“Hỏa tượng” là tên của nó, “Hỏa tượng” là cách người ta tạo ra nó, và “Hỏa tượng” cũng chính là cách mà nó chết đi. Người ta dùng kim loại nóng chảy xăm chàm lên mình voi, vẽ thành những hoa văn trác tuyệt, những lời nguyền cổ xưa, những câu thần chú đã thất truyền. Để rồi, khi voi bị thiêu sống, vết chàm kia sẽ sáng rực một lần nữa, cuồn cuộn trong ánh lửa, đẹp đẽ vô cùng. Và người ta chỉ chú tâm ngắm nhìn kiệt tác mà quên đi nỗi đau của nó, một con voi tội nghiệp.
*
Nó là con voi trắng lớn nhất vùng rừng núi Tây Sơn thượng đạo này, lớn hơn cả những con voi huyền thoại của xứ Vạn Tượng, Bồn Man, Xiêm La hay Miến Điện. Nó là một vị thần.
– Nó là vị thần bảo vệ núi rừng.
– Không, nó là ác thần, nó đã giết chết tám người trong bản rồi.
– Nó là nô bộc của thần Lửa, chúng ta phải thiêu sống nó hiến tế cho thánh thần!
Vậy là, vị già làng người Gia Rai huy động tất cả những thầy luyện voi giỏi nhất, những chiến binh ngoan cường nhất, bày đủ mọi mưu mẹo, sắp đủ các loại bẫy quyết bắt sống con voi trắng đơn độc kia. Nhưng đều vô ích, nó khôn ngoan như một con cáo, thoắt ẩn thoắt hiện giữa rừng già chẳng thể dò la ra hành tung. Cả nhóm truy đuổi đến kiệt sức, sau đó hạ trại trên đỉnh núi quan sát tình hình. Rừng rậm trùng điệp ẩn chứa bao hiểm nguy. Bóng dáng con voi vẫn mất hút trong sương mù. Trời chập tối, ánh trăng tròn vạnh và nhuốm đỏ, vị già làng như linh cảm được điềm xấu nhưng không sao lý giải nổi.
– Xem ra tối nay có đổ máu…
Vị già làng ngồi nhìn ngọn lửa, nỗi bất an ngày càng lớn, đêm dài thăm thẳm. Con voi đã đi đâu? Hay còn quanh quẩn ở đây? Những tráng sĩ người Gia Rai hì hục mài giũa binh khí thật sắc bén. Dòng sông loang loáng chảy ngang vùng thung lũng hẹp. Tiếng gà gáy thao thức không yên. Đến nửa đêm thì già làng thất thần tỉnh giấc, sững người một lúc lâu nghe ngóng tình hình, sau đó thúc giục mọi người mau chóng chạy về làng. Băng ba con suối, vượt bốn ngọn đồi. Đạp lên cỏ gai và đá nhọn. Cuối cùng…
Cuối cùng, cảnh tượng khủng khiếp kia hiện ra trước mặt họ. Con voi trắng đang lên cơn thịnh nộ, tàn phá ngôi làng không thương tiếc. Vòi nó siết chết phụ nữ, chân giày xéo người già và trẻ con, ngà quật tan tành nhà cửa. Nó khát máu, nó trả thù, nó đang chứng minh cho loài người thấy nó mới là chúa tể của rừng rậm.
– Nó là một con voi mang trái tim hổ dữ!
– Nó là ác quỷ!
– Chúng ta phải giết nó!
Giết nó, hạ sát nó bằng mọi giá, săn lùng nó đến cùng trời cuối đất. Như thường lệ, con voi trắng bỏ chạy khi nhận ra mình yếu thế hơn. Nó lẩn vào đại ngàn, trầm mình xuống suối, nó ẩn nấp và chờ đợi thời cơ thuận lợi. Chờ đến lúc loài người mỏi mệt, nó sẽ bất thình lình tấn công, giết chóc, tàn phá. Sau đó rút chạy nhanh như một cơn gió. Vị già làng người Gia Rai ngẫm mình không thể đối phó nổi voi trắng, đành liên lạc với làng Tre, làng Bầu, làng Đá, kể cả nhóm nghĩa quân Tây Sơn đang hoạt động gần đó. Những vị tráng sĩ can trường cưỡi ngựa lùng sục khắp mọi ngõ ngách của rừng già. Nỏ lớn, bẫy đá giăng giăng khắp nơi. Người ta ngăn dòng suối, rút kiệt lòng sông, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Rừng rậm vẫn thâm sâu vô lường. Việc truy lùng tưởng như rơi vào bế tắc, thì một ngày nọ, có nhóm nghĩa quân Tây Sơn kéo đến tiếp ứng người Gia Rai, và họ mang theo rất nhiều rương gỗ kỳ lạ.
– Thứ màu đen này là gì?
– Thuốc nổ, nó đủ sức thổi tung cả một ngọn núi đó!
