Tiểu Bá Nguyễn Ánh truyện

Hồi 1: Tàng long

Một ngày nọ, tráng sĩ Nguyễn Huệ vào thành Phú Xuân do thám. Khung cảnh, nhà cửa thực tráng lệ so với đất Tây Sơn quê chàng. Tình cờ Huệ bắt gặp cậu nhóc Nguyễn Ánh đang ngồi chơi đất bùn bên vệ đường. Ánh khéo đắp thành lũy, cung điện y như thật, dùng gỗ đá xếp thành hàng hàng lớp lớp giáp binh. Y phục bẩn thỉu sờn rách nhưng nhìn kĩ chúng đều được dệt bằng tơ lụa thượng hạng. Hai ánh mắt va chạm nhau, cảm giác lạnh toát rùng rợn xâm chiếm họ trong khoảnh khắc.

“Khí chất bá vương” Nguyễn Huệ thầm nghĩ.

“Tàng long đáng gờm” Nguyễn Ánh nghĩ thầm.

Ánh đứng dậy, ngẩng ngước nhìn Huệ. Ngăn cách giữa họ là những tòa thành lũy bằng đất.

– Không phải người đô thành. Anh là ai? – Ánh hỏi.

– Ta là người sẽ lật nghiêng thiên hạ. Còn nhóc?

Ánh cười xòa đáp:

– Thử đoán coi.

Hồi 2: Tiểu thố

Chuyện kể sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát hoăng, gian thần cấu kết với nữ nhân và hoạn quan loạn chính. Phế thế tử Nguyễn Phúc Luân, lập công tử nhỏ tuổi bệnh tật là Phúc Thuần lên ngôi. Phúc Luân bị vu oan tống giam, vì quá uất ức mà bệnh mất trong ngục tối. Các thầy dạy của thế tử là Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ cũng bị hại chết. Gia quyến của Phúc Luân gồm 3 phu nhân, 5 công tử, 4 công nữ bị triều đình quản thúc gắt gao, không được rời khỏi Phú Xuân dù chỉ một bước. Cấm quan lại sĩ phu lai vãng gặp gỡ. Tiền bạc chu cấp rất hạn chế, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, đám trẻ ăn uống kham khổ nên gầy gò hốc hác không còn chút dáng vẻ quyền quý nào nữa. Ba vị phu nhân phải cặm cụi may gối xếp gửi ra ngoài bán để đổi chút gạo thịt cải thiện bữa ăn. Phu nhân Nguyễn Thị Hoàn vì khóc thương chồng và làm việc cật lực suốt ngày đêm nên mắt dần mờ lòa.

Vài năm trôi qua, khi quyền lực của Trương Phúc Loan được củng cố, các phe đảng đối nghịch dần bị triệt hạ hết, thì việc giám sát đối với gia đình Phúc Luân cũng hơi lơi lỏng. Các vị công tử được cho ăn học trở lại, có thầy đồ tới tận phủ giảng kinh sách. Ngặt nỗi, Phúc Loan quá tâm cơ, kinh sách giảng dạy không phải chính thống mà toàn là bàng môn tả đạo, thuật trường sanh tu tiên hòng dẫn dắt con người vào chốn buông bỏ mê lầm. Mới học nửa năm mà cậu hai Phúc Hạo đã mặc đạo bào, đêm ngày trầm khói xuất hồn tìm cõi tiên thượng. Cậu ba Phúc Đồng thì ngược lại, đắm chìm trong tửu sắc, thường hay nổi giận quát mắng người thân, rượu say thì nhốt mình trong phòng vẽ thần quỷ, nghiệt súc, những cảnh chiến tranh chém giết kinh rợn. Cậu Phúc Ánh lại nổi tiếng ngỗ nghịch. Hôm đó thầy đồ giảng Trang Tử Nam Hoa Kinh rằng:

– Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu.

Thầy lại bắt sang kinh Phật:

– Phật gia nói đời là bể khổ.

Cuối cùng thầy đồ đúc kết lại:

– Chúng ta có cố gắng tranh đoạt cách mấy, có làm vua làm chúa thì cũng trọn vẹn nằm trong bể khổ. Chi bằng dùng hết tâm trí học cái đạo giải thoát, thoát khỏi mộng ảo khổ đau.

Phúc Hạo, Phúc Đồng gật gù tán thán lời thầy, chỉ riêng Phúc Ánh thì nằm ngủ gục trên bàn, còn ngái rất vang. Thầy đồ lấy thước gõ đầu cậu đau điếng. Ánh giật mình sực tỉnh.

– Trò nằm mơ thấy gì mà khoái lạc vậy?

Ánh gãi trán thưa:

– Dạ. Con thấy mình biến thành rồng bay trên chín tầng mây. Phun sấm chớp hủy diệt hết tòa thành này đến tòa thành khác. Nhưng khi tỉnh mộng thì biết mình chỉ là đứa học trò áo rách.

Thầy đồ thất kinh:

– Cha chả, ai cho mi nằm mơ điều phạm thượng vậy hả? Chỉ có vua chúa mới được biến thành rồng thôi biết chửa?

Ánh cười bẽn lẽn:

– Dạ. Con biết tội. Lần sao con sẽ mơ thành con nhái, con dế hoặc con cá chạch hèn mọn. Chui ra chui vô hang bùn, rảnh rang kêu tiếng mê lầm thế nhân.

Thầy đồ có tục danh là Trạch, nghe Ánh nói vậy thì tức tối lắm nhưng không biết làm sao để bẻ lại. Phải đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

*

Một ngày của cậu Ánh bắt đầu bằng giấc ngủ nướng, có khi mặt trời quá đọt tre cũng chưa chịu dậy. Cậu hai Phúc Hạo phải vào phòng đánh thức, rầy la một hồi Ánh ta mới chịu trở mình.

– Mệ thức suốt đêm không ngủ để mai gối xếp đổi gạo đó. Ngọc Tú, Ngọc Du thì dậy sớm gánh nước, giặc giũ, chẻ củi… Ngọc Tuyền nhỏ hơn cậu cũng biết quét sân, dọn nhà. Còn cậu? Trai tráng kiểu gì mà chán ngắt.

Ánh vùng vằng đá bàn đá ghế, mặc đại bộ ngũ thân nhàu nát rồi lê lết tới thư phòng học chữ với thầy đồ Trạch. Tiếp tục ngủ gà ngủ gật tới trưa. Cơm canh có người dọn sẵn, cứ vậy nhào lên ăn no căng bụng rồi về phòng nằm ễnh ra ngủ tiếp.

– Ra gánh nước phụ các chị nè cậu ấm!

Ngọc Tuyền ơi ới gọi nhưng Ánh chẳng quan tâm.

– Ồn quá, biến đi!

