📖Review không spoil “Nửa bước 700 năm”

Tác giả: Giang Nguyễn (Rang)

Thành Châu không còn là một cây bút mới nữa. Ấn tượng qua loạt tiểu thuyết dã sử cũng đã định hình tác giả trong cái tài kể sử, dẫn người đọc tới bất cứ câu chuyện li kì nào mà bạn có thể tưởng tượng đến, nếu bạn thích một dòng chảy vừa mãnh liệt, vừa bi hùng lại vừa có những đau thắt trong tâm lí nhân vật.

Nhân vật và cách xây dựng tâm lí rất riêng, rất thống nhất ấy vẫn được duy trì ở “Nửa bước 700 năm” song đây không phải câu chuyện chỉ để “kể” ra thông thường, cũng không phải theo dòng thời gian tuyến tính, tuần tự, cứ chảy trôi và dừng ở những cột mốc lịch sử cố định, con người, sự kiện đã ghi chép trong chính sử. Về điểm này thì tui lại một lần nữa bất ngờ với tác giả, lần đầu Thành Châu đi vào thể loại kể và mổ xẻ tâm lí, triết học nhân sinh trên cái nền lịch sử. Hóa ra chúng kết hợp được với nhau, và còn hợp là đằng khác.

Xuyên không ở đây chỉ là cách gọi, cách đặt tên để người đọc dễ hình dung về cách thức các thế giới trong “Nửa bước 700 năm” liên kết, cái cớ để mở ra câu chuyện và để cho người đọc mới tiếp xúc tạm hiểu phạm trù đơn giản này để dần dần kết nối mọi dữ kiện, dữ liệu trong truyện. Vậy mới nói trước khi đọc truyện, bạn hãy biết đây không phải một câu chuyện dễ đọc. Thực chất, tui cho rằng mấu chốt xuyên suốt truyện nằm ở hai thứ: “luân hồi” và “mộng kiến”.

“Luân hồi” khiến cho bản thể mang những linh hồn, kí ức từ bao kiếp vẫn hoang hoải niềm vui, nỗi đau, sự oán giận, thôi thúc họ phải giải đáp bằng được qua nhiều kiếp vấn đề bắt đầu, kết thúc và tiếp nối sao cho thỏa đáng ở kiếp tiếp theo. Đó là lí do Đông, Phong, An Nguyệt hay Thanh Kiếm, Trấn Nam vương, An Tư kết nối, trong quá trình thích nghi với thế giới thực tại, cứ vô hình trung lặp lại những lựa chọn một cách ngẫu nhiên, bản năng và vô thức dẫn tới cùng một kết cục. Hiện tại là lời giải đáp cho quá khứ, nhưng quá khứ lại là khởi nguồn, bắt đầu và bước ngoặt thay đổi của hiện tại. Mọi thứ chắp nối, lịch sử chảy trôi, nhân vật tôi cứ lạc mãi trong mớ bòng bong, thống nhất mình ở mọi thế giới, mọi bản thể, cũng là để chấm dứt một lần những vòng lặp luẩn quẩn không lối thoát. Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật tôi dù ở thế giới nào cũng cốt đi tìm Thanh Kiếm và Kị Sĩ để rồi nhận ra mình phải trở thành Thanh Kiếm và Kị Sĩ của chính mình, sức mạnh và ý chí phải thống nhất, đó là lúc Anh Hùng lên đến tối cao và chí thượng, không sợ hãi bất cứ kẻ kị sĩ hùng mạnh nào khác, cũng chẳng ngại đao gươm nhanh bén, đi trước mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Anh Hùng trong truyện nhờ đó có sự phát triển chậm mà chắc, dẫu kết cục có là thắng hay thua, là ta hay địch, Anh Hùng hợp được hai thứ trên trong mình thì là bất bại, là không thẹn với đời.

“Mộng kiến” là sáng tạo khá hay của Thành Châu trong “Nửa bước 700 năm”. Xuyên không thì chỉ cần chạm vào cánh cổng nối quá khứ – tương lại là được. Cơ mà cái xoắn não thực sự trong truyện đó là nhân vật chính, chính xác là đa bản thể của nhân vật chính phiêu lưu trong những giấc mơ, góp nhặt những manh mối, chỉ dẫn trong đó để tìm tới con đường đúng nhất mà đi. Đọc về diễn biến trong mơ không thể không mệt, nhưng cũng phải nói những cài cắm trong mọi giấc mơ trong truyện không hề thừa, mỗi giấc mơ là một thử thách nhỏ, một cơ hội chuộc tội và ra quyết định, cũng là cách các bản thể kết nối và giao tiếp với nhau. Chứ không bạn nghĩ mà xem, nếu chỉ xuyên không về vật lí đơn thuần, mỗi thế giới, mỗi dòng thời gian thay đổi một kiểu thì sao các thế giới hợp nhất, các bản thể quy về một để chấm dứt vòng lặp được? Mộng kiến cũng là “khoảng đất vô tận” được Thành Châu tạo ra để dồn nén, sắp đặt mọi thất tình lục dục, mọi cảm xúc đến cực điểm vào đó, nơi bóc trần mọi nhân vật, buộc họ phải đối diện với cực hình đọa đày nhân quả, các quyết định trong quá khứ, con đường không hồi kết đang đi. Tui nghĩ Thành Châu không dễ gì mà xử lí việc xây dựng mộng kiến trong tác phẩm này chỉ sau một lần viết, có thể bạn đã viết đi viết lại nhiều lần, hoặc phải xếp đặt logic chặt chẽ nhất có thể cái khung sườn rồi mới đặt bút viết.

Ba phần truyện chính đều mở đầu bằng từ “Mắc kẹt” nhưng dẫu con người ta có không thay đổi được luân hồi và kẹt lại đâu đó trong những hệ quả, những khả năng, những giấc mơ thì việc lí giải vòng luân hồi đó không bao giờ uổng phí, ta tìm ta trong vô vàn khả năng, ta thay đổi ta trong cái cố định và bất định. Thiết nghĩ, đó chính là câu kinh tụng, sợi chỉ nối dài mãi ngay cả khi “Nửa bước 700 năm” dừng ở dấu chấm kết truyện.

👉 Điểm trừ của truyện là phần dàn trang chưa thực sự hợp không khí truyện, có chút nuốt chữ, vài trang lẻ bị lệch thiết kế và lỗi morat này kia không tránh khỏi tui super soi ra.

👉 Khuyên bạn nên thực sự tĩnh tâm trước khi đi “tàu lượn” triết học trong truyện, cũng khuyên bạn cần thực sự nhìn sử như một câu chuyện đời thường, câu chuyện con người trần trụi, tạm gác lại vấn đề địch-ta để thưởng thức truyện tốt nhất.