(Lưu ý: Bài viết ghi chép tản mác một vài địa danh, chứ không phải biên khảo toàn bộ hành chính nhà Trần)
THĂNG LONG
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long.
THIÊN TRƯỜNG
Năm 1289, Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngự đến hành cung Thiên Trường, có làm bài thơ rằng:
“Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu, thử nhất châu.”
(Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười một tiên châu, đây một châu.)
ĐÀ MẠC – CHƯƠNG DƯƠNG – HÀM TỬ
Đầm Dạ Trạch là một đầm lầy tự nhiên, ngày xưa có diện tích rộng lớn, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt đều là bùn lầy. Đầm có nhiều tên gọi khác nhau như Nhất Dạ Trạch (cái đầm hình thành sau một đêm), Mạn Trù Châu (bãi Giăng Màn), Màn Trò, Màn Trù, Tự Nhiên Châu (bãi Tự Nhiên). Theo sách Lĩnh Nam chích quái, sự hình thành đầm Dạ Trạch gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
Nơi đây từng là căn cứ kháng chiến của Triệu Việt vương Quang Phục chống là quân nhà Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy.
Hàm Tử nằm ở tả ngạn sông Hồng gần với bãi Mạn Trù, còn Chương Dương thì nằm ở phía đối diện, hai địa danh lừng lẫy trong câu thơ của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải:
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
QUẢNG NGUYÊN
Năm 1039, động Vũ Kiến thuộc châu Quảng Nguyên dâng một khối vàng sống nặng 112 lạng. Huyện Liên, châu Lộng Thạch, châu Định Biên tâu rằng trong bản xứ có hố bạc.
Năm 1089, Nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động. Người Tống có thơ rằng:
“Nhân tham Giao Chỉ tượng, khướt thất Quảng Nguyên kim.”
(Vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).
BẠCH ĐẰNG
“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”
– Trích Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu
VÂN ĐỒN – HẢI ĐÔNG
Năm 1149, thuyền buôn ba nước Trảo Oa (Java), Lộ Lạc (Locac), Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương. Năm 1184, Người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề (Srivijaya) vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.
Thời Trần, Vân Đồn gắn liền với danh tiếng của Trần Khánh Dư. Có thơ mừng của một người khách phương Bắc rằng: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh), ý vừa kính sợ vừa châm biếm sự thô bỉ của Khánh Dư.
BÌNH LỆ NGUYÊN
Địa danh này gắn liền với tích vua Trần Thái Tông thân chinh đánh giặc Mông Thát: “Năm 1257, vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.”
VẠN KIẾP
Hương ấp của Hưng Đạo Vương, nơi xảy ra rất nhiều trận chiến ác liệt giữa Đại Việt và Mông Nguyên.
BẠCH HẠC
Nơi luyện thủy binh ưa thích của triều đình. Tỷ như năm 1262, triều đình xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.
CHI LĂNG
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng!
lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
gập ghềnh lũng thấp đồi cao
vũng lầy thành ruộng đã bao nhiêu mùa…
Trích Ải Chi Lăng – Nguyễn Duy.
LỘ HỒNG – KHOÁI – TRƯỜNG YÊN – KIẾN XƯƠNG
Năm 1010, vua đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang gọi là sông Thiên Đức.
Năm 1246, chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần: Đinh tráng lộ Hồng và lộ Khoái sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường Yên và lộ Kiến Xương sung vào Thánh dực, Thần sách.
LONG HƯNG – QUỐC OAI – BẮC GIANG – LẠNG GIANG
Long Hưng: là đất huyện Tiên Hưng cũ, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi có lăng mộ của họ Trần. Bọn Ô Mã Nhi đã khai quật lăng Trần Thái Tông để trả thù lần thất bại trước.
Năm 1389, Tháng 12, nhà sư Thiên Nhiên là Phạm Sư Ôn làm phản, hô hào dân chúng tụ họp ở lộ Quốc Oai Thượng, tiếm xưng hiệu lớn.
Thái Tổ Hoàng Đế, họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.
Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu?”
Cự Đà trả lời:“Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy.”
ÁI – DIỄN – HOAN
Năm 1010, Đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại. Năm 1256, lại có lệ phân biệt kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên.
Năm 1284, lúc quân Nguyên đánh gấp, vua ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông. Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào mà không tới tập hợp. Vua làm thơ đề ở đuôi thuyền rằng:
Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê chuyện cũ khanh nên nhớ,
Hoan Diễn hãy còn mười vạn quân)
BỐ CHÍNH – MA LINH – ĐỊA LÝ
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước.
Năm 1075, Lý Nhân Tông đã đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh. Năm 1375, đổi Lâm Bình thành phủ Tân Bình (tương đương với phủ Tân Bình thời Lê sau này, nghĩa là gồm cả đất hai châu Minh Linh và Bồ Chính thời Lý).
Ô LÝ
Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Năm 1307, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá.
AI LAO – LÃO QUA
Năm 1290, vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng: “Giặc Hồ vùa rút, vết thương chưa lành, đâu đã có thể dấy binh đao!”
Vua nói: “Chỉ có thể lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy.”
Từ đấy, hai nước thường xảy ra chiến tranh, đến tận thời Lê, uy phong Đại Việt mới khuất phục được Ai Lao vậy.
CHIÊM THÀNH
Từ thời Bắc thuộc, Chiêm Thành và An Nam đã không mấy mặn mà. Sang thời tự chủ, Đại Việt và Chiêm Thành vẫn thường xuyên nói chuyện bằng binh đao, duy chỉ có thời vua Trần Nhân Tông và Chế Mân là khá thân tình. Nhưng việc tốt đẹp chẳng duy trì được bao lâu.
NGƯU HỐNG – ĐÀ GIANG
Ngưu Hống, Ai Lao thường xuyên cướp phá đạo Đà Giang, vua quan nhà Trần nhiều lần dẫn quân tiễu trừ, nhưng biên cương mãi không yên ổn. Năm 1337, Hưng Hiếu vương dẹp được người man Ngưu Hống. Ông tiến quân vào trại Trịnh Kỳ, đánh tan quân man, chém tù trưởng của họ là Xa Phần. Từ đây Ngưu Hống nội thuộc Đại Việt.
BỒN MAN
Bồn Man là một tiểu quốc nhỏ, dân số khoảng 9 vạn hộ. Nằm kẹp giữa Đại Việt và Ai Lao. Năm 1448, Bồn Man cho người sang cống sừng tê, vàng bạc và con voi ba ngà. Sau khi vua Lê Thánh Tông đánh bại Ai Lao đã cho sát nhập Bồn Man vào Đại Việt, gọi là Trấn Ninh. Qua nhiều xáo trộn chính trị, hiện nay đất này đã mất.
Nguồn tham khảo: Toàn Thư