Tam Hùng Gia Định truyện
– Tại sao anh lại giết Lý Tài ?
Trời nắng như đổ lửa và sình lầy như sôi lên. Hai kẻ ngồi dưới tán cây mù u già điềm nhiên chuyện trò:
– Vì hắn là một tên phản bội đê hèn, phường heo chó!
– Hắn phản bội ai?
Kẻ đối diện gầm gừ:
– Phản Tây Sơn , quá rõ ràng, đánh thua trận không những không biết quyết chí lập công chuộc tội mà lại đi dâng thành đầu hàng kẻ địch. Hạng như thế, đáng bị băm vằm!
– Lý Tài theo Tây Sơn vì điều gì?
– Tây Sơn có một câu khẩu hiệu rất hay: “Diệt trừ tham quan ô lại, cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo!”
Một cái nhếch cười bâng quơ, dòng sông đang đổi chiều và màu nước cũng thay đổi, xanh lơ hóa dần thành đỏ sậm của phù sa:
– Vâng, rất hay ho, Lý Tài theo Tây Sơn chỉ vì câu nói đó, trừ gian diệt ác, nhưng sau này hắn nhận ra rằng cả Nhạc lẫn Huệ đều muốn làm vua. Thành vua chúa tức là thành kẻ mà ban đầu họ muốn diệt trừ. Chính Tây Sơn đã phản bội Lý Tài!
– Ta biết!
Kẻ đối diện tròn mắt ngạc nhiên:
– Anh biết nhưng vẫn ra tay giết hắn!
– Hắn bất tài, đánh trận toàn thua và quá tôn sùng một lý tưởng chính nghĩa phù phiếm, sớm muộn gì hắn cũng gây hại cho đại nghiệp của chúa Nguyễn!
Kẻ đối diện lại nhếch cười cay đắng:
– Tôi nhận ra rằng anh giết hắn vì hắn đơn thuần và đáng tin hơn anh!
– Đáng tin hơn ta?
– Anh là một kẻ gian hùng!
Đỗ Thanh Nhơn, kẻ gian hùng, có rất nhiều người đã nói hắn như thế. Ở thời đại loạn lạc này không anh hùng sẽ bị khinh rẻ, không gian xảo sẽ bị kẻ khác lợi dụng, chà đạp.
– Tại sao Đỗ Thanh Nhơn ta lại đi tranh luận với một con hổ?
– Anh cô độc, cũng như tôi, nỗi cô độc đã ăn tận xương tủy!
– Cô độc?
Con hổ giương đôi mắt đầy vẻ suy xét:
– Anh giết Lý Tài như thế nào?
– Vạn tiễn xuyên tim, hắn chết mà không biết ai đã giết mình, kết cuộc quá nhẹ nhàng cho một tên cướp biển tàn ác!
– Anh sợ hãi khi phải đối diện với hắn!
– Điên rồ, Đỗ Thanh Nhơn ta không sợ ai cả! – Hắn nghiến răng giận dữ.
– Tây Sơn tiến đánh, anh cố thủ ở đây, Ba Giồng, bỏ mặc một mình Lý Tài cùng quân Hòa Nghĩa chống đỡ giặc mạnh. Khi Lý Tài đánh không nổi chạy đến cầu cứu, anh lại phục kích giết hắn để trả mối thù nhỏ nhặt ngày xưa. Đó là cách con người đối xử với nhau ư?
– Con hổ, ta sẽ giết mi với chỉ một nhát chém, không cần phải vạn tiễn xuyên tim như Lý Tài! – Thanh Nhơn sờ vào chuôi kiếm làm bằng ngà voi mạ bạc, như tỏ rõ uy thế của mình.
– Anh sợ hãi khi đối diện với tôi, một con hổ đã cứu sống anh, anh có quá nhiều nỗi sợ!
Thanh Nhơn đập bàn rất mạnh, đứng vụt dậy bỏ đi. Bỏ con hổ nằm trong cũi sắt, một mình, dưới bóng cây cổ thụ, dưới khung trời quạnh hiu.
