Truyện ngắn Việt Nam Thuồng Luồng

Thuồng luồng

Năm đó, vua Lý thân chinh đánh Chiêm Thành, lúc trẩy binh ngang cửa Thần Phù thì gặp bão lớn. Sóng dâng cao như núi, gió gào thét dữ dội. Nhiều chiến thuyền va vào đá ngầm hư hỏng nặng. Vua đành thu hạm đội vào cửa sông ẩn náu.

Điềm chẳng lành, lần này xuất chinh không lẽ trái ý trời? Nhiều ngày trôi qua, bão vẫn không dịu bớt, cây cối gãy đổ la liệt khắp nơi. Giữa lúc chán nản định rút quân, vua nghe tin có một vị đạo sĩ tu luyện trên dãy núi gần đó, bèn cho mời tới để giúp việc cầu khẩn. Đạo sĩ yết kiến vua, nói rằng:

– Đã có phúc đức bảo hộ, việc chẳng đáng lo. Ngày mai xin vua cứ việc lên đường.

Quả thật, đến nửa đêm thì trời ngưng nổi gió. Sáng sớm, lúc binh thuyền khởi hành, nhìn xa xa ngoài biển, sóng vẫn chất cao như núi. Nhà vua hơi lo, nhưng kỳ lạ là hạm thuyền đi tới đâu, sóng yên tới đó. Thấp thoáng đằng trước, có bóng vị đạo sĩ đang bước đi trên mặt nước, trấn áp những cơn sóng dữ để mở đường cho nhà vua.

*

Hai trăm năm trôi qua, triều Lý huy hoàng ngày xưa đã lụi tàn. Ba hạm đội của Thất hoàng tử đang vượt qua cửa biển Thần Phù, chỉ một khoảnh khắc nữa thôi, đất liền, Đại Việt, sẽ trở thành ký ức. Đền Áp Lãng Chân Nhân[1] nép mình trong cô tịch, hàng cau già xơ xác sau phong ba. Thất hoàng tử cứ đứng mãi trên mạn thuyền, buồn tênh. Sao không thể khóc được, sao không thể khóc cho vơi bớt những hận thù, bi ai? Đại dương mênh mông phía trước, sáu ngàn con dân Đại Việt này biết phiêu dạt về đâu?

– Thưa cha, chúng ta vẫn còn đất Thanh Hóa, Diễn Châu rộng lớn, có thể đánh một trận sinh tử với chúng mà… Hà cớ gì phải bỏ nước ra đi?

Người con chống kiếm quỳ dưới sàn thuyền, một cơn gió chông chênh, Thất hoàng tử  cứ đứng im như tượng. Ông biết rằng vận khí nhà Lý đã hết, phúc đức khiến long thần kính nể thuở xưa đã không còn. Ông biết, nhưng ông chẳng nỡ nói với các con của mình. Thôi thì, mọi tội lỗi, mọi lời chỉ trích hèn kém ông xin gánh hết, chôn chặt trong cõi lòng.

Khi đất liền hóa thành một vệt màu hư ảo, ông buồn bã đi xuống khoang thuyền, quỳ sụp trước bàn thờ tiên tổ nhà Lý. Ông đã liều mạng lẻn vào Thái miếu, thu gom tất cả bài vị, đồ tế khí của dòng họ mang theo chuyến đi này. Một chuyến đi không có ngày trở lại. Từ Lý Thái Tổ, người khai triều lập đại, định đô ở Thăng Long, mở đầu cho kỷ nguyên rồng bay lên trời. Đến Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông… những vị vua kiến thiết nền thịnh trị, “bắc đánh Tống, nam bình Chiêm” vang lừng trong sử sách. Cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, triều Lý mãi mãi dừng lại ở đó, khi nữ hoàng bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh…

Biển cả bao la, những hậu nhân họ Lý này sẽ phiêu bạt đến đâu? Sẽ nảy mầm trên mảnh đất hoang vu nào? Bao giờ mới được quay về cố hương?

Những câu hỏi không có lời giải, nối tiếp nhau, vỡ tung như con sóng bạc đầu. Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào đảo Đài Loan lánh nạn. Tuy nhiên, đất này quá gần Đại Tống, Tống triều lại giao hảo thân tình với nhà Trần, e khó thể dung thân. Bão yên, Thất hoàng tử tiếp tục lên đường, người con trai Lý Long Hiền đang ốm nặng, đành ở lại cùng mấy trăm gia thuộc.

