Lê Sát báo thù truyện

Lời tựa

Lê Sát là cánh tay phải đắc lực nhất của minh chủ Lê Lợi, bao phen vào sinh ra tử, cùng nghĩa quân Lam Sơn nếm trải hết mọi tang thương, khổ nhục. Các trận Lỗi Giang, Khả Lưu, vây thành Nghệ An và đặc biệt là Chi Lăng – Xương Giang đều ghi dấu chiến công của Lê Sát. Ông đánh trận cương mãnh như bão lốc, giặc càng mạnh càng thỏa chí tung hoành, đối trận không bao giờ nao núng, giết giặc quyết không nương tay. Ông luôn khao khát phục thù và tìm lại vinh quang cho dân tộc Việt đã chịu quá nhiều áp bức dưới thời Minh thuộc. Sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn cho rằng: ở trận Chi Lăng – Xương Giang công lao Lê Sát đứng đầu các tướng.

Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,

Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu.

Ngày hăm lăm, Bá tước Lương Minh bại trận tử vong,

Ngày hăm tám, Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.

Đánh một trận, sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận, tan tác chim muông.

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,

Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.

Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường,

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước…

Sau khi hòa bình tái lập, Lê Thái Tổ ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Sát được phong Huyện thượng hầu, công hàng thứ nhất, cùng hàng với ông chỉ có hai người là Phạm Vấn và Phạm Văn Xảo. Ông chính là đệ nhất công thần của triều Lê Sơ vậy.

Sử sách không hề ghi chép về thân thế, hành trạng của Lê Sát trước khi ông gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn chỉ mô tả ngắn gọn là ông trí dũng hơn người.

Những lãnh địa mà lịch sử không thể với tới chính là nơi văn chương thỏa sức sáng tạo. Lê Sát Báo Thù truyện kể về hành trình trưởng thành đầy chông gai và đau thương của chiến binh, chiến tướng Lê Sát. Để có một vị tướng bất khả chiến bại, phải trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt.

HỒI 1: MAN THIÊN QUÁ HẢI, THUYỀN CỎ MƯỢN TÊN

Năm 1406, Đại Minh xâm lược Đại Ngu, cuối năm đó thành Đa Bang thất thủ. Đầu năm sau, thành Thăng Long cũng rơi vào tay giặc. Một bàn cờ thế phút chốc hóa tro tàn.

Đâu đó ở Thanh Hóa, cổng thành cót két mở rộng, ta thấy ngay giữa bãi đất trống có một tướng quân vận giáp đỏ, mặc choàng tía, hông đeo kiếm bạc, thân thể cao lớn uy nghi, đang cầm bút lông đề chữ lên lá cờ đuôi nheo màu vàng. Tổng cộng có 3 lá cờ vàng, ghi 3 dòng chữ to tướng là:

“Khai sáng Giao Chỉ”

“Diệt trừ phản tặc”

“Đại Hoàng Đế vạn tuế”

Chữ xong, bút hạ, tướng sĩ xung quanh đều trầm trồ khen ngợi:

“Tài thư pháp của đại nhân quả là danh bất hư truyền.”

“Chữ mạnh như sóng, chữ bén như gươm, ý tứ vẹn toàn.”

“Khoáng đạt lắm! Thống khoái lắm!”

Tướng Giáp Đỏ rảo bước quanh gò đất, nhìn phong vân mà thở dài:

“Đáng lẽ bây giờ ta đang uống rượu ngâm thơ trong thành Hàng Châu, hoặc cùng giai nhân chèo thuyền trên Tây Hồ. Nhưng không, vì cuộc chiến chết tiệt này, vì thứ quái quỷ gọi là “phù Trần diệt Hồ” mà ta bị đày ải ở đây, đánh nhau với lũ nông dân và thợ săn bẩn thỉu. Ta muốn kết thúc mọi thứ càng nhanh càng tốt.”

Phó tướng chắp tay rằng:

“Tôi cũng muốn về Tô Châu với vợ con. Quá chán ngán cái chốn man di mọi rợ này rồi. Xin tướng quân nghĩ cách cho!”

Tướng Giáp Đỏ oai phong bước lại gần chiến mã. Lập tức một tên lính gù quỳ mọp xuống đất làm ghế cho hắn trèo lên ngựa. Tướng quân tung hất áo choàng, rồi nhấc chân đạp mạnh vào lưng kẻ dưới, dáng bộ rất chi oai hùng. Tên lính gù xấu xí chỉ biến cắn răng cam chịu, tuyệt nhiên không dám cử động. Khi đã ngồi vững vàng trên yên, tướng Giáp Đỏ lạnh lùng nói:

“Cách nhanh nhất là chém 1 vạn thủ cấp phản quân, dâng công lên triều đình, để hoàng ân soi xét.”

Phó tướng nhăn trán hỏi:

“Tìm đâu ra nhiều phản tặc như vậy?”

Tướng Giáp Đỏ tuốt kiếm trỏ về phía trời tây, phía núi rừng Lam Sơn thăm thẳm, chợt nở một nụ cười man dị:

“Học theo Khổng Minh Gia Cát, dụng kế thuyền cỏ mượn tên. Núi rừng kia ắt có đủ số tên ta cần.”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

HỒI 2: QUÂN TỬ BÁO THÙ, MƯỜI NĂM CHƯA MUỘN

Có một ngôi làng bí ẩn nằm sâu trong rừng núi Lam Sơn hùng vĩ. Dân chúng nơi đây vẫn duy trì nhưng phong tục và lối sống như hàng ngàn năm qua: trồng lúa, dệt lụa, săn bắt và ăn trầu. Trong đó, săn bắn được xem là nghề thượng võ nhất, được cả làng tôn vinh và nể trọng. Nhưng, muốn trở thành thợ săn chân chính không phải chuyện dễ dàng. Trước năm 16 tuổi, chàng trai phải săn được con thú lớn gấp đôi mình, với một quy tắc bất di bất dịch là không cho phép dùng cung nỏ, hỏa khí hoặc bẫy. Chỉ có thể dùng giáo, rìu, thương, đinh ba… tức là những loại binh khí cận chiến.

Chàng thiếu niên 15 tuổi Lê Sát đang cầm giáo nhọn trên tay, trán đầm đìa mồ hôi, tinh thần tập trung cực độ. Một con heo rừng vạm vỡ và cực kỳ hung hăng đang đứng đối diện cậu. Chỉ cần đâm ngập ngọn giáo này vào mình nó là cậu có thể trở thành thợ săn chân chính, được cả làng kính trọng, được ngồi mâm cao, cưới vợ đẹp. Nếu tiếp tục thất bại, qua năm 16 tuổi cậu phải chấp nhận làm nông dân, cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lê Sát nghiến chặt răng, gân cơ nổi đầy vòm cổ. Con heo cũng chĩa cặp nanh cong nhọn sẵn sàng ứng chiến.

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Sau một tiếng gào lớn, hai đối thủ lao vào nhau với tinh thần quyết tử cao nhất. Nhưng rủi thay, giáo của Lê Sát không đủ nhanh và chính xác, chỉ đâm sướt qua lưng heo. Ngược lại, con heo dũng mãnh húc Lê Sát bay thẳng lên trời, chàng xoay lộn một vòng rồi rơi ầm xuống đất, đầu gối đập mạnh vào tảng đá, chấn thương nặng. May mắn là sau cú trời giáng đó, con heo chạy biến vào rừng sâu chứ không đuổi cùng giết tận Lê Sát.

Lê Sát nằm nhăn nhó dưới nền rừng, vừa đau đớn vừa uất giận tột độ, thành công chỉ còn cách gang tay vậy mà lại tuột mất. Hai năm qua cậu đã cố gắng rất nhiều, tại sao? Tại sao chứ?

Lê Sát chống gậy khập khiễng trở về làng. Núi rừng Lam Sơn trùng trùng điệp điệp, kéo dài vô tận đến trời Tây. Đường sá quanh co đẹp như tranh vẽ. Và ruộng bậc thang ẩn hiện trong sương mù. Quả xứng danh là nơi bí ẩn và hùng vĩ bậc nhất Đại Việt.

Đến cổng làng, Lê Sát bắt gặp một nhóm 9 trai tráng cũng mới đi săn về, người cầm đinh ba, người cầm rìu, người dùng trường kiếm, kẻ xài đại đao. Ai cũng cao lớn, vạm vỡ hơn hẳn cậu. Họ chính là những thợ săn chân chính đã được làng công nhận. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Cú Cười, 14 tuổi giết chết tươi mãnh hổ. Thứ nhì là Trần Phong, 15 tuổi hạ sát tê giác trắng khổng lồ.

Nhóm thợ săn chất một tá xác thú rừng ra giữa sân làng: heo rừng, sói cáo, hươu nai đủ cả. Sau đó đập vò rượu uống rất vui vẻ. Thấy Lê Sát bị thương, khập khiễng đi ngang, họ cười cợt rằng:

“Thằng lùn yếu nhớt kìa chúng bây!”

“Con ông gù thì ở nhà làm ruộng đi, đua đòi săn bắn làm gì để chuốc vạ vào thân?”

“Cẩn thận thỏ rừng húc chết! Haha!”

“Lo nhậu đi! Kệ xác nó!”

Ai cũng biết tính khí dân sơn cước thô lỗ, bộc trực, nhưng mấy lời khinh miệt này nghe chẳng thể lọt tai. Máu nóng sục sôi, Lê Sát siết chặt giáo nhọn, định lao tới ăn thua đủ với nhóm thợ săn. Bất chợt, có một bàn tay gầy gò níu giữ cậu lại.

“Cha nấu cơm rồi, về ăn thôi con!”

Người đó chính là cha của Lê Sát. Ông bị gù nặng, dung mạo xấu xí kinh khủng, sức khỏe lại kém nên suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, cực chẳng đã mới bước chân ra đường. Ông nhìn Lê Sát bằng đôi mắt hiền lành và đầy cam chịu, nói rằng:

“Bỏ đi con! Đều là xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau.”

Không thể động thủ được, cậu căm tức gào to:

“Con nhất định sẽ trở thành thợ săn giỏi nhất, để cha nở mày nở mặt!”

