Trần Hồ chiến sử truyện
“Đa Bang máu chảy thành sông,
Hàm Tử thây trôi nghẽn nước.
Hãy để kẻ khổng lồ này ngủ yên,
Trong căn phòng tối tăm vĩnh viễn.”
Mẹ đặt tên cho cậu là An bé nhỏ, vì mới sinh ra cậu chỉ nhỏ như con mèo, toàn thân đỏ ửng với ánh mắt buồn dịu vợi. Một đứa bé yếu ớt thế này không thể cày ruộng lẫn chăn trâu, không thể đi lính hay làm thủy thủ. Con đường duy nhất cho cậu là học hành chăm chỉ và trở thành thầy đồ. Nhưng mộng ước đó quá xa vời, nhà cậu nghèo nhất cái làng này, lại là dân ngụ cư nữa chứ.
Không ruộng vườn, ở nhờ trên đất công, mẹ cậu phải làm những công việc vất vả, bẩn thỉu nhất để được sống. Chẳng ai quan tâm đến An bé nhỏ cho đến ngày cậu lên năm tuổi. Và cậu to lớn hơn tất cả những đứa trẻ cùng tuổi khác trong làng.
– Đó là một cậu nhóc khổng lồ và lớn nhanh như thổi!
– Sẽ có ngày nó trở thành thánh Gióng đấy!
Thánh Gióng ư? Người mẹ vừa ru con ngủ vừa ngơ ngẩn nghĩ đến một truyền thuyết cổ xưa. An bé nhỏ của chúng ta sẽ mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm gậy sắt hiên ngang xông pha trận mạc, quét sạch quân giặc hung bạo khỏi non sông. Viễn cảnh tươi đẹp đó khiến bà mẹ được an ủi phần nào. Những cơn mưa rào tuôn qua thềm vắng. Lúa trổ đồng đồng bên dòng sông xanh ngắt. Quê hương của chúng ta tươi đẹp lắm An bé nhỏ à! Dù cuộc sống còn lắm vất vả nhưng chỉ cần chúng ta chăm chỉ làm việc, đối xử tốt với mọi người và tin tưởng vào tương lai thì quả ngọt nhất định sẽ xuất hiện.
Thế rồi ngày tháng cứ êm đềm trôi, bảy tuổi, An bé nhỏ đã có thể đi chăn trâu kiếm tiền giúp mẹ, dù người ta trả công cậu rất ít, còn thường xuyên bị đánh đập chọc phá. Suốt ngày làm việc cực nhọc tuy nhiên lúc về nhà An bé nhỏ vẫn tươi cười, quấn quýt bên mẹ, chẳng tỏ vẻ gì hằn học thế gian.
Tám tuổi, An bé nhỏ đã to lớn hơn tất cả những đứa trẻ dưới mười bốn tuổi trong làng này, kể cả làng kế bên, làng Ngư, hay làng Dệt. Tuy là một đứa trẻ to xác nhưng tâm hồn cậu vẫn rất yếu ớt và lương thiện. An bé nhỏ chưa từng đánh ai bị thương, người ta gây sự với cậu nhưng tận cùng cơn tức giận, cậu chỉ biết đưa lưng ra cho họ đánh đập mà thôi.
– An bé nhỏ quá nhút nhát!
– Nó không thể trở thành thánh Gióng đâu, đến cả một con kiến nó còn không dám giết huống hồ là đánh giặc!
Hãy để truyền thuyết và cổ tích ngủ yên. Người mẹ ngồi buồn bên song cửa, cố vá cho cậu mảnh áo rách vai. Bữa cơm nghèo chỉ có canh rau và cá mặn. An bé nhỏ lặng nhìn mẹ mình. Chợt đau lòng làm sao:
– Mẹ ơi con muốn làm thầy đồ?
– Nhưng mẹ biết lấy đâu ra tiền cho con đi học bây giờ?
– Mẹ ơi, con tự lo được mà!
Ý định trở thành thầy đồ ngày ngày nung nấu trong đầu An bé nhỏ. Cậu ganh tị với bọn trẻ nhà bên được học chữ đàng hoàng, được thầy giáo làng gõ đầu, la mắng. Cậu yêu thích mùi sách cũ, mực thơm, có lần An bé nhỏ cả gan lấy trộm quyển vở của bạn mà hít hà suốt đêm. Ngồi lên lưng trâu cậu cứ nghĩ ngợi mãi. Lúc bơi qua đầm sâu cứ nghĩ ngợi hoài. Tuy nhiên đến mười tuổi An vẫn chưa biết chữ. Nghèo thế này biết lấy tiền đâu mà đi học? Hay là bỏ nhà lên chùa, các sư thầy vẫn thường dạy chữ nghĩa miễn là mình chăm chỉ làm việc? Nhưng An đi rồi mẹ biết ở với ai? Mẹ già không thể làm việc nặng nhọc nữa, cậu thương mẹ vô cùng.
Mười tuổi An bé nhỏ dần trở thành một đứa bé trầm tư và ít nói. Với bao tâm sự, khao khát giày vò cậu ngày đêm. Cậu không thả diều với lũ trẻ trong xóm, cậu không nô đùa nghịch nước, cậu không bắt dế hay chơi những trò trẻ con. Đối với cậu bầu trời từ lâu đã chẳng còn là một tấm thảm xanh mướt, mộng mơ.
Mưa quay cùng nắng hạ, hoa gạo trổ đỏ rực bến sông.
Những con đò thường hay qua lại chốn này, chở người đi, chở nỗi niềm về nơi xa vắng.
