thăng Long, sau đó dời hẳn lên núi Ngọa Vân, Yên Tử để nhập thiền. Đến khi Trúc Lâm Đại sĩ viên tịch, cậu rời Yên Tử, quyết định ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, không ra ngoài nữa.
Trúc Lâm Đại sĩ đã đạt được cảnh giới giác ngộ cao nhất, còn cậu vẫn ngày đêm mò mẫm trong đêm trường. Đối với cậu, luyện thành Huyết độc là cách duy nhất để tìm lại hình bóng và hơi ấm của Nguyệt tỷ xưa. Cậu chấp nhất việc đó, không bao giờ thoát ra được.
Trăng lạnh treo cao, rừng thông reo mãi. Có một lần cậu kiết già suốt mười năm không đứng dậy. Lần tiếp theo là hai mươi năm. Mây vẫn chất chồng cao ngút. Cơ thể cậu dần hóa thành một mảng rêu xanh. Hơn năm mươi năm sau ngày Trúc Lâm Đại sĩ viên tịch, cậu vẫn chưa đạt đến cảnh giới mình mong muốn. Nguyệt tỷ nói đúng, môn Huyết độc này nữ nhân dễ luyện, nam nhân khó vô cùng. Cậu đã quá già cỗi. Trầm mình dưới hồ đá trong vắt, ngắm cá đàn nối đuôi nhau bơi mãi. Mải miết, xoay vòng, hoa nở, cỏ tàn. Cậu mò mẫm tìm lại thời gian, tìm tấm áo choàng đen rách nát, một lần nữa đứng dậy, rời khỏi nơi thâm sơn cùng cốc.
Đất nước này đã vô phương cứu chữa, nhà Trần vĩ đại đang lụi tàn. Dẫu gán cho mình bao nhiêu cái tên, cậu vẫn không thể tìm lại những gương mặt đã mất. Không thể dựng lại một vương triều huy hoàng. Vua Đại Trị[2] vô đạo, ham mê cờ bạc rượu chè, dung túng gian thần làm chuyện ác, bách tính rơi vào cảnh lầm than. Cậu cứ lang thang trên những nẻo đường ngập tràn cát bụi, sình lầy. Hoa mơ nở rồi tàn mau, màn sương bị cái nắng gay gắt thiêu cháy. Thành Thăng Long trầm mặc giữa mấy nhánh sông, cây đa già soi bóng xuống hồ Lục Thủy xanh ngát. Con đường lát đá hoa chanh này sẽ dẫn ta tới đâu? Cậu ngẩng đầu nhìn qua cửa ô, hàng cơm nguội già, đôi nghê đá nằm phủ phục trước tòa dinh phủ nguy nga. Lầu các chen nhau điểm tô vườn liễu rủ. Góc đông thành có một tòa lầu ba tầng cổ kính. Đeo thanh kiếm màu xanh đen bên hông, cậu chống gậy men theo cung đường nở tràn hoa quế. Đài thiên văn Hậu Nghi, đã quá lâu rồi nhỉ?
Tiếng nói từ thuở xa xưa chợt vang vọng trong đầu cậu:
“Ta tên Khâm, còn cậu tên gì?”
Cậu của ngày xa xưa đáp:
“Tôi tên Minh, Minh trong Vô Minh, chúng ta có thể làm bạn không?”
Đài thiên văn Hậu Nghi không chỉ là nơi quan sát thiên tượng, nó còn là một tàng thư khổng lồ, nơi những vị học giả say mê tìm tòi và viết sách. Lần đầu tiên cậu gặp Trần Khâm trong thư viện, nắng cũng vàng ươm như bây giờ.
“Ta nhớ ra rồi, ta tên là Vô Minh”.
“Hóa ra Khâm và Trúc Lâm Đại sĩ là cùng một người”.
Không hiểu tại sao cậu cứ đứng tần ngần dưới thềm đá nhìn sang hoàng cung. Bức tường đổ sụp một phần không ai sửa sang, cầu gỗ hoang phế, cánh cửa sơn son đóng kín hoàn toàn. Những đàn thiên cầm tự do bay vào vườn thượng uyển rậm rạp. Hoa quế từ trên đỉnh đồi tràn qua hào cạn, xâm thực bức tường cổ kính.
