Thụy Bảo Công chúa (chữ Hán: 瑞寶公主, ? – ?) là một công chúa nhà Trần, hoàng nữ thứ ba của Trần Thái Tông trong lịch sử Việt Nam. Nhân vật xuất hiện trong Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện.
THỤY 瑞:
1. (Danh) Tên chung của ngọc khuê ngọc bích. Đời xưa dùng ngọc để làm tin.
2. (Danh) Điềm lành. ◇Tả truyện 左傳: “Lân phượng ngũ linh, vương giả chi gia thụy dã” 麟鳳五靈, 王者之嘉瑞也 Trong ngũ linh, lân phượng là điềm lành của bậc vương giả.
BẢO 寶:
1. (Danh) Vật trân quý.
2. (Danh) Cái ấn của vua. § Các vua đời xưa dùng ngọc khuê ngọc bích làm dấu. Nhà Tần gọi là “tỉ” 璽, nhà Đường đổi là “bảo” 寶.
VĂN ÁN
Thụy Bảo công chúa là hoàng nữ thứ ba của vua Trần Thái Tông, chị ruột của An Tư công chúa. Hai nàng công chúa triều Trần xinh đẹp nức tiếng Thăng Long, hoa nhường nguyệt thẹn, đến tên giặc hung bạo như Thoát Hoan còn phải mê đắm.
Thụy Bảo công chúa lớn lên trong thời chiến loạn nên ngoài cầm kỳ thi họa còn được đích thân vua cha truyền dạy múa kiếm và bắn cung. Võ nghệ của nàng đến cả Đại tướng quân Lê Phụ Trần cũng phải nể phục, thỉnh mời nàng về dạy võ cho con trai mình là Lê Tông (sau được ban quốc tính, đổi thành Trần Bình Trọng). Đó chính là cơ duyên kết nên mối tình lắm trái ngang giữa Thụy Bảo công chúa và Trần Bình Trọng.
Trái ngang nỗi nhà Trần chuộng lối hôn nhân nội tộc, Thụy Bảo công chúa và Uy Văn vương Trần Quốc Toại đã được triều đình hứa hôn từ nhỏ. Nên đoạn tình cảm giữa nàng và Trần Bình Trọng không thành. Dù tình yêu giữa họ dạt dào như biển sóng, không gì đong đếm nổi, nhưng vì “chữ trung chữ hiếu” họ đành gạt lệ mà chia tay nhau.
Thụy Bảo công chúa lên kiệu hoa, Trần Bình Trọng cũng cưới vợ và có gia đình riêng. Bẵng nhiều năm trôi qua, thương hải tang điền, cơ trời khó đoán, Uy Văn vương Toại lâm bạo bệnh mất sớm, hôn thê của Bình Trọng cũng vì sinh khó mà mất, để lại đứa con nhỏ là quận chúa Chiêu Hiền. Thụy Bảo công chúa đã nhận quận chúa làm con nuôi, tận tình chăm sóc như con ruột. Thụy Bảo và Bình Trọng gặp lại nhau, nhưng không dám thổ lộ tình cảm vốn đã chôn giấu, vì nghĩa với người quá cố, vì đạo lý làm người ràng buộc vậy.
Thượng hoàng Trần Thánh Tông vốn biết tình cảm của Thụy Bảo và Bình Trọng dành cho nhau, đã gạt bỏ lẽ thường tình, chấp nhận cho Thụy Bảo tái giá cưới Bình Trọng.
Nhưng chuyện vui không lâu thì giặc Mông Nguyên xâm lấn. Đại Việt chìm trong biển lửa. Trần Bình Trọng nhận bảo kiếm xuất chinh. Bối cảnh của tranh là trường đoạn Thụy Bảo công chúa tiễn chồng lên đường ra trận.
Như lịch sử ghi chép, Trần Bình Trọng đánh nhau với giặc ở Đà Mạc, bị bắt sống, chúng không ngừng dụ dỗ ngài, nhưng ngài đã khảng khái hét to: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Rồi bị giặc giết hại. Nhà vua nghe tin này còn vật vã thương khóc, thì nỗi đau thương của Thụy Bảo phải lớn đến nhường nào?
SỬ LIỆU
Tra cứu Đại Việt sử ký toàn thư, sử liệu về bà không nhiều, lại chủ yếu được nhắc đến thông qua ghi chép của nhân vật khác:
Năm 1277, Bấy giờ Uy Văn Vương Toại lấy con gái của Thượng hoàng là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ, có câu:
“Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn,
Tang ma tế dã thắng phong hầu.”
(Mang tơi đội nón ở chốn Ngũ Hồ vinh dự hơn đeo ấn,
Dâu gai đầy nơi đồng nội sướng hơn được phong hầu.)
Toại tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời.
Vua từng hỏi ông nghĩa chữ “Quan gia”. Ông đáp: “Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia.”
Vua khen ông kiến thức rộng. Không may chết sớm (24 tuổi), người trong nước ai cũng thương tiếc.
Năm 1285, Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc (nay là bãi Mạn Trù) bị giặc sát hại.
Năm 1300, bấy giờ, các hoàng tử đều không nuôi được, đến khi Mạnh sinh, vua nhờ công chúa Thụy Bảo (tức là cô của Nhân Tông) nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ Nhật Duật nuôi. (Nhật Duật là anh công chúa Thụy Bảo).
Chữ: Thi viện – Từ điển Hán Nôm
Tranh vẽ: NIAYU
- Thụy Bảo công chúa là nhân vật xuất hiện trong Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện.