Nam Bắc phân tranh truyện
Khi cậu bé choàng mở mắt thì nắng vàng đã lòn qua khe cửa, chết trễ rồi, khéo lại bị mắng. Cậu chạy như bay ra đồng, chẳng kịp ăn uống gì, cứ vậy mà cùng lũ trâu già xuôi ngược hết bờ bãi sông đầm. Ban trưa nắng càng gay gắt hơn, cậu cột đỡ bầy trâu dưới tán cây gạo, mon men rình rập ngoài song cửa nhà thầy đồ. Thầy dạy viết chữ, cậu dùng que vạch lên đất. Thầy đọc điển tích, cậu nghiêng đầu lẩm nhẩm theo. Nhưng trí nhớ cậu kém lắm, đến chiều thì quên hết bảy, tám phần thầy dạy. Ánh mặt trời vàng vọt, buổi học tan, cậu ngơ ngẩn nhìn mãi nét chữ đang phai mờ bởi gió bụi.
– Chữ này là chữ gì nhỉ, sao mình không nhớ nổi…
Một đám học trò đi ngang qua cậu, đứa nào cũng bịt mũi trề môi:
– A, ra là thằng Cơ chăn trâu, trâu mày phá hết lúa non ngoài kia kìa, không khéo no đòn, bày đặt ở đây học chữ với nghĩa!
– Đồ hôi hám, ngu dốt!
Cậu sực tỉnh chạy miết ra chỗ cây gạo, có ai đã tháo dây thả bầy trâu đi, có ai đã phá bĩnh cậu. Một trận đòn nhừ tử cho nhớ đời. Cơ, thằng nhóc ăn hại này, cậu bị người ta đánh đến nổi không thể đi đứng bình thường được. Cậu phải nằm sấp mà viết chữ trên đất. Đau quá, chữ “đau đớn” viết như thế nào nhỉ. Cậu đưa cánh tay run run vạch từng nét, từng nét chữ thô thiển và xấu xí.
Chiều tàn, đêm xuống, tiếng chim kêu khắc khoải, cậu cố nhỏm dậy khi thấy một bóng người từ triền sông đi đến. Rẽ lối cỏ lau, men qua bờ rào. Người đó lớn hơn cậu một chút, dáng vẻ bụi bặm nhưng đôi mắt thì tinh anh, sáng ngời.
– Vở học của tao, cho mày mượn đó! – Anh ta ngồi vắt vẻo trên nhánh cây quẳng quyển vở xuống đất.
– Nhưng… – Cậu cố gượng dậy.
– Không nhưng nhị gì hết, cái lũ thả trâu khiến mấy bị đòn tao đánh chúng bầm dập rồi, tao cho mày mượn vở vì tao thích mày, chỉ vậy thôi!
– Thích… – Cậu tròn mắt ngạc nhiên.
– Thích là thích, không có lý do… À lúc chiều mày bị lũ khốn nhà giàu đánh đòn mà không kêu ca tiếng nào, anh hùng lắm đó!
– Anh hùng ư?
Cậu khẽ nâng quyển vở lên, mùi mực mới, giấy khô ráp, ngay trang đầu tiên hiển hiện bốn chữ rất khẳng khái và đẹp. Lúc đó cậu không biết mặt chữ, cậu chỉ vẽ theo và ghi nhớ trong lòng. Cho đến mãi sau này, ngày chia tay cậu mới dám hỏi anh ta:
– Bốn chữ đó là gì ư… Nhóc con, là “Diệt Tần phá Sở”…
*
Bốn từ “Diệt Tần phá Sở” cứ ám ảnh trong giấc mơ của cậu bé Cơ. Những ngày lang bạc, những tháng năm lênh đênh không biết đâu là bờ bến. Nắng hạ tràn qua khung cửa, cậu giật mình thức giấc, trời đã xế trưa, và tiếng ve kêu vang rừng.
Tự nhìn mình trong chiếc gương mờ ảo, cậu đã lớn bổng thế này. Không còn là một đứa trẻ chăn trâu gầy nhom hay bị người ta bắt nạt, đánh đập. Không còn nữa, tuổi thơ thoáng chốc qua đi:
– Bẩm trại chủ, ngoài kia có vị khách muốn gặp ngài!
– Ai?
– Dạ không biết, hắn chỉ xưng là học trò xứ Hải Dương, đơn thương độc mã!
– Hừ!
Cậu choàng đứng dậy, rèn rẹt kéo lê thanh đại đao dưới nền đất, ánh mặt trời thẳng đứng, cậu hiên ngang bước ra khỏi khu trại. Cậu ngẩng đầu ngáp dài ngáp ngắn, kẻ lạ mặt ngồi trên tảng đá ngay kia, đội một chiếc nón lá rộng vành và đeo gươm bên hông, chẳng có gì đặc biệt. Lại một tên ất ơ nào đó muốn cầu cạnh, nương nhờ Trại chủ ta nữa ư? Một chút ngạo nghễ, một chút khinh bỉ và cuối cùng, không hiểu sao cậu đổ sụp xuống trước con người đó. Trước ánh mắt sáng quắc và khí chất kiêu hùng kia:
– Thầy… Đúng là Thầy Hữu Cầu rồi… Xin nhận của học trò một lạy!
Trước mấy trăm tráng sĩ của sơn trại, cậu dập đầu thành khẩn. Cậu mừng lắm, liền mời Thầy vào trong khoản đãi. Chén rượu đầy vơi, ai cũng nghẹn ngào:
– Tôi ở làng đó được hai năm, hai năm mượn vở của Thầy học hành. Sau này lớn lên tôi đi làm cướp. Thật tức cười, học xong rồi làm cướp. Cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo, giết hết bọn tham quan ác bá!
– Thật là? – Hữu Cầu thở dài.
– Nhắm mắt lại, mở mắt ra đã thấy mình lớn lên nhiều, to xác và ngu dốt hơn Thầy ạ!
Gió tĩnh lặng, những bờ lau sậy đìu hiu, cậu rót chén rượu mời Thầy, Hữu Cầu chợt nhếch cười:
– Cậu vẫn gọi tôi là Thầy, tôi từng nghĩ khi lớn lên mình sẽ làm Thầy đồ, rồi đi dạy những đứa trẻ nghèo khổ ham học như cậu, nhưng cuộc đời mà… Ha ha, giờ tôi cũng trở thành cướp giống cậu thôi!
– Thầy là anh hùng chân chính! – Cậu dâng ly rượu bằng hai tay, cung kính.
– Hừ, anh hùng, chẳng có ai là anh hùng cả!
– Đối với tôi, Thầy mãi mãi là anh hùng!
“Chẳng có ai là anh hùng”, Thầy nói câu đó bằng tất cả lòng trắc ẩn của mình. Thầy vì nghĩa mà dựng binh, danh tiếng lừng lẫy khắp xứ Hải Dương, Kinh Bắc. Trước giết hết bọn tham quan bức hiếp dân lành, sau nhiều lần giao chiến với những danh tướng triều đình như Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc bất phân thắng bại. Quân Trịnh ai cũng sợ Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Thầy xuất quỷ nhập thần, lúc đánh đông, lúc kích tây không biết đâu mà lường. Đối với triều đình, Thầy là thủ lĩnh nghĩa quân nhiều mưu mẹo và kiên cường nhất. Có lúc bị vây khốn rất ngặt, Thầy một thân một ngựa phá vây trốn đi biệt tích, quan quân cứ tưởng đã dẹp yên được Quận He, ai ngờ không lâu sau, Thầy bỗng dưng xuất hiện cùng hàng ngàn quân mã vây đánh thành trấn triều đình, cướp thóc gạo chia cho dân nghèo…
Rồi (cậu bé) Hoàng Phùng Cơ theo chân Nguyễn Hữu Cầu, cùng tung hoành bốn biển, thanh thế càng ngày càng lừng lẫy. Nghĩa quân lớn mạnh đến mức Trịnh Doanh đặt nhiệm vụ đánh dẹp Quận He làm ưu tiên hàng đầu. Ai cũng sợ Nguyễn Hữu Cầu nhưng Phạm Đình Trọng thì không. Hai người sống cùng làng, học cùng thầy, kình địch nhau từ nhỏ. Nguyễn Hữu Cầu liên tiếp bị Phạm Đình Trọng đánh bại ở trận Xương Giang và Yên Quảng. Hữu Cầu giận dữ quật mộ mẹ Phạm Đình Trọng quăng xuống sông…
– Chẳng có ai là anh hùng đâu Cơ à!
Triều đình bao vây tứ phía, binh lực chẳng còn bao nhiêu, sức Thầy đã cạn… Đêm đó Thầy vận áo giáp nhẹ, cùng binh tướng, nghĩa dũng mấy ngàn người quyết tâm đánh một trận sống mái với Phạm Đình Trọng:
– Ta đã chẳng còn đường lui… Lần này đánh ra Thăng Long là quyết tử… Cơ à, cậu còn trẻ, đã được Trịnh Doanh xá tội, nhớ lời ta, nghĩa quân cũng được, quan quân cũng được… Miễn sao giúp ích cho nhân dân… Ta kiếp này không uổng, chỉ tiếc rằng sức người có hạn, không thể “Diệt Tần phá Sở” như chí nguyện xa xưa…
Hoàng Phùng Cơ quỳ xuống dưới chân ngựa, dâng thanh gươm đã được lau chùi sạch sẽ cho Nguyễn Hữu Cầu. Quận He khẳng khái đón lấy binh khí rồi thúc ngựa ra đi, áo choàng lất phất trong mưa ngâu, người anh hùng chẳng một lần ngoảnh đầu nhìn lại…
*
Thời gian như dòng nước trôi qua kẽ tay, chẳng bao giờ có thể nắm bắt được. Vị tướng bần thần tỉnh giấc, lặng nhìn bản thân mình trong gương sâu. Lâu thật lâu, khi mây mờ luân chuyển, khi trời tờ mờ sáng, Hoàng Phùng Cơ mới vận giáp bạc, khoác áo choàng trắng, cầm đại đao lặng lẽ bước ra khỏi doanh trại. Ngài cứ đi bộ, dọc theo những triền sông vắng, con nước xanh xanh trôi dài cùng nền trời xanh nhạt. Cánh chim miền Thuận Hóa bay đã mỏi. Hay rừng thông nơi đỉnh đồi hoang vu kia. Hít một hơi thật sâu, ngài nhìn khắp nương dâu bờ bãi, ngọn gió tĩnh lặng, ánh mặt trời vừa lên. Hoàng Phùng Cơ, vị tướng tuổi ngũ tuần bỗng dưng quỳ sụp xuống, nhìn về hướng đông, hướng của biển cả, hướng của những cơn sóng bạc đầu. Không nói gì, để những hoài niệm xa xôi hiện lên trong tâm trí.
Vị tướng vẫn quỳ mãi cho đến khi trời sáng bững, nắng trong suốt, hàng cây xanh mướt tốt tươi. Hay bầy chim tự do chao liệng. Rồi từ xa, một đoàn kỵ binh đông đảo rẽ lối phi tới, với giáo gươm sáng lòa, với cờ thương phất phới, có kẻ còn đeo súng uy nghi. Chúng dừng ngựa cách ngài mười bước chân, tất cả cùng kính cẩn cúi đầu:
– Bẩm Tướng quân, Bình Nam thượng tướng (Hoàng Ngũ Phúc) đang truyền lệnh xuất trận, chúng ta nên gấp rút lên đường họp binh!
Họ Nguyễn ở Nam Hà suy yếu trầm trọng, khắp nơi dấy nghĩa, chúa Trịnh Sâm liền điều Hoàng Ngũ Phúc cùng binh tướng tinh nhuệ tiến đánh. Trước dùng mưu kế vượt lũy Trấn Ninh, công thẳng Đô thành Phú Xuân. Sau tiễu trừ xứ Quảng Nam, quyết một trận đánh thẳng xuống Quy Nhơn, Gia Định, nhất thống sơn hà. Kết thúc cục diện Nam–Bắc phân tranh ác liệt bao lâu nay. Ông tướng già không nói gì, lẳng lặng đứng dậy, đội mũ trụ, chỉnh sửa giáp choàng nghiêm trang, rồi cùng đội kỵ binh nhanh chóng xuất kích.
Làng Cẩm Sa, đất Quảng Nam, nơi Tây Sơn đã bày trận sẵn.
Nghĩa quân do Nguyễn Nhạc chỉ huy vô cùng tinh nhuệ. Nhất là bọn hải tặc, dũng sĩ người Quảng Đông dưới quyền Lý Tài và Tập Đình, chúng đều đeo giấy vàng, giấy bạc quanh cổ, tay cầm lá chắn bằng mây cùng siêu đao lớn, cởi trần xông pha đâm chém bừa bãi. Khí thế quân Tây Sơn hung hăng như sóng dữ, khiến đội tiền quân của Hoàng Ngũ Phúc không thể địch nổi. Nha hiệu của Hoàng Ngũ Phúc là Quế Vũ bá bị quân Tập Đình giết tại trận. Quân Trịnh đang bị dồn ép và dần thất thế trên chiến trường.
Ông tướng già nhếch cười, đại cuộc đã định sẵn, Hoàng Ngũ Phúc vừa đánh vừa lui, dùng chính mình làm con mồi để nhử quân Tây Sơn vào bẫy. Quân Tây Sơn cứ thừa thắng xông lên chẳng đề phòng gì. Hoàng Phùng Cơ lim dim mắt, nghe xung quanh tiếng binh đao và sóng vỡ, tiếng người gào thét và tiếng hỏa hổ cháy ran trời. Từ từ nâng thanh đại đao uy vũ, từ từ trẩy binh theo nhịp vó ngựa vang lừng.
Rầm rập, rầm rập. Rầm rầm, rầm rầm. Dây cương thẳng tắp, súng nạp sẵn đạn, Hoàng Phùng Cơ chỉ huy mội đội khinh kỵ bên trái, Hoàng Đình Thể lãnh cánh thiết kỵ bên phải, đội súng ống mai phục trong rừng. Tất cả cùng xông ra, chém giết, khuấy đảo chiến trường. Tất cả cùng xông ra, nhảy múa với tử thần. Với cái chết định sẵn. Quân Tây Sơn bị đánh kẹp từ ba hướng, không còn đường nào chống đỡ, nhanh chóng thất trận.
Cuối ngày hôm đó, đứng trền đỉnh đồi nhìn cảnh giáo gãy, cờ xiêu, Hoàng Phùng Cơ vẫn lẳng lặng không nói gì. Tất cả binh lửa, giao tranh chỉ là giấc mộng, thương thay những máu chảy đầu rơi. Ngài ngồi bệt xuống nền đất ẩm ướt, bình tĩnh lau vết máu trên lưỡi đao:
– Tại sao Hoàng Phùng Cơ tướng quân đỉnh đỉnh đại danh lại quỳ gối trước một dòng sông?
Ngài ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là Hoàng Đình Thể, chỉ huy quân Thiết kỵ, một chiến tướng lừng lẫy có công dẹp nghĩa quân Hoàng Công Toản, Lê Duy Mật xưa kia:
– Có gì đâu mà đỉnh đỉnh đại danh… Ừ hôm nay là ngày giổ Thầy ta!
– Thầy ông chắc tài giỏi lắm?
– Đối với ta Thầy mãi mãi là anh hùng!
*
Sinh, lão, bệnh, tử nào có tha cho con người. Cả đêm nay lão già Hoàng Phùng Cơ chẳng thể nào chợp mắt được. Mặt trăng mờ tỏ ngoài kia, trăng sáng và mây mờ trôi đi hết. Ở cái tuổi này con người có thể chiến đấu nổi sao. Nổi chứ, lão tướng dùng mũi gươm sắc nhọn vạch đi vạch lại mấy chữ trên nền đất ẩm. Những chữ nghĩa đầu tiên mà Thầy đích thân dạy, “diệt Tần phá Sở”, khát vọng của Thầy…
Hoàng Phùng Cơ từ một tướng cướp, thành trợ thủ đắc lực nhất của Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Trấn thủ Sơn Tây, rồi Trung quân tả đô đốc dưới triều Lê Chiêu Thống. Danh tiếng lừng lẫy khắp đất Bắc Hà. Hô một tiếng là vạn người ứng nghĩa. Nhưng được gì, sáu người con trai tử trận trong lúc giao chiến với Tây Sơn ở hồ Thủy Ái. Cả nhà làm tướng, tang gia đến bạc đầu.
– Tên giặc bán nước Nguyễn Hữu Chỉnh, ta thề không đội trời chung với mi!
Mi đã rước giặc Tây Sơn về, cậy nhờ quân giặc để một bước nhảy lên mây xanh, giết chúa Trịnh, bức hiếp nhà vua. Đất Bắc Hà này có ai mà không căm ghét mi, có ai mà không muốn ăn gan, uống máu mi cho hả giận, tên oắt con Cống Chỉnh…
Trước khi thúc đại quân tiến về Thăng Long, Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ vẫn kính cẩn nhìn về hướng đông, nay đã già không thể quỳ lạy nổi, ông chỉ biết lặng lẽ như thế, trầm tư nhìn ánh mặt trời chớm nở. Áo choàng trắng phất phơ, đầu đã bạc trắng, cả đời chinh chiến có mỏi mòn?
Không, lão tướng tự mình thúc trống trận, tự mình trèo lên bành voi, tự mình dẫn đại quân vì nghĩa…
Tự mình chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến khi bị bắn gục, từ bành voi ngã nhào xuống đất.
Vẫn hiên ngang cho đến giây phút cuối cùng…
#Sử_Văn_Các
Tranh vẽ: Phòng tranh cu tí