Khoảng cuối giờ chiều khi nắng noi dịu bớt, Ánh ra trước cửa phủ đệ ngồi chơi đất bùn, xây thành lũy giả, hoặc dùng cành cây ghép thành mấy thứ không hiểu nổi. Khoảng thời gian đầu, Trương Phúc Loan cử đội 36 lính vệ tới canh giữ phủ đệ nghiêm ngặt, không cho một con ruồi lọt qua bậc cửa. Dần dần số lính vệ giảm bớt, cuối cùng chỉ còn hai tên lính béo già. Nguyễn Ánh có thể thoải mái chơi đùa nghịch ngợm chỉ cần luôn ở trong tầm mắt theo dõi của chúng. Giới hạn thời gian là khi nắng tắt.

– Trở vào phủ, giới nghiêm rồi! – Tên lính mày xếch quát lớn.

– Thủng thẳng. Nặn xong hai con chó bùn đã.

– Cút vào phủ mau! – Tên lính râu dài nện giáo xuống đất cảnh cáo.

Nguyễn Ánh đi rồi họ liền lọ mọ ra xem các tác phẩm của cậu, thậm chí bới tung mọi thứ lên để đảm bảo rằng cậu không che giấu điều gì mờ ám. Hôm nay, bày ra trước mắt chúng là hai con chó già mập ú, một con râu dài, một con mày xếch.

– Coi hai con chó kìa, giống y đúc… chúng ta.

– Mẹ kiếp thằng nhãi!

Tên lính râu dài điên tiết, vung giáo đập nát hai con chó bùn thì bất ngờ chúng nổ tung tóe, văng ra bao nhiêu là “cứt ngựa” do Ánh ngầm giấu sẵn bên trong. Ngay lúc này, từ trong nhà vọng ra tiếng cười khoái trá của cậu nhóc.

– Nghe vẻ nghe ve, nghe vè chó cảnh, cơm nóng chê tanh, chỉ thích ăn c… Ha ha!

Chơi bỡn đã đời, Ánh sẽ đốt đuốc ra sau nhà tắm nước lạnh, rồi ngồi tréo nguẩy trên sập ăn cơm trắng với cá khô và rau muống luộc, món dân dã ngày trước cha cậu rất thích.

“Coi kìa, y hệt tướng công hồi xưa.”

Phu nhân Nguyễn Thị Hoàn trông thấy cảnh đó thì bùi ngùi xúc động, nên Ánh dù có làm gì, lười biếng nghịch ngợm ra sao bà cũng không trách mắng nửa câu, luôn bao dung nuông chiều cậu hơn hẳn các anh em khác.

Cơm nước no nê Nguyễn Ánh sẽ đóng sầm cửa nhốt mình trong phòng, không thiết tha giao tiếp với ai hết. Những tưởng cậu sẽ lăn ra ngủ vạ ngủ vùi như ban ngày, nhưng không, đây là khoảng thời gian Ánh tỉnh táo nhất. Cậu mặc đồ thường dân, tay chẽn quần bó, vấn khăn gọn gàng, rồi chui theo đường mật đạo ngay bên dưới giường ngủ, bí mật rời khỏi phủ đệ, thần không hay quỷ không biết. Lịch trình hôm nay là đi tới Thính Phong đài gặp gỡ “ý trung nhân” của cậu: Tiểu Thố.

*

Thính Phong đài là một câu trình đặt biệt do các chúa đời trước xây dựng để gặp gỡ bách tính, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, ai có oan khuất thì tâu lên để nhà chúa tra xét. Nhưng kể từ khi chúa Vũ xây dựng điện thất nguy nga trong thành Nội, Thính Phong đài bị quên lãng, đổ nát theo thời gian, không ai lai vãng quét dọn chăm sóc nữa.

Nguyễn Ánh rẽ rừng tầm xuân um tùm, qua vòm cửa sụp lún, đến một khoảng sân đầy lá mục và côn trùng. Kia rồi Tiểu Thố đang ở trên tầng lầu cao nhất, đón gió đông mát rượi, lòng nôn nao chờ cậu tới. Nhưng Ánh ta không vội xuất hiện ngay. Cứ nấn ná, đi quanh góc thiên tuế cổ thụ, đứng dựa vào bức tường bụi bặm. Đúng nửa canh giờ sau, Ánh mới chịu dời gót bước lên từng bậc thang cũ kĩ.

Ánh trăng lồng qua khe vách và mạng nhện vẽ thành khung cảnh huyền hoặc như mộng. Thỉnh thoảng có tiếng mèo kêu rợn người, những cặp mắt sáng dã rập rình trong đêm. Bâc thang gỗ cuối cùng, khung cửa nhỏ vẽ hình ảnh Tiểu Thố đang đứa tựa lan can ngắm trăng tròn xa tít. Cô lớn hơn Ánh một tuổi, mái tóc dài chấm lưng yểu điệu, nhìn từ xa có thể gọi là mỹ nữ. Nhưng khi tới gần sẽ phát hiện làn da cô loang nổi vô số đốm trắng kì dị, trên mặt cũng có hàng chục đốm to nhỏ khác nhau. Cũng tại căn bệnh quái ác này mà Tiểu Thố không bao giờ dám ra khỏi nhà vào ban ngày, vì người đời nhiều phán xét, mấy ai biết cảm thông.

Nguyễn Ánh và Tiểu Thố tình cờ gặp nhau vào một đêm trăng tròn giống hôm nay. Hai đứa trẻ bị giam cầm bởi số mệnh tàn bạo, cô độc suốt tuổi thơ, và chỉ có màn đêm mới cho chúng chút ít cảm giác an toàn và tự do. Ánh có tài ăn nói đùa bỡn, thường kể chuyện trên trời dưới đất chọc Tiểu Thố cười. Còn cô là cháu ngoại của một học sĩ già nua thất chí, gia môn nghèo túng, quý giá nhất là kho sách khổng lồ truyền thừa qua nhiều đời. Mỗi lần gặp gỡ cô đều đọc sách cho Nguyễn Ánh nghe, rồi cả hai háo hức bình giải suốt đêm.

– Hôm nay tụi mình sẽ đọc Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Ông viết “vô vi nhi vô bất vi”, nghĩa là không làm nhưng không gì là không làm; làm không vì mình, mà vì thuận theo cái Tự Nhiên của vạn vật, không làm xáo trộn Đạo của Trời Đất – Tiểu Thố trầm tư – Ông ngoại mình thường giảng như vậy đó.

– Cái gì cũng nhất nhất thuận theo Tự Nhiên chẳng phải tàn ác lắm ru, ví như con hổ xé xác người để ăn thịt là bản tính tự nhiên của nó. Nếu ta bàng quan không cứu người thì trái với tính tự nhiên của người là: nhơn ái. Nhưng nếu giết hổ thì lại phá cái tính tự nhiên của hổ là: ăn thịt. Rốt cuộc phải làm sao mới đúng?

– Thì thuận theo Tự Nhiên thôi. – Tiểu Thố nói.

Ánh thở dài thườn thượt:

– Khó nghĩ quá…

Cô chìa tay xoa đầu Ánh, giống y hệt khoảnh khắc ông ngoại thường xoa đầu mình:

– Khó nghĩ thì đừng nghĩ, đó cũng là thuận theo Tự Nhiên, là thuận theo phép vô vi.

– Ừ hén. Có lý!

Hai cô cậu cứ bên nhau như vậy suốt đêm thâu, khi trầm tư, lúc vui vẻ cười giỡn. Trời hừng sáng, thời gian không còn nhiều, Ánh vội chồm tới nắm tay Tiểu Thố, viết mấy chữ gì đó vào lòng bàn tay đối phương.

– Hả? Cậu muốn đọc Binh Thư Yếu Lược sao? – Cô kinh ngạc.

– Có vấn đề gì sao?

– Sách cấm đó, chỉ có vương thất, đại thần mới được phép đọc.

– Mình có thứ này tặng cậu nè.

Sau câu đánh trống lảng, Ánh dúi vào tay Tiểu Thố một cây trâm vàng rất đẹp, phía trên chậm trổ đóa hoa quỳnh e ấp nở trong sương đêm.

– Tính hối lộ mình sao? – Tiểu Thố mân mê bảo vật không rời mắt.

– Không – Ánh cười – Chỉ là mình thấy nó rất hợp với cậu thôi.

Dứt lời Ánh liền vụt bỏ đi, bóng dáng nhỏ thó ấy dần tan biến vào vườn tầm xuân um tùm.

*

Đúng 2 ngày sau, Nguyễn Ánh và Tiểu Thố lại gặp gỡ nơi Thính Phong đài lộng gió.

– Hôm nay sẽ đọc sách gì? – Ánh vờ hỏi.

– Là sách cậu yêu cầu?

– Gì hỉ? Quên mất rồi.

– Binh Thư Yếu Lược đó trời. – Tiểu Thố bĩu môi.

– Úi! Đúng hén! Mình lú lẫn quá.

– Trước tiên có một điều kiện.

Tiểu Thố lấy cây trâm hoa quỳnh đưa cho Ánh, bẽn lẽn nói:

– Cậu búi tóc rồi cài cho mình đi.

Ánh tỏ vẻ hơi bối rối, đỏ mặt:

– Chuyện này… này… mình là con trai mà… ngại lắm.

– Vậy thôi khỏi đọc sách nha.

– Ừ búi thì búi, cài thì cài.

Tóc Tiểu Thố thật dài và mượt, hệt như các tố nữ được vẽ trong tranh, còn thơm thoang thoảng hương bông bưởi nữa chứ. Ánh lúng túng một hồi cũng tạm búi xong, khéo cài trâm lên tóc đối phương. Tiểu Thố vui lòng, liền đọc một hơi Binh Thư Yếu Lược cho Ánh nghe, đọc xuôi xong rồi đọc ngược, tới lui độ năm lần.

– Nhớ hết chưa?

Ánh nhoẻn cười:

– Tất nhiên.

*

Lần gặp gỡ tiếp theo hai cô cậu không đọc sách nữa mà chui lỗ chó rời khỏi đô thành, trong đêm đi mải miết về phía tây, băng qua bao nhiêu làng mạc, trèo lên một ngọn núi cheo leo hung hiểm.

– Trèo lên vai mình nè!

Mỗi đoạn dốc đứng Ánh đều tình nguyện khuỵu xuống đỡ Tiểu Thố lên trước. Chu đáo từng li từng tí. Cuối cùng sau một hành trình gian nan, hai người cũng tới được đỉnh Tiêu Dao, nơi có một vạt hoa quỳnh đang nở tuyệt đẹp dưới trăng.

– Gần tới rồi, qua ngọn thác đó nữa thôi.

Thác nước khá xiết, nhìn bên dưới đen ngòm và sâu hun hút hàng chục trượng, lại có nhiều gờ đá lởm chởm hung hiểm vô cùng. Lỡ sẩy chân là coi như tuyệt mạng. Tiểu Thố đang mò mẫm bước đi, hết sức cẩn trọng thì bất chợt Nguyễn Ánh nắm chặt hai vai cô. Ánh mắt cậu sâu hút chẳng khác mấy vực kia. Nước lạnh buốt chảy cuộn dưới chân, Ánh ôm cô thì thầm rằng:

– Đừng tưởng ta không biết ngươi là ai?

Dứt lời Ánh rút cây trâm vàng trên tóc Tiểu Thố rồi thẳng tay đẩy cô xuống vực. Bóng đêm nhanh chóng nuốt chửng dáng hình mảnh mai ấy.

Làm xong việc, Nguyễn Ánh ngồi sụp xuống, cả người run lẩy bẩy. Cậu trừng mắt nhìn vào vô định, lòng chợt sống dậy một đoạn kí ức.

Cánh đồng mênh mông trải rộng dưới trăng, cỏ lau trắng rợp đung đưa trong gió nhẹ. Bảy chiến kỵ thả sức bao vây đàn hươu rừng. Sau màn rượt đuổi quần thảo, các tráng sĩ bắn cung tiễn như mưa kết liễu chúng. Máu túa ra nhuộm đỏ dòng suối mát, nhuộm đỏ bóng trăng thâu. Tay tráng sĩ cưỡi ngựa đốm, đeo mặt nạ đen quay lại nhìn dáng vẻ run cầm cập của Nguyễn Ánh, chợt nổi giận:

– Sao không bắn hả? Có biết để tập hợp đông đủ như hôm nay khó khăn lắm không? Cậu phải tận dụng mọi cơ hội để học cách chiến đấu.

Ta biết… nhưng mà… tiếng kêu của chúng như trẻ con…

Gã vung roi cái chát ngay sát tai Ánh:

– Có muốn trả thù cho phụ thân không? Có muốn đoạt lại ngôi vị không? Nam nhi chí phải như biển lớn! Hành động phải như cuồng phong!

Rồi gã lôi xệch Nguyễn Ánh xuống ngựa, kéo cậu tới chỗ con thỏ rừng dính bẫy đang giãy giụa. Gã quát lớn:

– Rút dao ra!

Ánh lẩy bẩy làm theo, tay cầm cây dao bén ngót chĩa về phía trước.

– Cắt cổ nó đi! – Gã lệnh tiếp.

– Không… nó…

– Giết nó!!! – Gã gầm lên như sấm.

Ánh gào lên từ kí ức nối dài đến thực tại. Cậu bừng tỉnh mở mắt ra, thác nước cuồn cuộn chảy xiết, bóng đen thăm thẳm kia đã nuốt chửng Tiểu Thố mất rồi. Day dứt, ân hận tới tận cùng.

Đột nhiên Nguyễn Ánh đứng choàng dậy, không kể gì tính mạng lao xuống vực tìm Tiểu Thố. Sau một hồi lặn ngụp giữa dòng nước hung bạo lạnh buốt, cậu kéo lê Tiểu Thố lên bờ, đặt cô dựa vào tảng đá. May quá, người vẫn còn sống, chỉ là uống nước hơi nhiều chút, sáu phần thần hồn vẫn chưa tụ về.

– Ta không cố ý… xin đừng chết!

Tiểu Thố nhắm chặt mắt, cố thì thào:

– Xin lỗi… cha mẹ mình… trong tay Quốc phó… lão sai mình tiếp cận cậu…

– Đừng nói nữa, ta không ngu, ta biết hết.

Tiểu Thố ọc một ngụm nước, rồi chậm rãi mở mắt nhìn Ánh:

– Nhưng… mình không nói gì với lão… nhất là chuyện Binh Thư Yếu Lược…

Ánh kích động:

– Nói cũng được, không nói cũng được, ta chỉ là con chim trong lồng, lão muốn giết thì cứ giết đi, bày vẽ làm gì.

Cô mỉm cười:

– Mình muốn ở cùng… một phe với cậu… Ánh à!

Nói đoạn Tiểu Thố thò tay vào túi áo của Ánh, lấy lại cây trâm vàng rồi tự cài lên tóc mình.

– Về thôi, kẻo trời sáng. – Cô kết thúc câu chuyện.

Hồi 3: Sói trắng

Suốt nửa tháng sau đó Nguyễn Ánh không đến Thính Phong đài gặp gỡ Tiểu Thố nữa. Nhưng cô vẫn kiên trì chờ đợi hết đêm trăng này sang đêm trăng khác. Khuyết rồi tròn, tròn lại khuyết. Cuối cùng cô cũng đợi được, vào một đêm sương mù mịt, Nguyễn Ánh xuất hiện bằng một diện mạo rất lạ, vẻ lạnh lùng xa cách với thanh chủy thủ treo bên thắt lưng.

– Cô nói muốn cùng phe với ta?

– Dạ. – Tiểu Thố đáp.

– Được. Đi theo ta tới một nơi bí mật.

Ánh nắm tay Tiểu Thô đi quanh co khắp mạn nam thành, rẽ đầm sen cạn, chui vào bãi lầy, xa cách phố xá, đi tới một gò đất hoang vu lau sậy. Giữa gò có một ngôi miếu hoang. Sau miếu có một cây dâu già. Dưới gốc cây có một lão ăn mày què hôi hám đang ngái ngủ.

– Gặp là duyên, duyên tùy hỉ, xin bố thí vài đồng. – Lão rên rỉ.

– Túi áo thủng, rơi mất bọc tiền, một đồng cũng không có. – Ánh đáp lại.

Lão ăn mày gật gù, mở cánh cửa đá. Họ đi tiếp vào một mật đạo nằm sâu dưới lòng đất, rẽ trái rẽ phải cả chục lần thì tới trước một mật thất vuông vức khá rộng, bên trong ánh đuốc lập lòe, có một nhóm nhân sĩ giang hồ đang tranh cãi gay gắt với nhau. Hầu như ai cũng đeo mặt nạ để tránh bị lộ thân phận. Hai người không bước vào mà đứng bên ngoài dự thính.

– Gã cao gầy đeo mặt nạ đen là thủ lĩnh của Miêu đảng – Ánh trỏ vào phòng – Còn gã phương phi đeo mặt nạ trắng là thủ lĩnh Lang đảng. Họ luôn xung đột về cách đối phó với Trương Tặc. Lang đảng muốn dùng bạo lực tuyệt đối, không từ mọi thủ đoạn, nổi một trận lửa giết sạch sẽ loạn thần tặc tử. Miêu đảng lại muốn dùng cách ôn hòa hơn đó là xin chiếu Cần vương từ chúa thượng, dùng phép nước trừng trị gian tặc, tránh gây đổ máu xáo trộn triều chính.

Tiểu Thố gật gù đáp:

– Nghe nói quân Tây Sơn đang nổi dậy ở Quy Nhơn, phá phủ thành rồi, đang tràn ra Quảng Nam, triều đình binh bại như núi lở.

Ánh nhoẻn cười:

– Thái Dương Hóa Kị, sao đỏ phạm thiên, quạ đen rơi xuống, trời xanh lại mọc.

Hai cô cậu ngồi ngoài hành lang, tựa vai nhau lắng nghe cuộc tranh luận suốt đêm hôm đó. Kết quả Lang đảng thắng thế, và họ quyết định sẽ khởi binh ám sát Trương Phúc Loan ngay sáng hôm sau, tận dụng lúc lão và cả gia quyến về quê cúng giỗ.

– Gà gáy rồi, chúng ta về thôi kẻo bị nghi ngờ.

Ánh nắm chặt tay Tiểu Thố:

– Không. Chúng ta sẽ ở đây cho tới khi mọi chuyện xong xuôi.

– Nhưng… mình… không thể. – Cô hơi lo lắng.

Ánh siết chặt tay cô hơn:

– Ở yên đây. Xong hôm nay chúng ta sẽ trở thành một phe. Không còn bất cứ sự nghi ngờ nào nữa.

– Nhưng…

– Vô ích. Họ không cho bất kì ai rời khỏi mật đạo đâu.

Nhóm nghĩa sĩ Lang đảng nai nịt kiếm súng lên đường, những tiếng bước chân dồn dập xa dần. Dường như mặt trời đã mọc, ánh nắng rực rỡ loang khắp sông Hương. Nguyễn Ánh ngồi yên tĩnh nhìn vào vô định. Còn Tiểu Thố thì bồn chồn thấy rõ, cứ đi tới đi lui khắp các đường hầm, nhưng ở đây chằng chịt như mê cung, không có người dẫn đường thì vô phương rời khỏi.

Giữa giờ Thìn [8h sáng], có tiếng pháo nổ rất lớn theo sau là tràng súng điểu thương ì đùng nã đạn. Bấy giờ Ánh mới chịu đứng dậy, dẫn Tiểu Thố trở lên mặt đất. Vén lau sậy tìm đường ra bờ sông Hương. Kìa rồi, có một con thuyền khá lớn treo cờ của Trương Tặc đang bị 6 thuyền nhỏ bao vây. Nghĩa quân đu dây ồ ạt tràn lên, ném hỏa cầu cháy mù mịt. Thủ lĩnh Lang đảng đeo mặt nạ trắng, trán chít khăn trắng, cầm đại đao vung chém như sấm, một loáng đã chém được chục cái đầu, máu tung vấy khắp không trung. Quả là kiêu hùng bạo liệt, như con mãnh sói không bao giờ lùi bước.

