Đàng Trong (Quảng Nam Quốc) Toàn Đồ

(Lưu ý: Bài viết ghi chép tản mác một số địa danh, chứ không phải biên khảo theo hệ thống, chi tiết hành chính Đàng Trong.)

PHÚ XUÂN

“Đường vô xứ Huế quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”

Năm 1306 đời vua Trần Anh Tông, vua Chiêm Thành Chế Mân dâng 2 châu Ô, Lý cầu hôn công chúa Huyền Trân. Năm 1307, đổi 2 châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá.

Năm 1361, đắp thành Hóa Châu.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hoá mở đầu cho cơ nghiệp của các chúa Nguyễn.

Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Lan dời công phủ đến Kim Long.

Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái dời dựng phủ mới sang Phú Xuân, lấy núi đằng trước (tức núi Ngự Bình) làm án; đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thể chế rất tráng lệ. Lại thấy nước sông ở thượng lưu chảy xói vào phía hữu, sai xây tháp ở bờ sông để trấn áp.

Kinh thành Huế thời Nguyễn

BỐ CHÍNH

“Đò sông Gianh còn đương qua lại

Chợ Ba Đồn một tháng sáu phiên.”

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước.

Năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa nên đánh lấn ra Bắc, giữ sông Gianh cho vững cõi Nam. Chúa Nguyễn lệnh xuất binh, chém Tịch tại trận, rồi chiếm giữ đất, lập làm dinh Bố Chính (bấy giờ gọi là dinh Ngói), biên dân làm binh, đặt 24 đội thuyền.

QUẢNG BÌNH

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà,

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy.”

Thời Lý, từ châu Địa Lý đổi thành châu Lâm Bình, sang thời Trần đổi thành phủ Tân Bình, thời Lê thay đổi nhiều lần thành phủ Tiên Bình, rồi chúa Nguyễn Hoàng lại đổi thành Quảng Bình.

Năm 1631, lũy Nhật Lệ (tức là trường thành Quảng Bình ngày nay) đắp xong. Đầu là chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế sông núi. Bọn Duy Từ đến Quảng Bình xét biết hết những hình trạng cao thấp rộng hẹp. Khi về Duy Từ nói với chúa rằng: “Thần xem từ của biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy Trường Dục”. Chúa ngại khó. Duy Từ nhân cáo ốm, thác ý vào những bài ngâm vịnh để ví, lời rất khích thiết. Chúa liền làm cho.

Bố Chính và Quảng Bình là chiến trường chính của cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh đẫm máu vào thế kỷ 17.

Thành Đồng Hới thời Nguyễn

QUẢNG NAM – THĂNG HOA – HỘI AN

“Ðất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Ðào chưa nhấm đã say.”

Năm 1402, thời Hồ, đánh lấy 2 châu Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành, chia là 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt an phủ sứ lộ Thăng Hoa để cai trị.

Sang thời Hồng Đức đặt thừa tuyên Quảng Nam. Thời chúa Nguyễn Hoàng đặt thành dinh Quảng Nam gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn.

Thương cảng Hội An là nơi người ngoại quốc vào buôn bán tấp nập. Tạo nguồn thu khổng lồ cho Đàng Trong.

Châu Ấn thuyền

QUẢNG NGÃI

“Bao giờ núi Ấn hết tranh,

Sông Trà hết nước anh đành xa em…”

Thời xưa là đất Cổ Lũy của Chiêm Thành, thời Hồ đánh lấy được đổi thành 2 châu Tư, Nghĩa. Thời Hồng Đức đặt làm phủ Tư Nghĩa lệ vào Quảng Nam thừa tuyên. Sang thời chúa Nguyễn Hoàng đổi thành phủ Quảng Nghĩa lệ vào dinh Quảng Nam. Đời Tây Sơn gọi là phủ Hòa Nghĩa. Sang thời Minh Mạng đổi thành tỉnh Quảng Ngãi.

QUY NHƠN – BÌNH ĐỊNH – THỊ NẠI

“Ai về Bình Định mà coi,

Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền.”

Xưa là đất Chà Bàn và Thị Nại của Chiêm Thành. Vua Hồng Đức đánh được, mở đất đến núi Thạch Bi, đặt phủ Hoài Nhơn lệ vào Quảng Nam thừa tuyên. Sang thời chúa Nguyễn đổi thành phủ Quy Nhơn.

Năm 1773, quân Tây Sơn đánh lấy Quy Nhơn và Phú Yên. Ngày sau Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, xây thêm thành cũ Chà Bàn của Chiêm Thành gọi là Hoàng đế thành. Năm 1799, chúa Nguyễn Ánh hạ thành Quy Nhơn, đổi tên là Bình Định, cắt Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đóng giữ.

PHÚ YÊN

“Bước lên đèo Cả

Thấy mả ông Cao Biền

Có đôi chim hạc đang chuyền nhành mai.”

Xưa là đất Bà Đài và Đà Lãng của Chiêm Thành. Vua Hồng Đức viễn chinh, mở cõi đến núi Thạch Bi. Chúa Nguyễn Hoàng đặt phủ Phú Yên, lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên.

Châu Văn Tiếp khởi binh ở núi Tà Lương, dựng cờ đề lên bốn chữ Lương Sơn tá quốc (quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước), để đối đầu với quân Tây Sơn.

BÌNH KHANG – KHÁNH HÒA

“Anh về Bình Định thăm cha

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.”

Xưa là đất Kauthara (Hoa Anh, Cổ Đát La). Vua Hồng Đức hạ Chà Bàn, Bố Trì Trì chạy đến Phan Lung giữ được 1/5 đất cũ. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cử binh tiến đánh, chiếm đất đến sông Phan Rang, đặt 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh, lại đặt dinh Thái Khang. Năm 1690, đổi thành phủ Bình Khang. Năm 1742, đặt dinh Bình Khang.

Thành Diên Khánh thời Nguyễn

BÌNH THUẬN – THUẬN THÀNH TRẤN

“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận.”

Xưa là đất Panduranga (Phan Lung, Hoàn Vương). Năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh đem binh phá được, đặt làm Thuận Thành trấn, cho tự trị. Năm 1697, đặt phủ Bình Thuận, lại đặt dinh Bình Thuận, cho trấn Thuận Thành lệ vào. Trong chiến tranh Tây Sơn, Thuận Thành trấn là chiến trường nơi tranh chấp giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

TRẤN BIÊN – ĐỒNG NAI – BÀ RỊA

“Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người quân tử lạc loài tới đây,

Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về!”

Xưa là nước Bà Lị, ở phía đông nam Chiêm Thành. Thời Đường Cao Tông bị Chân Lạp thôn tính.

Năm 1679, người Minh sang tị nạn, chúa Nguyễn sai vào Đông Phố khẩn hoang, lập hương ấp. Kinh tế phát triển nhanh chóng, phong tục như Trung Hoa. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai, Nông Nại), đặt làm dinh Trấn Biên. Chiêu mộ dân Quảng Bình trở vào cho đến ở, lập thôn ấp, người Thanh cũng được biên tên vào sổ hộ.

Nhà văn Sơn Nam viết:

“Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở Cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm năm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên.”

“Năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn tràn vào Gia Định, đánh Cù lao Phố, chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Quy Nhơn. Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn, sáp nhập với xã Minh Hương sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay.”

Thành Biên Hòa thời Nguyễn

GIA ĐỊNH – PHIÊN TRẤN

“Coi cọp, xuống Thị Nghè

Ăn ve, lên Ông Tố.”

Xưa là đất Phù Nam, sau bị Chân Lạp đánh chiếm. Nhờ có cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1620, mà người Việt được tự do buôn bán, sinh sống ở Sài Gòn, Đồng Nai… Năm 1679, người Minh vào tị nạn vỡ đất ở Đông Phố, Mỹ Tho, dân cư ngày một đông đúc.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Năm 1790, chúa Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái, gọi là kinh Gia Định, làm hậu cứ vững chắc để nhà chúa Bắc tiến thâu phục sơn hà.

Thành Bát Quái thời Nguyễn

MỸ THO – BA GIỒNG

“Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phụng

Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao.”

Xưa là đất Vũng Cù và Mỹ Tho. Năm 1679, Dương Ngạn Địch sang tị nạn, chúa cho đi khai khẩn đất Mỹ Tho. Người Kinh, người Di ở lẫn với nhau, ra sức khai hoang, vỡ đất, lập điền trang rất sung túc. Năm 1772 lập thành đạo Trường Đồn. Năm 1778, lập dinh Trường Đồn.

Ba Giồng là căn cứ của quân Đông Sơn lừng danh một thời. Còn đất Gò Công là căn cứ của Võ Tánh. Cả hai đều được xưng tụng là Gia Định Tam Hùng.

LONG HỒ

“Long Hồ là xứ địa linh

Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng.”

Xưa là đất Tầm Bào. Năm 1732, thấy đất Gia Định quá rộng rãi, chúa chia đất tây nam, đặt châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, lệ vào phủ Gia Định. Năm 1756, vua Cao Miên dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp cho chúa Nguyễn để cầu hòa. Năm sau vua Miên lại dâng đất Tầm Phong Long, Trà Vinh, Ba Thắc. Từ đây thì chúa Nguyễn đã thâu phục gần trọn vùng Thủy Chân Lạp.