Đoàn thuyền mãi bôn ba xuôi ngược, cuối cùng bị bão đánh dạt vào Trấn Sơn, tỉnh Hoàng Hải, bờ biển phía tây Cao Ly. Tương truyền, đêm trước đó, vua Cao Ly Cao Tông nằm mơ thấy một con chim cực lớn từ phương Nam bay tới. Hôm sau, vua cử cận thần đi nghe ngóng, quả nhiên gặp được đoàn thuyền của Thất hoàng tử đến xin lánh nạn. Vua Cao Ly đã lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón Thất hoàng tử ân cần và đồng ý cho ông ở lại dung thân.

*

Buồng cau, dây trầu không thể nảy mầm trên mảnh đất lạnh lẽo và nhiều núi đá này. Không thể! Dù cố gắng đến lần thứ bao nhiêu, họa hoằn lắm mới có một vài quả yếu ớt đâm chồi, nhưng qua mùa đông khắc nghiệt lại khô héo.

– Thưa cha, toàn bộ binh tướng đã sẵn sàng, chỉ chờ…

Người con kính cẩn đứng dưới thềm. Tuyết phủ đầy trời, gió rét buốt xương. Thất hoàng tử nhanh chóng vận giáp phục, khoác lên người tấm áo choàng trắng toát. Ông đi ra giữa gian nhà, gương mặt như trầm ngâm suy nghĩ điều gì, cuối cùng, ông quỳ sụp xuống trước bài vị tổ tiên:

– Chúng con sa cơ lỡ vận, đến nương nhờ đất khách, được vua Cao Ly đối đãi rất hậu, ban cho đất đai thực ấp rộng lớn, được tự do trồng trọt cấy cày, con cháu còn được kết hôn với người Cao Ly… Nhưng mà, buồng cau dây trầu không thể nảy mầm trên đất khách… E rằng, qua ba đời, năm đời nữa, cả tiếng nói tổ tiên chúng cũng quên mất. Tội con thật quá lớn, không giữ gìn nổi tập quán, phong tục của cha ông…

Nhang khói tỏa ấm nếp nhà, cây nêu dựng ngoài kia chuẩn bị đón Tết. Nhưng e rằng, năm nay chẳng có Tết nữa rồi. Người con cũng quỳ sụp sau lưng Thất hoàng tử, lo lắng nói:

– Thưa cha, cả triều đình Cao Ly đã di tản khỏi kinh đô Khai Thành đến đảo Giang Hoa cố thủ, quân Thát đang điều động mấy vạn thủy bộ tấn công rất gấp…

Thất hoàng tử hỏi:

– Theo con, chúng ta phải làm sao?

Người con đáp:

– Đánh giặc phải bẻ gãy mũi nhọn.

Thất hoàng tử khoan thai:

– Kỵ quân Mông Cổ là vô địch trên bộ, chúng ta lấy gì để chống lại chúng?

Người con ngập ngừng:

– Như vậy…

Thất hoàng tử cứng rắn:

– Ta yếu giặc mạnh thì phải tránh mũi nhọn của chúng, đồng thời lấy cái sở trường của mình mà đánh vào sở đoản của địch. Ba hạm đội chúng ta mang theo từ Đại Việt nay đã phát triển thành sáu hạm đội. Thêm nữa, quân thảo nguyên chiến đấu trên biển rất kém, trận này chúng ta dư sức đánh bại chúng.

Dứt lời, Thất hoàng tử hiên ngang bước ra ngoài, tung tấm áo choàng trèo lên lưng bạch mã. Dù tuổi đã cao, ông vẫn can đảm xông pha giữa trận tiền, đôn đốc tướng sĩ chiến đấu hết mình. Năm đó[2], một cánh thủy quân Mông Cổ bị Thất hoàng tử đánh tan, chỉ còn cánh bộ lẻ loi trong đất liền nên không thể tấn công bản doanh Giang Hoa, dù đảo chỉ cách bờ biển có vài dặm đường. Đồng thời, tên tướng Mông Cổ là Tát Lễ Tháp bị nhà sư Kim Doãn Hầu lãnh đạo dân quân giết chết ngay tại chiến trường, buộc quân Mông Thát phải cay đắng rút quân. Sau chiến thắng này, Thất hoàng tử càng được người Cao Ly nể trọng, dân chúng trong vùng gọi ông là Bạch Mã tướng quân.