Ngay lập tức, người Gia Rai với người Kinh tiến hành giăng một cái bẫy vô cùng tinh vi, vị già làng đích thân làm mồi nhử, thuốc nổ thì chôn giấu gần đó. Đêm trăng muộn, ngôi làng chìm vào tịch mịch. Rồi việc gì đến cũng đến, dưới lớp ánh sáng bàng bạc ma mị, con voi trắng khổng lồ xuất hiện, nó to như một quả núi với đôi mắt đỏ rực quái dị. Nó thận trọng từng bước chân dò xét, sau khi thấy an toàn, nó cuồng nộ lao tới quyết tâm nghiền nát vị già làng người Gia Rai. Mặt đất rung chuyển như sấm động. Nó không phải là một con voi, nó là ác quỷ, ác quỷ phải chết. Đùng, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên. Lửa mịt trời, con voi to tướng bị vụ nổ hất tung một đoạn khá xa. Giết được rồi! Dân làng hò hét chạy đến bao vây con voi. Vũ khí sáng choang, giáo thương nhọn hoắt. Vị già làng phất tay bảo mọi người dừng lại, từng bước thận trọng, một mình ông tiến lên dò xét. Già làng giơ bàn tay run rẩy khẽ chạm vào đầu voi, da thịt nó bị cháy xém, máu tuôn ra ầng ậc, thứ mùi tanh tưởi không ngửi nổi. Nhưng! Có điều gì đó không đúng! Già làng chợt giật mình:
– Nó… nó vẫn còn sống!
Nó còn sống và nó đang trừng đôi mắt đỏ ngầu nhìn ông, uất ức, phẫn nộ cùng cực. Nó là một con voi tà ác, nếu để nó chết như vậy linh hồn nó sẽ nguyền rủa cả ngôi làng, cả nước Hỏa Xá của chúng ta. Thiên tai giáng xuống, mùa màng thất bát, rừng rậm khô cằn, bệnh dịch sinh sôi… Vị già làng người Gia Rai gồng tay trăn trở, cuối cùng ông quyết định không giết nó ngay, mà giữ voi trắng lại để trấn yểm, sau đó hỏa thiêu, hiến tế lên thánh thần.
Người ta dùng móc sắt móc vào chân voi, gông xiềng nó bằng một sợi xích to, những nhà luyện kim giỏi nhất của nước Hỏa Xá được nhà vua gửi đến để tạo nên kiệt tác. Họ dùng kim loại xăm chàm trực tiếp lên mình voi. Vàng, bạc, thiết được nung chảy, đổ thẳng lên da thịt loài hung thú. Từ đó vẽ thành những hoa văn trác tuyệt, những lời nguyền cổ xưa, hay những câu thần chú đã thất truyền. Một giai đoạn kỳ công và cùng cực đau đớn, con voi trắng gầm thét thảm thiết, khổ sở quằn quại suốt ngày đêm. Nhưng chẳng ai quan tâm đến nó, nó đã lạm sát quá nhiều người, nó phải trả giá. Máu hòa quyện với nỗi đau dần tạo thành kiệt tác, kiệt tác để hiến tế lên thánh thần.
Ngày tháng dần trôi qua, số mệnh con voi đã được định đoạt sẵn, giàn hỏa thiêu cũng tạm chuẩn bị xong. Tuy nhiên, trước ngày con voi trắng bị hành hình có một chuyện ngoài dự tính đã xảy ra, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc triều Tây Sơn cùng anh em tướng lĩnh bất ngờ viếng thăm bản làng. Già làng mở tiệc khoản đãi người Kinh đến khuya, ai cũng uống rượu trò chuyện rất vui vẻ. Người Gia Rai và nghĩa quân Tây Sơn có nhiều giao tình, họ từng nuôi dưỡng, che chở nghĩa quân những ngày đầu khó khăn, trai tráng trong làng còn theo chân nhà vua lập được vô số chiến công. Nay đất nước dần ổn định, vua Thái Đức thường dẫn tướng lĩnh đi thăm thú chốn xưa, ôn lại chuyện cũ. Đến khi tiệc gần tàn, trăng lên lần nữa thì đột nhiên con voi trắng ngoài sân rống lên khủng khiếp, tiếng rống chất chứa biết bao bi ai và căm phẫn. Vua Thái Đức thấy lạ liền hỏi già làng, người Gia Rai kinh hoàng kể lại câu chuyện. Vua Thái Đức nghe xong thì ôn tồn nói:
– Các tướng lĩnh dưới trướng ta đều anh dũng thiện chiến, có kẻ thù nào mà chưa từng đánh bại, há sợ một con dã thú hèn mọn… Nào trong các ngươi ai dám xung phong thuần phục voi dữ?
Các tướng đều nhìn nhau e dè, ngay lập tức Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ bước ra giữa nhà:
– Để em bắt nó về cho vua anh làm vật cưỡi!
Nguyễn Huệ vác đao hùng dũng bước ra ngoài, vị chiến tướng trăm trận trăm thắng đối đầu với loài hung thú khổng lồ. Ánh trăng nhập nhoạng, gió lạnh buốt xương. Con voi lùi vài bước trước khí thế ngút trời của Long Nhương tướng quân, tuy nhiên sau đó nó lại gầm rống dữ tợn hơn, quăng quật vòi ngà lung tung khiến ai nấy đều kinh hãi. Thấy sự việc không xong, Nguyễn Huệ đành vác đao trở vào, thở dài:
– Hay là Trần Thiếu phó thử xem sao, ông từng đánh bại cả mãnh hổ kia mà!
– Thuộc hạ nào dám tranh vật cưỡi với đức vua. – Trần Quang Diệu cúi đầu ngần ngại.
– Ông không cần ngại ngùng, bậc quân vương cốt ở tấm lòng bao dung rộng lớn chứ không phải đi tranh một con vật cưỡi to lớn với thuộc hạ.
Vua Thái Đức mỉm cười, vẫy tay bảo Trần Quang Diệu cứ thoải mái. Vị tướng thận trọng vác đao bước ra ngoài. Lần này, thoáng thấy bóng ông, con voi trắng bỗng dưng nằm mọp xuống đất, im lìm. Tuy nhiên, khi ông đến gần hơn thì nó chợt tung vòi xém nữa là quật chết Trần Quang Diệu. Diệu toát mồ hôi hột, vội chạy trở vào trong. Nguyễn Huệ vừa uống rượu vừa cười ha hả nói:
– Con voi kia thật xảo quyệt, hay là thầy Cống Chỉnh, người tài giỏi nhất Bắc Hà thử lừa nó xem ai cao tay hơn!
– Ấy… Ngài quá lời rồi… Tôi quen thuộc nghề thủy chiến chứ voi ngựa thực chẳng rành rẽ cho lắm!
Nguyễn Hữu Chỉnh run sợ không dám nhìn vào mắt Long Nhương tướng quân, các tướng lĩnh khác cũng đùn đẩy qua lại, đến cuối cùng già làng đành thở dài tâu với vua Thái Đức:
– Con vật này ác nghiệp đầy mình, không sợ trời đất, chỉ có cách thiêu sống nó mà hiến tế cho thần Lửa…
Vị già làng nói chưa dứt câu, thì đột nhiên mọi người nháo nhào đứng dậy, cùng nhìn ra khoảng sân. Một cảnh tượng lạ lùng diễn ra dưới ánh trăng mờ ảo, con voi trắng khổng lồ đang kéo lê đoạn dây xích tiến về phía cái bóng đen, từng bước đi rất thoải mái, vô tư. Tiếng nhạc cất lên, khi trầm lúc bổng, du dương vô cùng. Con voi trắng đang mưu tính điều gì đó? Sớm thôi, nó sẽ tung vòi siết chết cái bóng kia, rồi giẫm đạp y thành một mớ máu thịt bầy nhầy. Ai cũng nín thở dõi theo nhất cử nhất động của con voi. Tàn lửa lắc rắc rơi vào khoảng không u tịch, mấy vò rượu lăn lóc đổ vấy xuống sàn nhà.
Con voi trắng thôi gầm thét, nó chỉ phát ra những tiếng thở nhè nhẹ, tĩnh lặng như loài mãnh hổ sắp sửa vồ mồi. Trần Quang Diệu chợt phát giác điều gì đó bất ổn, ông siết chặt thanh đại đao thủ thế, tuy nhiên với khoảng cách này muốn ra tay ứng cứu cũng khó lòng thực hiện. Thấy tình hình nguy cấp, Long Nhương tướng quân liền nhanh trí nhặt khẩu hỏa súng chĩa về phía đầu voi, nếu nó dám manh động sẽ lập tức khai hỏa, bắn cho máu thịt tan tành.
Ngoài kia, không hề quan tâm đến sự lo lắng bồn chồn của hai vị chiến tướng, cái bóng cứ đứng tĩnh lặng, thư giãn, để mặc con voi trắng giơ chiếc vòi khổng lồ cuộn lấy thân người mỏng manh. Con voi nhấc bổng cái bóng lên cao, thậm chí tung hứng, xoay trở nhiều vòng. Cuối cùng, loài hung thú cẩn trọng đặt cái bóng lên đầu mình, cái bóng càng liều lĩnh hơn, leo trèo khắp lưng voi, vuốt ve cặp ngà đồ sộ, hay thì thầm điều gì đó vào tai voi. Quan tướng Tây Sơn tò mò tiến lại gần, thì bất chợt Trần Quang Diệu hô to:
– Là em hả Thị Xuân?
*
Thế là con voi trắng theo chân vua quan Tây Sơn từ miền thượng đạo xuống đồng bằng, vào thành Hoàng Đế. Ở đó, nó đã đại náo một phen trong lúc nữ tướng Bùi Thị Xuân đi vắng. Voi phá tan cả một dãy phố, xém nữa thì gây ra án mạng thảm khốc. Hay ban đêm, lúc nàng ngủ, nó thừa cơ húc đổ mấy gốc cây cổ thụ, sau đó tông sập luôn tường thành. Nàng phải ngồi hát cho nó nghe, vỗ về trò chuyện voi mới chịu yên.
Buổi sáng, người ta thường thấy hai chủ tớ đi du ngoạn khắp vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Khi thăm thú vườn tược, lúc nghỉ chân dưới tháp Cánh Tiên, ngắm cảnh đê điều làng xóm hồi phục sau cơn binh biến. Nhưng được một lúc thì con voi trắng lại giở chứng, hùng hục giẫm nát mấy khoảnh lúa đang trĩu hạt. Voi đuổi theo đàn chim nháo nhác, voi đuổi theo cái bóng của mây, voi muốn tìm một khu rừng hoang sơ không có con người. Nhưng vô vọng, tận cùng dải đất này là biển cả bao la, là bờ cát dài tít tắp. Ở đó, cỏ không thể mọc, voi biết lấy gì mà ăn? Vậy là voi trắng khổng lồ quỳ sụp trên đồi cát cháy, không chạy nữa, ngoe nguẩy cái vòi chờ nàng đến trách phạt.
– Biết phạt mày sao đây? – Bùi Thị Xuân khẽ sờ vào những mảng xăm kim loại trên mình voi – Cực hình đau đớn nhất mày cũng đã trải qua, không có gì trên đời này khiến mày sợ hãi nữa, thôi thì xem như mày nợ tao nghen!
Yên ổn được vài ngày, nữ tướng Bùi Thị Xuân đem voi trắng vào trường thao luyện cùng những con voi khác, ngẫm nghĩ ở chung với đồng loại nó sẽ hiền lành hơn. Nhưng voi trắng vốn là một sinh vật tách biệt và kiêu hãnh. Nó ngang nhiên dùng cặp ngà khổng lồ, vô địch của mình húc bị thương ba thớt voi của triều đình, sau đó quậy phá tanh bành cả trường bắn kề bên. Buổi chiều, hai chủ tớ lại ra biển lặng nhìn lớp lớp sóng cả, giọng nàng buồn thiu:
– Nếu mày không chịu đổi tính cứ quậy phá như vầy, thì tao còn bị quở phạt dài dài voi à…
Con voi trắng cúi đầu bên nàng, từng hơi thở nhè nhẹ, mắt lim dim, như cố gắng lắng nghe và đồng cảm. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Lúc lên thuyền để trẩy binh vào Gia Định nó len lén đạp vỡ ván gỗ, khiến thuyền thủng một lỗ to tướng, xém nữa là chìm chết mấy trăm mạng người. Dã tính của nó vẫn vậy, sự xảo quyệt của nó không thay đổi, chỉ là lúc có nữ tướng bên cạnh, nó giả vờ ngoan ngoãn nhằm đánh lừa mọi người. Đến khi đánh nhau với quân Xiêm, nó hiện nguyên hình là một con hung thú đầy ác tâm và bạo ngược, voi trắng cố tình nghiêng mình hứng đạn pháo bay về phía bành voi, may mà nữ tướng nhảy xuống kịp. Thế là con voi trắng khổng lồ không cần người điều khiển, tự do xông pha trận mạc, nó hùng hục lao về phía trước, gặp ai giết nấy, giẫm đạp, quăng quật vô số quân địch. Nó húc chết sáu con voi Xiêm, giày xéo cả một vùng thành bãi lầy đẫm máu, trước khi kiệt sức nằm thở hổn hển trên gò đất.
Ai cũng sợ hãi khi chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp đó, duy chỉ có nữ tướng là vẫn can đảm đến bên cạnh voi trắng, nhẹ nhàng rút những mũi tên nhọn, dùng thảo dược bôi lên mình voi. Vết thương cũ và mới, máu đen sậm rỉ rả phía sau những mảng xăm bằng kim loại.
– Chắc mày đau đớn lắm phải không?
Nàng trò chuyện với nó, vuốt ve trán voi, giọt nước mắt cảm thông chẳng biết có tác dụng gì không, nhưng nàng vẫn khóc, bằng trái tim giàu cảm xúc của con người.
*
Giặc Xiêm bị đánh tơi bời, đất Gia Định tạm thời yên ổn. Bùi Thị Xuân tiếp tục cưỡi voi trắng khổng lồ theo chân Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ tiến công ra Bắc. Trận đầu là chiến dịch Phú Xuân, quân Trịnh chống trả rất quyết liệt. Nàng dẫn binh sĩ đánh thẳng vào lũy Trấn Ninh. Con voi tinh ranh ban đầu rất nghe lời, đi theo đúng sự điều khiển của nàng, phía sau là hai chục thớt voi thiện chiến khác. Nhưng đến khi giáp công, voi trắng bất chợt tách hàng ngũ, tông thẳng vào cổng thành. Với sức mạnh bạt núi của loài hung thú, cánh cổng gỗ nhanh chóng bị phá sập, voi chạy một hơi vào thành địch, càn quét băng băng qua mưa tên bão đạn. Quân Trịnh ném hỏa cầu về phía bành voi, dùng cung tên bắn xối xả, Bùi Thị Xuân chống đỡ đến kiệt sức. Tình thế như ngàn cân treo sợi tóc, bốn phía đều là quân địch, lửa cháy mù mịt. Nàng ôm chặt đầu voi than trách:
– Mày thấy chưa, mày muốn hại tao nhưng lại khiến cả hai cùng gặp nguy hiểm, địch vây tứ phía, biết làm sao bây giờ?
Hỏa cầu thi nhau phát nổ, giải phóng những cuộn lửa nóng hực. Lửa đuổi theo dấu chân voi, lửa xoáy tròn, lan rộng. Những mảng hình xăm bằng kim loại trên mình voi từ từ bắt lửa, sáng rực lên. Kiệt tác càng phản chiếu đẹp đẽ, con voi càng đau đớn khủng khiếp. Voi gào thét, quăng quật hết súng pháo và ống đồng. Voi lao đầu xuống hầm bẫy, đứng chôn chân trong tàn tro.
Bốn bề lửa vẫn cháy, chiến tranh quay cuồng như lò bát quái. Người ta tiếp tục bắn giết nhau. Cơn cuồng loạn của voi trắng, cơn cuồng loạn của đất trời. Nữ tướng thu song kiếm, bắt chéo trước ngực. Nàng thôi không chống đỡ nữa, chỉ ngẩng đầu nhìn cuộn mây vũ tích chất chồng:
– Mưa… Mưa rồi…
Những hạt nước nặng nề vỡ tan trên trán người, lộp độp thấm ướt cây cỏ. Mưa lớn hơn, thoáng chốc bao trùm trần thế. Nghĩa quân Tây Sơn tận dụng thời cơ tràn vào thành lũy, tàn quân Trịnh vứt hết súng pháo lũ lượt đầu hàng. Con voi trắng quỳ sụp xuống, lửa đỏ trên mình nó từ từ tắt ngấm, voi nằm giữa bùn lầy rất lâu, tận hưởng phút mát dịu hiếm hoi của trời đất. Bùi Thị Xuân thở phào nhẹ nhõm. Chiến tranh trôi qua, mây chuyển gió dời, ngổn ngang cờ thương, giáo gãy ngoài kia. Tất cả dần bị thời gian xóa sạch hết, chỉ còn bờ cát êm đềm. Đến cuối ngày, nàng dẫn con voi ra biển rộng, những chiến thuyền khổng lồ của Tây Sơn đang hiên ngang cập bến. Nàng vuốt ve ngà voi, nó lắc lư cái đầu tỏ ý thuần phục:
– Nghe nói chúa công muốn đánh thẳng ra Bắc Hà, lật đổ họ Trịnh, thống nhất giang sơn Đại Việt… Chúng ta lại để sổng mất tên gian tặc Nguyễn Ánh, bây giờ hắn đang ở Xiêm La, sống vất vưởng như cái bóng ma chờ ngày phục vị. Kẻ thù cũ vẫn còn, kẻ thù mới đang đợi chúng ta ở phía trước… Hành trình vẫn còn dài lắm voi trắng à… Hay tao gọi mày là Hỏa tượng nhé… Hỏa tượng, mày có sợ chiến tranh không?
*
Không sợ hãi, Hỏa tượng gầm lên kiêu hãnh. Nó yêu thích giết chóc, nó say mê phá hủy tường lũy và thành trì. Đúng một tháng sau, quân Tây Sơn tràn vào Thăng Long như vũ bão. Chúa Trịnh, một dòng họ từng khống chế thiên tử, cai trị Bắc Hà ngót hai trăm năm sụp đổ, “kiêu binh” tan tác khắp nơi. Bùi Thị Xuân cưỡi voi trắng diễu hành quanh đất Thăng Long đô hội. Dân Bắc Hà đổ ra xem chật cả đường, có người hân hoan, có người sợ hãi, có kẻ âm thầm mưu tính.
Chúa Trịnh và chúa Nguyễn đánh nhau hơn trăm năm, bảy lần đại chiến bất phân thắng bại, vậy mà Tây Sơn hưng khởi mới vài năm đã lật đổ cả Trịnh Nguyễn, lập nên chiến công vang trong lừng sử sách. Vua Lê Hiển Tông rất xem trọng Nguyễn Huệ, sắc phong ngài làm Uy Quốc công, còn gả cô công chúa tài sắc là Lê Ngọc Hân cho vị anh hùng. Từ đây đất nước sẽ thanh bình, bốn phương yên ổn ư? Nàng ngồi bên dòng Nhĩ Hà, cạnh chú voi trắng khổng lồ, đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, những tòa lầu mái ngói rêu phong, cầu gỗ, hồ sen, vườn liễu rũ. Cảnh vật tuy đẹp đẽ nên thơ nhưng lòng người sao cứ buồn bã, ưu phiền.
– Chưa đâu, chiến tranh còn lâu lắm mới kết thúc Hỏa tượng à…
Những cung điện mới mọc trên tàn tích của triều đại cũ. Dòng họ này bị tiêu diệt, dòng họ khác bước lên ngai vàng. Từ Đại La đến Thăng Long, Đông Đô lại đổi thành Đông Kinh. Kẻ Chợ thuyền buôn tấp nập, bốn bề sông ngòi bao quanh. Đồng bằng trù phú, ruộng lúa tốt tươi. Phủ chúa Trịnh kia, mấy trăm tòa lâu đài cung khuyết, cung vua Lê đó, thâm nghiêm giữa chốn kinh kỳ. Tiếc rằng Uy Quốc công Nguyễn Huệ “phù Lê” chưa được bao lâu, thì vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đích thân ra Bắc Hà triệu hồi người em trở về:
– Bắc Hà là nước lớn, tuy dẹp yên được một lúc nhưng khó thể khống chế lâu dài, em phải trở về Thuận Hóa, toàn tâm toàn ý ngồi vào chiếc ghế Bắc Bình vương, như vậy là đủ.
Vua Thái Đức vừa khuyên răn vừa cảnh cáo em mình. Những cuộc hành quân dài tiếp nối nhau, ý chí người này chồng chéo lên ý chí kẻ khác, đất Thuận Hóa quá nhỏ bé so với khát vọng của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Ngồi ngắm sông Hương mùa nước lũ, Bùi Thị Xuân thủ thỉ trò chuyện cùng voi trắng:
– Chúa công lại sắp sửa động binh, lần này không đánh giặc ngoài nữa mà hai anh em họ nồi da xáo thịt lẫn nhau… Hỏa tượng à, mày có sợ chiến tranh không?
Vì mâu thuẫn trong chuyện Bắc Hà, vua Thái Đức đem quân hỏi tội em trai, Bắc Bình vương phản kháng bằng cách huy động một lực lượng hùng hậu bao vây thành Hoàng Đế ngặt nghèo. Những thớt voi gầm thét suốt ngày đêm, súng pháo nã về phía thành trì không ngớt. Tình thế nguy nan buộc vua Thái Đức phải lên đầu thành khóc lóc xin giảng hòa, Nguyễn Huệ nể tình anh em nên đồng ý lui binh. Tiếng là hòa hoãn nhưng ai cũng trong tâm thế dè chừng đối phương, nội bộ Tây Sơn rạn nứt nghiêm trọng. Chiến tranh vẫn âm ỉ như tàn lửa chờ ngày bùng phát. Nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi trắng vượt Hải Vân quan, trùng trùng mây núi chất chồng lên nhau, cây cối xanh tươi kéo dài ra biển rộng. Nàng thầm nghĩ, công cuộc nhất thống giang sơn hãy còn xa lắm.
Thuận Quảng vừa yên thì Bắc Hà lại có biến, Nguyễn Hữu Chỉnh lấn quyền vua Lê, Thăng Long hỗn loạn, lòng người ly tan. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lập tức cử Vũ Văn Nhậm xuất chinh, hành quân thần tốc, đánh cho thầy trò lão Cống Chỉnh tan tác. Tuy nhiên, vua Lê Chiêu Thống cũng bỏ ngai vàng chạy mất, loạn lạc tiếp nối loạn lạc, như ngọn lửa cháy lan vô phương dập tắt nổi. Thôi thì cứ để ngọn lửa thiêu trụi cả khu rừng, tận diệt hết những tàn dư, cặn bã. Đề rồi sau bão tố, cây cối sẽ hồi sinh tươi tốt hơn xưa.
– Mày nghĩ chúng ta có thắng nổi quân Thanh không?
Nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên bành voi, theo chân Quang Trung hoàng đế trẩy quân ra Bắc. Hai mươi chín vạn quân Thanh thừa cơ xâm lược nước ta, vua Lê Chiêu Thống hèn hạ luồn cúi với tướng giặc. Vận nước mong manh, dân chúng khổ sở. Dãy Tam Điệp đây, ngăn cách đất Thanh Nghệ với vùng đồng bằng Bắc Hà, chỉ cần tiến vài bước nữa, lửa đỏ sẽ bừng lên, xoay vần, đuổi theo dấu chân voi mãi mãi.
Hỏa tượng gầm thét trong đêm, hàng hàng voi chiến có gắn cả hỏa súng trên lưng tấn công dồn dập vào đồn Khương Thượng của quân Thanh. Lũ giặc không sao chống đỡ nổi nguồn sức mạnh khủng khiếp mang tên Tây Sơn, lớp bị giết, lớp bị voi giày, xác chết chất thành mười hai gò cao quanh Đống Đa. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, quân Thanh nhanh chóng tan vỡ.
Từ Đống Đa đến Thăng Long là đại thắng, chiến công lừng lẫy mang tên Quang Trung hoàng đế. Tôn Sĩ Nghị nghe tin các đồn lũy vùng ven bị hạ, cuống cuồng bỏ hết ba quân chạy trước. Ngày mồng Năm, Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long, khói súng ám đen áo bào, nhân dân đổ ra nghinh đón chật cả đường.
Trong lúc mọi người đang ăn mừng chiến thắng, thì nữ tướng Bùi Thị Xuân một mình cưỡi Hỏa tượng rảo quanh kinh kỳ. Chỉ mới mấy năm mà cảnh tượng tiêu điều đến khó tin, phủ chúa bị thiêu trụi, cung vua trống rỗng, bao dinh thự nguy nga ngày nào giờ vắng tanh. Nàng dừng chân bên dòng sông Nhĩ Hà, vẫn trầm ngâm suy nghĩ về tương lai:
– Sông này sâu bao nhiêu trượng, mày có thể chở tao bơi qua bờ bên kia không?
Tận cùng con đường này là gì? Chiến thắng rồi nhưng chiến tranh mãi chưa kết thúc. Quân Tây Sơn trở về Thuận Hóa sau khi tình hình Bắc Hà tạm yên. Bùi Thị Xuân cưỡi Hỏa tượng băng qua lũy Trấn Ninh. Nước sông Gianh mãi mãi u buồn như vậy. Biển trời, cát trắng, núi đồi, đầm sâu.
– Nghe nói Nguyễn Ánh vừa thu phục được đất Gia Định, Đồng Nai. Dân Nam Bộ rất trung thành với họ Nguyễn. Chúng đang xây một tòa thành khổng lồ trên những dòng sông. Chúng đang đúc súng lớn, đóng thuyền to chuẩn bị chiến tranh một lần nữa… Một lần nữa, Hỏa tượng, mày có đủ sức mạnh để húc sập thành Bát Quái không… Mày có sợ chiến tranh không?
Con voi trắng khổng lồ hơi nghiêng đầu rồi lặng thinh. Nó không thể trả lời, nó không hiểu nàng nói gì. Nó là một con voi hung hãn với đôi mắt đỏ rực. Nó luôn chuẩn bị tinh thần để giết chóc, tàn phá. Nhưng hôm nay nó thật lạ, voi đón nhận hai từ “chiến tranh” bằng ánh mắt buồn thảm và thái độ lãnh đạm, thờ ơ. Có thể nó đã đổi tính sau nhiều năm theo nàng, được nàng huấn luyện, vỗ về. Có thể nó đã quá mỏi mệt với những chuyến hành quân dài, rất dài. Hoặc có thể, nó đã chán ghét con người, chán ghét chiến tranh đến cùng cực.
*
Và cuối cùng, nàng lại trở về lũy Trấn Ninh này. Lũy Trấn Ninh, lũy Thầy, khu thành lũy ngăn cách non sông hơn một trăm năm mươi năm trời. Đàng Trong và Đàng Ngoài, chúa Trịnh và chúa Nguyễn bảy lần đại chiến khiến máu chảy thành sông, dân chúng khổ sở trong cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Khởi nghĩa Tây Sơn bùng lên như bão lửa, lần lượt đánh đổ chúa Nguyễn, chúa Trịnh, hạ bệ vua Lê, chế ngự giặc Tàu Ô, đánh đuổi quân Xiêm ngang ngược, đại thắng hai mươi chín vạn quân Thanh. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Phú Xuân, mở ra kỷ nguyên nhất thống thiên hạ. Cứ tưởng từ đây đất nước sẽ yên ổn, nhân dân an hưởng thái bình. Nhưng không ngờ ngọn lửa chiến tranh vẫn bám theo dấu chân voi, xoáy tròn và lan rộng hơn. Thủy chiến Thị Nại thiêu rụi tất cả binh thuyền của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Ánh từ Gia Định tiến công ra Bắc, vây kín thành Hoàng Đế. Giữa tình cảnh ngặt nghèo đó, vua Quang Trung đột ngột qua đời, không lâu sau Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc cũng lâm trọng bệnh mà mất. Sau nhiều xáo trộn trong nội bộ Tây Sơn, nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu đã gạt bỏ tư thù, bắt tay làm hòa với tướng Võ Văn Dũng, cùng chống đỡ đại nghiệp Tây Sơn buổi xế chiều…
Và tàn cuộc, thủy chiến Thị Nại lần hai đã thiêu trụi toàn bộ thủy quân Tây Sơn. Và tàn cuộc, đô thành Phú Xuân thất thủ, nữ tướng Bùi Thị Xuân hộ giá vua Cảnh Thịnh bỏ chạy ra Bắc Hà, nương nhờ binh lực của Khang công Nguyễn Quang Thùy.
Bây giờ nàng đứng ở đây, lũy Thầy xa xa, lũy Trấn Ninh đồ sộ, quân Nguyễn đã thu phục được toàn bộ Nam Hà. Vua Cảnh Thịnh ngự giá thân chinh, quyết sống mái với Nguyễn Ánh trong trận đánh cuối cùng này. Ba vạn quân gào thét dưới mưa giông, thề tử chiến để lấy lại niềm kiêu hãnh mang tên Tây Sơn. Huyền thoại là bất tử, huyền thoại không thể chết.
– Chặt đầu Nguyễn Ánh, trung hưng Tây Sơn!
– Chặt đầu Nguyễn Ánh, trung hưng Tây Sơn!
– Giết! Giết! Giết!
Nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên bành voi, vỗ về loài hung thú. Con voi khổng lồ này từng húc sập vô số thành lũy của giặc, ngạo khí ngút trời, hôm nay nó có đủ sức công phá lũy Trấn Ninh, lật ngược thế cờ hay không? Nàng không biết, những dự cảm, bất an cứ miên man, trôi nổi trong đầu. Nàng không biết, nước cờ này đã đánh sang sông, chẳng thể nào lùi bước được nữa.
Mấy chục thớt voi dàn hàng ngang rống lên như sấm sét, quân Tây Sơn theo gót nàng đánh riết vào lũy Trấn Ninh, pháo súng từ trên lũy bắn xuống như sao sa chớp giật, nhưng họ không bỏ cuộc. Lớp trước ngã xuống, lớp sau nhanh chóng tiến lên. Nàng cầm quân không mệt mỏi, đánh từ sáng đến chiều, mặc kệ máu và mồ hôi ướt đẫm giáp bào.
– Mọi người cố gắng lên, thắng trận này đại thế Tây Sơn sẽ hồi phục, thắng trận này chúng ta cùng gầy dựng lại giang sơn!
Con voi trắng Hỏa tượng húc sầm vào tường lũy, một cú va chạm khủng khiếp, những con voi khác thấy thế cùng lũ lượt ùa lên. Hơi nao núng một chút, lũy Trấn Ninh vẫn đứng sừng sững không chịu đổ sập. Có lẽ cú húc chưa đủ lực, có lẽ sức mạnh của voi trắng đã giảm đi nhiều sau hàng chục năm chinh chiến gian khổ. Có lẽ ông trời không còn đứng về phía Tây Sơn nữa. Mây gió trôi dài, lòng người tản mác. Nhưng nàng không bỏ cuộc, nữ tướng quyết định tập trung hỏa lực đánh dồn dập vào một điểm, quân lính trèo lên những cái xác voi để công thành. Trận chiến diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Quân Nguyễn từ thế khinh thường chuyển sang sợ hãi, sức chống đỡ giảm dần. Bầy voi rống lên điên cuồng, pháo súng nổ tung trời:
– Lũy Trấn Ninh sấp thất thủ rồi, quân Nguyễn đang tháo chạy kìa!
Nữ tướng tự tay thúc trống trận liên hồi để cổ vũ tinh thần binh sĩ. Và tàn cuộc, có gì đợi chờ nàng phía trước? Khi cổng thành sập xuống, một khu lũy trống rỗng hiện ra trước mắt Bùi Thị Xuân.
– Bẩm, lũy Trấn Ninh trống rỗng, quân Nguyễn tháo chạy hết rồi.
– Quân Nguyễn chạy đi đâu? – Nàng trỏ kiếm điều động đội khinh kỵ nhanh chóng truy lùng.
– Bẩm, có tin báo, sự việc vô cùng nguy cấp!
– Chuyện gì? – Nữ tướng đứng thẳng trên bành voi cố phán đoán tình hình.
– Quân Nguyễn… chúng đang vượt sông tập kích… ở phía sau lưng quân ta…
Nguyễn Ánh thừa cơ đại quân Tây Sơn đang tập trung công phá lũy Trấn Ninh, liền dùng kế “bắt giặc bắt tướng”, lùa quân vượt sông Gianh đánh tập hậu vào bản doanh Tây Sơn. Vua Cảnh Thịnh đang ngự chiến ở đó tưởng nguy khốn, hoảng hốt ra lệnh lui binh. Đại thế Tây Sơn dần tan vỡ, biết bao xương máu đổ xuống những tưởng có thể giành chiến thắng, rốt cuộc hóa hư không. Từ hai trận thủy chiến Thị Nại, cuộc vây khốn thành Bình Định, giờ đến trận Trấn Ninh này đã chứng tỏ cơ mưu của Nguyễn Ánh không phải tầm thường. Dưới vòm trời đất chỉ có vua Quang Trung mới đủ sức áp chế nổi Nguyễn Ánh. Nhà vua mất rồi, cơ nghiệp Tây Sơn dần lụi tàn theo cát bụi. Bùi Thị Xuân tức tốc đuổi theo nắm áo bào của vua Cảnh Thịnh, khuyên nhà vua cố đánh. Tuy nhiên tin dữ lại dồn dập truyền đến, Nguyễn Văn Trương vừa phá tan thủy binh Tây Sơn trên cửa biển Nhật Lệ, tướng sĩ Tây Sơn đều thất thần, mạnh ai nấy vứt vũ khí tháo chạy thoát thân.
Và tàn cuộc, Hỏa tượng bị kẹt một mình trên chiến trường, nó vẫn kiên cường chiến đấu, quăng quật, giày xéo điên cuồng. Quân Nguyễn dùng súng lớn bắn phá, nó tung người né tránh. Quân Nguyễn dùng hỏa đồng đốt cháy rang một vùng cát sỏi, nó khốn khổ chống đỡ. Quân Nguyễn dùng câu liêm móc rách toạc hết thịt da voi trắng. Nó khuỵu xuống, nó đã quá già và mỏi mòn. Hỏa tượng cố ngẩng đầu nhìn về phía tàn quân Tây Sơn đang tháo chạy, nó muốn nhìn thấy bóng dáng nàng lần cuối, vị nữ tướng cả đời hiên ngang.
*
Hỏa tượng bị nhốt trong thành Phú Xuân, bị xích vào cột đồng lớn. Quân Nguyễn dần khám phá ra bí mật về hình xăm trên mình voi. Họ dùng hỏa dược thiêu đốt voi trắng mỗi ngày, mỗi ngày những đường nét hoa văn kia lại sáng rực lên. Tuyệt tác, người ta thưởng thức tuyệt tác bằng ánh mắt say mê thán phục. Người ta không quan tâm đến nỗi đau của nó. Người ta không quan tâm đến nỗi đau của kẻ thù. Nó nằm gục xuống đá sỏi, nó ngày càng hung hăng hơn, nó gào thét trong bất lực.
Vua Gia Long từng nghe danh tiếng con voi trắng khổng lồ, nay ngự giá đến xem, nhưng tất cả những gì nhà vua được chứng kiến là một con quái vật đen đúa, lở loét, gầy đến trơ xương. Thật thảm hại, ngài từng đinh ninh mình sẽ cưỡi trên lưng Hỏa tượng, diễu hành khắp đô thành Phú Xuân ăn mừng chiến thắng. Bên dưới muôn dân thi nhau tung hô, ca tụng chiến công hiển hách của ngài. Nhưng cuối cùng kế hoạch kia phá sản. Nó sắp chết, không, không thể để nó chết quá dễ dàng. Nhà vua đanh mày nói: “Phải giữ nó sống, chờ ngày đoàn tụ với chủ nhân.”
Con voi thôi bị tra tấn, người ta bôi thuốc và chăm sóc nó đàng hoàng hơn. Hằng đêm nó kêu gào thảm thiết, dưới ánh trăng, trong bốn bờ tường lạnh ngắt. Nó nhớ nàng, người quản tượng có trái tim đa sầu đa cảm. Nó nhớ rừng già, nó ghê sợ thế giới loài người. Nó ghê sợ chiến tranh và mùi thuốc súng tanh tưởi. Nó muốn trầm mình xuống dòng suối xanh mát của núi rừng. Vĩnh viễn.
Vĩnh viễn là bao lâu? Một tháng? Hai tháng? Ba tháng trời trôi qua. Và cái ngày kinh khủng kia cũng đến. Người ta dẫn nó đi gặp chủ nhân của mình, ở một nơi mà loài người gọi là pháp trường. Nữ tướng Bùi Thị Xuân bị trói vào cột gỗ, người ta ép nó phải giết bà, nó chần chừ không dám lao đến, nó ngoan cố lùi sát vách tường. Quân Nguyễn dùng súng bắn ầm ĩ, nó gầm rống phản kháng. Quân Nguyễn tưới hỏa dược khắp mình voi rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa hung bạo, ngọn lửa nhanh chóng lan tràn khắp cơ thể voi trắng, những hoa văn thêm một lần sáng rực rỡ. Lũ người xung quanh say mê ngắm nhìn tuyệt tác, tuyệt tác được vẽ lên bằng nỗi thống khổ của kẻ khác. Ai cũng hân hoan chỉ có nữ tướng là đau lòng. Bà nhìn vào mắt voi, nhẹ gật đầu. Con voi hoảng loạn lao tới dùng vòi tung bà lên trời. Theo thường lệ, nó phải giẫm nát xác tử tù, nhưng Hỏa tượng lại chạy vòng quanh pháp trường, da nó chảy xệ xuống và thứ hình xăm đẹp đẽ kia dần lẫn lộn với máu thịt, lụi tàn.
Triều Tây Sơn oai hùng đã lụi tàn, vĩnh viễn. Nhưng ngọn lửa rực rỡ kia, mãi cháy bừng trong sử sách.
HẾT