Thành Vĩnh Long thời Nguyễn

TRẤN HÀ TIÊN

“Trai nào khôn bằng trai Long Mỹ

Gái nào mũm mĩm bằng gái Hà Tiên.”

Xưa là đất Mang Khảm. Nhà Minh vong, có Mạc Cửu tỉnh Quảng Đông đến chiêu tập dân xiêu tán đến các xứ Phú Quốc, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập 7 xã. Năm 1714, Mạc Cửu xin nội thuộc chúa Nguyễn, phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, đóng ở Phương Thành, được quyền tự trị. Năm 1757, vua Miên là Nặc Tôn cắt 5 phủ trả ơn Mạc Thiên Tứ, Tứ đem dâng cho triều đình. Cho thuộc Hà Tiên quản hạt, lập đạo Kiên Giang và Long Xuyên.

Năm 1772, quân Xiêm cướp phá Hà Tiên, san phẳng thành lũy. Qua nhiều binh biến xáo trộn, năm 1787 chúa Nguyễn Ánh khôi phục được, cho sát nhập hẳn vào quốc thổ.

Sau này Pháp lập Liên bang Đông Dương đã cắt không cho Campuchia khá nhiều đất đai của trấn Hà Tiên cũ, ngày nay là 2 tỉnh Takéo và Kampot.

CÔN LÔN

Năm 1702, đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông Ấn Anh đưa quân đổ bộ chiếm Côn Đảo, xây dựng pháo đài và cột cờ. Nhưng sau đó phải bỏ đi. Nhiều thuyền buôn Châu Âu cũng thường ghé Côn Đảo trên hành trình viễn dương.

Năm 1783, trong chuyến đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của chúa Nguyễn Ánh về Pháp, Bá Đa Lộc tự đứng ra đại diện cho Nguyễn Ánh để ký với Pháp Hiệp ước Versailles. Đây là văn kiện đầu tiên nhượng cho Pháp chủ quyền cửa biển Touron và quần đảo Côn Lôn. Đổi lại, Pháp sẽ giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 người lính Phi để chống lại nhà Tây Sơn. Cách mạng Pháp nổ ra khiến nước này không thực hiện được cam kết trên.

Tương truyền trong đợt thứ 3 bị Tây Sơn truy sát thì Nguyễn Ánh và thuộc hạ đã trốn ra Côn Lôn. Ông sống ẩn dật mấy tháng trời ở đây. Nhưng theo một số ý kiến khác thì Nguyễn Ánh tá túc ở đảo Cổ Long chứ không phải Côn Lôn.

HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bản đồ lãnh thổ Đại Việt. Bộ bản đồ Hồng Đức được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đầu thế kỉ 17: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm.

Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng: “Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”

Năm 1816: Vua Gia Long cho hải đội ra đảo, cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.

NAM BÀN

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục:

“Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương. Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người. Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo… Hai Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ.”

Người Nam Bàn giúp sức rất lớn cho quân Tây Sơn trong suốt cuộc khởi nghĩa.

CHÂN LẠP

Vào thời chúa Nguyễn nam tiến, Chân Lạp suy yếu nghiêm trọng, trở thành vùng đệm cạnh tranh quyền lực giữa Đàng Trong và Xiêm La.

VẠN TƯỢNG

Năm 1694, Vạn Tượng rơi vào chia rẽ và loạn lạc. Đến năm 1707 thì phân làm 3 nước là: Nam Chưởng, Vạn Tượng và Chiêm Ba Tắc. Năm 1778, Chakri dẫn quân Bắc phạt. Các vương quốc Lào lần lượt bị xâm chiếm và trở thành các chư hầu của Xiêm. Viêng Chăn bị cướp bóc sạch trơn. Báu vật được tôn kính nhất, Phật Ngọc, bị đem về Vọng Các và vẫn ở đó cho tới nay. Vị vua ở Viêng Chăn trốn thoát nhưng đã chết một thời gian sau đó, bắt đầu thời cai trị của các vị vua bù nhìn do Xiêm dựng lên.

Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này cũng không ngừng khuếch trương ảnh hưởng sang Vạn Tượng để cạnh tranh với Xiêm La.

Tiêu biểu là sự kiện được Đại Nam thực lục chép:

“Trước kia vua từ thành Gia Định ra đánh miền Bắc, quốc trưởng nước Vạn Tượng là Chiêu Ấn nhiều lần cho binh theo quan quân ở miền thượng đạo đi đánh giặc. Khi Bắc Hà đã định, vua lấy đất Trấn Ninh ban cho.”

Nguồn tham khảo: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam Thực Lục, Toàn Thư, Wikipedia.

Ngoài truyện đăng tải miễn phí trên mạng, chúng mình còn có các tác phẩm xuất bản tại đây:
Phong ma tuyết nguyệt