Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện

Quỷ Tật

Người ta kể rằng nó là sinh vật bị địa ngục khước từ.

Năm đó, ở Bình Lệ Nguyên, 6 vạn quân nhà Trần đã bị 2 vạn quân Mông Cổ cày nát. Nghe có hơi vô lý, rõ ràng quân Trần đông hơn gấp ba lần, còn có cả trăm thớt voi. Mã làm sao mà ăn được Tượng?

Chuyện gì cũng có thể xảy ra! Lúc giáp trận, kỵ quân Mông Cổ giương cung nhằm vào mắt voi mà bắn xối xả. Voi đau quá, quay lại giày xéo quân Trần, phút chốc thế trận vỡ tan. Vua tôi nhà Trần phải dắt díu nhau mà chạy. Trong cảnh hỗn loạn, 2 vạn quân Đại Việt đã bị giặc tàn sát.

Nửa tháng sau, quan Ngự sử Đại phu Lê Tần trở lại Bình Lệ Nguyên chủ trì việc chôn cất binh sĩ. Xác người trải dài mấy mươi dặm, tất cả đều trương sình, bốc mùi khủng khiếp. Cờ rũ dưới ánh tà, trời và đất đều đỏ ngầu màu máu. Ngài Lê Tần đi quanh chiến trường, không bỏ sót một góc khuất nào. Cho đến khi mặt trời tắt hẳn, ngài dừng chân trước núi xác lớn nhất, ngước nhìn lá cờ màu huyết dụ. Chính là quân Thánh Dực dũng nghĩa, những người anh em thân thiết nhất của ngài.

– Vì phải hộ giá nhà vua, ta không thể sát cánh cùng anh em… chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… xin tha tội cho Lê Tần…

Ngài chống kiếm quỳ xuống, lòng đau cắt dạ, gió lạnh thổi qua, khung cảnh chìm trong tịch liêu. Bất chợt, núi xác rúng động, có một thứ gì đó đang quẫy đạp mãnh liệt, yếu dần, cuối cùng chỉ còn tiếng thở thoi thóp. Lê Tần ngờ ngợ đi quanh núi xác, ngài vận sức đẩy mấy cái khiên mây và thây ngựa sang một bên, rồi phát hiện ra nó: sinh vật bị địa ngục khước từ.

Ngày Lê Tần mang Quỷ Tật về kinh thành, trời mưa như trút. Sét đánh cháy cây đa cổ thụ bên hồ Lục Thủy. Ngài dùng lá cờ huyết dụ của quân Thánh Dực dũng nghĩa bọc lấy con vật, cố ủ ấm nó, sự sống mỏng manh như tơ nhện. Nhưng nó là một con vật bị thánh thần nguyền rủa, làm sao mà chết được. Lê Tần đạp cánh cửa, ôm con vật bước vào phủ đệ, đặt nó xuống sập gỗ. Nó ốm đến trơ xương, mình mẩy chi chít vết thương. Ác liệt nhất là mũi tên bắn xuyên qua bả vai con vật, tạo nên cái tướng đi khập khiễng nổi tiếng.

Cũng vì vậy mà Lê Tông đặt tên cho nó là Quỷ Tật. Một con vật tật nguyền và bị nguyền rủa.

Ngay từ khi mới nhận thức cuộc đời, Lê Tông đã gắn bó thân thiết với Quỷ Tật. Họ cùng chơi đùa lăn lộn ngoài sân, cùng bới đất cát và tắm mưa. Lê Tông bị bệnh quấy khóc, ai dỗ cũng không nín, nhưng chỉ cần Quỷ Tật xuất hiện, cọ mõm vài cái là cậu nhóc lại quên hết sự đời.

Lớn thêm một chút, Lê Tông thường cưỡi Quỷ Tật đi phá bĩnh khắp kinh thành. Họ hù dọa quan sai, lùa bầy trâu chạy có cờ, hay cắn nhầm con khổng tước trắng của nhà vua. Cắn nhầm mà nó lăn ra chết thật. Nhà vua sai người điều tra, biết con quan Ngự sử Đại phu Lê Tần là thủ phạm, đành xí xóa, xem như không có chuyện gì.

Có cha chống lưng, cậu Lê Tông càng ngông cuồng hơn. Có hôm đi lạc vào doanh trại của quân Thánh Dực, cậu tuốt kiếm gỗ thách đấu với một tay võ sĩ.

– Nhóc mấy tuổi rồi?

– Tám!

Cậu đáp gọn lỏn rồi hất mặt lên trời.

– Được, ta chấp nhóc với con chó. Chấp thêm một tay.

Chàng võ sĩ nhặt một khúc tre dưới đất, đứng tấn rất vững vàng. Lê Tông vung kiếm gỗ hò hét như thật:

– Quỷ Tật không phải là chó. Nó là sói!

Thế là, hai chủ tớ hừng hực khí thế xông lên. Chẳng biết trận tỉ thí ấy kết quả ra sao, nhưng tối hôm đó, Quỷ Tật đã bị Lê Tần nhốt vào nhà kho, còn Lê Tông thì bị ăn đòn nhừ tử.

Lên chín tuổi, Lê Tông không còn đi phá làng phá xóm nữa. Bởi vì cậu đam mê một thứ hay ho hơn, đó là cưỡi ngựa bắn cung. Cậu học cung thuật rất nhanh, Quỷ Tật cũng phối hợp tác chiến với cậu rất nhịp nhàng. Mỗi lần Lê Tông bắn trúng một hình nộm rơm, Quỷ Tật liền vồ tới, cắn phập vào đầu hình nhân để kết liễu. Luyện mệt, hai chủ tớ lại nằm dưới gốc mít, nhìn gió thổi rạp cỏ lau. Trời xanh, mây trắng, nước lấp xấp chân đê, khung cảnh đồng quê thật thanh bình.

Cậu luyện cung say mê đến nỗi quên hết thời gian. Có hôm trời mưa tầm tã, quá giờ ăn tối vẫn chưa thấy cậu quý tử về, Lê Tần vội lên ngựa cùng lão gia nô đi tìm. Hết vườn mít sang vườn nhãn, hết vườn dâu ra đến bãi sông Hồng. Và ông trông thấy một cảnh tượng khủng khiếp, Lê Tông đang nằm bất động trên bãi cỏ, máu me đầm đìa. Quỷ Tật thì đứng kề bên, nhe hàm răng đầy máu ngoạm lấy cánh tay cậu nhóc. Mắt nó hừng hực sát khí, như sắp ăn tươi nuốt sống Lê Tông.

Tình huống cấp bách, Lê Tần vội thúc ngựa lao tới, tuốt kiếm chém vào mình Quỷ Tật. Con vật rú lên một tiếng thảm thiết rồi chạy biến vào màn mưa.

Ôm đứa trẻ đang thoi thóp trên tay, lòng ông cứ dằn vặt, đau xót khôn nguôi.

– Thuộc hạ đã can ngăn nhiều lần. Quỷ Tật là chó săn, từng chinh chiến giết người… nên bản tính rất hung mãnh và khát máu.