Gia Định là một nơi ẩm thấp đến khô héo. Cây cỏ tươi tốt trong khi lòng người tha hương thì tàn úa như đám rơm rạ cuối mùa. Ngồi buồn nhìn khúc sông quanh co, nhìn lau sậy um tùm, nhìn những cánh bèo trôi dạt theo con nước dâng. Ngồi buồn và mãi mãi gặm nhấm nỗi buồn.
– Chào mừng anh đã trở lại Đỗ Thanh Nhơn!
– Ta vừa được chúa Nguyễn phong chức Đại tướng, bây giờ cả triều đình đều nằm trong tay ta!
Con hổ im lặng rất lâu, cây mù u già đổ lá, nó giương đôi mắt mệt mỏi nhìn Thanh Nhơn:
– Anh sẽ trở thành Trương Phúc Loan thứ hai?
– Thật ngu xuẩn, Trương Phúc Loan chỉ là một tên sói già hèn yếu và ngu độn. Nhưng Đỗ Thanh Nhơn ta là mãnh hổ, cả Tây Sơn tam kiệt cũng không phải là đối thủ của ta. Năm xưa Nguyễn Lữ trấn giữ Gia Định bị ta đánh một trận đã cong đuôi bỏ chạy. Lần trước Nguyễn Huệ mang đại quân xâm lấn, Lý Tài và tướng tá nhà Nguyễn đều thua trận, người vùi xác kẻ phải trốn tránh như loài heo chuột hèn kém, chỉ có mình Đỗ Thanh Nhơn ta ung dung giương cờ ở Ba Giồng, Tây Sơn tuyệt nhiên không dám xâm phạm. Rồi cả chuyện trước giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé thu phục đất Nam Bộ này cho chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau bình định Chân Lạp thay vua đổi triều biến họ thành phênh giậu cho nước Việt ta. Trăm năm trước và trăm năm sau có ai lừng lẫy được như Đỗ Thanh Nhơn?
Con hổ nhếch cười khó hiểu:
– Thật đúng như ý nguyện của anh, nhưng tôi khuyên anh một điều: “Công cao hơn chủ khó giữ mình”!
Thanh Nhơn đứng bật dậy, chực muốn tuốt gươm làm cái điều mà lâu nay hắn luôn nung nấu, giết con hổ, chấm dứt cuộc trò chuyện điên rồ này, nhưng không, hắn cố giữ bình tĩnh:
– Không ai có thể ức hiếp ta được nữa, con hổ à, ta nhất định phải trở thành bá chủ để chuyện xưa không bao giờ được phép lặp lại, không bao giờ…
Đó là một buổi chiều yên tĩnh. Không một ngọn gió, không một cơn sóng, không một tiếng chim. Đường trời đỏ ói rồi tắt hẳn để lại tà đêm đầy ma mị và sâu thẳm. Quân Tây Sơn đã chiếm được thành Quy Nhơn và nhanh chóng lan ra đánh phá khắp nơi. Khắp nơi, bất kì một thành trì hay đồn lũy nào. Đỗ Thanh Nhơn khi đó chỉ là một hữu đội trưởng nhỏ nhoi, đúng, nhỏ nhoi so với tài năng và khát vọng của hắn. Nhưng biết làm sao được, hắn không đủ tiền để mua chức vị cao hơn, nhà hắn nghèo, nghèo lắm. Mấy đời đều là ngư dân, mấy đời đều chỉ lo chạy từng bữa ăn. Không chết đói đã là may mắn lắm rồi.
Thanh Nhơn cùng hai ngàn quân đồn trú trên một ngọn núi nhìn ra biển. Phía dưới thấp thoáng vài làng chài nhỏ. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ tuyến đường biển xung yếu dẫn tới đô thành Phú Xuân.
– Tôi lớn lên ở đây, tôi hiểu rõ vùng đất này, triều hạ bãi sình lún trải dài cả dặm, giặc muốn đổ bộ phải vượt qua bãi sình trong tình thế di chuyển cực kì khó khăn, chúng ta chỉ cần bày binh ngay sườn núi hướng biển, dù giặc có đông đến hàng vạn cũng sẽ bị ta tiêu diệt hết!
– Câm mồm, một tên hữu đội trưởng, một tên nghèo túng mạt hạng thì biết gì về chiến trận, cút ra!
Tên chỉ huy đập bàn giận dữ, khu lều bày đầy vàng ngọc và binh khí tinh xảo. Tay Thanh Nhơn run rẩy, và lời nói như nghẹn lại nơi cuống họng:
– Nhưng còn dân làng nữa tướng quân… Chúng ta phải bảo vệ họ!
– Người dân ư? Ta không quan tâm!
Tiếng nói thản nhiên thốt ra giữa âm thanh súng pháo mịt trời, giữa những luồng lửa điên dại từ ngoài biển đang bắn tới tấp vào đất liền. Mười mấy tên chỉ huy khác cũng cúi đầu dửng dưng. Thanh Nhơn đấm mạnh tay xuống đất. Thật đáng căm giận. Hắn tuốt gươm đùng đùng bỏ đi.
– Mi đi đâu giữa lúc quân giặc đang tấn công, đào ngũ à?
– Ta không thể ở đây với một lũ heo chó, vợ con ta dưới kia, dưới ngôi làng, dưới làn đạn lửa không thương tiếc của bọn hải tặc…
Thanh Nhơn gào lên tuyệt vọng, tên tướng chỉ huy tuốt gươm bám theo hắn:
– Đó ta quân Tây Sơn đang khiêu khích, đã có lệnh không ai được rời khỏi đồn, kẻ nào trái lệnh, chém!
– Chỉ có vài tàu hải tặc, không đến ba trăm tên, còn chúng ta có hai ngàn quân, bọn mi hiểu không, đồ ngu dốt, đồ hèn yếu, đồ khốn nạn, nếu không dám đánh thì để một mình ta đi, ta sẽ tập hợp dân làng tự sống mái với chúng!
– Quân phản phúc, quân nội gián, định ra ngoài đưa tin à, bây đâu trói nó lại!
– Tốt lắm!
Thanh Nhơn vung gươm chém bừa, hét lên như kẻ điên. Hắn muốn giết hết lũ điên rồ, thối nát và ngu dốt này. Để cuối cùng, Đỗ Thanh Nhơn bị trói chặt treo lên giàn cao. Hai mắt chảy cả máu vì chứng kiến cảnh nhà cửa làng mạc dưới kia bị kẻ thù đốt phá. Hai ngàn quân, hai ngàn kẻ khỏe mạnh được trang bị đầy đủ binh khí súng ống cứ đứng nhìn một cách dửng dửng. Dửng dưng và thản nhiên. Thản nhiên đến mức nhẫn tâm, tàn bạo. Răng hắn nghiến ken két vì căm giận. Ngoài kia dân chúng đang kêu khóc bọn mi có nghe thấy không?
Ngoài kia, ngoài bùn đen, ngoài tàn lửa, ngoài những thây người vất vơ khắp nhà cửa, giếng nước, ao chùa. Trẻ em và phụ nữ, người già và kẻ tàn tật chúng đều không chừa một ai…
– Không một chừa một ai, bọn hải tặc đê hèn. Ta thề sẽ giết hết chúng. Ta thề sẽ trả thù. Ta phải là kẻ chỉ huy, ta phải là kẻ nắm quyền tối cao để không bao giờ chứng kiến cảnh này một lần nào nữa.
– Rồi chuyện gì xảy ra Đỗ Thanh Nhơn?
– Ta tự cắt dây trói, đó là lúc binh lửa đã tàn, tàn đêm và bọn tướng lĩnh đang say mèm, bọn lính gác thì ngủ gục. Ta lẻn vào lều chỉ huy rồi tuốt gươm đâm từng tên một. Từng tên một, cho đến tên tướng cuối cùng, ta đợi hắn thức giấc, hắn nhìn ta, ta cười với hắn. Nụ cười lẫn những giọt nước mắt đỏ thẳm đang rụng rơi. Ta cắt lưỡi hắn, ta cắt hết gân tay, gân chân hắn. Như vậy là đủ…
Hắn cười cợt số kiếp này, hắn cười nhạo cả thể gian. Ngoài kia những ngọn lau sậy đung đưa theo gió, vài bầy cò đáp xuống vùng đầm lầy vắng.
– Rồi anh bỏ Phú Xuân vào đất Gia Định này!
– Đúng, và gặp mi con hổ, ta thề không để ai ức hiếp mình nữa, ta phải trở thành kẻ mạnh mẽ nhất!
– Chính tôi đã cứu anh khỏi nanh vuốt của ba con hổ khác!
– Ta không cần mi cứu, nghe rõ không, không cần. Ta thừa sức đánh bại cả ba con hổ đó và cả mi. Ta sẽ lột da tất cả để may áo, chiến tích đầu tiên của Đỗ Thanh Nhơn ta ở đất Gia Định này. Nhưng mi đột nhiên xuất hiện và phá hỏng tất cả!
Con hổ vẫn điềm tĩnh:
– Đó là cách anh đối xử với ân nhân của mình sao? Giam cầm và nhìn tôi khô héo đến chết!
– Vốn dĩ ta đã giết mi nếu mi không biết nói! – Thanh Nhơn gầm gừ.
– Vậy tôi được sống vì còn chút giá trị!
– Những kẻ có giá trị mới được quyền sống.
– Đó là bản chất của anh?
– Không, đó là bản chất của loài người… Giữ những kẻ rơm rác trên ngôi cao sẽ là cái họa. Trương Phúc Loan là một điển hình, hắn không có tài cán gì mà làm đến chức Quốc phó, có được quyền hành thì ra sức đục khoét đất nước, thuế má thu đến tơ tóc, nạn mua quan bán chức tràn làn, luật pháp lỏng lẻo dung túng cho kẻ xấu và bọn có tiền của ra sức lộng hành, bởi vậy mới gây ra thảm kịch như ngày hôm nay. Lý Tài là một kẻ chỉ biết ôm mộng hão nhưng không có thực lực, thứ mầm móng tai họa này ta phải diệt trừ. Nguyễn Phúc Thuần là một ông chúa ẻo lả và chán đời, giữ lại chỉ tổ tốn cơm. Nguyễn Phúc Dương thì xuẩn ngốc, đã bị những ảo tưởng của Lý Tài làm cho mụ mị. Cả bọn tông tộc nhà Nguyễn nữa, vô dụng, tự cao và bạc nhược. Bởi vậy khi Tây Sơn tiến đánh ta không thèm xuất binh ứng cứu, đóng chặt cửa, cài chặt then chờ dông bão đến quét sạch hết rơm rác bẩn thỉu. Bây giờ, là bây giờ, sau cơn mưa ta có thể bắt tay xây dựng lại một xã hội mới, với những con người mới. Khởi đầu từ đây, Gia Định này, Nam Bộ này.
Những cánh đồng khô cháy bỗng tốt tươi sau cơn mưa dầm dề, mưa suốt mấy tháng trời, mưa suốt ngày suốt đêm. Rỉ rả, ào ào, lất phất, nặng hạt. Cỏ vươn lên xanh rì, cỏ bện chặt vào chân người, cỏ tràn khắp đầm lầy bến bãi. Vó ngựa nặng nề len qua triền đê rậm rạp. Đông Sơn đại tướng quân treo kiếm ngang hông, cởi áo choàng vắt tạm lên cành đước, lặng lẽ bước vào rừng.
– Cuối cùng anh cũng trở lại Thanh Nhơn… đến tiễn biệt ta ư?
Con hổ như cái xác khô thở thoi thóp trong chuồng, góc rừng hoang vắng đìu hiu. Những tán cây buông xuống rũ rượi.
– Trò chuyện với mi như tri kỷ, thật kỳ lạ, Đỗ Thanh Nhơn ta cũng có tri kỷ. Ta chỉ còn một nghi vấn cuối cùng… Cuối cùng, ngày mai ta sẽ mang đại quân Bắc phạt, diệt trừ Tây Sơn, trung hưng nhà Nguyễn!
– Anh đi xa và bỏ mặc tôi chết đói ở đây!
– Mi gắng gượng suốt bao năm qua quả là điều thần kỳ! – Hắn rảo quanh chuồng hổ nhìn vào trong với vẻ mặt tò mò.
– Anh còn điều gì muốn hỏi tôi?
– Tại sao một con hổ lại đi cứu một con người?
– Anh hãy tiến đến gần đây, tôi sẽ nói nhỏ cho anh nghe… Gần hơn nữa!
Những đường vuốt sắc lẹm của con hổ cào ngang mặt Thanh Nhơn, máu tươi phụt xuống, nó đã dùng chút sức tàn để làm điều đó. Thanh Nhơn hiểu, con hổ rất căm hận hắn, một kẻ tàn độc và nhẫn tâm, nỡ giam cầm bỏ đói ân nhân cứu mình đến chết. Nó muốn trả thù, nhưng nhiêu đó thì chưa đủ để giết Thanh Nhơn.
– Tôi nói thật cho anh biết… Khi xưa tôi đánh ba con hổ đó không phải để cứu anh… Mà là cứu chúng. Tôi là một con hổ biết nói tiếng người… Tôi là một con hổ sống lâu năm và quá hiểu việc đời. Tôi nhận ra anh rất hùng mạnh, nếu tôi không can thiệp bọn chúng sẽ bị anh giết chết. Thôi thì hi sinh cái thân già này để bảo toàn cho lũ trẻ!
– Ta biết ngay bọn hổ thì tốt lành gì với loài người, vậy, đây là lời trăn trối cuối cùng của mi?
– Không, còn một điều nữa, cái cào vừa rồi là cứu anh!
– Cứu ta ư, thật ngu xuẩn!
Hắn cười lớn, cười lớn hơn nữa, bỏ con hổ đói trong chuồng cũ, dưới tán rừng, dưới ánh mặt trời héo hắt. Vận áo giáp, mài bảo kiếm, đội mũ trụ, đeo đai vàng uy vũ. Bước vào phủ chúa, bước lên những bậc thềm cao. Ngoái nhìn dòng sông đỏ nâu màu đất, ngoái nhìn mảnh đất Gia Định nơi hắn tạo dựng công danh sự nghiệp. Một cái cười nhếch mép, những cơn gió u ám vần vũ. Đẩy cánh cửa ngăn cách cuối cùng này, hắn đã sẵn sàng để lãnh chỉ xuất chinh.
Trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng, chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh không hề có ở đó. Chỉ vẻn vẹn sáu chữ ghi trên tường: “Đỗ Thanh Nhơn là gian thần”. Gian thần ư? Cả dòng tộc nhà Nguyễn bị Tây Sơn tận diệt, chính ta, chính Đỗ Thanh Nhơn ta đã nhặt mi về, Nguyễn Phúc Ánh, chính ta dẫn quân Đông Sơn đánh dẹp bốn cõi đưa mi lên ngôi cao nhất. Vậy mà giờ đây chỉ vẻn vẹn sáu chữ. Thật cay đắng. Hắn sờ xuống bụng mình, từ khi nào đã ướt sẫm máu tươi. Đổ gục trên đôi chân vụn vỡ, ngửa mặt nhìn trời xanh, hắn không kịp kêu lên một tiếng oán hận bi ai, hắn không kịp nhìn mặt kẻ đã giết mình. Thật cay đắng.
Trong chuồng sắt, dưới tán rừng u tịch, dưới ánh nắng chói chang của đất Nam Bộ, con hổ già trút hơi thở cuối cùng sau nhiều năm bị giam cầm, bị bỏ đói. Nó đã chết, nhưng nó vẫn mỉm cười, thật kì lạ, một con hổ biết cười. Cười loài người đa sự, cười thế gian đảo điên, cười mãn nguyện vì nó đã sống một cuộc đời tốt đẹp, luôn cố gắng cứu giúp kẻ khác. Dù hổ hay người cũng đều là sinh mạng, đều có máu thịt, đều biết đớn đau.
– Cái cào đó để anh tỉnh ra Đỗ Thanh Nhơn à!
#Sử_Văn_Các
Tranh minh họa