Loáng thoáng đàn sâm cầm bơi bên kia đầm lầy, lau sậy trắng toát phất phơ theo gió nhẹ.
Có đôi lúc, những chiến thuyền khổng lồ của triều đình hành quân ngang qua vùng quê hẻo lánh này. Cờ thương sáng rực, khói lửa đen ám dần tan ra thành mây mỏng, không để lại chút dấu vết gì.
– Những con thuyền đồ sộ kia để làm gì?
– Chắc để săn lũ quái vật hung hãn ngoài biển? – Lũ nhóc láo nháo bàn tán.
– Biển có lớn lắm không?
– Lớn như vầy nè!
Đàn trâu nằm dài dưới bóng nắng. An bé nhỏ chạy trên con đê đuổi theo chiến thuyền lạ. Cậu cứ chạy, chạy mãi. Trèo lên mấy tảng đá lớn. Xuyên qua lùm bụi um tùm. Những vùng trũng ẩn chứa vô vàn hiểm nguy. Hay ngọn núi kia ngân vang tiếng chuông chùa. Cuối cùng cậu đứng thẩn thờ trên bến sông, nhận ra mảnh đất mình đang sinh sống quá nhỏ bé, tầm thường. Vùng trời kia bao la, vô tận. Lâu đài nguy nga, thành trì sừng sững, chiến hạm chất đầy súng pháo. Hàng hàng xa kị hùng dũng tiến về biên cương.
Cậu khao khát muốn nhìn thấy kì quan, cậu khao khát muốn khám phá thế giới. Nhưng con người cứ ngày ngày bị cuốn vào vòng quay cơm áo, mưu sinh, chẳng thể nào thoát ra được. Vùng vẫy cũng vô ích, trăn trở hằng đêm chỉ khiến ta thêm u uất, trầm buồn.
Lúc An bé nhỏ ngồi ủ rũ dưới gốc xoan già thì cô bé ấy theo xuồng cập bến. Cậu không biết cô bé là ai, nhưng vẻ đẹp đến ám ảnh đó, cậu không thể nào quên được cho đến mãi mãi về sau. Từng nét mi, đường mày, bờ môi hay mái tóc tuôn dài ngang hông. Cô bé ôm chồng sách lướt ngang qua cậu, hương vải vóc thêu hoa, mùi giấy mực thanh tao, có vẻ cô bé từ Thăng Long tới:
– Thăng Long… là cái nơi có nhiều nhà lớn và lâu đài à?
– Tao chỉ nghe kể thôi, chưa bao giờ đến đó!
– Xa lắm mày ơi!
Đối với con nít thì từ xa lắm là bao xa? Cách một ngọn núi? Cách một dãy sông? Cách một cánh đồng lúa nếp? Cậu thả trâu bên này và phát hiện nhà cô bé bên kia. Tòa phủ đệ có hàng cau thẳng tắp, mái ngói xanh rêu, bờ tường cỏ mọc lưa thưa. Cậu hay ngồi trên gò đất ngóng trông, mong chờ một phép màu xa vời. Bụt sẽ xuất hiện biến cậu thành hoàng tử ư? Một tên hoàng tử to lớn kì cục nhất đất nước này. Cô bé sẽ bỏ chạy dù cậu có khoác lên mình hàng tá những gấm vóc lụa là. Cậu chỉ là một tên chăn trâu hôi hám mà thôi, An bé nhỏ à!
Đến tận mười ngày sau, qua mười ngày nhớ thương ám ảnh, cậu mới có dịp gặp cô bé lần nữa. Và lần này cô bé đang ngồi một mình ngoài bờ sông, khóc. Ừ đúng rồi, cô bé cứ khóc thút thít. Phải tự vả mặt mình đến hai mươi lần, hai mươi lần quay lưng bỏ đi, hai mươi lần chùng chình không cam tâm, An mới lấy đủ dũng khí tiến lại gần cô bé:
– Tại sao cậu lại… khóc?
Con tim An bé nhỏ đang đập loạn nhịp lên, mái tóc cô bé suôn dài phủ nhẹ lên trảng cỏ, và bàn tay nhỏ nhắn ấy đang lật mở từng trang sách. Màu giấy cũ, mùi mực thơm, giọt nước mắt trong veo. Cô bé từ từ quay lại, khẽ nghiêng đầu nhìn cậu lạ lẫm. Không biết nữa, An bé nhỏ chỉ muốn bỏ chạy thật nhanh, nhưng ngoài dự đoán của cậu, cô bé bất chợt mở lời:
– Mình có gặp cậu một lần lúc vừa đến đây, hình như khi ấy cậu cũng buồn đến muốn khóc!
Cô bé gạt nước mắt, thủ thỉ trò chuyện với An bé nhỏ. Cậu những tưởng khi nhìn thấy bộ dạng quái dị rách rưới của cậu cô bé sẽ sợ hãi, bỏ chạy, hoặc vừa chạy vừa hét toáng lên. Rồi người thân của cô bé sẽ kéo đến đánh đập An bé nhỏ tàn nhẫn. Đằng này, cô bé cư xử rất bình thường, ánh mắt thì trong veo, khiến người ta dễ chịu làm sao. An bé nhỏ gãi gãi đầu ngượng ngùng:
– Không ngờ cậu để ý và nhớ đến mình… thật ra hôm đó mình buồn vì không đủ tiền đi học… suy nghĩ lung tung, sau đó tự oán trách mọi thứ, còn cậu… sao cậu lại khóc?
– Mình ư… thôi quên chuyện đó đi, tụi mình làm bạn nha, mấy ngày ở đây mình buồn sắp chết rồi!
Lời đề nghị của cô bé khiến An bé nhỏ đứng sững như trời trồng. Cho đến tận nửa đêm hôm ấy An bé nhỏ vẫn không thể nào ngủ được. Cư trăn trở trên giường tre mãi. Làm bạn với một cô bé nhà giàu, lại xinh đẹp, đáng yêu như thế? Cậu đang mơ chăng? Nếu là mơ hãy để giấc mơ điên rồ này kéo dài ra vĩnh viễn.
Thế rồi hai đứa trẻ có một mùa hè tuyệt vời bên nhau. Cô bé hay đem sách sử ngồi đọc cho An bé nhỏ nghe. Sử sách đấy, những dòng chữ tuy khô khan nhưng lại có khả năng khơi gợi trí tò mò và đem đến những cảm xúc mãnh liệt. Ba lần chiến thắng trên Bạch Đằng giang. Đại chiến sông Như Nguyệt. Hàm Tử thây trôi nghẽn nước. Chương Dương lửa cháy sấm rền. Bao nhiêu vị vua anh tài, bao nhiêu vị tướng lừng lẫy hiện ra trên giấy ngà. Bao trận chiến kinh thiên động địa, triều đại này diệt vong, triều đại khác nổi lên lừng lẫy. An bé nhỏ nằm dưới tán cây đa già, nhắm mắt lại, nghe giọng kể dịu dàng của cô bé, tưởng tượng cảnh chiến kị hí vang trời. Thành Thăng Long đỏ lửa, biên ải heo hút người.
Buổi chiều An bé nhỏ nắm tay cô bé đi ăn trộm trái cây ở cuối xóm, hay đơn giản là tìm một gò đất cao để ngắm ánh hoàng hôn đỏ rực, khung cảnh làng quê thật yên bình.
– Ở kinh thành có nhiều lâu đài lắm ư? – An bé nhỏ ngây ngô hỏi.
– Nhiều, nhưng mà nơi ấy rất buồn…
Cô bé trầm ngâm không nói tiếp. An bé nhỏ gối đầu lên đám mây nhẹ tênh. Đàn cò sà xuống khoảng ruộng vắng. Lau sậy xa xa nơi chân trời. Vóc dáng mảnh mai, thanh tao của cô bé, mái tóc dài phủ xuống những mộng mơ. An bé nhỏ cũng không nói gì, cứ lặng ngắm vẻ đẹp của cô bé từ phía sau.
Đi hết con đê này sẽ đến một mái đình vắng, sân đình có một cây xoài khổng lồ đang trĩu quả. An bé nhỏ nắm tay cô bé băng qua cung đường nhấp nhô. Nhưng lỡ chân vấp ngã, cô bé vô tình đánh rơi quyển sách xuống sông sâu. An bé nhỏ chưa kịp làm gì thì cô bé đã liều mình lao theo dòng nước xoáy.
– Nguy hiểm lắm! – An hét lên.
– Quyển sách… tớ tìm được rồi nè!
Cô bé cứ mặc kệ thân mình, giơ tay nâng quyển sách lên cao, uống vài ngụm nước cũng không sao, chỉ cần con chữ không bị nhòe ướt. Vất vả lắm An bé nhỏ mới cứu được cô bé, dìu cô ngồi co ro dưới hiên đình. Mái ngói rêu phong, cỏ hoang, hoa dại. An bé nhỏ đốt một đống lửa nhỏ để cả hai cùng sửi ấm.
– Quyển sách ấy còn quý hơn cả sinh mạng của cậu à? – An bé nhỏ tròn xoe mắt nhìn cô bé.
– Nó không phải là một quyển sách bình thường… nó là Sử kí đấy!
– Sử kí?
– Tất cả linh hồn của dân tộc đều nằm trong đây!
Lúc ấy, An bé nhỏ không thể hiểu những lời của cô bé, cùng thái độ trân trọng hết mực quyển sử kí kia. Nhưng nhiều năm sau này, lúc phiêu bạt qua những thành trì đổ nát, An bé nhỏ vẫn mãi dằn vặt mình về mảng kí ức xưa. Trăn trở, hoài nhớ, đau lòng. Vĩnh viễn.
Mưa lất phất thêm âu sầu. Mái lá cũ tơi bời theo gió cuốn. An bé nhỏ chỉ muốn mưa tạnh thật nhanh. Đã qua giờ hẹn với cô bé. Chắc cô bé đang đợi mỏi mòn? Chắc cô bé chưa đến? Xoài chín rụng đầy sân. Hiên đình xưa vắng lạnh. An bé nhỏ không ngờ lần trễ hẹn đầu tiên này cũng là lần cuối cùng mình gặp cô bé. Bạn giận dỗi ư? Hay bạn bận việc gì? Đời người là những cuộc chia ly, An bé nhỏ còn quá nhỏ bé để hiểu hết lẽ vô thường của trời đất.
Cậu ngồi trên đỉnh đồi than trách, thất vọng não nề. Chắc bạn coi khinh mình, không muốn chơi với mình nữa. Chắc bạn vừa nhận ra An bé nhỏ chỉ là một tên nghèo mạt, bẩn thỉu. An thẩn thờ đi dưới màn mưa mỏng. Ếch nhái kêu ran ven đường. An lặng thinh đứng dưới mái nhà dột nát, bầy gà lúc rúc trú mưa. Mẹ đang gọi An bé nhỏ vào nhà, mẹ mắng cậu sao ham chơi thế. Cậu nằm trên ván tre, trăn trở suốt đêm dài.
Ngày hôm sau, và ngày hôm sao nữa, người ta không thấy An bé nhỏ đi chăn trâu như mọi khi. An đổ bệnh, An u hoài.
Bốn ngày trôi qua, An đã chịu đựng đủ rồi, cậu bé quyết tâm đứng dậy, chạy vụt ra khỏi nhà, từ cuối xóm lên đầu làng, băng qua ruộng lúa chín vàng, băng qua cánh đồng nếp mới.
An cứ rảo quanh bờ tường cũ, dinh phủ im ắng tiếng người. Hàng cau già trơ trơ vài buồng chín. Không ai hái quả cau khô, không ai chăm bón dây trầu. Không ai canh gác ngoài cửa như mọi khi. An bé nhỏ lấy hết can đảm bước vào trong. Băng qua khoảng sân vắng, tất cả chỉ là một màu tối tăm, buồn rũ. Cô bé đã đi rồi, chẳng còn ai sống trong tòa dinh phủ này nữa.
An bé nhỏ chạy như bay ra bến sông, nơi An gặp cô bé lần đầu, bao hối hả xoay vần cùng lo lắng. Bến sông vắng tanh, cây xoan già ủ rũ. Cuối cùng chỉ còn An bé nhỏ chơ vơ đứng cùng cái bóng của mình. Đò đã rời bến và dáng ai nhỏ xíu đang nhìn về nơi rất xa.
Giấc mơ ấy trôi qua nhanh như một cơn gió, hay cơn mưa rào. An bé nhỏ mở mắt ra, vẫn tán cây đa già lao xao, vẫn bầy trâu gặm lúa non ngoài kia, vẫn là An bé nhỏ nhút nhát. Cô bé không đến nữa và An bé nhỏ tiếp tục bị người ta đánh đập, khinh miệt.
Tòa phủ đệ bỏ hoang, lúa trổ, qua mùa gặt, cau chín đỏ rụng đầy sân. An bé nhỏ vừa chăn trâu vừa lẩm nhẩm kể những câu chuyện lịch sử hào hùng, người ta nói An bé nhỏ là một cậu nhóc dở hơi, cái ăn còn không lo nổi, suốt ngày mơ mộng chuyện bình định thiên hạ. Suốt ngày mơ về một cô bé nhà giàu không có thật. An bé nhỏ gào lên: “Cô bé có thật, có bé đã đọc cho tao nghe những câu chuyện này, là sử sách, là Sử kí đấy!”. Thế là An bé nhỏ bị người ta hợp sức đánh đập, cười nhạo.
Một năm trôi qua, An bé nhỏ vẫn nhớ đến cô bé ấy, nhớ giọng đọc dịu dàng ám ảnh, vẫn chăn trâu, vẫn bị người ta đánh đập, nhạo báng.
An bé nhỏ ngồi dưới mái đình, năm nay xoài trổ quả nhiều hơn, ngọn lửa cũ đã tàn. An bé nhỏ đau lòng nhớ đến vóc dáng mảnh mai của cô bé, mái tóc dài phủ kín bờ vai, cô bé cứ đứng chơi vơi ngắm sông sâu, mây chiều. Ánh mắt ấy rất đẹp, và buồn, mênh mang như dòng nước.
Ba năm trôi qua, mẹ tính chuyện cưới vợ cho cậu nhóc An, nhưng nhà cậu nghèo nổi danh cái xứ này, chẳng ai chịu cưới cậu, và An bé nhỏ vẫn bị người ta đánh đập, hà hiếp.
Năm năm trôi qua, những câu chuyện lịch sử xưa cái nhớ cái quên, lâu lâu tự nhiên nhớ lại cậu ngồi kể với tảng đá, gốc cây. An bé nhỏ vẫn nghèo túng, vẫn bị đánh đập khinh miệt, bị mang ra làm trò vui cho thiên hạ, cho bọn nhà giàu.
An bé nhỏ mười tám tuổi, cậu được một vinh hạnh tuyệt vời là đi lính. Không ai tự hào về cậu, người coi đó là lẽ đương nhiên, bọn nhà nghèo thường bị đẩy ra chiến trường, chết mất xác đâu đó, bị quên lãng như một hạt bụi.
Vào doanh trại, An bé nhỏ nhút nhát tiếp tục bị đánh đập, bị mang ra làm trò đùa. Cậu chẳng thể nhớ những câu chuyện lịch sử xưa, đến tên mình viết thế nào cậu còn không biết thì sử với chả sách làm gì cho mệt đầu. Và cô bé ngày xưa, xin lỗi, cô bé nào vậy kìa, sao tao không nhớ?
Hai năm trong quân ngũ dần biến An bé nhỏ thành một tên lính quèn, cục cằn, lầm lì, có ánh mắt đen thẳm. An bé nhỏ vẫn bị bọn tướng lĩnh, đội trưởng, hỏa đầu đánh đập, mỗi lần bị đánh cậu thường kêu thét như heo, cả doanh trại lấy đó làm vui, thường ném thưởng nhiều đồ ăn cho An bé nhỏ. Cậu cứ bò lăn dưới đất cát, ăn lấy ăn để, ăn ngấu ăn nghiến.
Hai mươi tuổi, An bé nhỏ vẫn là tên lính quèn nhưng là tên tính quèn cao lớn, vạm vỡ nhất cái nước Đại Ngu này.