– Sát tặc phò chúa!!!

Tay thủ lãnh kiêu hùng gầm thét xông lên thành lầu. Trương Phúc Loan đương ngồi nhâm nhi thưởng trà ở đó, không có vẻ gì là hoảng sợ. Lưng còng, râu tóc bạc trắng nhưng khí sắc vẫn rất tinh anh.

– Chịu chết đi gian tặc hại nước hại dân!

Phúc Loan đặt chén trà xuống bàn, cười nhạt:

– 10 ngàn lượng kim ngân ở đó, mau lấy rồi biến đi! – Lão trỏ rương vàng đầy cóng đặt sát vách.

Thủ lãnh Lang đảng gầm quát:

– Ta sát tặc vì nghĩa!

Dứt lời gã vung đao chém lìa đầu Trương Phúc Loan, máu tươi tưới đẫm đóng kim ngân châu báu.

– Thắng rồi! Ha ha! Đại thắng! – Gã thủ lãnh cầm đầu Phúc Loan giơ lên cao, chúng nghĩa binh hò reo dậy trời.

Bấy giờ, trong phía bãi bồi, Nguyễn Ánh kéo ống nhòm ra quan sát sự tình. Cảm xúc chuyển từ lo lắng đến khấp khởi vui mừng. Cuối cùng là nỗi sợ hãi bao trùm, toàn thân cứng đờ lạnh toát.

– Cái… cái đầu đó… rất giống… nhưng không phải Trương Tặc.

– Vậy là sao? – Tiểu Thố cũng hồi hộp không kém.

Kim thiền thoát xác!

Nguyễn Ánh định bắn pháo hiệu cảnh báo Lang đảng, nhưng tất cả đã muộn màng. Từ dưới hầm thuyền tối, hàng chục cấm quân ùa lên, tay súng tay nỏ, giáo gươm san sát. Cuộc phản kích bắt đầu, đạn nã inh trời, tên bay như mưa nhấn chìm nhóm nghĩa quân trong biển máu. Thủ lĩnh Lang đảng ngoan cường chống cự bị chúng dùng hỏa đồng đốt cháy như bó đuốc té ùm xuống sông, tan thành tro bùn. Tàn chiến, cấm quân chặt đầu hết Lang đảng chất thành một đóng to trước mũi thuyền, rồi quay trở vào thành.

Nguyễn Ánh gần như chết đứng, không tin vào mắt mình. Kìa, dòng nước đỏ ngầu nhuốm máu nghĩa quân đang loang đến chân cậu, loang khắp bãi bồi, níu những ngọn cỏ lau héo rũ. Choáng váng, tuyệt vọng đến tận cùng. Cậu siết bàn tay Tiểu Thố mạnh đến mức khiến cô đau ứa nước mắt.

– Cậu… Ánh có sao không?

Cậu sực tỉnh, lòng hoang hoải khủng khiếp:

– Bại lộ rồi… kết thúc rồi. Cô về đi.

– Nhưng… cậu…

– Cút mau! – Ánh gào lên.

Hồi 4: Mèo đen

Sau đó là khoảng lặng khó hiểu, Nguyễn Ánh gần như giam mình trong phòng, cửa đóng then cài, cơm nước có người bưng tới tận cửa. Cậu không chui mật đạo đi gặp Tiểu Thố hay nghĩa quân nữa, gần như đoạn tuyệt với thế gian. Vào một đêm thanh tịch nọ, trăng rọi bóng cây tràn vào phòng. Tiểu Thố trèo tường đến tận nơi tìm Ánh. Cô ngồi trước hàng hiên, thì thầm rằng:

– Triều đình tiếp tục chiến bại trước Tây Sơn, từ Quảng Nam tới Bình Thuận đều mất rồi, khói lửa ngập trời. Không chóng thì chầy Phú Xuân cũng lâm nguy.

Một ngày khác, cô nói rằng:

– Dậy đi Nguyễn Ánh! Bắc Hà khởi binh rồi, nghe nói Hoàng Ngũ Phúc là tay tướng lão luyện sa trường, không ai ở Phú Xuân chống nổi lão. Bắc có quân Trịnh, Nam có Tây Sơn, những cơn rung chấn đó, cậu có cảm nhận được không?

 Cuối cùng sau một giấc mộng dài Nguyễn Ánh cũng tỉnh. Cậu he hé cửa sổ nói rằng:

– Ba ngày nữa chúng ta gặp ở chỗ cũ.

Đó là đêm trăng máu, ánh sáng đỏ sẫm nhuộm khắp thế gian, u ám rợn người. Tiểu Thố đến Nghinh Phong đài từ rất sớm, mặc bộ ngũ thân màu trắng xám, tóc nửa búi nửa xõa, cài ngang trâm hoa quỳnh do Ánh tặng. Cô cứ đợi mãi đợi mãi, sương rơi lộp độp đẫm ướt hết vườn tầm xuân bên dưới. Trống điểm nửa đêm, gió nổi rét đậm, cuối cùng Nguyễn Ánh cũng xuất hiện. Cậu chàng vận ngũ thân đen, nhuyễn giáp mặc bên trong, tay cầm nỏ ngắn, nét mặt nghiêm trọng như sắp làm việc gì kinh thiên lắm.

– Cậu… sao mà…

Tiểu Thố định chạy đến đón, nhưng Ánh giương nỏ cảnh cáo ra hiệu cô hãy ngồi yên. Ánh mắt cậu lẫn với bóng tối không thể dò bắt được.

– Ta đã tha mạng cho ngươi một lần. Và ngươi tiếp tục phản bội ta.

Tiểu Thố kinh sợ giải thích:

– Mình cùng một phe với cậu mà. Xin hãy tin mình.

Ánh nhoẻn miệng lạnh lùng:

– Kẻ đáng tin không bao giờ cầu xin lòng tin từ người khác.

Cô dựa sát lan can:

– Mình xin thề không phản bội cậu!

– Chỉ có vỏn vẹn 39 người trong mật thất đó, ngươi là kẻ đáng nghi nhất. Chính ngươi tuồn tin tức ra ngoài hại toàn bộ nghĩa sĩ Lang đảng chết thảm.

– Không! Mình luôn ở bên cạnh cậu mà.

– Chắc không?

Ánh thình lình siết cò nỏ, mũi tên nhọn hoắt phóng vút đi, xé toạc màn đêm. Tiểu Thố giật mình té sụp xuống, nhưng mũi tên đó không nhằm vào cô mà kết liễu một con mèo mun đang lẩn lút phía sau cột gỗ. Nó thét lên rùng rợn rồi im bặt. Ánh đặt cây nỏ xuống sàn, chậm rãi tuốt thanh chủy thủ bén ngót ra.

– Tưởng ta không biết gì sao? Con mèo đó là vật truyền tin ra ngoài.

Tiểu Thố lắc đầu nguầy nguậy:

– Không, không phải, nó chỉ là mèo hoang.

Ánh chắc mẩm:

– Sáng hôm đó ta nghe tiếng mèo kêu trong mật thất.

– Nghe lầm! Không đúng!

– Đúng!

– Không!

– Đúng!!! Kẻ phản bội phải chết!!! Chết!!!

Nguyễn Ánh gào thét, liên tục đâm chủy thủ về phía đối phương. Trăng máu, trần gian cũng nhuộm máu.

Hồi 5: Huyết tẩy

Một lát sau, Nguyễn Ánh sải bước về phía nam. Có một nhóm nhân mã đang tụ tập gần bến sông, lấp ló rập rình, mùi gươm đao sát khí ngùn ngụt như ngòi lửa sắp bùng cháy. Thủ lĩnh Miêu đảng đứng hiên ngang giữa đường cái quan, mình vận giáp cứng, lưng đeo đại kiếm. Thấy Nguyễn Ánh tới, gã hào hứng cung đón:

– Giải quyết con thỏ đó chưa? – Gã nhìn xuống bàn tay vấy máu của Ánh – Rồi à! Tốt lắm!

– Giết chóc có gì tốt chứ?

Gã cười sau lớp mặt nạ:

– Giết chóc tất nhiên chẳng có gì thú vị, đó là bước cuối cùng nhàm chán nhất. Cậu có biết tại sao ta lại lấy tên Miêu đảng không?

– Lờ mờ đoán biết.

– Nói thử.

– Bàn chân mèo có lớp đệm thịt mềm mại, giúp nó thoải mái đụng chạm, đùa bỡn với con mồi mà không làm đối phương bị tổn hại. Cao hơn nữa là ru ngủ và thao túng chúng. Nhưng ẩn dưới sự êm ái vô hại đó là những cái vuốt sắc lẹm, khi đùa bỡn chán chê rồi hoặc đối phương không còn giá trị gì nữa, mèo ta sẽ lạnh lùng hạ sát con mồi, nhanh gọn như một cái chớp mắt.

Gã thủ lĩnh chậm rãi tháo chiếc mặt nạ đen, dưới ánh đuốc bập bùng hiện ra một tráng sĩ tuổi khoảng 30, mày như lưỡi kiếm, mắt tựa bạch hổ, khí chất nghịch thủy. Y tên là Đỗ Thanh Nhơn, ngày trước hầu hạ quét dọn trong phủ Thế tử Nguyễn Phúc Luân. Vì thần tướng khác thường nên được Phúc Luân trọng dụng, dạy cho võ nghệ, binh thư. Khi Phúc Luân bị gian thần hãm hại, Đỗ Thanh Nhơn ẩn mình trong bóng tối, ngầm tập hợp trung lương nghĩa sĩ chờ ngày phục hận.

Nguyễn Ánh cố lau vết máu trên tay, nhưng nó đã bám chặt không cách nào tẩy trắng được.

– Ngươi biết rõ Tiểu Thố là gián điệp, nhưng vẫn cố tình cho ả nghe hết kế hoạch ám sát Trương Tặc. Mục đích ném đá giấu tay, mượn dao diệt trừ hết Lang đảng?

Đỗ Thanh Nhơn tuốt trần đại kiếm, chống mạnh xuống đất. Gió thổi mây tan, ánh trăng máu nhuộm đỏ sông Hương vốn thơ mộng. Hai bóng người đối diện, lớp lớp bóng đen rập rình. Cổng thành Nội im lìm xa tít. Muôn lá cờ tung bay phấp phới.

Bất ngờ từ ngoài sông Hương có mấy chục chiến thuyền cấp tập ủi bến, rồi hàng hàng lớp lớp binh mã nối đuôi nhau tràn xuống. Coi cách ăn vận của họ rõ là bộ binh triều đình. Súng ống chắc tay, lưng đeo kiếm dài, cờ xí uy vũ. Lại thêm một phen mưa máu gió tanh, nghĩa quân vừa nhen nhóm đã phơi thây đầy gò như sự biến Lang đảng năm xưa. Phúc Ánh hơn nhíu mày lo lắng, còn Thanh Nhơn vẫn bình chân như vại, thanh đại kiếm sáng lóa không một chuyển dịch.

Quả nhiên kì quặc, hai bên không hề xảy ra giao chiến, binh mã triều đình cứ điềm nhiên đứng xen kẽ chung với nghĩa quân, chớp mắt tất cả đã hòa hợp thành một khối đồng thanh đồng nhất. Tiếp theo một lão tướng râu bạc xuất hiện, mình vận giáp xích, đầu trọc mày ưng, lưng đeo tam côn khúc đen tuyền, vẻ hùng dũng chẳng thua kém Đỗ Thanh Nhơn là bao. Lão tên là Nguyễn Cửu Pháp, hổ tướng kì cựu của vương triều, nhiều năm làm rường cột phụ chính. Khi Trương Phúc Loan đắc thế chuyên quyền, Cửu Pháp lui mình ẩn dật, chờ cơ trời về sau. Đến lúc Tây Sơn quật khởi, triều đình binh bại như núi lở, Cửu Pháp bèn tiến cử 3 người con trai là Sách, Thận, Dật vào Quảng Nam nghinh chiến. Sách không may tử trận. Dật nhận thấy binh mã triều đình hiện tại quá bạc nhược, huấn luyện sơ sài, sĩ khí sút kém. Bèn rút lui vào núi sâu, ẩn mình suốt 9 tháng rèn luyện lại từ đầu, đêm đêm phát hịch cỗ vũ, ngày ngày bày binh tập trận cho quen với lửa gươm. Không chỉ người mà voi ngựa cũng phải tập lòng dũng cảm và tính kỉ luật, tiến lui nhất nhất theo hiệu lệnh. Mài xong gươm bén, Cửu Dật liền xuất sư quyết chiến với Nguyễn Nhạc, nhiều trận thắng lợi, cắt đứt đà tiến công của Tây Sơn. Chúa thượng nghe tin vui mừng lắm, bèn phong Dật làm Tả quân Đại Đô đốc, nắm trong tay chục ngàn binh mã.

Chớp lấy cơ hội trời ban, Đỗ Thanh Nhơn bèn viết mật thư cho Cửu Dật đại ý rằng: “Giặc không chỉ ngoài biên mà còn ở trong triều đình. Tác oai tác oái. Tàn hại trung lương. Nếu ông không sớm diệt trừ thì ngày sau sẽ ngậm oan mà chết như Thế tử Phúc Luân.”

Cửu Dật hiểu ý Thanh Nhơn. Bèn cử anh trai là Cửu Thận bí mật dẫn 2 ngàn tinh binh về triều, mời cha là lão tướng Cửu Pháp đích thân chủ trì cuộc binh biến.

Gió nổi cuồn cuộn, Cửu Pháp uy phong đứng trên gò cao, dõng dạc truyền hịch:

– Dưới ngai chúa thượng có một bầy rắn độc. Chúng vu oan hại chết Thế tử Phúc Luân, tàn hại biết bao trung thần nghĩa sĩ, khiến vương quốc chao đảo, bách tính lầm than khôn xiết. Nghe đi! Trời thần đều nổi giận. Sấm rền khắp cương thổ. Lão già ta yếu bệnh nhiều năm, nhưng vì đại nghĩa phải đứng bật dậy, vận giáp cứng, cầm cờ lệnh, quyết một trận lửa đem lại thái bình cho giang sơn. Hỡi chư anh hùng nghĩa sĩ, đêm nay chúng ta không ngủ, sát tặc cứu chúa, trung hưng vương triều!

Ba quân nhất tề giơ súng giáo lên cao hò reo hưởng ứng:

– Sát tặc cứu chúa!

– Trung hưng vương triều!

– Giết Trương Phúc Loan!!!

Thế rồi quân triều đình phân phát súng ống, đao kiếm cho nghĩa quân. Voi ngựa cũng được san sẻ đồng đều. Đỗ Thanh Nhơn lựa một khẩu súng điểu thương mạ vàng dúi vào tay Nguyễn Ánh, nói rằng:

– Lũ thất phu Lang đảng chỉ biết lỗ mãng xốc đánh, không sớm ngày diệt trừ sẽ gây họa cho đại nghiệp. Nên nhớ, công tử là mắt xích quan trọng nhất của kế hoạch, không có công tử hợp tác làm sao mọi việc suôn sẻ được như vậy. Bài học “giết thỏ” này là ngày trước Thế tử dạy cho tôi, tôi truyền lại cho công tử. Đại nghiệp thiên hạ còn dài, đây chỉ mới là khởi đầu thôi.

Nguyễn Ánh cầm chặt khẩu súng:

– Ta hiểu.

Thanh Nhơn vỗ vai Nguyễn Ánh:

– Tới lúc báo thù cho cha rồi.

Nói đoạn Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Ánh, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Thận thống suất binh mã tràn vào thành Nội. Họ chia nhau một danh sách gồm 108 cái tên là những tay sai và thân tín ruột cật của Trương Phúc Loan, hễ gặp là giết tại trận không cần hỏi. Danh sách thứ hai gồm 364 cái tên là những kẻ ủng hộ, dính líu với Trương Tặc sẽ tống giam chờ xét xử sau.

Cửu Pháp tuy già lão, nhưng sức chiến đấu rất đáng gờm, ông múa tam côn khúc như sấm giật. Hò hét kích động ba quân, cơ gân nổi cuồn cuộn trên trán. Nhai chưa giập miếng trầu ông đã phá được tam môn, đánh thẳng đến cổng điện chúa. Thấy loạn, Tam đại hộ tướng bày binh bố trận nghênh chiến. Ai cũng to lớn như quả núi. Kẻ cầm chùy nặng trăm cân, người cầm long đao sáng lóa, kẻ dùng tam tiêm đao thần uy. Nghĩa quân thất kinh thụt lui lại, duy chỉ có lão tướng Cửu Pháp vẫn đơn thương độc mã xông lên.

– Cha chả, lão già Cửu Pháp sao không ở quê câu cá, lại cả gan tới đây náo loạn triều can? – Gã cầm chùy trợn mắt quát.

– Mày là cháu Phúc Loan hử? – Cửu Pháp bình thản bất biến.

– Sợ hả lão già, ha ha! Mau xéo trước khi ta bẩm lên…

Gã cầm chùy chưa kịp dứt câu đã thấy đường côn sáng lòa của Cửu Pháp giáng xuống giữa đỉnh đầu, dầu có mũ trụ bảo vệ cũng không tránh khỏi xương sọ vỡ nát, gục chết tại trận.

– Nhất côn diệt quỷ!

Gã cầm long đao bèn nhào tới, vung đao chém vào đầu ngựa. Đao được mệnh danh là nguyên soái của ba quân, là cực dũng cực chấn. Mỗi chiêu thức đều khiến trời long đất lở. Cửu Pháp vội giật cương khiển ngựa đứng thẳng trên hai chân tránh đòn. Đao bổ xuống phá nát một mảng gạch, mảnh vụn bay tung tóe. Long đao tiếp tục bạt ngang truy sát, ngựa không tránh kịp nữa bị chém trúng sườn, ruột gan tuôn hết ra ngoài, đổ ầm xuống đất.

– Ha ha! Cũng chỉ là lão già bệnh! – Gã thu đao, vuốt râu cười vang.

– Nhị côn tru tiên!

Như cái cười chưa kịp tròn đã thấy đầu côn sắt bay thẳng vào miệng, răng môi máu lẫn lộn bầy nhầy. Gã ôm mặt quỳ sụp, rú lên đâu đớn kinh tâm.

Từ màn bụi Cửu Pháp bước tới trước mặt gã hộ tướng thứ ba. Hắn luống cuống run rẩy, chưa kịp nhấc đao xuất chiêu thì cái bóng già lão ấy đã bao trùm vây kín.

– Xin… xin… tôi… tôi không có thân thích với Quốc phó…

Tam côn khúc lèng xèng ngân kêu như tiếng chuông vang cao thẳm. Một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám… đường côn hoa mắt đảo điên. Gã hộ tướng sợ đến mức mặt xanh môi tím, chỉ đành buông đao quỳ gối chịu chết.

– Tam côn phổ độ chúng sanh!

Cửu Pháp gầm một tiếng kinh hồn, đường côn khéo quét qua đỉnh đầu đánh bay mũ trụ đối phương. Mũ nát thay cho mạng. Hai ngàn cấm quân thấy Tam đại hộ tướng đều thất thủ, bèn nhất tề hạ binh khí, mở rộng cửa đón Cửu Pháp tiến vào điện rồng.

*

Bấy giờ, Đỗ Thanh Nhơn đang chỉ huy nghĩa quân bao vây sào huyệt của Trương Phúc Loan. Nhân mã bên trong ùa ra ứng chiến, ai nấy đều giáp khiên kín kẽ, súng nhồi sẵn đạn. Khâm sai Doãn, khâm sai Tiến ngồi chễm chệ trên bành voi, vung roi quát ba quân:

– Chúng bây là thuộc cơ đội nào, sao dám gây rối phủ đường? Mau giải tán!

Thanh Nhơn vác đại kiếm hùng dũng bước tới đầu voi.

– Binh mã của Đương kim Thế tử?

Khâm sai Doãn trợn mắt:

– Hồ ngôn loạn ngữ! Chúa thượng chưa lập người nối ngôi thì Thế tử đâu ra?