Nghe Lê Sát tuyên bố, nhóm thợ săn lại cười ầm lên, cười chảy cả nước mắt. Dẫu vô cùng tức tối, cậu phải đành nín nhịn theo cha mình về nhà. Cậu biết, chỉ có săn được con thú to lớn nhất mới giúp cậu thoát khỏi số kiếp bị khinh rẻ này. Lê Sát lẩm bẩm:

“Quân tử trả thù, 10 năm chưa muộn. Chờ đó!”

Vào nhà, Lê Sát ngồi yên trên sập tre cho cha đắp thảo dược và băng bó vết thương. Gương mặt ông vẫn hiền từ như vậy, không bao giờ rầy la cậu, hay than thở bất cứ điều gì. Tự dưng, lòng Lê Sát quặn thắt, cậu thấy thương cha vô cùng. Hồi nhỏ, Lê Sát từng trách cha rằng tại sao lại sinh ra cậu ra trên cõi đời này, để cậu chịu quá nhiều thiệt thòi và tủi nhục. Dân làng thường xì xầm rằng:

“Ông gù chịu khổ chưa đủ hay sao, còn đẻ ra thằng con gù để nó khổ chung.”

Điều may mắn nhất là cậu không bị gù, mặt mày cũng khá sáng sủa. Tuy nhiên, đứa bé Lê Sát cứ đau ốm triền miên, thành ra khi lớn lên sức vóc cậu thua kém so với những đứa trẻ khác trong làng. Đặt cạnh nhóm thợ săn thì sự chênh lệch càng rõ rệt, như chuột nhắt so với chuột đồng, mèo rừng so với báo đen. Dân làng đặt cho cậu biệt danh là Sát lùn.

Nắng tắt sương giăng, núi rừng chìm vào tịch mịch, bầy sói hoang túa ra khỏi hang săn mồi. Nhóm trai tráng vẫn đang nốc rượu và múa hát ngoài kia, còn Lê Sát cứ nằm trên giường tre, buồn nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi. Cha cậu thì đang nấu thuốc và lui cui dọn dẹp trong bếp. Cậu chưa từng nghe cha mình than thở dù chỉ một tiếng. Ông xem sự bất hạnh là hiển nhiên. Ông sống lầm lũi, ít than vãn, ít nói đến mức mọi người cho rằng ông bị câm.

HỒI 3: BỌ NGỰA BẮT VE, CHIM SẺ NGỒI RÌNH

Tờ mờ sáng hôm sau, thương tích chưa kịp lành, Lê Sát đã mặc áo rơm, cầm giáo nhọn lao vào rừng. Cậu kiên định như đá, nỗ lực không biết mệt mỏi. Cú vấp ngã chỉ khiến cậu càng thêm sục sôi muốn chiến đấu.

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Sau nửa ngày quần thảo, cuối cùng Lê Sát cũng phá được hang ổ của hồ ly. Cậu vung giáo kịch liệt, chém tung hết bụi rậm và dây leo. Hồ ly tháo chạy toán loạn, cậu đuổi theo hụt hơi nhưng quyết không bỏ cuộc. Thấy hồ ly trốn trong đám cỏ gai, cậu cũng không ngần ngại lao đầu vào. Ai dè phía sau màn cây là vực thẳm, Lê Sát hụt chân rơi thẳng xuống dưới. Đúng là tinh quái như hồ ly, cậu đã bị dính một cú lừa chí mạng. Bao nhiêu khát vọng tiêu tan, đời Lê Sát coi như đã tàn.

Gió lồng lộng thổi, mái tóc dày như rễ tre của Lê Sát tung bay rũ rượi. Chân cậu vắt tréo vào một sợi dây mây to, may quá, Lê Sát thở dài nhẹ nhõm. Còn sống là tốt rồi. Sau một lúc đung đưa vắt vẻo, Lê Sát đã nắm được sợi mây, lần mò trèo khỏi vách đá. Những bước cuối cùng khá chệch choạng, một hòn đá bất ngờ vỡ nát khiến cậu té ngửa, rồi rơi thẳng xuống bụi nứa bên dưới, mình mẩy bị cắt tan nát, tay đổ máu ròng ròng.

Lê Sát cắn răng chịu đau, gượng đứng dậy, ai dè tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, đón tiếp cậu là một thứ còn kinh khủng hơn. Ngay trước mặt Sát, cách chừng 5 bước chân là một con hổ đang gầm gừ khát máu. Bàn chân trước của nó còn to hơn cả mặt cậu, răng nanh thì nhọn như kiếm, mắt to bằng nắm tay, sát khí tỏa rợp một vùng. Trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi con hổ vồ tới, cậu thấy dường như nó đã cười. Nụ cười đầy thỏa mãn và thống khoái của thợ săn lúc tóm được con mồi. Nanh hổ chỉ còn cách cậu vài thước, cái chết đang treo lơ lửng trên đầu. Cậu hầu như chẳng thể phản kháng gì. Một tiếng kêu đau đớn cũng không kịp cất lên.

Tính mạng của Lê Sát tưởng chừng đã chấm dứt, thì bất ngờ một mũi giáo sáng lòa bay vút tới, cắm phập vào cổ họng loài ác thú. Cũng như Lê Sát, con hổ chẳng kịp phản ứng gì, liền ngã lăn ra chết, cái đầu to tướng đè lên chân cậu nhóc gầy gò. Đúng là bọ ngựa bắt ve, chim sẻ ngồi rình.

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Trong lúc Lê Sát giãy mình cố thoát thân, thì một tướng quân mặc giáp đỏ, khoác choàng tía, cưỡi ngựa hãn huyết đi tới. Hắn uy phong nhổ cây giáo khỏi đầu con hổ, đoạn quay mặt sang hướng khác, chẳng mảy may quan tâm gì tới Lê Sát. Đằng sau tay tướng là một đoàn quân khá đông đảo, rồng rắn nối đuôi nhau hàng trăm bước chân. Giáo thương sáng lóa, cờ bay như rừng. Nổi bậc nhất là 3 lá cờ đuôi nheo màu vàng ghi 3 dòng chữ to tướng là:

“Khai sáng Giao Chỉ”

“Diệt trừ phản tặc”

“Đại Hoàng Đế vạn tuế”

Chưa giập miếng trầu, tướng Giáp Đỏ lạnh lùng thúc chiến mã bước đi, đoàn quân lại rầm rậm di chuyển. Bụi bặm bay tung trời, giáp khiên va nhau điếc óc. Lê Sát nằm im phăng phắc, không dám phát ra tiếng động nào. Khi tất cả đã đi xa rồi, cậu mới tiếp tục giãy giụa cố rút chân ra khỏi cái xác to tướng.

“Nắm lấy tay ta!”

Một chất giọng ồm ồm khiến Lê Sát giật nảy mình. Cậu ngẩng đầu nhìn thấy một tên lính lưng gù, xấu xí khủng khiếp, đang chìa tay về phía cậu. Điều khiến Lê Sát ngạc nhiên nhất là gã có tám phần giống cha mình: cũng lưng gù, cũng gầy gò, cũng xấu xí. Điểm khác là gương mặt của gã khá đáng sợ, ánh mắt gợi lên cảm giác đầy đau khổ và chịu đựng.

“Thằng nhóc tội nghiệp!”

Không chờ Lê Sát kịp phản ứng, gã chủ động chồm tới, dùng hết sức lực kéo cậu thoát khỏi xác hổ. Sau đó thì lục lọi trong tay nải, lấy ra một cái bánh bao trắng tinh đưa cho Sát:

“Ăn đi, chắc mày đói lắm!”

Gã dúi cái bánh bao vào tay cậu, đoạn khập khiễng bỏ đi. Những sự việc vừa diễn ra khiến Lê Sát hoang mang tột độ. Đoàn quân kia rốt cuộc là gì, đang đi đâu? Tháng trước cậu có nghe già làng kể rằng kinh thành đã thất thủ, vua quan trốn chạy tứ tán. Không lẽ chúng lên đây truy lùng tung tích nhà vua?

Suy nghĩ miên man một hồi cậu đưa mắt nhìn xác con hổ, đầu chợt lóe lên một tia sáng.

Vật vã nửa canh giờ, cuối cùng Lê Sát cũng cắt được thủ cấp hổ, dùng dây mây quấn chặt, rồi nặng nhọc cõng về làng. Dù thân thể tan nát bởi vết thương, nhưng sự phấn khích đã chiếm lĩnh tâm trí cậu, không ngừng thúc đẩy cậu tiến lên.

Mày là thằng gian trá đê tiện? Con hổ này đâu phải do mày giết? Nam nhi phải sống chính trực, ngay thẳng như cây pơ mu mọc giữa đại ngàn.

Lê Sát thoáng dừng chân, ngoái nhìn cái đầu hổ trợn trừng. Núi rừng hoang vắng, gió lùa rợn người. Bất giác cậu muốn quăng cái đầu xuống vực thẳm, tiếp tục làm một chàng trai đỉnh thiên lập địa, nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.

Mau rinh cái đầu về làng, trở thành thợ săn chân chính, rồi đấm vào mặt lũ hống hách kia. Mau lên Lê Sát! Cơ hội trời cho đó! Cha con mày chịu nhục, chịu giày vò đủ rồi!

Lê Sát cắn răng trăn trở, đầu óc chia thành hai luồng suy nghĩ không ngừng công kích nhau. Đến khi vượt quá giới hạn, cậu gào lên một tiếng xé dạ. Đoạn, hai mắt tối sẫm lại, Lê Sát tiếp tục cõng cái đầu hổ bước đi. Bất chấp đạo lý. Bất chấp tất cả.

Đầu giờ chiều, mây đen ùn ùn kéo tới nuốt chửng bầu trời, rồi tất cả vỡ tan thành một màn mưa xám xịt. Đường rừng càng lầy lội và nguy hiểm hơn. Nhưng vận mệnh đã đứng về phía Lê Sát, giúp cậu an toàn trở về làng.

“Không! Chuyện… gì…?!”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Ngôi làng tươi đẹp của cậu, ngôi làng của những êm ấm lẫn bất hạnh. Ngôi làng đang bốc cháy rừng rực kìa, khói ngút cao tận chân mây. Lê Sát đứng như trời trồng, ngàn vạn lần không dám tin vào cảnh tượng trước mắt. Cậu buông tay, ném cái đầu hổ xuống ruộng, tâm trí dần hóa thành một màu đen sẫm. Mỗi bước đi là mỗi bước hãi hùng. Lê Sát thấy mấy chục cái xác không đầu nằm vất vưởng giữa sân làng, họ đều là những thợ săn dũng mãnh và kiêu ngạo nhất. Xác của Cú Cười giết hổ bị vạn tiễn xuyên tâm. Xác của Trần Phong giết tê giác bị vó ngựa giẫm đạp bầy nhầy. Số xác còn lại sấp, ngửa, đứng, quỳ đủ kiểu, trông kinh khủng vô cùng. Máu thịt nhầy nhụa, tro khói đen sì. Hết rồi! Hết thật rồi!

“Cha ơi! Cha ơi!”

Lê Sát gào thật to nhưng vĩnh viễn không nhận được lời hồi đáp nào. Căn nhà của cậu đã biến thành một đống tro tàn. Cậu lẩn quẩn đi quanh, đi như kẻ mất hồn. Đến khi mây tan, gió nổi, Lê Sát chợt phát hiện ra một điều quái lạ. Số xác chết ở đây chỉ khoảng một nửa dân làng, đa phần là thợ săn và trai tráng. Vậy nửa còn lại ở đâu?

Có thể người già, phụ nữ và con nít vẫn còn sống, giặc đã bắt họ đi.

Lê Sát nghĩ thầm, lòng bừng lên chút hy vọng. Nhưng làm sao để cứu mọi người thoát khỏi nanh quỷ đây? Lê Sát lại phóng mắt nhìn về phía cổng làng, thấy 3 lá cờ đuôi nheo màu vàng đang cắm trịnh trọng ở đó, phía trên viết 3 dòng chữ to tướng là:

“Khai sáng Giao Chỉ”

“Diệt trừ phản tặc”

“Đại Hoàng Đế vạn tuế”

Kẻ thù quá hùng mạnh, còn cậu chỉ là con châu chấu quèn.

HỒI 4: NỰC CƯỜI CHÂU CHẤU ĐÁ XE

Chàng thiếu niên 15 tuổi Lê Sát dồn sức mài giáo thật bén, lưng giắt thêm một cây rìu chiến và một thanh đoản gươm. Mưa lúc dày lúc mỏng, gió gào thét thê lương. Trời nhá nhem tối, Lê Sát mặc áo lông sói, nhằm hướng Đông bước đi chẳng quay đầu. Lúc ngang qua ngôi miếu cổ, Sát chợt nghe tiếng rên rỉ của ai đó. Cậu đi vòng ra đằng sau, nhìn thấy một người bị trọng thương đang ngồi dựa vào gốc da cổ thụ.

“Sát… mày… mày còn sống…”

Lê Sát nheo mắt nhận ra gã là Cắc Ké, thợ săn giỏi thứ ba của làng, mới 14 tuổi đã giết được gấu xám. Gã bị hai mũi tên bắn xuyên bụng, máu cứ chảy không ngừng. Lê Sát cất giọng trấn an:

“Để tôi rút tên, băng bó vết thương cho anh.”

Cắc Ké gắng gượng nói:

“Đây là loại tên ba ngạnh… đã móc cứng vào ruột gan… cố rút ra… khiến tao càng chết thảm…”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Sát cầm bàn tay lạnh ngắt của Cắc Ké, không biết phải làm gì để cứu gã. Sự sống lúc mạnh mẽ như gió bão, lúc lại chìm lắng như sương. Nắng rọi xuống sương tan mất. Cắc Ké cười méo mó:

“Cái lũ ngu đần đó… tao đã bảo chúng rút vào rừng núi cố thủ… phân thành nhiều nhóm nhỏ để tập kích giặc… Vậy mà… chúng ỷ mình từng giết được mãnh thú… cứ cầm đao kiếm xông bừa lên… lấy sức trâu chọi với cung nỏ và hỏa khí… Một lũ kiêu ngạo, đần độn… hại cả làng bị giết hết…”

Cắc Ké hộc ra một ngụm máu, cắn răng nói tiếp:

“Sát… tao thấy chúng đã bắt cha mày… và nhiều phụ nữ, con nít… Thợ săn chết hết rồi… chỉ còn mình mày thôi…”

Lê Sát chĩa giáo nhọn lên trời, mắt phừng phừng sát khí:

“Tôi thề sẽ trả thù! Cứu mọi người!”

Cắc Ké lắc đầu:

“Thứ gươm giáo này không thể giết nổi giặc đâu… Năm ngoái, khi chiến tranh bùng nổ… tao đã lường trước sẽ có ngày này… Tao nói thật cho mày biết, con gấu xám hồi xưa… tao đã ăn gian… Tao dùng ống phi tiêu độc giết nó… rồi cắt đầu đem về làng… Tao bí mật nuôi rắn trùng độc ở cái giếng sau nhà… còn chế tạo rất nhiều ống phi tiêu… Nhớ lấy Sát… sói vĩnh viễn không thể giết voi… nhưng hổ mang thì được… thì được…”

Lê Sát đã cầm tay Cắc Ké đến giây phút cuối cùng. Đến khi gã tắt thở cậu mới đứng dậy, lòng phục hận ngút tận trời mây.

Lại kể, sau trận chém giết, quân giặc đóng trại trên một sườn núi cách làng Lê Sát 10 dặm về hướng đông bắc. Giặc mở tiệc linh đình, rượu thịt từ chiều đến giữa khuya không nghỉ. Chiến thắng quá dễ dàng khiến chúng càng kiêu căng.

Lê Sát mặc áo lông sói, trùm đầu sói, khéo lèo bò trường dưới đất tiếp cận doanh trại. Bằng hai phát phi tiêu độc, cậu hạ sát được hai con chó canh. Nghe tiếng sủa bất thường, nhóm lính đi tới ngó nghiêng cái xác, rồi nói:

“Bị hổ mang cắn hả, khốn kiếp!”

“Hổ trời cũng không ngán, tao sẽ chặt đầu nó đem nướng!”

“Nhậu tiếp đi, tụi mọi mán sợ vỡ mật rồi, chắc đã trốn hết vào hang! Haha!”

Bên trong lùm cây, Lê Sát vẫn căng mắt dò xét doanh trại. Và cậu nghe đằng xa kia, đông đảo quân giặc đang chè chén, hô hào phấn khích lắm. Sát tiếp tục trườn bò, tìm một vị trí thuận tầm nhìn hơn.

“Đánh đi hai thằng gù khốn nạn! Máu lửa lên!”

“Thằng nào đánh thua sẽ bị băm cho heo ăn! Haha!”

Mấy chục lính tráng đang túm tụm xem trận giáp đấu giữa hai tên gù xấu xí. Lê Sát đau lòng nhận ra một trong hai người là cha mình. Ông cầm thanh kiếm mẻ, chân xiêu vẹo không đứng vững, mặt sợ hãi vô cùng. Còn tên gù kia là người đã kéo Lê Sát khỏi con hổ và tặng cậu cái bánh bao trắng. Hò hét mãi mà hai tên gù không chịu lao vào chém giết nhau, đám lính tráng xúm lại đánh đập họ dã man.

“Mẹ nó! Mất cả hứng!”

“Thà coi chó cắn nhau còn máu hơn!”

Lòng ngùn ngụt lửa hận, nhưng vì đại cuộc cậu cố kìm nén tất cả. Đến khi không thể chịu nổi nữa, Sát hộc ra một ngụm máu tươi. “Một ngụm máu trả bằng một sông máu, tao thề sẽ giết sạch chúng bây!”.

Lê Sát tiếp tục chờ đợi, chịu đựng và chờ đợi dưới cơn mưa rét buốt. Cha cậu bị chúng đánh tơi tả, bị lôi xềnh xệch dưới đất trông thật thảm thương.

Nửa đêm, mưa càng nặng hạt. Đám lính tráng sau khi chè chén no say thì mạnh ai nấy về lều ngủ. Thời cơ chín muồi, Lê Sát khéo léo trườn bò tới chỗ giam giữ dân làng, thổi phi tiêu hạ sát đám lính canh, rồi mở cửa vào trong.

Cậu thoăn thoắt cắt dây trói cho mọi người, sau đó đổ túi đựng ống phi tiêu độc ra đất. Dân làng ngầm hiểu ý Lê Sát, bất kể già trẻ lớn bé đều quyết tâm giết giặc báo thù. Lần lượt từng người nhặt ống phi tiêu rồi tản ra khắp các lều trại, tiến hành giết chuột trong đêm.

Cuối cùng, Lê Sát bò về phía cha mình. Cậu sờ mặt, sờ cổ ông, rất may ông vẫn còn sống. Sát thì thầm:

“Cha đợi ở đây, con sẽ giết tên Giáp Đỏ!”

Ông thều thào:

“Đừng… đi… hãy… sống…”

Sát quắc mắt quyết tâm:

“Con sẽ cắt đầu hắn, trở thành thợ săn chân chính!”

Dứt lời, Lê Sát liền bò về phía căn lều to lớn nhất ở giữa doanh trại. Mưa xối xả, mặt đất biến thành bùn nhão. Cậu cắn chặt ống phi tiêu, cố di chuyển theo cách cẩn trọng nhất có thể. Sát phóng mắt ngó quanh, quá tốt rồi, không hề có lính canh ở đây.

Khi đã vào được bên trong lều, Sát giật thót mình khi thấy tướng Giáp Đỏ đang đứng nghiêm ngắn vẽ tranh và viết thư pháp. Bàn tay hắn cứ uốn lượn như rồng bay, thần thái tao nhã thoát tục. Thấy Lê Sát xuất hiện, hắn vẫn dửng dưng không chút bận tâm.

Lê Sát lúng túng chẳng biết phải làm thế nào. Cường địch ở trước mắt, sống chết như mành chỉ treo chuông. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Lê Sát chợt nhận ra thứ đang tràn ngập khắp căn lều, đang bóng nghẹt hơi thở cậu không phải là sát khí, mà là bá khí.

“Đây không phải lúc sự hãi.” Lê Sát tự trấn an mình, rồi lập tức thổi ống phi tiêu, mũi kim độc xé gió cắm thẳng vào vai tướng Giáp Đỏ. Thành công rồi sao? Lê Sát căng mắt nhìn đối thủ. Tuy nhiên, đáp lại là một sự yên tĩnh và trơ cứng rùng rợn. Tướng Giáp Đỏ vẫn thung dung viết chữ trên tấm lụa vàng. Lê Sát vội vã nhét thêm phi tiêu vào ống, thì bất chợt tướng Giáp Đỏ cất tiếng:

“Cậu có biết “khai sáng” nghĩa là gì không?”

Bá khí càng tuôn trào mãnh liệt, trong phút chốc Lê Sát cứng đơ cả người, miệng cũng không mở được. Tướng Giáp Đỏ nói tiếp:

“Hơn ngàn năm trước, cương vực phía Nam hồ Động Đình và dãy Ngũ Lĩnh là một vùng đất man di mọi rợ, chữ viết không có, phong tục hủ lậu. Sau khi Đại Tần thống nhất Trung Nguyên, người Hán chúng ta, bằng lòng bao dung và đại nghĩa ngút trời, đã tích cực khai sáng tứ phương, dần biến đất man di xưa trở thành nơi phồn hoa bậc nhất thiên hạ. Nam Xương, Phúc Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Ung Châu… tràn ngập vàng bạc, tơ lụa và văn chương. Chỉ còn một rẻo đất Giao Chỉ ỷ vào núi non hiểm trở, tự tách mình khỏi ánh sáng văn minh. Cuộc sống man di tốt đẹp lắm hả? Tại sao các ngươi lại ấu trĩ và khờ khạo như vậy?”

Dứt lời, tướng Giáp Đỏ đặt nhẹ bút lông xuống bàn, rồi quay sang đối mặt với Lê Sát. Thì ra hắn vận giáp sắt kín người, cánh tay và vai đều được bảo vệ bằng những tấm thép vảy rồng xếp chồng lên nhau, không để lộ một chút sơ hở nào. Đao thương còn khó đâm thủng, huống chi thứ phi tiêu mỏng manh này.

Trong khoảnh khắc tưởng chừng tuyệt vọng, Lê Sát nhanh trí thổi phi tiêu vào mặt kẻ thù, chính là chỗ duy nhất không được bộ giáp che chắn. Ai ngờ, tướng Giáp Đỏ còn nhanh hơn cả gió, liền nghiêng đầu né độc châm, rồi rèn rẹt tuốt kiếm bước tới gần Lê Sát. Hắn nói bằng chất giọng cao ngạo:

“Ta là người viết thư pháp đẹp nhất Hàng Châu, nhưng có một thứ ta còn tự hào hơn cả thư pháp. Đó chính là kiếm pháp! Năm ngoái ở Đa Bang, một tay ta đã chặt hơn 300 thủ cấp quân Giao Chỉ các ngươi đó! Sát!”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Hắn gầm thét như sấm, rồi vung kiếm chém Lê Sát. Sinh mạng của cậu chỉ còn tồn tại trong nửa cái chớp mắt. Thật cay đắng làm sao? Cả heo rừng cậu cũng không săn nổi thì lấy tư cách gì mà đối địch với tay tướng bách chiến bách thắng này chứ?

Không bỏ cuộc! Quyết không bỏ cuộc! Lê Sát bỗng gào lên dữ dội, rồi tuốt thanh kiếm giấu sau thắt lưng, gồng đỡ đòn chém như trời giáng của kẻ thù. Một tiếng keng nhức óc kèm theo tia lửa đỏ. Kết quả, kiếm của Lê Sát bị gãy đôi, vai bị chém thấu tận xương tủy. Cậu nén đau phóng mình sang trái tránh né, rồi lấy rìu tiếp tục ứng chiến.

Tướng Giáp Đỏ cười khỉnh:

“Lì đòn đó nhóc con!”

Hắn lại vút kiếm lên trời, bá khí bùng nổ mãnh liệt, khiến ngọn bạch lạp đằng xa nhảy múa không ngừng. Lưỡi kiếm sáng lóa trong đêm, một vẻ đẹp đầy quỷ dị và chết chóc. Rất nhanh chóng, sát kiếm lao tới, hoàn toàn áp đảo Lê Sát.

Sát!!!!

Lúc thập tử nhất sinh kề cận, thì bất ngờ có một cái bóng đen xuất hiện, cầm giáo nhọn đâu xuyên thấu lưng tướng Giáp Đỏ. Thêm một con bọ ngựa kiêu căng bỏ mạng. Tướng Giáp Đỏ chỉ kịp quay đầu nhìn kẻ đánh lén một lần, rồi khuỵu chân đổ sụp xuống. Cái bóng quyết liệt rút giáo, liền đâm thêm rất nhiều nhát nữa, rất nhiều nhát cho đến khi tướng Giáp Đỏ biến thành một đống máu thịt bầy nhầy.

Lê Sát trố mắt nhận ra cái bóng đen chính là tên lính gù xấu xí đã kéo cậu thoát khỏi con hổ. Gã giết chóc xông liền ngửa mặt cười như điên dại:

“Bao năm nay chúng mày hành hạ tao, đánh đập tao, đối xử với tao như súc vật… Ha ha! Chết tốt lắm! Ha ha! Cuối cùng cũng trả được thù! Nhân gian chính là địa ngục! Tao sẽ nghiền xác mày cho kiến ăn!”

Nét mặt xấu xí của hắn càng thêm méo mó bởi một loạt biểu cảm hận thù, khoái trá kỳ dị. Thì ra là một tên điên. Lê Sát thở phào nhẹ nhõm, rồi quay gót rời khỏi lều, bỏ mặc tên gù và cái xác tanh hôi ở lại.