*
Nhiều năm nữa trôi qua, năm hay sáu năm gì đấy, người ta thấy xác của An bé nhỏ trôi ngang sông chùa. Chẳng ai quan tâm đến một cái xác mặc quân phục. Hàng chục vạn quân lính triều đình đã chết, không chết trong trận Đa Bang cũng chết hết ở trận Hàm Tử, vua quan nhà Hồ thì bị bắt sống cả thảy, bị đày qua bên kia biên giới. Nông dân vẫn phải làm ruộng, đóng thuế, cắm mặt cho đất, bị bóc lột đến cùng cực. Chẳng ai quan tâm đến xác chết. Có quá nhiều xác chết lềnh bềnh trôi nổi trên sông rồi.
Xác của An bé nhỏ vẫn nằm đấy, bị cá rỉa, bị quạ mổ, bị ghẻ lạnh cho đến khi có một sư thầy trẻ măng, trùm kín đầu lôi xác cậu lên bờ. Tiếp tục khổ sở kéo lê xác cậu về phía ngọn núi gần đó.
Chuông chùa rạn vỡ, thời kì thanh bình đã kết thúc, vó ngựa giày xéo khắp làng mạc, thành trì. Nhà Hồ sụp đổ, Đại Ngu diệt vong, tượng Phật bị giặc cướp bóc, nung chảy để đúc súng đạn bắn vào dân ta . Máu chảy, đầu rơi, máu chảy. Vất vả lắm sư thầy mới kéo nổi cái xác khổng lồ bị ngấm nước của An bé nhỏ đến sân chùa. Mái ngói cong và lầu kinh cổ kính. Sư thầy ngồi bệt xuống đất, thở hắc ra mội hơi, mệt nhoài.
– Này đứng dậy đi, đừng giả vờ nữa!
Người ta phát hiện An bé nhỏ chưa chết, chỉ bị ngâm nước hơi lâu và thần kinh thì ngờ nghệch hoảng loạn. Những điều kinh khủng cậu đã trải qua mọi người có thể lờ mờ đoán được. Nhưng chẳng ai rảnh để quan tâm đến cậu, một tên lính quèn thua trận, may mắn còn sống.
*
– Ngoài kia không khí rất trong lành, cậu hãy mở cửa ra hít thở một chút đi, đừng giam mình trong đó nữa!
An bé nhỏ không trả lời, không qua tâm, mỗi đêm gặp ác mộng cậu thường kêu thét như heo. Bây giờ An bé nhỏ vẫn đang kêu thét như heo.
– Cậu mở cửa ra đi An bé nhỏ, nhìn kìa lúa đang trổ đồng kìa, bầy trâu nữa, chúng tinh nghịch và hiền lành hệt như lũ trâu cậu chăn lúc nhỏ!
An bé nhỏ tức giận đập nát chiếc bàn, lầm lì không nói gì hết, một ngày cậu vẫn ăn ba bữa, tốn hao biết bao nhiêu cơm gạo của chùa, tuy nhiên sư thầy trẻ măng ấy vẫn đều đặn mang cơm đến cho cậu. Kiên trì trò chuyện với cậu.
– Hôm nay là mười ngày rồi An bé nhỏ, cậu không nhớ ánh mặt trời sao, giọt mưa tí tách ngoài hiên, cơn gió mát lành chưa kìa!
– Cút đi!
An bé nhỏ gầm gừ, hình như cậu đã đấm nát luôn chiếc giường tre của nhà chùa. Sư thầy buồn bã đi ra bến sông, vẫn kín đáo trùm hết cơ thể không để lộ thân phận. Nước trôi mãi miết, ván thuyền lềnh bềnh, những vết tích thảm hại của cuộc chiến vừa qua. Triều đình sụp đổ, đất nước diệt vong, quân Minh càn rỡ cướp bóc khắp nơi. Cung điện bị hủy hoại, sách vở văn vật mấy trăm năm bị đốt phá sạch sành sanh. Con trai thì bị thiến làm thái giám, con gái bị cưỡng bức tàn nhẫn hay bị bắt làm nô lệ. Phường heo chó lang thang ngoài đường, kẻ có học trốn chui trốn nhủi vào rừng núi để giữ mạng chờ thời. Phải chờ bao lâu, phải cắn răng chịu nhục đến bao giờ?
– Sớm muộn gì chúng cũng kéo đến đây phá hủy ngôi cổ tự!
– Chùa chúng ta được xây dựng từ những buổi đầu của Đại Việt, tích trữ bao nhiêu phù điêu, văn bia, sách vở quý giá… Sư tăng phải quyết tâm bảo vệ chùa đến hơi thở cuối cùng!
Sư thầy loáng thoáng nhìn cảnh lửa đỏ bên kia sông, quân giặc đang nghênh ngang đốt phá khắp nơi. Vó ngựa hung hăng, súng đạn bạo ngược. Những con voi chiến oai hùng ngày nào, là biểu tượng của sức mạnh Đại Việt đang bị giặc tùng xẻo, vùi xác xuống bùn tro. Lăng tẩm bị lật tung lên, tông miếu bị giật sập đổ. Đất Đông Đô đẹp đẽ thuở xưa giờ biến thành vùng đất chết. Không kịp rồi, không thể chờ nữa. Sư thầy bần thần đứng dậy, ngờ đâu một cơn gió cuốn thổi tung mũ trùm đầu. Mái tóc người xổ bung ra, tuôn dài đến thắt lưng, bối rối, lặng thầm. Dáng nàng in trên nền trời đổ rực, mây vần, mây tan vỡ. Không phải sư thầy, thì ra là một cô gái xinh đẹp với nước da trắng toát kiêu sa. Cô gái vội vàng trở về chùa, màn đêm buông xuống và ánh trăng lên. Tiếng ác là lạnh lẽo. Cô gái vừa nghĩ ra một đối sách hay có thể thuyết phục An bé nhỏ rời khỏi căn phòng tối tăm đó.
