Trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt 1786-1787, Đại Việt ta tồn tại 5 ông vua cùng một lúc, không ngừng tranh ngôi bá chủ:
1. Tây Sơn Thái Đức hoàng đế Nguyễn Văn Nhạc
Đóng đô ở thành Hoàng Đế Quy Nhơn. Danh xưng Thủ lĩnh áo vải, Minh chủ Tây Sơn, Người đánh đổ bạo tàn, Người mang thóc gạo đến cho bách tính, Chủ nhân của Độc Thần kiếm, Hoàng đế của dải đất miền Trung đầy nắng và bão.
+ Số lượng quân thề trung thành: 20.000 quân
2. Tây Sơn Bắc Bình vương Nguyễn Huệ
Đóng dinh ở Phú Xuân. Danh xưng Bách chiến bách thắng tướng quân, Người thừa kế chân chính của Tây Sơn, Người đánh tan quân Xiêm, Người giải phóng thành Thăng Long, Người phù Lê nhanh và hiệu quả nhất lịch sử, Chủ nhân của Ô Long đao, Đức Chúa mới của dải đất hẹp Thuận Quảng.
+ Số lượng quân thề trung thành: 30.000 quân
+ Số lượng tàu chiến: 400
3. Hậu Lê triều Chiêu Thống đế Lê Duy Khiêm
Định đô ở Thăng Long. Danh xưng Hoàng đế chân chính của toàn cõi Đại Việt, Người thừa kế chính thống của động Lam Sơn, Con cháu truyền thừa chính danh của vị anh hùng giải phóng Đại Việt, Hoàng đế thứ 16 của triều Lê Trung Hưng, Người giữ lửa vĩ đại của tộc Bách Việt, Chủ nhân của Thuận Thiên kiếm, Người đốt phủ chúa Trịnh.
+ Số lượng quân thề trung thành: 200.000+
+ Số lượng quân có thể sai khiển: 200
+ Số lượng tàu chiến: 0
4. Án Đô vương Trịnh Bồng
Dựng phủ ở Thăng Long. Danh xưng Đức Chúa chân chính của toàn cõi Bắc Hà, Người cầm gươm thay Hoàng Đế, Người cưỡi ngựa thay Hoàng Đế, Người dắt voi thay Hoàng Đế, Đại Nguyên soái, Tổng Quốc Chính, Người cai quản thật sự của toàn bộ quân đội và triều đình, Người đánh bại tất cả lũ phản loạn, Người giải phóng thành Thăng Long lần nữa.
+ Số lượng quân thề trung thành: 30.000+
+ Số lượng quân có thể sai khiển: 8.000
+ Số lượng tàu chiến: 50
5. Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh
Đóng đô tạm ở ngoại ô thành Vọng Các (Băng Cốc). Danh xưng Đức Chúa chân chính của toàn cõi Nam Hà, Người thừa kế chân chính cuối cùng của Nguyễn tộc, Người sinh ra trong bão tố, Người không thể khát, Người không thể đói, Người không thể bị bắt, Người sống sót duy nhất và cuối cùng của mọi trận chiến, Chủ nhân của Thái A kiếm, Chúa tể tạm thời của vườn rau ngoài thành Vọng Các.
+ Số quân thề trung thành: 1.000
+ Số quân được hứa cho vay mượn: 1.200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) kèm 4 chiếc tàu chiến loại frégaté
+ Số lượng tàu chiến: 10
Ngoài ra còn có Đông Định vương Nguyễn Lữ, nhưng cậu Tư hiền lành nhất nhà Tây Sơn, luôn giữ thế trung dung, trên danh nghĩa trung thành với Thái Đức đế, binh lực chỉ vài ngàn. Quân Tề Ngôi (Tàu Ô) ngoài biển Đông tuy hung mãnh nhưng rời rạc, chưa phải là một thế lực đáng kể. Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An đang ủ mưu kiến công lập nghiệp, quân tuy đông nhưng uy danh chẳng tương xứng để phục chúng và tính kế lâu dài.
SỐ PHẬN CỦA NGŨ VƯƠNG
Thái Đức đế nhường ngôi cho em mình. Sau bị cháu ruột chiếm thành và kho tàng mà uất ức quy tây.
Quang Trung đế nối ngôi anh. Sau bị đột tử (hoặc đầu độc) mà băng hà.
Lê Chiêu Thống đế: Lưu vong và băng ở phương Bắc.
Án Đô vương: Lưu vong sang Ai Lao rồi hoăng.
Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh: thắng trò chơi vương quyền lên ngôi nhất thống.
Tất cả đã trở thành lịch sử!
- Lưu ý: những danh xưng đều là hư cấu và phóng đại dựa trên lịch sử. Quân số, tàu chiến là ước tính.
TÂY SƠN KÝ là dự án trường thiên tiểu thuyết viết về giai đoạn chiến loạn giữa Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn, cuộc kháng chiến chống Xiêm – Thanh và những cuộc thương hải tang điền đi đến thống nhất sơn hà vào nửa cuối thế kỷ 18.
– Tây Sơn hổ thần ký
– Tây Sơn long thần ký
– Tây Sơn ma thần ký