Lúc này, dân làng cũng đã xử lý xong đám lính lác vô dụng, đang tập trung giữa sân chờ mọi người đủ mặt. Sát dìu đỡ cha mình, rồi nhập vào dòng người rời khỏi nơi hiểm ác.

“Bọn chúng đều xỉn bét nhè, giết rất dễ.”

“Ừ! Về làng thôi!”

“Về thôi Sát! Anh hùng của chúng ta! Thợ săn chân chính và dũng cảm nhất!”

“Đúng rồi! Lê Sát dũng cảm! Lê Sát kiêu hùng!”

Mưa nhẹ hạt rồi tạnh hẳn. Lê Sát thoáng ngoái đầu nhìn khu đồn trại lần cuối. Mây tan, trăng sáng. Có một bóng người đang đứng liêu xiêu trên gò đất, Sát nheo mắt nhìn kỹ hơn, thì ra là tên lính gù xấu xí. Hắn đã ngưng cười, mặt mày tối sầm như đêm đen. Kệ xác hắn, Lê Sát nghĩ thầm, đoạn tiếp tục dìu cha mình bước đi.

Đằng này, tên lính gù đang chậm rãi cắt dây thừng, chậm rãi giở tấm vải che màu đen khỏi cỗ máy gì đó. Rồi hắn cầm hai hòn đá đánh lửa. Đánh một lần. Đánh hai lần. Đánh ba lần. Đánh bốn lần. Lửa nhen nhóm, cháy sáng lên, cháy lây lan theo dây dẫn. Lửa âm thầm kích hoạt thứ vũ khí đáng sợ bậc nhất của quân Minh: giàn bắn hỏa tiễn. Lửa chia tách, tỏa ra khắp các ống phóng. Lửa đốt cháy hỏa dược, tống các mũi tên đi với tốc độ chóng mặt. Hàng trăm mũi tên sắt ào ào lao về phía nhóm dân làng tạo thành một khung cảnh khủng khiếp như sao sa.

Khi Lê Sát nhận ra nguy hiểm thì đã quá muộn màng. Tên nhọn xuyên thủng từng người. Từng người đổ rạp xuống như lúa non đổ trước cuồng phong. Điều cuối cùng Lê Sát thấy là gương mặt hiền từ, thanh thản của cha mình. Ông đã dùng tấm lưng gù và dang cả hai tay để che chắn cho Lê Sát. Ông mỉm cười với cậu lần cuối cùng và vĩnh viễn:

“Hãy… sống… con… trai…”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Ông chết ngay trong vòng tay của Lê Sát. Tại sao chứ? Tại sao bao nhiêu nỗ lực vẫn không thể cứu được cha, cứu sống dân làng? Sát gào lên đầy căm phẫn, rồi dùng hết sức bình sinh ném rìu lên không trung. Rìu xoay tít nhiều vòng trước khi giáng thẳng xuống đầu gã lính gù. Ngay lập tức, Lê Sát lao về phía kẻ thù như một con sói dữ tợn. Cậu đè nghiến gã xuống bùn, liên tục tung những cú trời giáng, cho đến khi máu và bùn trộn lẫn với nhau. Mặt mày gã lính gù đã bị đánh đến biến dạng. Sát liên tục gào thét:

“Tại sao? Tại sao chứ? Tại sao?”

Gã lính gù thoi thóp nói:

“Ta… ta… chỉ… muốn… cứu cậu… mà thôi…”

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Mắt Lê Sát đã biến thành một vùng bão tố, không gì xoa dịu được nữa:

“Không! Mày đã giết cha tao, dân làng của tao! Tại sao chúng mày lại giết nhiều người như vậy? Tại sao chúng mày lại tàn bạo như vậy?”

Gã lính gù cười méo mó:

“Phải… phải chặt 1 vạn… cái đầu phản tặc… dâng công lên… triều đình… để sớm… sớm ngày được… quay về… cố… hương…”

Gã nói xong liền lục trong áo, lấy ra một cái bánh bao trắng tinh, run rẩy đưa cho Lê Sát:

“Ta rất… nhớ nhà… nhớ… thê tử… nhớ… trai… của… ta…”

Gã nói xong liền gục đầu tắt thở, bàn tay cầm bánh bao rơi xuống bùn lầy. Cái bánh bao trắng cũng nhanh chóng nhuốm đẫm máu tanh. Máu chảy tràn trên lưng đồi, tràn xuống lều trướng, tràn lan khắp đường mòn. Lê Sát rũ rượi đứng dậy, chẳng biết phải đi đâu, về đâu nữa. Tất cả những nỗ lực của cậu đều vô nghĩa. Tất cả đều vô nghĩa…

Bối tối lùi bước, mặt trời chớm mọc. Xa xa, có một cánh đại bàng đang kiêu hãnh chao liệng giữa trời mây. Đại bàng bay về phía núi Chí Linh huyền thoại. Lê Sát ngẩng đầu, hít một hơi thật sâu, rồi sải bước theo cánh đại bàng mải miết.

Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

HẾT TẬP 1

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây:
Phong ma tuyết nguyệt