*

Nhiều năm sau này, người ta vẫn thấy Bạch Mã tướng quân ngồi một mình trên núi cao, mải trông ngóng về trời Nam cách trở:

“Ngựa Hồ hí gió Bắc,

Chim Việt đậu cành Nam.”

Tất cả chỉ là một màu biển trầm lặng và hoang vu. Ông đã gieo quả cau cuối cùng vào lòng đất, chôn chặt nó trong tâm can. Dĩ nhiên, cũng như những quả trước đó, nó không thể nảy mầm. Một lão già bảy mươi chín tuổi hoài nhớ quê hương, thật buồn! Con ông vài người đã già, cháu chắt sinh ra trên đất khách nói rất sõi tiếng Cao Ly, và dần quên tiếng Việt…

Quên, để cơn gió cuốn đi hết những lãng quên này. Ông chỉ ước mong một ngày, khi bốn phương thanh bình, khi nước này và nước kia không còn phân chia biên giới nữa, cháu chắt hậu nhân sẽ đem tro cốt ông trở về chôn cất tại làng Đình Bảng, nằm cùng với vua cha Lý Anh Tông, với các vị tiên hiền nhà Lý.

Mỗi ngày, ông đều trèo lên đỉnh núi này, mỗi ngày, đều đặn suốt tháng năm. Một chút hoài nhớ giúp ông sống sót đến cái tuổi ngoài thất thập. Một chút hoài nhớ giờ bảng lảng như sương khói chợt tan mau.

– Thưa cha, năm nay thế giặc Mông Thát rất mạnh, chúng kéo tới đâu đều đốt phá đồng ruộng và thảm sát dân chúng tới đó. Các thành trì phía bắc không chịu nổi nạn đói đã đầu hàng giặc, Trấn Sơn đang bị cô lập dần…

– Đó là lời nguyền mà những kẻ rời bỏ quê hương phải gánh chịu sao…

Thất hoàng tử thở dài, lặng nhìn chân mây đổ bụi, lặng nhìn bao làng mạc và ruộng nương do chính tay những con dân Đại Việt khai phá trên mảnh đất Cao Ly này. Người con nói tiếp:

– Tướng giặc Xa La Thái thừa biết thủy chiến không thể nào đánh bại chúng ta, nên đã phái một cánh kỵ binh rất tinh nhuệ tấn công Trấn Sơn… E rằng…

Thất hoàng tử trầm giọng:

– Xa La Thái là tay tướng giỏi, hắn không gấp gáp tấn công kinh đô Khai Thành như lần trước, mà chia thành nhiều cánh nhỏ tàn phá các thành trấn xung quanh. Cách đánh như tằm ăn dâu này quả khiến người ta kinh sợ.

Bạch Mã tướng quân chống gậy chậm rãi đi xuống sườn dốc. Rừng thưa thớt, mấy tầng thông reo vang trong gió, bản nhạc trầm mặc quanh chân thác mồ côi. Cảnh vật thật nên thơ, nhưng sương trời và núi tuyết chỉ khiến ông thêm đau lòng. Ông muốn thấy nắng hạ cháy ran, ông muốn vùi chân xuống bùn lầy ẩm ướt, tung lưới chài đàn cá bạc. Ông muốn lang thang trong vườn lệ chi tháng tư, nắng rát da nhưng hồn người thật khuây khỏa. Tiếng chim khách lạ lẫm, mảnh ký ức xưa bỗng loạng xoạng vỡ tan. Thất hoàng tử quay đầu, lặng nhìn người con:

– Giặc có bao nhiêu chiến kỵ?

Người con đáp:

– Thưa cha, khoảng ba ngàn.

Thất hoàng tử suy tư:

– Chúng ta có sáu ngàn, hai ngàn quân phải lo phòng thủ mặt biển, số còn lại tương đương với giặc. Nhưng Chốt đấu với Mã, sức mạnh thật quá chênh lệch?

Người con trăn trở:

– Chúng ta không thể cố thủ, vì không bao giờ có quân tiếp viện, sau mấy chục năm bị tàn phá bởi chiến tranh, triều đình Cao Ly đã kiệt quệ rồi…

Thất hoàng tử dừng bước, phóng mắt nhìn xung quanh, một vùng cỏ lau lưa thưa trải ngút chân mây, thật trống vắng, hoang vu và lạnh lẽo. Ông nói:

– Con trai, ta cũng quá kiệt quệ rồi! Hãy để ta được chết trên sa trường, trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời ta.

Hôm đó, Thất hoàng tử nhà Lý, Lý Long Tường đã thức suốt đêm thâu. Ông chong ngọn đèn tờ mờ, vẽ đi vẽ lại, tính toán từng đường nét trên tấm địa đồ. Bảy mươi chín tuổi, quyển binh thư ố vàng, bộ giáp đã sờn cũ và vô phương phục chế nổi. Đó là bộ giáp mà anh trai ông, vua Lý Cao Tông ban cho nhân ngày ông nhậm chức Đại đô đốc thủy quân. Thanh kiếm vẫn còn sáng rực, nhưng bàn tay này, thực sự đã quá mỏi mòn.

“Em trai ta, bốn phương giặc giã đang nổi lên như ong, trẫm phải làm sao để đương đầu với sóng dữ, giữ gìn cơ nghiệp của tổ tiên?”

Bóng Lý Cao Tông chìm vào màn đêm sầu thảm. Tất cả giang sơn thu nhỏ trong ánh mắt nhà vua. Sân rồng bên dưới, cây ngô đồng lẻ loi, hoa vẫn nở trước những lần ly biệt. Liễu rũ, cổng vòm, ao sen, vườn chanh, mấy tòa lầu ba tầng đổ bóng xuống hồ nước xanh lơ. Bầu trời trong vắt nhưng cuồn cuộn mây đen đang nổi lên ở đằng đông. Thất hoàng tử im lặng không nói gì. Loạn Phạm Du, loạn Quách Bốc, họa giặc giã liên miên đã khiến đất nước rơi vào suy kiệt. Cũng vì thói hưởng lạc, ham mê xây cất của vua Lý Cao Tông. Cũng tại ý trời? Thất hoàng tử đã chọn cách trốn chạy, như một sự bất lực trước thời cuộc điên đảo…

Ông lặng nhìn thành Thăng Long lần cuối, rồng bay lên trời, tòa thành do Thái Tổ hoàng đế cất công xây dựng. Tòa thành của những ký ức và nỗi buồn vô tận…

Cây bút lông rơi trên mảnh giấy ngà, Thất hoàng tử giật mình tỉnh dậy. Tại sao càng già lại càng nhớ những chuyện xa xưa? Nếp nhà cũ, khói bếp lơ thơ bên kia sông, đỉnh núi hoang vu chợt nở hoa dại. Không, ông không được phép bỏ cuộc, phải cầm chặt cây bút, suy nghĩ một thế trận giúp quân ta chiến thắng giặc Mông Thát hung bạo…

Ngày hôm sau, Lý Long Tường cho tập hợp toàn bộ con cháu họ Lý và tướng lĩnh dưới trướng, mấy trăm người cùng quỳ trước bàn thờ tổ tiên. Ông đã già không thể quỳ nổi, chỉ biết đứng nhìn con cháu của mình. Lâu thật lâu, khi bầu không khí trầm xuống, khi gió cũng ngừng thổi, ông bước ra giữa nhà, với râu tóc bạc phơ, với tấm áo choàng trắng toát, ông dùng tất cả ý chí, khảng khái hô vang:

– Rồi đến một ngày nào đó, qua ba đời, bốn đời, đám con cháu này sẽ quên mất tiếng nói, phong tục tổ tiên. Qua năm đời, sáu đời, kể cả những đường nét Đại Việt trên gương mặt chúng sẽ bị hòa lẫn cùng người Cao Ly. Qua chín đời, mười đời, mây chuyển gió dời, trời đất thay đổi, có thể chúng sẽ quên luôn tổ tiên mình là ai. Nhang tàn khói lạnh, những bài vị này sẽ mục nát thành cát bụi. Thời gian luôn lãng quên tất cả… Tất cả…. Không… Không… Ta, Lý Long Tường, Thất hoàng tử triều Lý không cho phép điều đó xảy ra… Ta buộc chúng phải ghi nhớ mãi mãi dòng máu đang chảy trong huyết quản chúng là gì. Là của Hoàng tộc nhà Lý… Của rồng… Của những người sẽ đánh bại quân Mông Thát hung tàn hôm nay. Hãy để máu quân giặc thấm sâu vào lòng đất. Để tên tuổi chúng ta được ghi nhớ ngàn đời!

Một phút ngỡ ngàng, một phút phẳng lặng, rồi tất cả chợt vỡ tung như con sóng, hàng trăm người bên dưới đều đồng lòng hô vang: “Sát Thát”, “Sát Thát”, “Sát Thát”…

*

Lúc trời còn mù mịt sương, cậu đã theo anh cả ra khỏi nhà, hôm nay không đánh cá, không chăm bón cây dâu, không lấy cỏ khô cho lũ ngựa ăn nữa.

– Em muốn có một hình xăm giống anh!

– Không kịp đâu nhóc, giặc Thát sắp tới rồi!

Cậu bước bám theo người anh lực lưỡng của mình. Hai hình xăm giao long sau lưng, một hình xăm thuồng luồng trước bụng, anh cả là người khỏe mạnh nhất làng chài này, một trong tám làng chài nằm dưới quyền quản lý của Thất hoàng tử Lý Long Tường.

– Sao mọi người gọi ngài ấy là Thất hoàng tử vậy anh? – Cậu em hỏi.

– Để mọi người mãi mãi ghi nhớ mình là ai. Em sinh ra ở Cao Ly, yêu quý mảnh đất này là điều đương nhiên. Nhưng ngài ấy, nhưng bọn anh còn có một quê hương khác nữa… ở xa tít về phía Nam.

– Đại Việt!

– Đúng rồi!

Băng qua một khoảng rừng thưa là đến cánh đồng cỏ lau trải dài ngút mắt. Mây phủ kín chân trời, cái lạnh héo hắt báo hiệu mùa đông đang tới gần. Anh cả dừng bước, phóng mắt nhìn quanh:

– Nhất định giặc Thát sẽ men theo đường này tấn công vào thực ấp, chúng ta sẽ lập trận địa phục kích giặc ngay đây! – Người anh nói.

– Em có học chút ít binh pháp, – Cậu em cãi lại – Quanh đây địa thế trống trải, rừng thông thưa thớt, vốn là nơi kỵ binh Mông Thát có thể phát huy tối đa sức mạnh. Em không hiểu chúng ta phục kích như thế nào? Ý anh là đánh trực diện hả? Có một lần nhà Kim đã tập hợp tới 45 vạn quân để đánh trực diện với 10 kỵ binh Mông Thát. Nhưng người Thát không hề nao núng trước số đông, họ liều lĩnh khoan thẳng vào đội hình quân Kim, như bầy sói xé xác đàn cừu. Kết quả, quân Kim đại bại, không ai có thể chạy thoát, xác chết trải dài mấy trăm dặm, từ đó nhà Kim suy sụp rồi diệt vong luôn.

– Em nói đến trận Dã Hồ Lĩnh[1] hả?

– Dạ!

– Sẽ không có trận Dã Hồ Lĩnh thứ hai đâu, lần này, người Việt chúng ta sẽ đánh bại quân Thát ngay trên thảo nguyên, ngay trên niềm tự hào của chúng.

Nói đoạn, anh cả quẳng cho cậu em chiếc xẻng, rồi trỏ về phía nhóm người đang hì hục đào đất đằng xa:

– Mau đào đất thôi!

– Đào gì vậy anh?

– Chiến hào của chúng ta, nấm mồ của giặc.

Ngày mới bắt đầu bằng việc đào đất, cũng không tệ. Thỉnh thoảng cậu em ngồi nghỉ mệt trên mô đất cao, cố hình dung mọi người đang làm gì. Chiến hào ư? Một chiến hào hình vòng cung trải dài từ đỉnh dốc này đến sườn núi đằng kia, đủ rộng để năm, sáu người đứng thành hàng ngang, đủ dài để chứa hàng ngàn người. Hàng ngàn chiến binh sẽ mai phục ở dưới lòng đất sao?

– Anh cả, tuy mai phục như vầy có thể nhử giặc đến cận chiến, vô hiệu hóa bọn cung kỵ tinh nhuệ… Nhưng thiết kỵ Mông Cổ còn kinh khủng hơn thế, chúng sẽ dễ dàng đột phá vòng vây, băng qua chiến hào, đánh tạt sườn, nghiền nát chúng ta.

– Nhóc cứ tập trung đào đất đi!

Người anh im lặng không giải thích thêm nữa. Hàng ngàn quân dân Trấn Sơn đang tất bật làm việc, họ hoàn toàn tin tưởng vào kế sách kháng địch của Thất hoàng tử Lý Long Tường. Nhưng mà, lòng cậu vẫn ngổn ngang khó tỏ. Vó ngựa Mông Thát được ví như bão lửa giày xéo nhân loại, đã hủy diệt không biết bao nhiêu quốc gia, thành trì. Biện Kinh sụp đổ, Tây Hạ diệt vong, Ba Tư hóa tro tàn… Thực ấp nhỏ bé này có là gì so với bàn chân của kẻ khổng lồ?

Mọi người làm việc đến khuya mới tạm xong phần chiến hào. Trời gần sáng, một đội khác mang đến rất nhiều bó chông tre vuốt nhọn. Cậu em ngơ ngác nhìn anh cả:

– Sẽ cắm chông dưới hào hả anh? Bọn kỵ binh có thể vòng ngả khác mà, cùng lắm là bẫy được vài chục tên tiên phong thôi anh cả.

– Không! – Người anh đanh thép nhìn cậu em – Không phải cắm dưới hào, hào sâu là để quân ta mai phục. Còn mớ chông tre này sẽ cắm sau lưng chúng ta, trên những vách hào, cắm dày đặc thành năm sáu lớp.

– Như vậy… – Cậu em mở to mắt, ngỡ ngàng.

– Đúng, như vậy kỵ binh giặc không thể phá vây, không thể đánh tạt sườn… và chúng ta cũng không còn đường lui. Chỉ có một con đường sống duy nhất, là giẫm lên xác kẻ thù.

Giẫm lên xác ngựa và lũ chiến binh kiêu ngạo kia. Giẫm lên nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất trong mỗi con người. 45 vạn quân Kim được trang bị tốt nhất vẫn thảm bại trước 10 vạn quân Mông Cổ là do quân Kim quá bạc nhược, chưa đánh đã vỡ trận. Cánh đằng sau không chịu tiếp ứng cánh trước, thấy nguy liền vứt vũ khí bỏ chạy, cứ bỏ chạy, nối đuôi nhau bỏ chạy, thành ra cái thế binh bại như núi lở. Chỉ có tử chiến, đặt mình vào thế đã chết mới mong tìm được con đường sống sót.

Trong vòng ba ngày, phòng tuyến đã hoàn thành trên vùng bình nguyên rộng lớn. Cỏ lau thưa thớt nhưng vẫn đủ ẩn giấu tất cả. Quá năm bước chân sẽ không thể phát hiện ra đội mai phục cùng hàng hàng lớp lớp chông tre. Quá năm bước chân là vừa đủ để vô hiệu hóa sức mạnh của bọn cung kỵ.

Nghỉ ngơi một ngày, sang ngày hôm sau, anh cả sửa soạn giáp khiên lên đường từ rất sớm. Cậu vẫn nhớ như in khoảnh khắc anh cả thắp nhang lên bàn thờ tiên tổ, những hình xăm giao long, thuồng luồng chất ngầu sau lưng, mái tóc anh cắt ngắn, nửa bên cạo sát da đầu. Anh không nói gì, chỉ vỗ vai cậu vài cái, rồi bóng dáng họ, những chàng trai lực lưỡng của làng chài ẩn khuất vào sương mờ.

Cậu chạy như bay lên đỉnh núi gần đó, phóng mắt trông xuống, trời tờ mờ sáng, từng hàng, từng hàng chiến kỵ Mông Thát nối đuôi nhau hệt như những con sóng hung hãn, không ngừng ập vào vùng bình nguyên. Tiếng ngựa hí vang lừng, vó ngựa nóng rẫy khiến cây cỏ cháy khô. Giặc sắp tiến vào trận địa phục kích. Và ở ngay cửa ngõ Trấn Sơn, khi tất cả tướng sĩ đều ẩn nấp dưới chiến hào, vẫn còn một người đứng lẻ loi trên mặt đất. Ông mặc áo choàng trắng, râu tóc bạc phơ, cưỡi một con ngựa trắng toát như hoa tuyết. Thất hoàng tử Lý Long Tường đứng thẳng, không hề nao núng hay sợ hãi. Ông đứng thẳng để dụ bọn Mông Thát vào đúng vòng vây mai phục. 

Khi tên lính Mông Thát cuối cùng lọt thỏm vào vòng cung, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, đất cát bay tung trời, từ bên dưới những chiến hào, quân ta ùa lên như thác lũ. Cận chiến, giáp chiến, hỗn chiến. Xoay vần với nhau, đâm chém, thét gào. Không ai có thể thoát khỏi cái bẫy đó. Không một ai. Ngựa ngã vùi vào chông tre vót nhọn. Những chiến binh xăm thuồng luồng nhảy bổ lên mình ngựa hay kéo đầu lũ Mông Cổ xuống. Chặt, đâm, cắt, xẻ. Máu túa ra như suối, ngập ngụa khắp nơi, tạo thành một vũng lầy tanh tưởi. Cậu không đủ can đảm để chứng kiến tiếp khung cảnh đó. Cậu chạy như bay về nhà, lấy thật nhiều cuộn vải, loại dùng để băng bó vết thương. Sau đó, men theo con đường mòn, ra khỏi bìa rừng. Xế trưa, những âm thanh kinh khủng kia gần như đã kết thúc, trời đất yên ắng đến quỷ dị.

Cậu thất thểu men theo chiến hào, xác chết ở khắp nơi, xác ngựa, xác giặc, xác ngư dân chất chồng, lẫn lộn với nhau. Cờ thương giáo gãy, mùi tanh xộc lên khiến cậu muốn nôn mửa. Cố kìm nén cảm xúc lại, cậu dũng cảm bước tiếp. Vất vả lắm cậu mới lội qua được đoạn chiến hào. Ở đằng kia, trên một gò xác cao ngút, với những vòng tròn quạ bay lượn trên đầu, anh cả đang cởi trần, ngồi trò chuyện cùng vài ngư phủ khác. Họ không đủ sức để đứng lên, hơi mệt so với việc đánh cá trên biển. Họ cần nghỉ ngơi một chút, chỉ vậy thôi.

– Nhóc con, em có biết ngoài đại dương mênh mông thứ gì đáng sợ nhất không?

– Cá mập, thuồng luồng, thủy quái hả anh?

– Không! – Anh cả lừ mắt.

– Cuồng phong và sóng thần hả anh?

Anh cả vung trùy đuổi bầy quạ đi, chúng cứ bay xoay vần trên đầu như một đám mây hắc ám. Núi xác chất chồng ngăn cách hai anh em, chỉ cần cố gắng một chút nữa là cậu có thể chạm được anh mình.

– Không! – Anh cả xoay ngược ngón tay chỉ thẳng vào ngực mình – Thứ đáng sợ nhất ở trong này.

– Là con người hả anh?

– Không! Là nỗi sợ hãi của con người.

                                                          *

Trận chiến trên vùng bình nguyên đó thật ra chỉ là trận mở màn, tên tướng Mông Cổ Xa La Thái còn phái thêm nhiều cánh quân khác vây đánh vùng đất nhỏ bé nhưng ngoan cường này. Dù vậy, Lý Long Tường cùng quân dân Trấn Sơn đã anh dũng chiến đấu với giặc suốt nửa năm trời.

Sau chiến công vang dội kia, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân. Nơi quân Mông Cổ đầu hàng gọi là “Thụ hàng môn”, vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông.

Khi mất, ông được chôn tại chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm bây giờ. Thời gian sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là “Vọng quốc đàn”.


[1] Trận đánh diễn ra vào năm 1213 tại Dã Hồ Lĩnh, gần Vạn Lý Trường Thành.

Tranh: Nghĩa Quang Nguyễn

*

[Truyện đã có phiên bản sách giấy, được in trong tập Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện. Bạn có thể đặt mua sách TẠI ĐÂY]

Góp chút trà bánh để tác giả thức khuya cày chữ:
Phong ma tuyết nguyệt