*
– Tôi đọc cho cậu nghe tiếp nè An bé nhỏ, chuyện Đại Thắng Minh hoàng đế, lúc nhỏ ông cũng chăn trâu giống cậu nè… lấy bông lau làm cờ, cùng lũ trẻ dàn trận tập đánh nhau!
– Sau đó thì dẹp yên các sứ quân, lên ngôi hoàng đế chứ gì?
An bé nhỏ ngồi tựa vào vách, hai con người chỉ cách nhau một tấm gỗ, hình như giọng cậu đã điềm tĩnh lại và bớt cáu kỉnh hơn.
– An bé nhỏ… cậu vẫn nhớ những câu chuyện mình kể khi xưa! – Nàng thủ thỉ bằng chất giọng nghe buồn làm sao.
– Nhớ… nhớ thì được gì… tôi vẫn là một tên chăn trâu nghèo mạt… cậu vẫn là một cô tiểu thư xinh đẹp, giàu có, xa vời… Do lúc nhỏ chúng ta quá ngây thơ nên chẳng ai nhận ra sự thật đó!
– Không còn đâu, nước mất nhà tan, ai cũng khổ sở như ai thôi An bé nhỏ à!
– Đừng kể nữa Bình An, hãy để tôi yên tĩnh một chút!
An bé nhỏ đã chịu trò chuyện với nàng, nhưng cậu vẫn không muốn rời khỏi căn phòng tối tăm đó. Sân chùa hoa nở, hương sứ trắng ngào ngạt thơm. Ngày ngày nàng vẫn đến, đọc sử sách cho cậu nghe, dù An bé nhỏ có muốn hay không. Mục đích của nàng là gì? Đôi lúc cậu tự hỏi rồi đăm ra khó hiểu. Chỉ là lưu luyến tình bạn xưa ư? Đâu có ai rảnh như thế, ngồi đây huyên thuyên với một tên lính quèn bại trận như cậu?
– Mục đích của cậu là gì, nếu cậu muốn tôi đi đánh nhau, giết giặc, hay làm gì đó, xin lỗi… không bao giờ tôi đụng đến đao kiếm nữa!
– Tại sao? Cậu cao lớn khỏe mạnh thế kia, cậu sẽ trở thành chiến binh giỏi nhất đất nước này!
– Cậu cút đi!
An bé nhỏ gào lên, nàng sững sờ đứng trước khoảng sân, gương mặt buồn bã. Rõ rồi, nàng cứu cậu vì cậu là người to khỏe, vạm vỡ nhất đất nước này. Nàng cứu cậu là để tống cậu lên chiến trường lần nữa. Đánh nhau với một lũ man rợ, dữ dằn, đánh nhau không vì mục đích gì cả. Cậu vẫn sống sót là do cậu có chút giá trị để người ta lợi dụng, nhưng xin lỗi, bọn họ đã nhầm, An bé nhỏ vẫn chỉ là một tên lính quèn nhút nhát. Không ai biết rằng khi ở Đa Bang cậu đã tự đâm chân mình bị thương để khỏi phải ra trận. Ở Hàm Tử cậu là kẻ vứt bỏ vũ khí đầu tiên, cắm đầu chạy ngược về, đồng đội thấy vậy liền thi nhau đào ngũ thành ra thế trận quân nhà Hồ tan vỡ, giặc Minh thừa cơ đánh tràn, cuối cùng bảy vạn người tử trận, thây trôi nghẽn cả nước. Cậu bám vào mớ xác ấy, trôi nổi suốt mấy ngày, cuối cùng dạt vào sông chùa. Được nàng cứu giúp. Trơ trẽn ăn uống và ngủ khò suốt cả tháng trời:
– Tôi sẽ không bao giờ bước ra khỏi căn phòng này, dù có bị bỏ đói đến chết!
Đã tuyệt vọng thật rồi, bao nhiêu chuyện anh hùng, sử sách cũng không thể biến An bé nhỏ trở nên vĩ đại. Ngày hôm sau, nàng vẫn đến, ngồi tựa vào cửa lật mở từng trang sách cũ, nàng không kể chuyện cho cậu nghe nữa, chỉ những cái thở dài, buồn hắt hiu.
Ngày hôm sau, và ngày hôm sau nữa nàng vẫn đến, nàng đi quanh khu hành lang hẹp, bụi gỗ bay bay, tiếng vó ngựa rì rầm ngoài kia. Quân giặc đang đốt phá khắp xóm làng. Lửa đỏ rực vầng đông. Người chết và tiếng khóc than ai oán. An bé nhỏ bịt tai lại, nhắm nghiền mắt rên rỉ như một con vật đáng thương:
– Tôi biết cậu nghe thấy mà An bé nhỏ, họ đang cầu cứu, họ đang ca thán đấy, xin cậu đừng trốn tránh nữa!
– Cút đi, cút đi, đừng quấy rầy tôi!
An lăn lộn trên mặt đất, An kêu thét như heo. Hãy để An bé nhỏ yên. Đã tuyệt vọng thật rồi, nàng thẫn thờ khuỵu xuống, khóc nức nở:
– Cậu biết không An, tôi không giấu cậu nữa… Cha tôi đúng là đại quan trong triều đấy, tuy chỉ là một ông quan chép sử nhưng ai cũng phải nể trọng ông ấy. Giặc đến rồi, tướng lĩnh chết hết rồi. Cha tôi đành phải ra trận dù ông chẳng biết gì về đánh nhau. Ông chỉ là một người chép sử thôi An à… Giặc đang đốt phá ngoài kia, giặc muốn hủy diệt hết văn vật, sử sách của nước ta, giặc muốn nô lệ dân ta vĩnh viễn. Ông phải ra trận An bé nhỏ à… Ông phải bảo vệ ngôi chùa cổ này cùng bao nhiêu sách vở cất giữ nơi đây. Trong đó quý giá nhất là bộ Đại Việt sử kí mà tôi hay đọc cho cậu nghe. An bé nhỏ, tôi mang áo giáp và bảo kiếm đến cho cậu… Xin cậu hãy cùng ông ra trận… Tôi biết cậu không phải là một tên lính bình thường. Bộ giáp này là của Đô tướng. Và cả triều đình chỉ có năm mươi Đô tướng mà thôi…
– Bốn mươi chín tên Đô tướng kia đã chết hết rồi Bình An. Một mình tôi chẳng thể làm được gì. Một ông quan chép sử trói gà không chặt chẳng thể làm được gì. Cậu thân nhi nữ cũng chẳng thể làm được gì. Hãy để đất nước này sụp đổ, dân tộc này diệt vong đi! – An vừa đấm mạnh vào tường vừa gào thét.
– An bé nhỏ…
Nàng đánh rơi bộ giáp cùng thanh kiếm xuống nền gạch. Lửa vẫn cháy ngoài kia và ông quan chép sử già yếu đang khoác áo choàng trắng, kéo cương ngựa hiên ngang tiến về phía chân trời. Nàng khóc suốt buổi tối hôm ấy. Tiếng súng nổ, tiếng chém giết ầm ĩ, tiếng tàn quân xông pha trận mạc. Và im ắng, lửa lụi tàn, chiến trận kết thúc. Nàng đổ sụp, tinh thần dần rệu rã, nàng thôi không khóc nữa. An bé nhỏ ngồi tựa vào vách, ngẩng đầu nhìn bụi than bay bay che phủ ánh trăng ngà.
– Cậu nhớ không An bé nhỏ, lần thứ hai chúng ta gặp nhau. Tôi đang ngồi khóc trên bến thuyền… Rồi cậu bước đến, cậu hỏi rằng vì sao tôi khóc? Tôi không trả lời cậu cho đến mãi về sau… Nhưng câu hỏi năm xưa tôi vẫn nhớ. Vì sao tôi khóc ư? Vì tôi nhận ra mình là thân nhi nữ, dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể thi cử trở thành quan chép sử như cha. Dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể bảo vệ được bộ sử kí này. Đại Việt sử kí… Linh hồn của tiên tổ cha ông đều nằm trong đó. Linh hồn của cả dân tộc… Tôi đi đây An bé nhỏ, tạm biệt cậu!
Sáng hôm sau nàng không đem cơm cho An bé nhỏ nữa, trưa cũng không thấy nàng, buổi chiều chìm vào mây phủ. Mưa ầm ĩ, cái đói khiến An bé nhỏ thấp thỏm không yên. Mưa nhiều hơn. Mưa đùng đùng ngoài hiên vắng. Những hàng cây gãy đổ theo gió cuốn. Sấm chớp điên cuồng, thịnh nộ. Cậu muốn phá tan cánh cửa này, cậu muốn vượt qua nỗi sợ hãi nguyên thủy. Nhưng cuối cùng An bé nhỏ ngồi gục xuống, ôm đầu, co rút. Cái cơ thể khổng lồ của cậu nhìn thật thảm hại. An bé nhỏ dần hòa mình vào bóng đêm và cơn mưa rả rích khiến cậu thấy an toàn hơn bao giờ hết. An toàn, chất chứa, khổ đau. Lâu thật lâu thì có tiếng người lục đục ngoài cửa. An bé nhỏ giật mình thốt lên:
– Là cậu hả… Bình An?
– …
– Bình An ơi!
– Im đi tên chết tiệt, đừng hỏi nữa, Bình An đã đi rồi!
Thì ra là tiếng của một chú tiểu, An bé nhỏ lại gần cánh cửa hơn:
– Cô ấy đi đâu?
– Cầm gươm, cùng cùng sư sãi trong chùa xuống núi đánh giặc!
– Không thể nào, Bình An chỉ là một cô gái yếu ớt!
– Ừ… Nhưng chị ấy còn dũng cảm hơn tên chết bầm nhà ngươi gấp trăm lần. Thật khốn nạn, chị ấy đi nộp mạng mà vẫn dặn dò tôi đem cơm cho ông!
