Phụ lục: Giả tưởng không giả tưởng [Huyết Độc]

Hồi 1 – Huyết nhuộm Long Phượng thành

Thiên Ninh Công chúa

Cương mục viết:

Bà là con gái vua Trần Minh Tông. Khi loạn Dương Nhật Lễ nổ ra, vương hầu tứ tán. Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha bảo Cung Định vương Trần Phủ rằng: “Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vất bỏ cho người khác? Anh hãy cứ đi đi! Em sẽ đem gia nô dẹp nó cho!”

Trần Phủ nghe theo, dựng cờ khởi nghĩa, quả nhiên dẹp yên được họa nước, lên ngôi chí tôn.

Lời bàn:

Bà thật xứng danh là con cháu Đông A anh hùng.

Ngự Câu vương Trần Húc

Toàn thư viết:

Húc là con trai của Trần Nghệ Tông. Năm 1376, vua Trần Duệ Tông gả công chúa Tuyên Huy cho quan phục đại vương Húc. Thượng hoàng thân đi đón dâu. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành. Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân. Chẳng ngờ sau đó binh bại, vua băng hà. Ngự Câu vương bị giặc bắt sống.

Lời bàn:

Vương sinh ra vốn làm rồng, nhưng chẳng thể hóa rồng.

Điện Lạc Thanh

Toàn thư viết:

Năm 1363, đời vua Trần Dụ Tông. Đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế. Có điện và hồ Lạc Thanh. Đào một hồ nhỏ khác, sai dân Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào đó. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ [cá diếc]. Đặt chức khách đô để trông coi.

Lời bàn:

Nhà vua quả biết cách bày biện ăn chơi. Họa của nhà Trần từ đây mà khởi.

Điện Thiên An

Toàn thư viết:

Năm 1029, đời vua Lý Thái Tông. Có rồng hiện lên ở nền điện Càn Nguyên. Vua nói với tả hữu rằng: “Trẫm phá điện ấy, sang phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?”

Bèn sai Hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì (thềm rồng). Phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quang Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên.

Năm 1126, vua ngự điện Thiên An, xem các vương hầu đá cầu.

Năm 1256, sét đánh điện Thiên An.

Năm 1263, sét đánh điện Thiên An.

Năm 1292, Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lên điện, tả hữu đều sợ hãi tan chạy cả, chỉ có Thái hậu vẫn ở đó.

Năm 1362, sét đánh điện Thiên An.

Lời bàn:

Điện Thiên An là trung tâm của đất nước trải 2 triều Lý – Trần, nơi xảy ra những sự kiện dữ dội ngoài sức tưởng tượng.

Hồi 2 – Long Thần tái sinh

Trần Phủ (Trần Nghệ Tông)

Toàn thư viết:

Năm 1331, Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang. Hoàng tử Phủ đứng hầu. Gặp mưa gió to, hoàng tử cảm khái làm bài thơ có câu :

An đắc tráng sĩ lực cái thế,

Khả ngự đại ốc chi đồi phong.

(Sao được tráng sĩ sức hơn đời,

Chống đỡ nhà to khi gió mạnh).

Thượng hoàng khen hay, thưởng cho Phủ 10 lạng vàng (hoàng tử lúc ấy 11 tuổi).

Lời bàn:

Quả nhiên sau này Phủ nhờ có tráng sĩ phò tá đắc lực mà giành được thiên hạ, nhưng cũng chính vì quá ỷ nương người khác mà đánh mất thiên hạ của tổ tông.

Trần Kính (Trần Duệ Tông)

Toàn thư viết:

Năm 1377, vua thân chinh đánh Chiêm Thành. Tiến quân gấp gáp, đại tướng can ngăn, ông đáp:

“Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái thế trời giúp cho ta đó. Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: ‘Dùng binh quý thần tốc’. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp.”

Lời bàn:

Vua anh hùng cái thế, khí như mãnh sư. Tiếc thay không gặp thời.

Đài thiên văn Hậu Nghi

Cương mục viết:

Năm 1339, Hậu Nghi lang Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ thấy tên lịch từ trước đến nay đều gọi là lịch ‘Thụ thì’, tâu xin đổi gọi là lịch ‘Hiệp Kỷ’; nhà vua y cho. Đặng Lộ chế ra thứ đồ xem thiên văn gọi là ‘lung linh nghi’ khảo nghiệm khí tượng trên trời không việc gì là không đúng.

Lời bàn:

Lung linh nghi há thần kì như vậy, không rõ hình dáng ra sao? Tiếc thay rất nhiều văn vật, kiến trúc thời Lý – Trần đã bị quân Minh hủy diệt hết.

Bãi Đà Mạc

Toàn thư viết:

Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc (còn gọi là bãi Mạn Trù) bị chết.

Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”

Vương thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết.

Hồi 3 – Đại tướng khu ổ chuột

Xóm nô lệ – Khu ổ chuột

Toàn thư viết:

Năm 1131: Vua xuống chiếu cấm gia nô cuả các vương hầu, công chúa và các quan không được lấy con gái của các quan chức đô và bách tính.

Nhà Trần cũng quy định: Gia nô tuy có chút công lao nhưng không được dự vào quan tước triều đình.

Năm 1343: Mất mùa, đói kém, dân nhiều kẻ làm trộm cướp, nhất là gia nô các vương hầu.

Năm 1354: Bấy giờ đói kém, dân khổ vì giặc cướp. Có kẻ tự xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Đại Vương tên là Tề, tụ họp các gia nô bỏ trốn của các vương hầu làm giặc, cướp bóc các xứ Lạng Giang, Nam Sách.

Năm 1360: Xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa đều phải thích chữ vào trán và phải gọi theo loại hàm.

Lời bàn:

Gia nô, nô tỳ rất phổ biến thời phong kiến. Họ được xem là tài sản của chủ nô, không được luật pháp bảo vệ, không có tư cách như người bình thường, không được cưới bách tính thường dân.

Sự biến Tân Hợi (1371)

Toàn thư viết:

Tháng 3 nhuận, Chiêm Thành vào cướp, từ cửa biển Đại An tiến thẳng đến kinh sư. Du binh của giặc đến bến Thái Tổ (nay là Phục Cổ). Vua đi thuyền sang Đông Ngàn lánh chúng.

Ngày 27, giặc ùa vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về. Chiêm Thành sở dĩ sang cướp là vì mẹ Nhật Lễ chạy trốn sang nước ấy, xúi giục chúng vào cướp để báo thù cho Nhật Lễ.

Bấy giờ thái bình đã lâu ngày, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. Nhà nước từ đó sinh ra nhiều chuyện.

Lời bàn:

Thư tịch, sổ sách cháy sạch không. Đọc đến đây lại thấy xót xa tê lòng. Binh lửa lần này cộng với sự hủy diệt của quân Minh sau đó đã khiến văn hóa nước ta tổn thất nghiêm trọng, những gì thuộc về Lý – Trần hầu như chẳng còn lại là bao.

Hồi 4 – Vua Bùn Trỗi Dậy

Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa)

Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư viết:

Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, sừng sững giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Thuyền buôn bị gió, bão đánh dạt vào đó rất nhiều, người đều chết đói cả, để lại rất nhiều hàng hóa và châu báu.

Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn viết:

Trước chúa Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhân giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Thu lượm của cải, châu báu của tàu nước ngoài bị đắm vì bão… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp.

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây: