[Phong ma] 10: Cổ Lũy đã chết

Làng Cổ Lũy ngày nào, nay đã nâng cấp thành thị xã Cổ Lũy, dân nhập cư ngày càng đông đúc, diện mạo thay đổi mỗi ngày. Công trường, khu công nghiệp, nhà máy mọc lên như nấm. Khói bụi nhiều hơn. Tiếng ồn tràn ngập.

Gần đây, tôi không còn đi ngang nhà của Đông nữa, tôi rẽ qua cung đường khác, tuy xa hơn nhưng khiến tâm hồn tôi được thanh thản. Tôi tự cho rằng mình ổn. Tôi im lặng, gần như bất động trước cái chết của Đông.

Tôi cũng không gặp lại Vũ hay Nguyệt. Mặc dù học chung một trường nhưng khoảng cách giữa chúng tôi cứ ngày càng xa cách. Do mất người kết nối? Hay do khoảng trống mà Đông để lại là quá to lớn, không sao khỏa lấp nổi?

Lâu lâu, trường rộ tin Vũ bị tụi Gà Rừng “xử đẹp”, phản ứng duy nhất của tôi là chống cằm nhìn xa xăm. Gia đình tôi tuy không quá nghèo nhưng cũng thuộc dạng vất vả kiếm sống. Tôi phải chú tâm học hành và thi đỗ vào trường đại học nổi tiếng để bớt gánh nặng cho cha mẹ. Tôi không muốn dây dưa với tụi Gà Rừng, bốn thằng đó rất côn đồ, xảo quyệt cũng như biết cách kích động người khác. Chúng từng dàn cảnh đánh nhau, hại một cậu học sinh giỏi bị hạ hạnh kiểm. Hơn nữa, thằng Tân, thủ lĩnh nhóm là quán quân Karate cấp tỉnh, gia đình nó cũng thuộc hàng có “máu mặt”. Lúc Đông còn sống, tụi Gà Rừng chẳng dám hó hé. Nhưng bây giờ thời thế đã khác, Mặt Trời biến mất, đêm đen bao trùm Cổ Lũy.

Làng Cổ Lũy xưa nằm lọt thỏm giữa núi rừng, cảnh vật rất nên thơ. Ông tổ lập làng Cổ Lũy là một tướng quân cực giỏi về thuật phong thủy và toán số. Làng có sông Biếc uốn quanh, núi non theo thế voi chầu hổ phục. Ban đầu, làng theo nghề nuôi tằm dệt vải, nhờ nước sông Biếc tinh khiết, dân làng trồng được loại dâu tốt nhất thiên hạ. Vải lụa dệt ra bền chắc vô cùng, thương buôn rất ưng ý. Thế kỷ Mười Ba, Kinh Thành mấy lần thất thủ, hoàng tộc phiêu dạt khắp nơi. Có bận, triều đình đóng quân ở Cổ Lũy, xây một bức tường nhỏ bao quanh làng để phòng thủ, lập xưởng quân giới, dạy người dân võ nghệ và cách rèn binh khí. Hiện nay, vẫn còn một nhánh của võ phái Đông A lưu truyền trong làng, mà Đông chính là đệ tử xuất chúng nhất. Ngày Đông mất, mấy vị sư phụ, trưởng lão ngồi buồn thảm thiết.

Hồi tôi còn nhỏ, núi rừng vẫn rất hoang sơ. Người dân chuyên tâm giữ gìn nghiệp tổ là trồng dâu nuôi tằm và Đông A võ phái. Không khí rất trong lành, nước sông Biếc vẫn ngọt ngất như hàng ngàn năm qua. Nhưng chỉ mười năm, vỏn vẹn mười năm, từ ngày cha của Đông phát hiện ra mỏ đất hiếm trên núi Nứa và mỏ than trên núi Cấm, mọi thứ thay đổi như vũ bão. Người ta triệt hạ cây cối, biến hai ngọn núi đẹp nhất Cổ Lũy thầy “ông đầu trọc”. Đường sá vươn vòi, máy đào, máy xúc, xe ben chạy ầm ĩ ngày đêm. Rồi họ quyết định xây khu công nghiệp ngay cạnh mỏ khai thác, thi nhau nhả khói nung nóng bầu trời. Đến chim chóc còn sợ hãi tránh xa nói chi là hươu nai, thú lớn.

Dân nhập cư tràn vào, dân bản địa đua theo làn sóng công nghiệp hóa. Phố xá. Khu dân cư. Siêu thị. Ngân hàng. Phố ăn chơi. Biệt phủ. Khu ổ chuột. Đồng hoang. Bãi rác. Bãi tha ma. Chòi canh. Lều tạm. Một vạn thứ được sản sinh, hai nghề cũ bị mai một. Chỉ còn những ông lão ngồi nhìn sông Biếc mà buồn nẫu ruột. Sông Biếc xanh mát ngày nào nay đã hóa đen như dầu cống.

Đa số thanh thiếu niên đều hào hứng đón nhận sự thay đổi, chỉ có tôi và Đông mãi sắm vai hai kẻ lạc loài.

Đông ra đi, cái thế giới tối tăm và sâu thẳm trong tôi vỡ vụn, trôi theo mạch máu, lây lan khắp cơ thể, tha hồ “ăn thịt” tôi, giống như cách mà căn bệnh ung thư hoạt động.

Mặt Trời đã chết. Cổ Lũy chìm vào đêm đen vô tận.

Sắp đến kiểm tra cuối kỳ, việc học ngày càng căng thẳng. Tôi muốn đậu vào trường đại học nổi tiếng nhất rồi biến khỏi Cổ Lũy, vĩnh viễn không trở về nữa. Đối với tôi vĩnh viễn chính là vĩnh viễn. Khi con người không thể thay đổi thực tại, chúng ta thường chọn cách loại bỏ nó, xem như nó chưa từng tồn tại.

Tôi không thức dậy lúc 5:00 AM rồi ngồi thẫn thờ hàng tiếng đồng hồ nữa.

Đúng 6:01 AM, chuông báo thức reo, tôi mở mắt, mặc nguyên bộ đồng phục của ngày hôm qua rồi ôm cặp sách bay đến trường. Không quan tâm khói bụi mù mịt. Mặc kệ bầy xe cơ giới đang ầm ầm phá núi, hay khu công nghiệp vô tư thải chất độc xuống sông Biếc. Vài tên nghiện ngập lang thang ngáp ngủ. Đồng lúa bị vây kín bởi những bức tường bê tông. Sớm thôi, tôi sẽ biến thành một trong số họ, cầm bản vẽ, đi loanh quanh quát nạt công nhân. Hoặc tệ hơn, tôi được ngồi lì trong một văn phòng sáng trưng, trắng toát, ngập mùi mực in và máy lạnh. Mười tiếng một ngày. Sáu ngày một tuần. Năm này qua năm khác.

Đến trường, tôi ngồi xuống góc bàn quen thuộc. Không còn đếm lá vàng ngoài sân. Không quan tâm nhỏ bạn ngồi kề bên cột tóc màu gì. Mưa lạnh. Sương giăng. Tất cả đều hững hờ.

11:15 AM, sau khi tan lớp, tôi sẽ tìm gì đó ăn qua loa rồi lên thư viện ngồi tự học. Đám bạn vẫn tụ tập nói chuyện trời biển và đùa bỡn nhau như mọi khi. Tôi không quan tâm. Tôi đóng hết các giác quan, coi như họ không tồn tại. Tôi là một kẻ lập dị, thậm chí dị giáo trong mắt mọi người.

Nhưng hôm nay, họ xì xầm điều gì đó có liên quan đến tôi. Tôi đứng sững giữa hành lang đông đúc.

“Mày nghe gì chưa, chuyện con Nguyệt!”

“Trên mạng đang chia sẻ rần rần.”

“Nó bị đánh ghen giữa chợ.”

“Tầm bậy. Là mẹ nó bị đánh ghen, nó vạ lây thôi.”

“Mẹ nó là ca sĩ kiêm người mẫu gì gì đó, hồi xưa nổi tiếng lắm, bây giờ hết thời, đổi sang nghề tiểu tam.”

“Nghe đâu ban tổ chức đang xem xét tước danh hiệu hoa khôi của nó.”

“Tội chưa? Mẹ làm con chịu.”

“Nó cũng không phải vừa đâu, tại nó mà thằng Đông nhảy lầu đó!”

Là con Linh, đứa ác miệng nhất trường. Tôi gồng tay tính quay sang ăn thua đủ với nó. Nhưng nhớ đến cái án kỷ luật có thể khiến 12 năm đèn sách đổ sông đổ biển, tôi cắn răng, lẳng lặng bỏ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi nghe loáng thoáng phía sau có đứa chửi tôi là “thằng hèn”.

Tôi ngồi ăn cơm mà tâm trí bay theo đám khói bụi nhà máy, một trạng thái lửng lờ, lơ lửng, chẳng đâu ra đâu. Thư viện đông đúc người, sách vở vây quanh. Những tiếng lao xao, ồn ào như lọt thỏm vào hố sâu. Tôi ngồi tư lự suốt mấy tiếng đồng hồ mà chẳng giải được đề thi nào. Thật đáng thất vọng.

5:30 PM, tôi rời thư viện, định về nhà đánh một giấc cho tỉnh táo. Cây cối ủ rũ. Trời mù mịt như sắp đổ mưa.

Tiếng xe cộ khiến tôi đau đầu. Lang thang. Quanh quẩn. Tôi nhận ra mình vừa đi ngang lớp thằng Vũ. Học sinh đã về hết. Tôi không có ý định dừng lại, cho đến khi nghe thấy tiếng cự cãi, tiếng người đánh nhau.

“Chính tụi bây đã tung clip của Nguyệt lên nhóm trường, hại nhỏ nghỉ học.” Chính xác là giọng của thằng Vũ.

“Ê! Bằng chứng đâu? Đừng có vu oan!” Thằng Dũng túm áo Vũ, nó là thằng côn đồ nhất nhóm Gà Rừng.

“Ừ! Tao làm đó thì sao?”

Thằng Tân thủ lĩnh xông tới, nó cao hơn 1m90, phải đô con gấp rưỡi Vũ là ít, thêm cái danh quán quân Karate khiến ai cũng nể sợ.

“Tao ghim thằng Hoàng Tử lâu rồi. Bởi vậy, bạn bè hay bồ bịch gì của nó, tao sẽ lần lượt xử hết.”

“Mày là thằng hèn!” Vũ gào lên.

“Hèn nè! Hèn nè!”

Thằng Dũng túm áo Vũ, còn thằng Tân thì liên tục đấm vào bụng và ngực nó. Vũ cắn răng chịu đau, tiếp tục chửi mắng:

“Một đám hèn, khốn nạn! Giỏi đánh chết tao đi!”

“Muốn chết hả? Tao chiều!”

Thằng Tân tức điên lên, nó nhấn đầu Vũ xuống, tiếp tục nện cho đến khi mặt Vũ bết máu. Tôi đứng ngoài cửa, toàn thân giận run, nhưng không dám xông vào cứu thằng bạn thân.

“Phong! Đừng nghĩ gì hết. Hãy luôn nhớ rằng sau lưng mày là Nguyệt, mày phải bảo vệ Nguyệt cho đến hơi sức cuối cùng…”

Không hiểu sao tôi lại nhớ đến lời của Đông lúc trên núi Nứa. Đông đã tin tưởng tôi biết chừng nào, vậy mà bộ dạng bây giờ của tôi quá đáng thất vọng.

Đánh đã đời, thằng Tân đứng dậy, cười nửa miệng:

“Bữa nay đánh đủ rồi. Chừa cho nó chút sức tàn, mai dạy dỗ tiếp.”

Thằng Dũng còn đá thêm vào bụng Vũ một cái rõ đau. Cuối cùng, bốn thằng bá nhau vai ra về. Tôi đứng nép sau cánh cửa, nín thở không dám đối diện với chúng.

Trời nhá nhem tối.

5:55 PM, khi tụi Gà Rừng đã đi xa, tôi mới chậm rãi bước vào phòng học. Thằng Vũ nằm lăn lộn dưới sàn, nhưng nó không hề rên rỉ kêu đau. Thêm ba phút trôi qua, Vũ có thể đã thấy tôi hoặc không. Nó lồm cồm tự bò dậy. Cái bóng lùn xủn, bê bết máu, thê thảm vô cùng. Vũ khập khiễng bước tới gần tôi.

“Nếu mày còn coi tao và Nguyệt là bạn, thì 8 giờ tối nay, ra bờ sông gặp tao.”

“Làm gì?” Tôi lạnh nhạt.

“Cái chết của Đông có mờ ám.”

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây: