Có một quán nhỏ nằm bên bờ sông Bến Nghé, thành Gia Định. Gọi là thành trì nhưng nó chỉ là lũy đất buồn tẻ, trông chẳng mấy kiên cố. Gọi là quán nhưng ở đây không phục vụ thức ăn lẫn nước uống. Chỉ toàn là sách với sách mà thôi.
– Tại sao lại dùng lũy đất vậy, trong sử sách ghi chép thành lũy xưa đều xây gạch kiên cố lắm mà, hay người ở đây không có tiền?
– Có hàng trăm lò gạch ở xứ Đồng Nai, con à, và dân Gia Định thì không bao giờ thiếu tiền đâu! – Chủ quán ngưng nét bút, nói với cậu bé.
– Vậy tại sao?
– Con ơi, hãy tự suy ngẫm thêm đi, đừng quá cứng nhắc vào những câu chữ bất động, thời thế đã khác lắm rồi!
Chủ quán không quan tâm đến cậu nhóc nữa, tiếp tục viết chữ trên giấy ngà. Mấy chiếc đèn lồng ủ bụi cứ xoay tròn ngoài hiên. Cậu đang vẽ sơ đồ thành trì, vẽ chiến trận, vẽ đi vẽ lại, ngày càng trầm tư.
– Ở thời đại mà hỏa pháo đã đạt được sức công phá vô cùng khủng khiếp, thì thành trì bằng gạch đá vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Lũy đất có cái lợi hại là dù kẻ thù dốc sức bắn sập phía ngoài, bên trong ta cứ lấy đất vá lại, sập tới đâu vá tới đó, vừa tiện lợi vừa khiến kẻ địch… phát chán!
Một giọng nói nghe thật hay từ đâu cất lên khiến cậu giật mình, khách lạ ư? Ngày nào cậu cũng ở lì trong thư quán này suốt sáng chiều, quen nhẵn hết mặt văn nhân và thi khách, nhưng cô gái kia cậu mới thấy lần đầu. Còn là một cô nàng vô cùng xinh xắn nữa chứ. Ôi trời, cậu ngẩn ngơ chẳng nói được câu nào.
– Cháu muốn tìm đọc quyển Binh thư yếu lược ạ!
Ngữ điệu đậm đà hòa trộn với chất giọng thanh tao cứ làm người ta xao xuyến trong dạ. Nàng ngồi xuống bên cạnh cậu, chỉ vô tình mà thôi. Vô tình chạm vai nhau. Vô tình đánh rơi chiếc bút.
– Đó là quyển sách cực hiếm và giá cả thì vô cùng đắt đỏ, thêm nữa, không phải ai cũng có tư cách đọc Binh thư yếu lược đâu! – Chủ quán trầm giọng.
– Cháu không có tiền… cháu chỉ còn món trang sức nhỏ này thôi…
Cô gái chợt tháo chiếc trâm vàng xuống, để mái tóc dài xổ bung ra. Nàng rụt rè đưa cây trâm cho chủ quán với vẻ cầu thị hết mực. Cậu không dám nhìn thẳng nàng, mãi đến bây giờ cậu vẫn chưa thể bình tĩnh được.
– Tiếc là ta không có quyển đó, con tìm sách khác nghen! – Chủ quán thở dài.
– Buồn ghê nơi!
Nàng cúi đầu thiu thỉu bước ra ngoài. Sông rộng mênh mang, nhánh bần trĩu trái. Không hiểu ai xui ai khiến mà cậu vội gấp quyển sách lại, nhanh chân đuổi theo nàng.
– Cô gì ơi, cho tui hỏi?
Cậu lấy hết can đảm gọi thật to. Đến lần thứ ba thì nàng chịu dừng bước, mái tóc dài buông xuống hờ hững. Nữa rồi, lại cái cảm giác xốn xang không thể tả này.
– Cậu muốn hỏi gì?
– À… tui… số là… – Cậu ấp úng.
– Không có gì vậy tôi đi nha! – Nàng nhún vai nói.