– Nó là thành viên cuối cùng của quân Thánh Dực dũng nghĩa… những người anh em từng vào sinh ra tử với ta… ta không nỡ…

Lão gia nô chấp tay:

– Chiến tranh đã qua lâu rồi… Vả lại, thú dữ nên thả vào rừng sâu, như vậy sẽ tốt cho nó hơn.

– Ừ…

Lê Tần ôm con trai mình, thất thểu trở về phủ đệ. Mưa như trút nước, xóa nhòa những dấu chân tập tễnh, đẫm máu của Quỷ Tật. Nó là một sinh vật bị cả địa ngục và con người chối bỏ.

*

Lê Tông bị cắn gần nát bả vai và khuỷu tay. Lê Tần phải mời đến thái y trong cung chữa trị cho cậu. Sau nửa tháng vật vã li bì, Lê Tông dần hồi tỉnh, nhưng sức khỏe và tinh thần cậu vĩnh viễn không còn được như xưa.

– Cha ơi, tại sao Quỷ Tật lại cắn con?

Lê Tần ngậm ngùi đáp:

– Vì nó là con vật vô tri… Con yên tâm tĩnh dưỡng, đừng nghĩ lung nữa!

– Lúc đó mắt Quỷ Tật đỏ rực lên, như trở thành người khác vậy.

Lê Tần nắm chặt tay con:

– Cha nhắc lại, Quỷ Tật là con vật, không phải người.

Lê Tông xoay trở định ngồi dậy nhưng lực bất tòng tâm, cậu hoảng hốt:

– Cha ơi, tại sao… sao tay phải của con… không thể cử động, cũng không có cảm giác?

Lê Tần thở dài, an ủi con:

– Thái y nói, vết thương cần vài tháng để bình phục… Con yên tâm!

Đúng như lời thái y, sau ba tháng, Lê Tông gần như đã bình phục, tay phải có thể cử động, cầm nắm bình thường. Nhưng cậu vĩnh viễn không thể bắn cung được nữa. Cứ mỗi lần giương cung là suốt từ bả vai trở xuống đều mỏi nhừ, run lẩy bẩy. Cậu chống cung quỳ ngoài bãi tập, nhìn hình nộm rơm đằng xa mà ứa nước mắt.

Không thể bắn cung, không thể luyện võ, cậu quý tử con nhà Đại tướng quân Lê Tần sớm bị miệng đời chế giễu. Người ta còn đặt một bài vè rằng:

“Nghe vẻ nghe ve,

Nghe hổ có nanh,

Nghe ưng có vuốt,

Con cái nhà tông,

Miễn cưỡng có lông,

Nhưng bị gãy cánh.

Buồn thay, hận thay!

Đại bàng gãy cánh,

Khác chi gà què!”

Từ một cậu nhóc lanh lợi hay đi phá làng phá xóm, Lê Tông rơi vào u uất, trầm cảm, suốt ngày giam mình trong phủ đệ. Lê Tần do quá bận việc triều chính, cũng không có nhiều thời gian ở bên cậu. Thế là, Lê Tông vùi đầu vào sách vở và binh pháp để quên đi những bất hạnh của đời mình.

Liền tù tì ba năm trời, cậu không ló mặt ra đường. Cho đến một hôm, Thăng Long tổ chức hội hoa đăng, không khí vô cùng náo nhiệt. Lê Tông cẩn thận khoác áo choàng đen, lẻn cửa sau hòa vào dòng người nô nức trẩy hội. Áo lụa dập dìu, hàng quán chất đầy bánh trái và sản vật. Hồ Dâm Đàm mênh mang sóng nước, đèn hoa thắp sáng một vùng trời. Đặc sắc nhất là tiết mục múa “Độc chiếm ngao đầu”, vị tráng sĩ tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp linh hoạt, nhảy cao trèo giỏi, được khán giả bên dưới tung hô không ngớt. Lê Tông mê xem múa lân đến nỗi quên hết thời gian, ngó qua ngoảnh lại trời đã quá khuya. Người thưa dần, sương giăng khắp lối.

Đó sẽ là một đêm tuyệt vời nếu cậu đi thẳng về nhà theo đường cũ. Nhưng không, đến ngã ba không hiểu ma xui quỷ khiến sao mà tự dưng cậu lại rẽ trái, men theo hàng sưa cổ thụ, dừng chân trước một ngôi đình bỏ hoang. Đuốc lập lòe, có mấy bóng người đang dùng gậy gộc thi nhau nện vào con vật dưới đất, máu tung tóe khắp sân.

– Quỷ Tật…

Lê Tông buột miệng thốt lên, nhưng cậu đã lầm, Quỷ Tật có đôi tai vểnh, vóc dáng hùng dũng và cặp mắt sắc lẹm chứ không gầy gò và khốn khổ như vậy. Thấy cậu đứng lấp ló, một thằng nhóc quát lớn:

– Nhìn cái gì, mau biến!

Nói đoạn, chúng tiếp tục tra tấn con vật. Lòng cậu chợt quặn lên một nỗi niềm khó hiểu. Cánh tay tật nguyền run rẩy, hình bóng Quỷ Tật bước khập khiễng dần chìm vào màn đêm. Mưa đêm xối xả, cái lạnh thấu xương tủy chia cắt cậu và Quỷ Tật vĩnh viễn…

Cậu nhận ra mình chưa từng hận hay ghét Quỷ Tật. Phải có một lý do nào đó khiến Quỷ Tật đột nhiên hóa điên… Phải có một lý do nào đó…

Sau một lúc ngẩn người, Lê Tông quyết định nhặt khúc gỗ dưới đất rồi đường hoàng bước vào trong:

– Mau dừng tay!

Đối phương đáp trả:

– Chó nhà tao tao đánh, can gì đến mày?

Cậu không chịu thua:

– Ba thằng to xác đánh một con vật nhỏ, thật hèn!

Đối phương sửng cồ:

– Tao đánh tới mày bây giờ!

Cậu buông giọng thách thức:

– Ngon nhào vô!

Lê Tông cầm thanh gỗ, thủ thế rất bài bản. Nhưng với sức lực của một cậu nhóc mười hai tuổi, làm sao chọi lại ba thằng khỏe như trâu. Rất mau chóng, cậu bị đánh hộc máu, một thằng khóa tay đè cậu xuống đất.

– A thì ra là một đứa tật tay!

Tên kia hùa theo:

– Không những tật tay mà còn tật não, thích làm anh hùng rơm! Ha ha!

Cười cợt đã đời, chúng tiếp tục đánh đập con chó đến khi nó bất động mới thôi. Lửa tàn và đêm cũng tàn, ánh trăng cô liêu rọi xuyên qua tán cây, đậu quanh cái xác. Cậu ôm con vật đáng thương vào lòng, khóc tức tưởi, nước mắt cứ ngắn dài không thể vơi cạn. Chưa bao giờ cậu thấy mình vô dụng như bây giờ.

Bất chợt, một thanh gươm sáng choang từ đâu bay tới, cắm phập trước mặt cậu.

– Khóc lóc không thể bảo vệ được những thứ cậu yêu quý đâu!

Lê Tông ngờ ngợ quay đầu, thấy vị tráng sĩ múa “Độc chiếm ngao đầu” lúc nãy đang đứng ngay trước mặt mình. Không đúng, cái chất giọng này, hình như là…

Một cơn gió lùa qua, vén màn mây để ánh trăng tỏa rạng. Người đó cười nhẹ với cậu, mắt phượng mày ngài, mái tóc xõa dài thướt tha… quả… quả nhiên là con gái.

– Chưa thấy nữ nhân múa lân và đánh kiếm bao giờ hả? Trưa mai đến đây, ta sẽ chỉ điểm cậu vài chiêu.

Thăng Long đệ nhất kiếm

– Rồi sao nữa đại ca, kể tường tận coi!

Lửa cháy lách tách thổi muội than bay lên trời, Sông Ngân mở rộng vô cùng. Trên đỉnh đồi có hai kẻ nằm tréo chân nốc rượu say khướt. Lê Tông lim dim mắt hồi tưởng:

– Ngày hôm sau, ta thức dậy từ rất sớm, tắm rửa sạch sẽ, hết đứng lại ngồi, lòng cứ cồn cào gì đâu. Gần trưa thì ta lẻn ra khỏi nhà, băng qua mấy khu phố, tới cái đình bỏ hoang. Hàng sưa trổ hoa rất đẹp, cây cỏ cũng thật là đẹp lung… Ta ngồi dưới gốc sưa đợi nàng, đợi hoài, đợi mãi… Xế trưa sang chiều, chiều ngả tối. Trời ơi, cảm giác như có hàng trăm con kiến bò trong dạ… Khổ sở hết sức… Vậy mà, nàng đành đoạn không đến… cho ta leo cây!

– Vậy đâu có được, đại ca là ai chứ? Là Lê Tông, quý tử của Đại tướng quân Lê Tần! Quyền uy tột đỉnh…

Lê Tông vội chồm tới bịt miệng Tai Tượng, gắt lên:

– Ê, muốn hại ta bị đánh nhừ xương hả thằng quỷ, cha ta ghét nhất là cái vụ ỷ quyền thế lên mặt với thiên hạ. Bởi vậy ông mới kêu ta cải trang thành dân thường đi nhập ngũ. Cái chức hiệu úy này là do ta nếm mật nằm gai dữ lắm mới được.

Tai Tượng cười khà:

– Biết rồi, khổ quá… Kể tiếp đi đại ca!

Gió phất phơ bông cỏ, Lê Tông nốc thêm một ngụm rượu, rồi ngả người nhìn sao rơi:

– Cậu biết tính ta mà, kiên trì tới mức cố chấp, một khi đã đợi, thì phải đợi nàng cho bằng được. Ngày thứ hai rồi thứ ba, nắng gắt chuyển sang mưa dầm. Gió bão nổi lên, thổi sập cả cái đình cũ. Ta lì lợm đợi nàng đến ngày thứ bảy… Sau bảy ngày vật vã, cậu biết ông trời thưởng cho ta cái gì không?

Tai Tượng khấp khởi:

– Gì vậy đại ca? Người đẹp xuất hiện chắc luôn!

Lê Tông dốc ngược bầu rượu, chỉ còn vài giọt lấp lửng rớt xuống:

– Hổng có gì hết, hổng có ai tới hết, ta thấy mình thật ngáo… Tụi côn đồ nói đúng, ta không những tật tay mà còn tật não.

– Không à! Tôi thán phục đại ca ở chỗ đó! Chí vững như Thái Sơn, mười con trâu cũng không húc đổ.

Lê Tông cười nhạt:

– Ta đồng ý với cậu, vững chí nhất định sẽ thành công. Chiều ngày thứ bảy, ta thất thểu trở về phủ đệ, hận cuộc đời sao quá phũ phàng. Hết khu phố sang lối nhỏ, ta định trèo tường vào phủ như mọi khi, chợt phát hiện cha ta đang đứng trò chuyện với một vị khách cầm ô, mặc giao lĩnh tía… Và hình như họ nhắc gì đó đến ta… Ta mon men đến gần hơn, gần hơn nữa… Thật hồi hộp. Cuối cùng, ta chỉ còn cách họ khoảng năm, bảy bước chân gì đó, dỏng tai nghe lỏm chuyện. Đúng như dự đoán, cha đang mời thầy đồ về kìm kẹp ta. Giọng ông kịch liệt và gay gắt lắm. Sẵn đang bực tức, ta tính đá bay cái chậu dưới thềm. Ai ngờ, vị khách hạ ô xuống, tròn mắt nhìn ta…

– Rồi sao nữa đại ca, kể chuyện mà cứ ngắc ngứ hoài?

– Thêm rượu đi rồi kể tiếp!

Trong lúc Tai Tượng lục tay nải tìm rượu, Lê Tông chìm vào trầm ngâm:

– Cậu biết không, cái người mặc giao lĩnh tía đó, cái người đeo bích kiếm bên hông đó chính là… chính là người múa “Độc chiếm ngao đầu” trong đêm hội hoa đăng. Ta say mê nàng từ cái nhìn đầu tiên. Sang cái nhìn thứ hai, đến cái nhìn thứ ba thì không thể nào thoát ra nổi nữa… Chắc cậu nghĩ một đứa nhóc mười hai tuổi mà yêu đương nỗi gì. Không! Cậu lầm rồi, tình cảm ở cái tuổi đó trong trẻo vô cùng. Từ một đứa nhóc ghét kiểu học hành khuôn mẫu, ta chuyển sang thích mọi thứ nàng dạy. Sáng học văn thơ, chiều học võ thuật. Tay phải bị tật thì luyện kiếm bằng tay trái, bắn cung không được thì chuyển sang bắn nỏ. Ngày qua ngày, kiếm thuật của ta dần khá lên…

Tai Tượng dặng hắng, ném bầu rượu về phía Lê Tông:

– Chuyện này khỏi kể, cái danh hiệu “Thăng Long đệ nhất kiếm” của đại ca ngóng thêm năm chục năm nữa cũng không ai dám giành!

Lê Tông chụp lấy bầu rượu, nốc ừng ực một hơi, rồi thở dài:

– Thôi không kể nữa, ta đi ngủ!

Tai Tượng chưng hửng:

– Gì ác nhơn vậy! Chuyện đang cao trào mà?

– Kể nữa thêm buồn! – Giọng Lê Tông lạnh tanh.

– Buồn gì trời? Được mỹ nhân cầm tay nắn từng chiêu từng thức là sướng nhất thiên hạ rồi?!

Lê Tông thở dài:

– Vì có sướng mới có khổ, vì lỡ tương ngộ mới thấm thía được nỗi đau khổ của tương tư… Cậu không hiểu đâu!

Nghe đến đây, Tai Tượng cũng thở dài:

– Tôi hiểu rồi, giai nhân của đại ca đi lấy chồng chứ gì?

Lê Tông cười nhạt:

– Gần như là vậy, người ta ở quá cao, không thể với tới…

*

Sáng hôm sau, trời quang đãng khác thường, Lê Tông cắp kiếm dạo quanh doanh trại. Đây là lần đầu tiên chàng dẫn quân chinh phạt xa đến vậy. Tai Tượng ôm chùy đứng cạnh bên, cứ ngáp dài ngáp ngắn:

– Đại ca án binh bất động 10 ngày rồi, bộ không mệt hả? Chứ tôi ngứa tay ngứa chân lắm rồi!

Lê Tông đáp:

– Cậu phải hiểu, đối với sơn trại vùng biên, đánh thắng họ trên chiến trường chẳng có nghĩa lý gì. Sau khi ta rút quân, họ lại nổi dậy thì thành công cốc. Cốt yếu là…

Tai Tượng xua tay:

– Tôi hiểu! Đại ca muốn noi gương Khổng Minh Gia Cát, “Thất cầm Mạnh Hoạch” chứ gì. Mà tôi nói trước, bọn người Man giả trá có tiếng, đừng mơ thâu phục dễ dàng.

– Ta đã có kế sách, cậu cứ an tâm!

Lê Tông kiểm tra sức khỏe năm thớt voi xong, lại sang chuồng ngựa, trỏ vào con hắc mã:

– Cha ta làm quan mấy chục năm, công trạng nhiều như nước sông Hồng. Nhưng ông chẳng để lại gì cho ta ngoài con ngựa Ô Quạ này. Nó từng theo ông chinh chiến ở Bình Lệ Nguyên…

Tai Tượng nheo mắt:

– Ừ, trận Bình Lệ Nguyên huyền thoại, 6 vạn quân triều đình bị giặc Thát cày nát. Vua ngoảnh trông tả hữu, thấy tướng soái đều chạy tan, chỉ còn ngài Lê Tần một mình một ngựa ra vào trận, sắc mặt bình thản như không. Ngài còn lấy ván thuyền che đỡ tên đạn cho vua, hộ giá thiên tử đến nơi an toàn… Nhà họ Lê một người là “Thiên hạ đệ nhất hộ thần”, một người là “Thăng Long đệ nhất kiếm”, còn ai dám so bì nữa!

– Ganh tị hả trời!

Nói đoạn, hai người cùng bật cười sảng khoái. Nắng vàng rọi xuống thung lũng, ửng lên những vạt lúa vàng ươm. Xa xa, có một đoàn người ngựa đang nối đuôi nhau băng qua dốc núi, Tai Tượng chợt reo lên:

– Nhìn kìa đại ca, quân lương của triều đình đến rồi, tối nay lại có thịt để ăn.

Lực sĩ hì hục kéo cổng trại, đoàn quân lương chậm rãi tiến vào doanh. Tai Tượng xăm xăm đi trước, giờ trong đầu hắn chỉ toàn rượu với thịt thôi. Đến khi đoàn người ngựa hoàn toàn dừng lại, Tai Tượng chợt vỗ đùi cái đét, la bài hải lên:

– Cha chả! Triều đình chuyến này rộng rãi quá!

Binh sĩ xung quanh cũng xôn xao chỉ trỏ, như có điều gì khác thường lắm. Lê Tông nhíu mày khó hiểu, cố đẩy đám người ngợm, chen lên phía trước. Đến khi chàng xông được ra ngoài thì mất thăng bằng, suýt nữa là nhào đầu xuống bùn. Lê Tông nhanh chóng lấy lại thế đứng, chỉnh sửa áo choàng, rồi đưa mắt nhìn đoàn quân lương. Đúng rồi, cái người cưỡi bạch mã, mặc áo choàng tía kia, cái người đang vô tư gỡ tóc rối chính là…

Tai Tượng chợt quay sang vỗ vai Lê Tông thật mạnh:

– Đại ca, triều đình ban mỹ nữ cho chúng ta giải sầu kìa! Sướng thiệt!

Lê Tông quắc mắt:

– Đừng nói bậy!

Thế rồi, Lê Tông bần thần bước tới, gần hơn, gần hơn nữa. Khi khoảng cách đủ gần, cậu chéo tay cúi gập người, giọng cung kính:

– Tham kiến Thụy Bảo công chúa, người đi đường vất vả rồi!

Công chúa bỏ dở việc đang làm, quay sang nhìn cậu, một khoảng lặng tan ra như nước, có khổ sở tương tư mới biết quý giá khoảnh khắc tương ngộ… Mặc cho thái độ tôn kính của Lê Tông, công chúa ngoảnh mặt không đáp, rồi thúc ngựa đi mau, bỏ cậu lạc lõng giữa đám đông hỗn tạp và xô bồ.

– A ha! Biết rồi! Hiểu rồi! Cô công chúa đó chính là người…

Không đợi Tai Tượng nói hết, Lê Tông liền gắt gỏng:

– Phiền quá, mau lấy rượu!

*

Lại một đêm say lướt khướt. Thật ra người say là Tai Tượng, còn Lê Tông, rượu ngấm vào tim mà đầu óc vẫn tỉnh táo. Chàng ngồi bên tàn lửa một mình, nhìn thanh gươm, nhìn thung lũng, nhìn dòng sông uốn quanh như dải lụa mềm.

– Đại ca nè! – Giọng Tai Tượng lè nhè – Hồi chiều đó… tôi theo dõi cô công chúa của đại ca cả buổi… Trời ơi, người gì đâu mà vừa xinh đẹp vừa tử tế quá chừng… tận tay bốc thuốc trị bệnh cho binh sĩ nè, rồi hỏi han mọi người rất chu đáo… Tôi nói bừa tôi bị đau họng, công chúa liền tặng cho tôi một hũ gừng ngâm mật ong ngon bá chấy… Chưa hết đâu… công chúa còn hỏi thăm đại ca…

– Im! Ta không muốn nghe bất cứ điều gì về công chúa! – Lê Tông chợt gắt gỏng.

Tai Tượng ngồi bật dậy, chưng hửng:

– Sao vậy đại ca, bộ… bộ… hai người có thù oán gì hả?

Lê Tông dằn vò rượu xuống đất:

– Còn lằng nhằng, ta đuổi cậu đi chăn ngựa bây giờ!

– Trời trời!

Nói đoạn, Tai Tượng nằm lăn xuống cỏ ngủ khò. Lê Tông gác tay lên trán, tự dặn lòng phải quên, nhưng sao cứ buồn não nuột.

*

Tờ mờ sáng hôm sau, Lê Tông cùng tướng sĩ nai nịt gọn gàng, hành quân từ rất sớm. Lúc Tai Tượng tỉnh rượu thì sơn trại đã vắng hoe, voi ngựa không thấy con nào. Gã quáng quàng ôm chùy đuổi theo quân, không kịp xỏ giày vận giáp. Mặt trời ló rạng, sương mù tan bớt, cuối cùng Tai Tượng cũng bắt kịp Lê Tông, gã khuỵu gối thở hổn hển:

– Đại ca… chơi gì kỳ vậy? Sao… sao bỏ tôi lại một mình?

Lê Tông cưỡi ngựa Ô Quạ, khoác áo choàng trắng, dáng vẻ kiêu hãnh xuất chúng. Chàng thong thả đáp:

– Cho cậu 5 trăm binh mã ở lại bảo vệ doanh trại và công chúa.

– Trời! Tôi theo đại ca đi đánh giặc chứ đâu phải làm lính gác?

Lê Tông xua tay:

– Nhiệm vụ lần này là bắt sống tù trưởng người Man, hạn chế giao tranh. Tính cậu nóng nảy, không theo được.

Tai Tượng bực tức ném chùy xuống đất:

– Tôi không phục!

– Cậu không nghe, ta đuổi cậu về Thăng Long! Hãy nhớ, kho lương thảo và công chúa là tối quan trọng dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, cũng phải đóng chặt cửa, cố thủ tới cùng!

Dứt lời, Lê Tông liền thúc ngựa đi mau, đoàn quân nối đuôi nhau băng qua miền sơn cước hùng vĩ. Xa xa, mấy chùm hoa ban chớm nở đẹp lạ lùng.  

Lê Tông huy động hơn 3 ngàn quân, 5 trăm chiến kỵ và 6 thớt voi bao vây đại bản doanh của người Man. Trận địa vừa bày bố xong, chợt có Man tướng ra thách đấu với Lê Tông. Hắn vận giáp da trâu sơn cứng, đầu đội mũ sắt, tay cầm đại phủ, thân cao tám thước, hùng dũng phi phàm.

– Chúng ta có binh đông nỏ cứng, tướng quân không cần mạo hiểm.

Nghe thuộc hạ can ngăn, Lê Tông gạt phắt:

– Cái danh “Thăng Long đệ nhất kiếm” của ta không phải để gọi cho vui tai.

Dứt lời, Lê Tông liền nhảy khỏi ngựa, một mình một kiếm bước ra trận tiền. Không cần chào hỏi, Man tướng gầm thét vung đại phủ[1] xông tới, khí thế mười phần áp đảo. Đằng này, Lê Tông vẫn giữ vẻ bình thản, thậm chí không thèm tuốt kiếm kháng địch.

– Cha chả, cái thằng tật tay làm phách, ông xé xác mày ra!

Man tướng bổ đại phủ, chém đôi cả tảng đá. Lê Tông nhảy vút sang một bên tránh né. Rồi đảo chuôi kiếm thúc vào sườn đối thủ. Không hề hấn gì, bộ giáp của hắn quá dày và cứng chắc. Đáp lại, Man tướng xoáy đại phủ chém ngang bụng Lê Tông, từng chiêu thức mạnh mẽ như khai sơn phá thạch. Lê Tông vất vả chống đỡ, dần bị dồn sát mép vực. Quân Man trên lũy phất cờ xí, hò reo vang dội.

– Còn không mau tuốt kiếm! Thằng tật tay ba trợn!

Man tướng không ngừng dồn đuổi, Lê Tông vẫn thong thả như mây. Chàng mỉm cười, tấm áo choàng trắng phất phơ nhẹ nhàng. Khi Man tướng vung đại phủ lên trời chuẩn bị tung đòn sấm sét, thì ở dưới này, Lê Tông đã xoẹt kiếm thành một vòng tròn hoàn hảo, cắt quanh khớp gối kẻ địch. Máu túa ra, Man tướng mất thăng bằng đổ sập xuống đất, ôm chân nhăn nhó. Lê Tông đứng thẳng, trỏ mũi kiếm sáng choang về phía kẻ địch:

– Mau vào trong nói với tù trưởng, bãi binh quy phục… triều đình… bằng… không…

Lê Tông chưa nói dứt câu, chợt thấy tê cóng cả người, thần trí cũng chao đảo. Cậu ngờ ngợ nhìn xuống, phát hiện một mũi châm độc nhỏ xíu đang cắm vào ống chân mình. Chất độc phát tán rất nhanh, trời đất xoay vần, xoay vần, rồi đổ sụp.

Man tướng bật cười rổn rảng:

– Dạy cho mày một bài học, rừng nào cọp nấy!

Bóng ma

Lê Tông mãi nhớ những buổi chiều mưa đổ, cậu cùng Quỷ Tật ra đồng săn lũ cá rô, rồi nằm lăn lộn dưới bùn sình rất vui vẻ. Một cơn mưa khác thì mang nàng đến với cuộc đời cậu. Khi nàng hạ chiếc ô xuống, cậu biết mình không thể nào quên nàng được nữa.

– Cậu đang đánh kiếm hay bửa củi vậy Tông? Ta nói cho cậu biết, cho dù tay phải của cậu có lành lặn bình thường, xét về sức mạnh, cậu vẫn thua kém một vạn người khác ở xứ Thăng Long này…

– Xem cái tướng của cậu kìa! Y chang một con thú đang cầm kiếm!

– Đánh kiếm giống như đọc sách vậy, phải suy nghĩ và phán đoán nhiều hơn…

Nàng cầm tay cậu, uốn nắn từng đường kiếm, lướt qua những gió biếc và lá rơi. Chất giọng quở trách của nàng, mái tóc thoảng hương bông bưởi… Đã từng là bình yên, sao bây giờ hóa sầu khổ?

– Tướng quân!

Lê Tông giật mình bật dậy, giấc mơ tan vỡ theo tiếng chiêng vang lừng. Đuốc dầu cháy rừng rực ngoài kia, lớp lớp người ngựa đứng chật cả nền rừng.

– Tướng quân, đã đến giờ công thành!

Lê Tông hít một hơi thật sâu, cầm kiếm bước ra trận tiền. Dẫu chất độc hôm trước vẫn còn âm ỉ hành hạ, nhưng chẳng thể đánh gục nổi ý chí của chàng. Lê Tông phóng mắt nhìn lũy đá lởm chởm của người Man, gió đang nổi lên, vần vũ khắp đất trời.

Viên phó tướng chấp tay trình báo:

– Nhìn số cờ xí và bếp lửa, thuộc hạ đoán quân Man có không quá 1 ngàn, chúng ta hơn 3 ngàn, dư sức công phá.

Lê Tông vẫy tay truyền lệnh:

– Mau lấy ngựa cho ta!

Phó tướng kinh ngạc:

– Bẩm… thực quá nguy hiểm!

Lê Tông ôn tồn:

– Các ngươi dồn sức công lũy, ta sẽ chỉ huy đội khinh kỵ xông thẳng vào trại, bắt sống tù trưởng Man.

Phó tướng nhăn mặt:

– Nhưng…

Lê Tông quyết liệt:

– Cầm tặc cầm vương, chính là kế ít hao tổn nhân mạng nhất.

Nói đoạn, Lê Tông tung áo choàng trèo lên lưng ngựa Ô Quạ. Từ từ tuốt kiếm chĩa thẳng về phía đồn trại người Man, hô lớn:

– Khai hỏa!!!

Lập tức, cự thạch pháo[2] bắn đi những quả cầu đen sì, đạn lửa tập trung vào một điểm duy nhất, đồng loạt nổ tung trời. Khói lửa nghi ngút, gỗ đá vỡ tan. Phút chốc cổng trại đổ sụp, để lộ một khoảng trống hun hút dẫn vào bên trong. Theo đúng kế hoạch, quân Việt ồ ạt tiến công. Dẫn đầu là Lê Tông và 4 trăm khinh kỵ tinh nhuệ. Chàng nắm chặt dây cương, vung kiếm mở đường.

Khi đã vượt qua hết rào lũy và vật cản, Lê Tông thuận lợi đột kích vào doanh trại địch. Đội chiến kỵ giữ vững đội hình, hô ứng nhau không một kẽ hở. Giáo thương tua tủa, khiên đồng sáng choang.

– Mau bắt sống tù trưởng Man!

– Bắt sống tù trưởng!

Ba quân hò hét vang trời, khí thế dâng cao như núi, nhưng lạ là, họ lùng sục mãi cũng không thấy bóng dáng người Man ở đâu. Lê Tông dừng ngựa nao núng, binh sĩ ngơ ngác nhìn nhau. Lửa dần chìm vào màn đêm vô tận. Phía ngoài, quân Việt đang bắc thang mây ồ ạt trèo lên công chiếm mặt lũy. Viên phó tướng xông pha đi đầu, múa đao toan giết địch, nhưng… chuyện quái quỷ gì đây?

– Báo!!! Trên lũy toàn là nộm rơm! – Y hét to.

Ba quân lao xao:

– Nộm rơm hả?

– Nộm rơm! Quái quỷ!

Ngay lúc này, một bóng người cưỡi trâu từ màn đêm lững thững bước ra. Hắn khéo dừng lại trước mặt Lê Tông, nghiêng đầu cười cợt:

– Cho hỏi, các vị khách đang tìm gì vậy? Trại của tôi nghèo nàn, chỉ có nộm rơm thôi! Ha ha! Ha ha!

Quân Việt tức giận đốt sạch mớ nộm rơm, ánh lửa bập bùng soi tỏ gương mặt của tên Man tướng. Lê Tông lạnh cả người, nhưng cố giữ bình tĩnh:

– Tù trưởng và binh mã đâu rồi?

Man tướng hất hàm:

– Mi đoán xem?

Không gian trơ ra, những lá cờ và lán trại cháy tan thành bụi. Trong lúc Lê Tông chưa biết ứng phó sao thì có thám tử đến cấp báo:

– Tướng quân, có kỵ binh phía sau… sau lưng chúng ta!

Lê Tông giật thót mình:

– Chết tiệt!

Lê Tông vội vàng đốc thúc binh mã ra nghênh chiến. Nhưng khi trông kĩ lại, chỉ thấy khoảng mười mấy người ngựa đang tiến về phía này. Bóng tối ảm đạm, ánh sáng lẻ loi, mấy lá cờ rách nát không rõ hình thù. Lê Tông siết kiếm thấp thỏm, tiếng voi rống khuấy động một góc trời. Khi khoảng cách đủ gần, Lê Tông nhận ra bọn họ không phải kẻ địch, mà chính là…

– Tai Tượng!!!

Nghe tiếng Lê Tông gọi, Tai Tượng vội xuống ngựa, bò cồm dưới đất, giáp phục xốc xếch, dáng hình rất thê thảm. Gã khóc lóc:

– Đại ca… tội tôi quá nặng…

Lê Tông hớt hải chạy tới toan đỡ Tai Tượng, nhưng gã cứ nằm mọp dưới đất không chịu dậy. Lê Tông quát lớn:

– Bình tĩnh! Chuyện gì nói mau!

Tai Tượng ấp úng kể:

– Là là… hồi sáng đột nhiên quân Man kéo đến bao vây doanh trại… Tôi nghe lời đại ca dặn, đóng chặt cửa cố thủ… Nhưng, nhưng giặc mắng chửi dữ quá, còn nhục mạ triều đình… Tôi không nhịn nổi, liền soái một nửa binh mã vòng cửa sau tính đánh úp chúng… ai dè…

Lê Tông khẩn trương:

– Sao?

Tai Tượng vỗ trán tức tưởi:

– Ai dè… bị lọt mai phục của giặc, chỉ còn mười mấy người.

Lê Tông đấm mạnh tay xuống đất, giận dữ:

– Công chúa sao rồi?

Tai Tượng cắn răng:

– Tôi cố hết sức phá vây… liền chạy một mạch tới đây… còn công chúa… chỉ e…

– Khốn kiếp!

Thế là, Lê Tông soái hết 5 trăm khinh kỵ gấp rút trở về cứu viện. Băng qua rừng rậm, vượt núi cheo leo, xuyên đồng cỏ gai. Ánh sao tàn, bình minh nở, nắng gay gắt trên đầu. Bùn lầy đẫm áo tráng sĩ, Lê Tông phóng ngựa vượt qua chởm đá cuối cùng…

Cuối cùng, doanh trại hiện ra trước mắt đoàn quân. Khói đen ám, lửa cháy dữ dội, xác người la liệt khắp nơi. Cổng trại đã bị phá sập, Man quân đang ồ ạt trèo lên mặt lũy, tiếng gươm đao dậy đất vang trời. Không kịp nghỉ ngơi lấy sức, Lê Tông liền thúc quân kỵ đánh ập vào trong doanh.

Chàng cứ xông pha đi trước, vượt rào chắn, vượt hào sâu, đột phá mấy vòng Man quân. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn, hai phe giáp lá cà chém giết nhau rất ác liệt. Vài cuộn lửa nóng hực táp vào mặt Lê Tông. Nhưng chàng không để tâm, cứ xăm xăm tiến về phía đông, nơi ở của Thụy Bảo công chúa.

– Công chúa, người ở đâu?

Xác chết gãy gập, xác ầng ậc đổ máu, xác rải rác khắp cung đường. Cả kho lương cũng bị giặc đốt trụi. Lê Tông vội thúc ngựa trèo lên đoạn dốc, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt chàng, mấy chục con sói đang thả sức cắn xé thây người, hay túm tụm quanh gốc cây nhai xương rồm rộp. Thấy Lê Tông, vài con gầm gừ đe dọa. Chuyện quái quỷ gì đây? Chàng xuống ngựa, chĩa kiếm về phía lũ ác thú, rồi dè dặt bước vào trong.

Trước lều của công chúa, có một chiến tướng mặc giáp mây, thân hình vạm vỡ, đang quỳ gối bất động. Tóc hắn xõa rũ rượi, cổ đã bị cắn nát, gương mặt đau đớn hãi hùng. Lê Tông giật mình nhận ra hắn chính là tù trưởng người Man. Thấy Lê Tông, hắn gắng sức giơ tay chỉ vào trong lều, rồi gục đầu tắt thở.