Bước lên ba mươi sáu bậc đá, cậu dừng chân trước bức tượng long mã làm bằng đồng. Rồng thì bay lên, nghĩa là tung, tượng trưng cho thời gian. Mã thì chạy ngang, nghĩa là hoành, tượng trưng cho không gian. Bởi vậy người ta chọn long mã làm biểu tượng cho đài thiên văn. Vô Minh chậm rãi đẩy cánh cửa phủ bụi. Giữa khoảng sân là mô hình Linh lung nghi, gồm một quả cầu bằng đồng ở giữa, bao quanh bởi chín vòng kim loại có thể xoay chuyển. Trên bề mặt chạm khắc nhiều hoa văn, tinh tú. Đây là thiết bị dùng để đo thiên văn, khảo nghiệm thiên tượng không việc gì không đúng[3]. Cậu tiếp tục đi sâu vào bên trong, khám phá hết gian phòng này đến gian phòng khác. Kinh sách chất thành núi cao quá nửa trần nhà. Không gian mát mẻ và rộng thênh thang khiến người ta quên hết thời gian. Bên này là mô hình chi tiết thành Cổ Loa của An Dương Vương, một tòa thành trôn ốc vĩ đại. Bên kia là những chiếc đồng hồ nước cổ xưa nhất, giúp ta phân định ra canh giờ. Hay họa đồ chỉ dẫn cách đo dòng chảy, phục vụ việc cắm cọc trên những dòng sông.
Tận cùng khu hành lang tối tăm có một cánh cửa bằng gỗ mun, hoàn toàn trùng màu với bức tường xung quanh. Phải tinh mắt lắm cậu mới tìm được vị trí mở cửa. Cậu bước qua khoảng không ngăn cách. Một khu vườn trồng đầy quế hiện ra. Cây quế to lớn nhất đứng dựa vào mái ngói sụp đổ nửa phần. Từ đây, quế tràn xuống lưng đồi, băng qua hào nước, mon men xâm nhập hoàng cung.
Dưới gốc cây hiện ra một khung cảnh khủng khiếp, hàng chục cái xác trẻ con bị mổ bụng moi gan nằm la liệt. Gương mặt chúng nhăn nhúm, đau đớn cùng cực, ngũ tạng xổ bung ra ngoài. Có những đứa bé lớn hơn bị treo ngược trên nhánh cây, máu nhỏ long tong xuống cát. Thứ mùi tởm lợm xộc thẳng vào mũi. Khó khăn lắm cậu mới đứng vững trên đôi chân gầy. Hoa vẫn rơi, xác người cứ trơ trơ cùng nhật nguyệt. Cậu quỳ xuống, hốt một nắm đất, rắc lên gương mặt khổ đau của loài người. Cậu đã quá già để tiếp tục khóc thương.
“Thầy ơi!”
Tiếng gọi của ai đó khiến Vô Minh giật mình. Cậu lách mình qua bờ tường đổ sập, nhìn thấy một đứa bé khoảng mười tuổi đang bị hai tên đao phủ đè ngửa trên tảng đá, chúng chuẩn bị mổ bụng đứa bé. Một tên tụng quan đứng gần đó thúc giục:
“Cẩn thận, mổ cho khéo, nếu Quan gia không khỏi bệnh sẽ bay đầu cả lũ.”
Mặc cho đứa trẻ van xin, giãy giụa, bọn chúng lạnh lùng giơ dao mổ lên giữa trời, màu kim loại hung ác phản chiếu ánh chiều vàng vọt. Đàn nhạc nơi cung xa tấu khúc, điệu vũ y chập chờn say mê. Rồi ánh tà ngưng đọng như một hạt sương. Vô Minh tuốt thanh Quỷ kiếm, xuất thần tung ra một luồng phi châm về phía bọn đao phủ. Cơn mưa hoa quế phủ đầy mái tóc bạc phơ, cậu cảm thấy hơi mệt. Hai tên đao phủ lảo đảo, lảo đảo, mạch máu trên cổ và mặt chúng căng ra hết mức, phút chốc vỡ tung, máu chảy dài từ khóe mắt xuống miệng, từ miệng xuống râu, từ râu xuống ngực. Máu cứ chảy mãi không thể dừng được. Máu cứ chảy mãi cho đến khi chúng hóa thành những cái xác khô. Thấy biến, tên tụng quan the thé kêu cứu:
“Quân bây, có thích khách!”
Ngay lập tức, từ phía chân đồi, mười tên cấm quân đeo mặt nạ sư tử ùa lên. Chúng tuốt kiếm bao vây cậu. Linh hoạt, nhịp nhàng, dùng khiên đồng chống đỡ phi châm. Công việc dần khó khăn hơn, cậu đã sử dụng gần hết châm độc. Cấm vệ quân không phải là hạng xoàng, chúng đã được huấn luyện kĩ càng để đối phó với những kẻ dùng ám khí và độc dược như cậu. Vô Minh, ta tên là Vô Minh! Cậu vén bộ râu dài, bình thản vung Quỷ kiếm, kết liễu được hai tên. Bọn chúng thủ khiên dè chừng, trừng mắt dọa dẫm, từng bước dồn cậu vào chân tường. Cậu hoàn toàn lép vế trước bọn võ sĩ cao lớn phi phàm.
Vô Minh đặt lưỡi kiếm vào lòng bàn tay rồi cắt mạnh, máu túa ra, Quỷ kiếm tha hồ hút cạn, xanh đen hóa đen ngòm. Độc dược cuồn cuộn lây lan, khí độc bốc lên rùng rợn. Khiên đồng có thể đỡ phi châm nhưng không thể ngăn chặn khí độc. Cậu đảo kiếm hiên ngang, thêm hai tên cấm quân đổ gục. Cậu vung kiếm chém mạnh vào áo giáp, một tên nữa té nhào ra đất, thảm thiết kêu gào. Năm tên còn lại lùi bước nao núng, chúng lắc mạnh tay, kiếm ngắn nhanh chóng biến thành giáo dài. Tận dụng ưu thế, chúng hùng hổ đâm về phía cậu. Sau ba lần bốn lượt như vậy, Vô Minh bị đâm trúng chân, ngã khuỵu xuống đất. Cậu đã quá già, không còn nhanh nhẹn như ngày xưa.
“Kết thúc trò chơi thôi. Chắc các ngươi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt thật sự của một vị Thần.”
Nói đoạn, Vô Minh bình thản đứng dậy, không quan tâm vết thương ở chân, không quan tâm gió đang đổi chiều. Năm ngọn giáo nhọn hoắt, năm tấm khiên đồng bao vây cậu kín kẽ. Bờ tường hoàng cung thẳng tắp, trời đất chìm dần vào tịch mịch.
Cậu dựng thanh kiếm ngang mày, tấm áo choàng đen tung bay, dáng cậu hùng dũng như một vị thần. Chỉ cần nửa cái chớp mắt, hơi thở chưa kịp dâng lên, Vô Minh đã xoẹt kiếm một vòng, tròn trịa, khép kín. Vòng tròn hoàn hảo cắt ngang yết hầu của năm con người. Năm tên cấm quân lần lượt đổ nhào xuống đất, giáo nối giáo, khiên xếp lên khiên, xác người gối xác người, tỏa ra năm hướng, giống như một đóa hoa vừa bung nở. Khung cảnh thật đẹp đẽ và ma mị. Sau khi làm xong việc, Vô Minh bình lặng tra kiếm vào vỏ, lướt mắt tìm đứa bé ban nãy, nhưng không thấy nó ở đâu cả.
“Thầy ơi!”
Tiếng kêu nhỏ xíu sau lưng cậu, tán cây đung đưa nhẹ nhàng. Lúc Vô Minh vừa xoay người lại, liền bị một thứ gì đó đâm vào ngực, đau nhói, tan ra, phẳng lặng. Tay run run đánh rơi cả thanh kiếm, cậu trừng mắt nhìn cái bóng đối diện.
“Thần sống trên núi, quỷ ở trong hang, thần ăn hoa quả, quỷ ma ăn thịt. Quỷ thần không nên can dự vào việc của nhau, bằng không trời đất sẽ hỗn loạn.”
Cái bóng khẽ khàng nói, hắn đang cầm một cây kim châm dính đầy máu trên tay, miệng cười u ám:
“Yên tâm, không chết được đâu lão quỷ độc. Chút ít tinh chất Mạn Đà La này sẽ dìm ngươi vào giấc ngủ sâu, vào mộng mị vĩnh viễn. Sau đó, ta sẽ tiến hành mổ xẻ, để xem Huyết độc là gì mà thần kì đến vậy.”
Vô Minh cắn răng cố đứng vững, đáp rằng:
“Nghe nói… trong cung có một tên thần y… là Trâu Canh… Hắn chữa bệnh liệt dương cho nhà vua… bằng cách giết đứa bé trai… lấy mật hòa với dương khởi thạch đem uống… rồi thông dâm với chị… hay em gái ruột của mình…”
Cái bóng chậm rãi bước ra khỏi mảng đen, những hạt sáng cuối cùng nhảy nhót trên mái ngói xanh rêu. Thần y Trâu Canh, không quá già như người ta tưởng tượng, hắn trẻ trung đến mức khiến Vô Minh phải giật mình. Trâu Canh cười nhạt:
“Độc nhân và thầy thuốc giống như hai mặt của đồng xu: kẻ dùng thuốc cứu người, kẻ lấy độc hại người, đều am hiểu ngàn vạn vật chất trong thiên hạ. Chữa bệnh liệt dương cho nhà vua chỉ là giả…”
Nghe đến đây, Vô Minh giận dữ định xông tới tấn công Trâu Canh, nhưng không còn đủ sức nữa. Miệng và cổ đều khô cháy, mắt nhòe dần, tinh chất Mạn Đà La đang lan rộng, ăn sâu vào thần trí.
“Khốn kiếp… ngươi giết hàng trăm… đứa trẻ vô tội để luyện thuốc… cải lão hoàn đồng…”
Trâu Canh thản nhiên cúi xuống nhìn vào mắt Vô Minh, nói:
“Ngươi sai rồi, mọi sinh vật trong vũ trụ này đều vô tội, chỉ có con người là thứ kinh tởm nhất, giết những thứ kinh tởm, nghe tiếng kêu the thé của chúng, giúp ta ngủ ngon.”
Đôi mắt Vô Minh dần hóa thành màn sương mờ, mấy chục năm luyện Huyết độc cũng uổng công, cậu và Trâu Canh quả là kỳ phùng địch thủ ngàn năm khó gặp. Thanh Quỷ kiếm đã tuột khỏi lòng bàn tay cậu từ khi nào.
Bàn tay bấu víu vạn vật từ thuở sơ sinh, bàn tay rã rời buông bỏ mọi chấp niệm. Đàn nhạc từ phía hoàng cung vang lên rộn rã. Một cơn gió cuốn cậu bay đi rất xa, khu vườn kín lối, rừng khúc tươi non, Nguyệt tỷ đang chờ đợi cậu, nàng vẫn xinh đẹp tuyệt vời. Gió ngừng thổi, Vô Minh nhẹ đáp xuống, bỗng hóa thành một chàng thanh niên trẻ trung. Giờ hai người có thể vĩnh viễn ở bên nhau, không sầu đau, không quan tâm thế gian khổ ải.
“Ơi!”
Là tiếng gọi của tỷ, đầy nhung nhớ, đầy hoài vọng. Giọt nước mắt rỉ ra, mơ hồ rơi vào quên lãng. Cậu không biết nữa, giữa cái ranh giới mong manh ấy, đột nhiên có một bàn tay níu cậu trở lại với nhận thức và sự sống.
“Thầy ơi!”
Tiếng gọi không xuất phát từ ảo ảnh, mà nó đến từ hiện thực. Hai bàn tay nhỏ nhắn của ai đó nắm lấy vai cậu, lắc rất mạnh. Cậu mở mắt, cố xua tan đám sương mờ. Huyết độc bất ngờ thức tỉnh, nhen nhóm, rồi bùng phát như lửa cháy, Huyết độc nhai ngấu nghiến tinh chất Mạn Đà La, tẩy rửa nó khỏi cơ thể. Trong phút chốc, Vô Minh lấy lại được ánh sáng và ý thức. Một dáng hình nhỏ nhắn, tinh anh hiện ra trước mắt cậu, chính là đứa bé ban nãy cậu đã cứu sống. Còn tên thần y Trâu Canh thì nằm sấp dưới đất, bị thanh Quỷ kiếm đâm xuyên qua bụng. Cậu lơ mơ hỏi:
“Con làm thế nào vậy?”
Đứa bé nhanh nhảu đáp:
“Ngay lúc thầy ngất xỉu, con đã nhặt thanh kiếm đâm hắn.”
Mắt phụng mày ngài, giọng nói tràn đầy khí chất, Vô Minh ngờ ngợ nhận ra, đứa trẻ này không phải con trai, mà là con gái.
“Con là nhi nữ, sao lại cải nam trang?”
Đứa bé thành thật đáp:
“Như vậy mới được học kiếm thuật thầy à! Người ta không dạy võ cho nữ nhi đâu.”
Vô Minh phá lên cười, rồi loạng choạng đứng dậy, cậu đưa mắt nhìn ra xa xăm, một toán cấm quân nữa đang ùa tới. Cậu vò đầu đứa bé, hỏi tiếp:
“Con tên gì?”
Đứa bé trả lời:
“Dạ, con tên Ngọc Anh.”
Cậu khảng khái nói:
“Từ nay, con không cần cải nam trang nữa, ta sẽ dạy con mọi thứ trên đời, từ kiếm thuật cho đến độc môn. Con sẽ trở thành truyền nhân duy nhất của ta, một Huyết độc nhân thực thụ.”
[1] Dựa theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư.
[2] Tức vua Trần Dụ Tông.
[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Linh lung nghi do Hậu Nghi lang thái sử cục lệnh là Đặng Lộ (người huyện Sơn Minh) chế tạo.