– Đừng đi… Quyển… quyển Binh thư yếu lược kia… Tui có đọc lỏm được chút ít… Nếu cô không ngại… thì…
Cậu cúi đầu bẽn lẽn, vẫn không dám nhìn vào mắt nàng. Ở chiều ngược lại, mặc kệ cử chỉ kì quái của cậu, nàng tỏ vẻ vui lắm, vội chạy thật nhanh đến, chẳng ngại ngùng gì mà ôm lấy cậu. Cậu cứ nhớ như in hương hoa trên tóc nàng. Hoa gì vậy? Nhẹ nhàng nhưng bổi hổi làm sao. Nàng tên gì vậy kìa? Một cô nàng mười lăm tuổi và một cậu chàng mười tuổi. Chút rung động khờ dại mà cậu không dám định nghĩa. Cứ tự nhiên đến rồi đi, miên man, lưu luyến, nhớ mãi…
*
– Rồi sao nữa đại ca? – Lượng vừa chèo xuồng vừa cười tủm tỉm.
– Cấm cậu nhạo ta!
Tánh nằm dài trên ván gỗ, ngửa cổ dốc cạn bầu rượu cay. Những tán dừa nước xòe rộng chen kín con rạch cạn.
– Chỉ lúc say ta mới kể chuyện này. Giữ bí mật nghen người anh em… Từ đó cứ hai ba ngày một lần, nàng đến quán tìm ta, ban đầu thì cùng tìm hiểu về quyển Binh thư yếu lược huyền thoại kia, sau nữa lại đem đủ thứ sử sách ra đọc, Đại Việt sử kí toàn thư nè, Kim sử, Tống sử, Minh sử, Sử kí của Tư Mã Thiên… Hiếm có cô gái nào chịu tìm tòi đọc sử sách như nàng. Nàng giỏi hơn ta nhiều, chắc vì lớn hơn ta đến tới năm tuổi lận, hay vì đôi mắt miên man và sâu thẳm của nàng. Hay vì ở bên cạnh nàng ta cứ ngu ngơ làm sao. Đời người là những cuộc chia ly, hợp rồi tan, tròn rồi khuyết… Ta biết sớm muộn gì nàng cũng lấy chồng và rời xa ta, một cô tiểu thư khuê các xinh đẹp như vậy. Còn ta chỉ là một kẻ ất ơ, phường giang hồ phiêu bạt…
– Mắc cười! – Lượng cắt lời – Đại ca là ai chứ, Võ tổng nhung em trai của Võ Nhàn đỉnh đỉnh đại danh, khắp giang hồ ai nấy đều nể trọng. Không xứng gì ở đây cha nội!
– Ừ đỉnh đỉnh đại danh, nhân vật số hai của quân Đông Sơn, rồi sao, bị người ta gán ghép cho hai chữ phản loạn, bị Nguyễn Ánh lập mưu giết chết, thiệt cay đắng… Một số anh em Đông Sơn còn lại dẫn ta chạy về đất Ba Giồng này trú ẩn, vậy là…
– Vậy là chia tay người yêu luôn! – Lượng tặc lưỡi.
– Đời người vội đến vội ly biệt… Luôn là vậy mà… Ròng rã chín năm trời từ hồi ta gặp nàng… Bây giờ người ta cũng hai mươi mấy tuổi rồi, chắc đã chồng con đề huề…
Chín năm nghe thật dài, tiếng nước chảy mênh mang qua ngã ba sông, những vùng lau lách hiu quạnh, bông điên điển nở vàng bờ bãi. Ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh ngắt và cái nắng giòn tan của xứ Nam bộ. Chợt giật mình vì tiếng cá sấu nhai xác bên kia truông.
– Thôi, không lằng nhằng chuyện xưa nữa, cậu đã nghĩ ra cách gì để đối phó với pháo thuyền chưa? – Tánh hỏi.
– À tui định chế ra mấy cỗ Hồi hồi pháo… Đầu tiên là đổ hỏa dược vào chum sành nè, đậy đệm thật kín, tẩm rơm dầu bên ngoài, rồi châm lửa bắn thôi… Đùng một cái! Chum sành đập vào thuyền bể tan nát, lửa cháy lan ra xung quanh. Thuyền chiến của họ là loại thuyền pháo nên có dự trữ một lượng thuốc súng rất lớn, khi hỏa dược chảy tràn xuống khoang dưới thì chắc mẩm banh xác luôn! – Lượng tỉnh bơ nói.
– Nghe chừng có lý thiệt – Tánh cười nhạt – Hồi hồi pháo còn gọi Tây Vực pháo là loại máy bắn đá mà quân Mông Thát đã dùng để công phá Tương Dương, Phàn Thành xưa phải không… Nhưng cậu suy tính kỹ coi, khả năng bắn trúng mấy chiến thuyền đang di chuyển trên sông là bao nhiêu, chưa kể họ đem khinh thuyền đánh ụp lại là toi mạng cả lũ. Chúng ta quân binh ít ỏi, tiềm lực không nhiều, một cân hỏa dược đổi bằng mấy cân gạo, không thể đem lương thảo bắn phung phí như vậy được!
Tánh ôm bầu rượu trầm tư. Lượng đắn đo, ậm ờ một lúc rồi quay ngoắt sang chuyện khác:
– Còn chuyện này đau đầu hơn đây nè, chúng ta sẽ đánh ai, liên minh với ai đây? Nguyễn vương vừa trở về từ Xiêm La, tướng Tây Sơn giữ Long Xuyên là Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương quy hàng quân Nguyễn, tuy nhiên Thái bảo Phạm Văn Tham là tay kiệt hiệt hiếm có, không dễ dầu để Nguyễn Ánh thu phục đất Gia Định đâu!
– Tây Sơn có một câu khẩu hiệu rất hay là “lấy của nhà giàu, chia cho nhà nghèo” – Tánh ngồi bật dậy, vấn lại mái tóc rối tung của mình – Dân chúng xứ Thuận Quảng hết lòng ủng hộ Tây Sơn cũng vì câu nói đó. Nhưng không hiểu sao Tây Sơn lại bê nguyên cách hành xử kia vào đất Nam bộ. Một vùng đất mới tạo lập chưa đầy trăm năm, dân cư đa phần là dân lưu tán và phiêu dạt. Họ gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, đánh đổi biết bao mồ hôi và xương máu để khẩn hoang rồi lập ấp. Khổ cực dữ lắm mới kiến thiết được những thương cảng sầm uất như Gia Định, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, hay Hà Tiên… Vậy mà khi Tây Sơn tràn vào, thương nhân và chủ đất Nam bộ bị gán cho hai chữ “nhà giàu”, bị tịch thu không biết bao nhiêu của cải… Cũng dễ hiểu tại sao xứ này không ai ưa Tây Sơn.
– Người ta cũng không ưa gì ông Nguyễn Ánh đâu. Xời, ai đời lại đi rước giặc Xiêm về tàn hại bách tính nhơn dân… Vua chúa xứ này tai quái hết trơn rồi. Mà… đừng nói là anh tính đầu quân cho Nguyễn Ánh nha! – Lượng gằn giọng.
– Giữa Nguyễn Ánh và ta còn món huyết hải thâm thù, nợ máu vẫn chưa trả thì liên minh quái gì, ta không muốn trở thành Đỗ Thanh Nhơn thứ hai đâu! – Võ Tánh trừng mắt.
– Ủa, vậy rốt cuộc anh tính sao? Chúng ta đâu thể đối đầu với cả hai phe… Quân Tây Sơn từ Gia Định đánh xuống, quân Nguyễn Ánh từ miệt Long Xuyên đánh lên, kẹp xứ Ba Giồng này ở giữa… Chỉ khổ nhất là dân lành thôi! – Lượng thở dài.
– Để ta suy tính đã…
[CÒN TIẾP]
[Truyện đã có phiên bản sách giấy, được in trong tập Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện. Bạn có thể đặt mua sách TẠI ĐÂY]