Lê Tông dùng kiếm vén màn trướng, liền bắt gặp một con sói to kếch đang nhe nanh áp sát công chúa. Hai mắt nó đỏ rực, nộ khí ngút trời. Tình huống vô cùng nguy nan, nếu đánh động, có thể khiến con sói hoảng loạn cắn bừa, gây hại đến công chúa. Dũng mãnh như tù trưởng người Man còn không đánh lại loài ác thú, huống chi một thân bồ liễu.

Lê Tông nháy mắt bảo công chúa đứng im, rồi từ từ tiếp cận con sói. Một bước, hai bước, ba bước… Cho đến khi khoảng cách đủ gần, chàng xoay mũi kiếm định đâm lén nó. Ai ngờ, trong khoảnh khắc quyết định, con sói nhảy phốc lên cao, đảo người, sau đó hung mãnh vồ lấy Lê Tông, đè nghiến chàng xuống đất. Lê Tông tròn mắt kinh hoàng, định chống trả, nhưng… Không hiểu sao, chàng buông bỏ thanh kiếm, rồi dang cả hai tay ôm lấy con sói, giọng nghèn nghẹn:

– Tao nhớ mày lắm… Quỷ Tật!

Gian tế

Quỷ Tật đang nằm lăn lộn trên bãi cỏ, đuổi theo bầy bướm nhiều màu. Không ai dám tin rằng, con vật này vừa mới hạ sát tù trưởng người Man cùng hầu hết tướng tá của lão. Bầy sói hoang lấp ló ngoài bìa rừng tru dài tru ngắn gọi Quỷ Tật, nhưng nó không hồi đáp, vì bây giờ nó đã tìm được chủ nhân của mình, Lê Tông.

Thật ra, suốt nhiều năm nay, Quỷ Tật luôn quanh quẩn ở Thăng Long, muốn về nhà nhưng lại sợ. Người ta nói tâm trí của loài chó giống như một đứa bé năm tuổi, quả không hề sai. Sau khi được Lê Tông ôm ấp và tha thứ, Quỷ Tật mừng quýnh lên, chạy mấy vòng quanh doanh trại, còn bới đất bới cát, làm mấy trò khó hiểu.

Chiến tàn, binh sĩ tất tả thu dọn lều trại. Lê Tông vừa phải canh chừng Quỷ Tật, vừa thấp thỏm đi tìm công chúa.

– Có thấy công chúa đâu không? – Chàng gặng hỏi một lính canh.

– Kia kìa!

Thì ra công chúa đang đứng một mình trên vách núi, nhìn mây trôi ngút ngàn. Lê Tông lặng lẽ tới gần nàng, nhưng không hiểu sao nửa chừng lại quay gót.

– Hóa ra thứ cậu muốn bảo vệ suốt đời là một con sói tật nguyền đáng thương.

Nghe tiếng công chúa, Lê Tông chợt dừng bước:

– Năm xưa… công chúa đồng ý dạy kiếm thuật cho thần, cũng vì tội nghiệp thần là một đứa nhóc tật nguyền phải không?

– Cậu biết rõ câu trả lời mà… Năm đó, ta vứt bỏ thân phận công chúa, chờ cậu suốt bảy ngày liền ở cầu Triêu Dương, nhưng rốt cuộc cậu lại không đến. Tại sao vậy?

Hai tiếng “tại sao” nhẹ như nước chảy, nhưng lại chất nặng nỗi niềm. Gió thổi hai chiếc bóng của họ ngày càng cách xa. Lê Tông đáp:

– Thần cảm thấy mình không xứng với công chúa.

Công chúa cười nhạt:

– Cảm thấy… Chúng ta đều lớn cả rồi, thành thật đi Lê Tông!

Lê Tông nhắm nghiền mắt:

– Đó là tất cả những sự thật mà thần biết. Công chúa vốn đã có hôn ước với Uy Văn vương. Hai người là đôi thanh mai trúc mã đẹp nhất triều đình. Thần có tư cách gì mà dám xen vào?

Công chúa quay sang nhìn thẳng vào mắt Lê Tông:

– Kiếm thuật cậu học rất nhanh, nhưng sao việc sống thật với lòng cậu học mãi không thành vậy Lê Tông?

Lê Tông vẫn tránh né:

– Quá khứ đã qua, xin công chúa đừng nhắc nữa.

Để rồi, sự trống vắng lại bao trùm hai con người, đứng cạnh nhau nhưng không bao giờ dám đối diện, còn nặng lòng mà lại xem như mây trôi. Nắng nhạt, chiều buông, công chúa xếp chiếc ô, lặng lẽ xuống núi. Bóng nàng lướt qua chiếc bóng của Lê Tông. Chàng giơ tay định giữ công chúa lại, nhưng chẳng biết phải nói gì.

– À…  Nghe nói vợ cậu sắp sinh, cho ta gửi lời chúc phúc! – Công chúa thoáng dừng bước.

Lê Tông chấp tay, kính cẩn khấu đầu:

– Thần không bao giờ quên những ơn nghĩa mà công chúa dành cho thần.

Công chúa nhẹ cười rồi bước đi mải miết. Gió lùa tới, thổi những sợi tơ mỏng bay tít lên trời cao.

*

Sử sách chép rằng, công chúa Thụy Bảo là hoàng nữ thứ ba của vua Trần Trái Tông Trần Cảnh. Trần Cảnh có một người chị là Thụy Bà công chúa. Thụy Bà hạ sinh người con trai là Uy Văn vương Trần Quốc Toại. Nhà Trần chuộng lối hôn nhân nội tộc, cộng thêm sự tác hợp của triều đình, Thụy Bảo công chúa và Uy Văn vương sớm kết duyên. Trần Toại học rộng, thông minh, nhưng không ham đường danh lợi, thích sống cuộc đời phóng khoáng. Ông lấy hiệu là Sầm Lâu, có tập thơ Sầm Lâu được các danh sĩ đương thời đánh giá cao. Thơ của Trần Toại thể hiện phẩm cách cao đẹp của ông, như câu:

Cổ lai hà vật bất thành thổ?

Tử hậu duy thi khả thắng kim.

Dịch nghĩa:

Xưa nay vật gì mà chẳng hóa thành đất?

Sau khi chết, chỉ còn thơ để lại là quý hơn vàng.

*

Cuộc sống của họ, của chúng ta cứ trôi qua như vậy, chính trị, thế thái, quan tước, nhân sinh… Lê Tông tính tình nghiêm cẩn, khí chất tuyệt vời, đánh trận thường thắng, được vua phong làm tướng chỉ huy quân Thánh Dực, đội quân ưu tú nhất triều đình. Con gái đầu lòng của Lê Tông được phong làm Quận chúa, lấy hiệu Chiêu Hiền, sau này trở thành bậc mẫu nghi nổi tiếng nhất nhà Trần. Nhưng đó là chuyện về sau…

Quay lại tình hình phương Bắc bấy giờ, người Mông Cổ đã thôn tính cả Trung Nguyên, nước Nam Tống sụp đổ sau nửa thế kỷ chiến đấu ngoan cường. Từ đây Đại Việt liền núi liền sông với giặc Mông Thát hung bạo, chúng có thể trẩy binh sang xâm lược nước ta bất cứ lúc nào.

Tình huống nguy cấp, binh mã càng phải tăng cường.

Trong lều trướng, hai bóng người đang ngồi đánh cờ, không còn vẻ thong dong của ngày thường nữa, mà căng thẳng và gấp gáp hơn. Tai Tượng tung khoái mã sang sông. Lê Tông dàn chiến tượng đáp trả.

– Binh pháp nói, bộ khắc pháo, kỵ khắc bộ, tượng lại khắc kỵ, nước cờ của đại ca thật hiểm! – Tai Tượng cảm thán.

– Đó là binh pháp của những kẻ chỉ biết qua sách vở. Kỵ binh có nhiều chủng, ví như khinh kỵ, thiết kỵ, cung kỵ… Trận Bình Lệ Nguyên năm xưa, quân Mông Cổ đã dùng đội cung kỵ đánh tan hết tượng binh nước Việt đó. – Lê Tông trầm ngâm.

Tai Tượng tiếp lời:

– Chúng giương cung nhằm vào mắt và tai voi mà bắn, khiến voi đau quá quay lại giày xéo quân ta. Phút chốc trận thế vỡ tan, binh bại như núi lở… Chuyện này tôi nghe kể hoài.

Lê Tông mỉm cười:

– Vậy cậu có biết cách đối phó với kỵ binh Mông Thát không?

Tai Tượng ấp úng:

– Ừ thì… đào hầm bẫy, dùng chông tre, dụ chúng vào đầm lầy…

– Cách đó chỉ hạ được 1 ngàn quân. Nếu giặc là 10 ngàn hoặc 10 vạn cậu tính sao? Đào bao nhiêu hầm bẫy cho đủ? – Lê Tông dồn hỏi.

– Ừ thì…

Tai Tượng gãi đầu nhăn nhó. Đêm càng sâu thẳm, tiếng gió lùa qua đầm bãi nghe thật rùng rợn. Ván cờ sắp đến hồi kết, Chốt đã sang sông ép sát cung Tướng. Lê Tông vừa định kết liễu trận đấu, thì có thám tử chạy vào cáo cấp:

– Bẩm, thuồng luồng đã xuất đầu lộ diện!

Lê Tông và Tai Tượng vội chạy ra bến sông xem xét tình hình. Đèn đuốc leo lét, vị trung sứ do triều đình cử đến đang lọm khọm bước xuống thuyền. Sau một lúc quan sát, Lê Tông nhíu mày hỏi trung sứ:

– Thưa, tại sao toàn là thuyền trống, viện binh đâu rồi?

Trung sứ vuốt râu, giọng khàn đặc:

– Xin hỏi, ông có bao nhiêu binh mã?

Lê Tông chấp tay:

– Không quá 6 ngàn!

Trung sứ hỏi tiếp:

– Giặc chừng bao nhiêu?

Lê Tông đáp:

– Nghe nói gần 50 vạn.

Trung sứ vỗ vai Lê Tông:

– Nhà vua cử ta đi rước các ông về!

Lê Tông sững sờ một lúc rồi cứng cỏi đáp:

– Tướng đã bày trận không thể rút lui.

Trung sứ thuyết phục:

– Ta biết các ông nóng lòng muốn giết giặc lập công, nhưng chưa phải lúc. Hưng Đạo vương cũng đã lui binh về Vạn Kiếp rồi.

– Nhưng… – Lê Tông nghiến răng vẻ không phục.

– Đây là thánh lệnh. Ta cho ông hai canh giờ để thu xếp.

Nói đoạn, trung sứ quay gót trở lên thuyền. Sương lúc mờ lúc tỏ, bóng ác điểu vờn quanh. Lê Tông cứ đứng chôn chân trên đê, lòng buồn rười rượi. Tai Tượng đành thay mặt chủ tướng truyền lệnh cho ba quân nhổ trại thoái lui. Công sức bày bố của quân Thánh Dực suốt hai tháng qua xem như đổ sông đổ biển.

Đêm tàn, mặt trời ló rạng, ba quân đã thu xếp gọn gàng, đang nối đuôi nhau bước lên thuyền vận tải. Cuối cùng, Tai Tượng kéo lá cờ thêu đôi cánh của quân Thánh Dực xuống, xếp thật gọn gàng, rồi quay sang giục Lê Tông.

Chàng phóng mắt nhìn một lượt doanh trại, chợt nhíu mày:

– Quân trinh sát vẫn chưa về sao, và còn… Quỷ Tật nữa?

Thình lình, có hai bóng người từ xa hớt hải chạy tới, chính là quân trinh sát. Mình mẩy họ đều dính đầy máu bùn, giọng nói mười phần hoảng hốt:

– Bẩm… nguy rồi… là quân Mông Thát… Đội trinh sát đang bị vây giữa rừng!

Lê Tông giật mình:

– Không thể nào, sao giặc lại đến sớm vậy? Chúng có bao nhiêu binh mã?

Họ huơ tay bấn loạn:

– Ước chừng 2 trăm… Còn quân trinh sát chỉ có 50 người, không thể phá vây nổi!

Nghe tin báo, Lê Tông liền quay sang đốc thúc Tai Tượng:

– Mau tập hợp 50 chiến kỵ theo ta!

Không chút do dự, Lê Tông liền trèo lên ngựa Ô Quạ, nhằm thẳng hướng bắc mà tiến. Đội khoái mã băng qua đầm lầy, xuyên rừng dây leo. Dù mặt trời đã lên cao, nhưng sương mù và lam chướng vẫn giăng kín lối. Bất chợt, một bầy quạ đen từ đâu ập tới, không ngừng tấn công đội kỵ binh. Lê Tông phải tuốt kiếm chém chết vài con mới đuổi được chúng đi.

– Quân trinh sát đang bị vây ở đâu?

Lê Tông quay đầu hỏi tên thám báo, nhưng không thấy hắn ở đâu hết, cả Tai Tượng cũng biến mất. Con Ô Quạ chợt lồng lên rất dữ, không gian xung quanh đậm đặc mùi tro cháy. Lê Tông quắc mắt nhìn mấy tên kỵ binh đằng sau… Không đúng! Có gì đó không đúng! Thốt nhiên, một chùm tên sắt từ bụi rậm lao ra, ghim thẳng vào cổ Ô Quạ, giết nó chết tươi. Lê Tông bị hất văng xuống đất, nhưng vừa kịp tuốt kiếm đứng dậy. Chàng dùng thân thủ linh hoạt áp sát, kíp khống chế một tên kỵ binh. Và khi chàng giật chiếc mặt nạ của hắn ra, thì phát hiện một sự thật rợn người: – Mày không phải quân Thánh Dực… Mày là ai?


[1] Một loại búa (rìu) trận cán dài, có móc ngạnh sắc bén phía đối diện lưỡi.

[2] Máy bắn đá.

[CÒN TIẾP]

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây:
Phong ma tuyết nguyệt