Chú tiểu ném bát cơm xuống đất rồi giận dữ bỏ đi. Khu hành lang trống vắng. Cơn mưa lất phất nhẹ hạt rồi tạnh hẳn. Chẳng ai biết An bé nhỏ nghĩ gì. Chẳng ai quan tâm, trận chiến dưới núi đang diễn ra, hay sắp kết thúc? An bé nhỏ vẫn ngồi khóc như một đứa trẻ. Đứa trẻ to xác, nhút nhát, hèn mạt nhất thế gian. Khi nước mắt cạn rồi An bé nhỏ gồng tay đập nát cánh cửa ngăn cách. Từng bước chân hùng hổ đi dọc khu hành lang tối tăm. Những bức tượng Phật, La Hán trầm buồn trong bóng tối. Văn bia cổ kính, thư phòng chất đầy sách vở. An bé nhỏ băng qua giếng ngọc và khu vườn kinh kệ. Cuối cùng đến chính điện của chùa. An bé nhỏ lặng lẽ đi vào trong, chỉ còn năm hay bảy chú tiểu cầm gậy gộc bảo vệ một chiếc rương gỗ nằm dưới chân Phật Tổ. An bé nhỏ lại gần hơn thì thấy thanh bảo kiếm cùng áo giáp của mình đã được đặt ngay ngắn cạnh đó. An bé nhỏ bình thản mở rương gỗ, bên trong chất đầy sách vở, cậu nhận ra những quyển sách này. Những quyển sách Bình An hay đọc cho cậu nghe, chúng là “Đại Việt sử kí”. Nước có thể mất, nhà có thể tan, chùa chiềng, văn bia có thể bị đốt phá tan tành, nhưng bộ sử này phải được bảo vệ, gìn giữ đến hơi thở cuối cùng. An bé nhỏ khẽ nâng niu quyển sử kí, vẫn nhớ những ngón tay mảnh mai của nàng lật mở từng trang giấy ngà, và chất giọng dịu dàng mãi không thể quên ấy.
An bé nhỏ gục đầu, ngoài kia có một toán quân lính đang xông vào, giáp khiên hung ác, vó ngựa nóng rẫy. Không phải nghĩa quân mà là giặc Minh hung bạo. An bé nhỏ cầm chặt chuôi kiếm. Thở dài. Thì ra cái chết không có gì đáng sợ. Như cha nàng, một ông quan chép sử dù ốm yếu vẫn hiên ngang cưỡi ngựa xông pha trận mạc. Như nàng, Bình An. Bình An của ta! Bình An dũng cảm nhất thế gian!
An bé nhỏ dựng kiếm đứng vụt dậy, thân thể cậu to lớn như một con gấu khổng lồ. Cậu sừng sững đi ra phía cửa, vung kiếm, chặt lìa, đảo kiếm, chặt đôi. An bé nhỏ tiếp tục men theo con đường này, xuống núi, gặp ai đều giết nấy. Không kị sĩ, chiến binh nào có thể đánh bại cậu, Đô tướng của triều đình, An bé nhỏ có thân hình to lớn cùng sức mạnh khủng khiếp. Cậu thỏa sức chém giết đến khi trời gần sáng, giặc dùng cung nỏ bắn cậu bị thương khắp người. Cậu vẫn tiến lên không ngừng nghỉ. Giết. Giết. Giết. Giết đến tên giặc cuối cùng. Vẫy vùng với máu và cơn cuồng nộ bất tận. Cậu gầm lên như sấm sét. Vang động cả núi rừng.
Đến cuối cùng, cậu dừng lại, chống thanh kiếm đỏ ngầu xuống đất bùn. An bé nhỏ quỳ gối, giơ hai cánh tay to khỏe phi phàm của mình với tới nàng. Bình An đang nằm trên tảng đá kia, hơi thở yếu ớt sắp tàn. Nàng bị đâm xuyên qua bụng. Áo choàng ướt đẫm, mái tóc tuôn dài. Nàng vẫn xinh đẹp đến thế. An bé nhỏ ôm nàng vào lòng, giọt nước mắt muộn màng, ngàn lời xin lỗi để làm gì nữa. Bình An tựa đầu vào ngực An bé nhỏ, cố gắng nở một nụ cười. An bé nhỏ run rẩy và gương mặt đầy máu của cậu trông thật bi thương:
– Đừng… đừng đi mà, tôi sẽ bảo vệ cậu, bảo vệ ngôi chùa, bảo vệ sử sách… xin hãy ở lại với tôi… Bình An!
– Tốt… quá rồi… cha và tôi… chỉ là những kẻ yếu ớt… tự biết không thể bảo vệ… được sử sách… cậu là Đô tướng… cậu có sức mạnh bạt núi… chỉ có cậu…
Nàng gắng gượng, và ánh mắt nàng lúc này yên bình như mặt hồ phẳng lặng.
– Đừng nói nữa… xin cậu hãy ở lại với tôi!
An bé nhỏ gào khóc thảm thiết, nhưng đã muộn màng, chiến tàn, mây tạnh, mặt trời đang nhô lên đằng đông. Nàng nắm chặt tay An một lần nữa, rồi hờ hững buông lơi:
– Chúng tôi quá yếu ớt… chỉ có ngọn lửa cháy rực… trong lòng… tuy hơi thở này cạn… nhưng ngọn lửa… đã kịp truyền… sang cậu… An bé nhỏ… hãy sống… bình… an…
– Bình An ơi… đừng đi mà… đừng bỏ tôi một mình!
Ánh mặt trời tỏa rạng, An bé nhỏ lặng nhìn gương mặt nàng, rồi nhìn non sông đang chìm trong biển lửa. Giọt nước mắt đã cạn, cậu thề không khóc nữa. Mây song song bay giữa trời, An bé nhỏ đứng lên, với thanh kiếm, với áo choàng, với chiếc rương gỗ chứa đầy sách cũ, cậu cứ mãi miết đi qua những thành trì đổ nát, đi qua những năm tháng tang thương của Đại Việt ta.
#Sử_Văn_Các
Tranh: Thụy Phong, đề chữ bởi Kiet T Tran