Thanh Nhơn khỉnh cười, thình lình phóng thẳng lên đầu voi, nhất kiếm sát quản tượng, nhị kiếm trảm hộ vệ, tam kiếm đâm thấu ngực khâm sai Doãn. Giọng Thanh Nhơn như rót lửa vào tai địch:

– Là thế tử Phúc Luân, người ngày xưa bị mày bắt giam vô ngục tối đó.

Chứng kiến cảnh Thanh Nhơn rọc xương mổ bụng khâm sai Doãn, khâm sai Tiến lẩy bẩy giương súng:

– Mẹ mày, con chó điên!

Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Nhưng kẻ trúng đạn không phải Thanh Nhơn mà chính là khâm sai Tiến. Cái xác té lộn đầu xuống đất, bị voi giẫm cho bầy nhầy, gan ruột tim phổi văng ra tứ phía. Nguyễn Ánh bình thản hạ súng, màn khói đen lởn vởn trước đôi mắt đen thẳm.

– Nhớ đề phòng sau lưng. – Ánh nói.

Thanh Nhơn cười vang, vung kiếm về phía ba quân:

– Sau lưng ta có trăm ngàn đồng đội! Hỡi huynh đệ, đại khai sát giới!

– Sát!!!!!

Nhân đà đó, nghĩa quân xông lên chém giết không biết chừng mực sợ hãi gì nữa. Máu và tay chân người, đầu lâu và ánh lửa nhấp nháy trước nòng súng hỏa. Tiếng gào thét. Tiếng ngựa hí. Voi rống điên cuồng. Thanh Nhơn tay cầm đại kiếm, khí hóa hổ vương, chưa đầy một khắc đã chặt được mấy chục đầu ưng khuyển, huyết nhuộm phủ đường. Cánh cửa khổng lồ bằng gỗ lim sập xuống. Trăm bước chân giận dữ ùa vào, đốt phá tơi bời.

Khi đến tòa phủ viện cuối cùng là nơi ngủ của Trương Phúc Loan, Nguyễn Ánh ngăn binh lính lại:

– Không được vào trong!

– Sợ phải đối mặt với kẻ thù truyền kiếp sao? – Thanh Nhơn gác đại kiếm đẫm máu lên vai, khỉnh cười.

Ánh trầm lặng:

– Một đao giết chết là quá nhân từ. Phải bắt lão sống không bằng chết để đền tội. Lấy đó răn đe những kẻ có ý phản nghịch khác.

– Công tử học nhanh đó! Ha ha!

*

Sáng hôm sau, điện chúa sạch bóng như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Lão quốc phó Trương Phúc Loan chống gậy nặng nhọc bước lên từng bậc thềm. Nắng chói chang, mồ hôi đẫm trán nhưng lão vẫn phải đi tiếp, đi tiếp. Cuối cùng điện ngọc mở ra, Định vương Nguyễn Phúc Thuần đang ngồi nghiêm ngắn trên ngai cao. Đứng chầu bên hữu là Đỗ Thanh Nhơn. Đứng chầu bên tả là Nguyễn Cửu Pháp. Ai cũng mắt hổ mày rồng, uy phong lẫm liệt. Thấy Phúc Loan tới, chúa truyền rằng:

– Quốc phó tuổi cao sức yếu, ban cho ghế ngồi.

Từ trong bóng tối sau cột rồng, Nguyễn Ánh lê kéo ghế đẩu ra cho Phúc Loan ngồi. Âm thanh kèn kẹt ken két vang vọng nhức tai.

– Kỉnh mời Quốc phó. – Ánh nói.

Phúc Loan hạ gậy ngồi xuống, dẫu cố giữ bình tĩnh nhưng vẫn không giấu được sự thất kinh trong ánh mắt.

– Tối qua xảy ra chuyện gì mà cả thành náo loạn vậy ái khanh? – Chúa hỏi.

Phúc Loan đưa mắt nhìn Cửu Pháp và Thanh Nhơn, rồi tâu rằng:

– Bẩm tâu, có loạn đảng nổi dậy cướp phá… may… may nhờ có lão tướng Cửu Pháp đây và các nghĩa sĩ giang hồ dũng cảm sát tặc mà… mà đô thành đã bình yên.  

Chúa trỏ Nguyễn Ánh:

– Công tử Phúc Ánh cũng tham gia lập công đó. Thực là anh hùng xuất thiếu niên. Ái khanh nói thử coi, nên ban thưởng sao cho xứng đáng?

Phúc Loan nhìn sang Nguyễn Ánh, kinh sợ trước bá khí ngùn ngụt của cậu chàng. Lão run rẩy đáp:

– Thưởng… thưởng vạn lượng hoàng kim, năm ngàn mẫu ruộng. Riêng công tử Phúc Ánh, tuổi trẻ tài cao, cứu chúa lập công, phong làm Chưởng sứ coi binh Tả Dực, được họp bàn quân cơ.

Chúa vỗ tay tán thành:

– Tốt! Nhưng mà quốc khố trống rỗng, ta biết lấy gì phong thưởng cho ba quân?

Phúc Loan rúm ró như cái xác khô:

– Bẩm… bẩm tấu… cứ… cứ lấy hết gia sản của thần bù vào số còn thiếu.

Chầu xong, Nguyễn Ánh đưa tay phủi bụi vai áo Trương Phúc Loan, nở một nụ cười ẩn tàng khó đoán:

– Cảm kích những quyển sách của Quốc phó, tất cả đều hay ho.

Phúc Loan méo xệch mặt:

– Sách gì chứ?

– Là sách ông sai Tiểu Thố đưa cho ta.

Phúc Loan chống gậy lọm khọm bước đi:

– À… Tiểu Thố… Đứa trẻ ngốc nghếch đó luôn bảo vệ công tử. Nói rằng công tử không có chí lớn, không dám phản kháng. Nhưng nó đã sai, sai lầm phải trả giá bằng mạng sống. Hay do công tử quá giỏi che giấu… đến ta cũng sững sờ khi gặp cậu ở đây.

– Còn một chuyện.

– Công tử cứ hỏi.

– Vụ ám sát hụt ngoài thành. Là Tiểu Thố mật báo cho ông?

Phúc Loan phóng mắt nhìn sông Hương xa như dải lụa vắt ngang đô thành.

– Không thể nhớ. Tiểu Thố đó chỉ là một trong số rất nhiều… một trong số… rất nhiều…

Tất cả đi rồi, chỉ còn một mình Nguyễn Ánh đứng giữa điện ngọc rộng lớn, ngẩng nhìn ngai vàng trống rỗng.

Cậu chậm rãi bước lên 9 bậc thềm cao, con đường này vốn dĩ cô độc. Chỉ dành cho những kẻ có đủ sự tàn bạo và cô độc.

[HẾT PHẦN 1]

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây: