[Huyết độc]: Lời tựa

Huyết độc là câu chuyện lấy cảm hứng từ những ghi chép tản mát trong lịch sử, từ Đại Việt sử ký toàn thư đến An Nam tức sự, trong chính sử cho đến truyền thuyết, dã sử truyền tụng trong nhân gian. Vì vậy, truyện không quá đi sâu diễn giải lịch sử, tái hiện các nhân vật lịch sử, mà chỉ mượn chất liệu lịch sử họa nên câu chuyện riêng mình.

Chúng ta sẽ đi cùng quân Thánh Dực, đội quân huyền thoại thời Trần, đã tham gia rất nhiều trận chiến ác liệt, lập được vô số chiến công hiển hách. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư:

“Bính Ngọ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 (1246), chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Đinh tráng lộ Thiên Trường và Long Hưng sung vào các quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần; lộ Hồng và lộ Khoái sung quân tả hữu Thánh Dực; lộ Trường Yên và lộ Kiến Xương sung vào Thánh Dực, Thần Sách. Còn các lộ khác thì sung vào cấm quân trong Cấm vệ. Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi.”

“Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 (1287), tháng 12, ngày 16, chiếu sai minh tự Nguyễn Thức đem quân Thánh Dực dũng nghĩa đến chỗ Hưng Đạo Vương để giữ cửa Đại Than. Ngày 26, [quân ta] gặp giặc, đánh bại chúng.”

“Mậu Tý, Trùng Hưng năm thứ 4 (1288), tháng 3, Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh Dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc trên sông Bạch Đằng, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem binh mã đến tiếp ứng, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả.”

Một số nguồn dã sử cũng cho thấy rằng, quân Thánh Dực dũng nghĩa chính là đội quân đã tham gia vào trận Đà Mạc huyền thoại. Dưới sự chỉ huy của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, cảm tử quân nhà Trần đã cầm chân hàng vạn quân Nguyên tinh nhuệ, kéo dài thời gian để hai vua và triều đình di tản đến nơi an toàn, không để lại dấu vết. Kết thúc trận đánh, Bảo Nghĩa Vương bị giặc bắt sống, binh sĩ dưới trướng tử trận tất thảy. Giặc ra sức dụ dỗ, chiêu hàng ông, Vương đã thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Câu nói vẫn chói lọi trong sử sách cổ kim.

Từ đội quân Thánh Dực dũng nghĩa lừng lẫy, truyện hư cấu viết ra đội quân Huyết Dực, lấy biểu tượng là cờ phụng hoàng lật ngược: “Loài chim thần gào thét trong ngọn lửa do chính mình tạo ra, vuốt xé rách da thịt, mỏ ngoạm nát bầu không…”. Đó là câu chuyện của những chiến binh vừa anh dũng, vừa cô đơn; vừa khát khao yêu thương, vừa đầy hoài nghi về thế giới.

Truyện cũng lấy cảm hứng từ một số ghi chép tản mát, truyền thuyết, dã sử trong dân gian. Ví như tác phẩm An Nam tức sự của Trần Phu, sứ nhà Nguyên đến Đại Việt năm 1293, đã miêu tả về cảnh vật, con người Đại Việt:

“Thủy nỗ còn gọi là hàm sa xạ công, dùng khí phun độc đi xa 30 bước, bắn trúng bóng người, chỉ thấy đỏ ngứa. Phải liền lấy dao cắt bỏ thịt, nếu không sẽ chết. Đại khái độc trùng độc dược, từ Quảng về nam có nhiều, người Trung Châu đến đấy không bảo hộ tốt tất sẽ bị hại.”

“Sơn tham còn gọi là sơn đô, làm tổ sống trên cây lớn, hoặc sống trong hang động, một chân nhún nhảy, biết huyễn hoặc người, là loài sơn quỷ thủy quái vậy.”

“Người ta đều xăm mình, dùng móc câu cong mà xăm, giống như khắc chữ trên lư đỉnh đồng thời xưa. Lại xăm chữ đen trên ngực, viết “nghĩa dĩ quyên khu, hình ô báo quốc” (vì nghĩa quên mình, đem thân báo nước), dù đã có con cháu cũng vậy.”

“Dân các động có yêu thuật, tụng chú tu luyện, liền biến hình thành hổ, vồ hươu nai ăn sống, nhưng không thường hay có.”

Về độc trùng độc dược, có danh tướng Lý Hằng, A Bát Xích của nhà Nguyên đã bỏ mạng dưới tên độc của Đại Việt. Tương truyền, Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn vì quá hãi hùng trước cảnh tên độc bắn như mưa, dù người Mông Cổ là bậc thầy về cung tiễn đương thời. Về tà thuật, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại hai trường hợp người hóa hổ trong lịch sử là thái sư Lê Văn Thịnh và vua Lý Thần Tông, dù những trang viết này còn nhiều nghi vấn nhưng cũng rất đáng để tham khảo. Ngoài ra, Huyết độc cũng sử dụng chất liệu từ truyện yêu Bươm Bướm được ghi chép trong Thánh Tông di thảo, truyện về quỷ Xương CuồngHồ tinh trong Lĩnh Nam chích quái. Bởi vậy bao trùm Huyết độc là một bầu không khí vừa mang tính lịch sử, vừa phảng phất chất truyền kỳ, huyền ảo.

Truyện cũng phần nào phác họa cảnh vật, con người Đại Việt thế kỷ 13-14, từ một Long thành nguy nga tráng lệ, đến những chợ phố, xóm làng ven sông đẹp như tranh vẽ. Từ mảnh đất biên cương phía bắc trập trùng đá núi, đến thành Hóa châu mộng mơ bên bờ Linh giang. Từ chiến trường Đà Mạc thây vùi khắp đầm lầy bờ bãi, đến thành Đồ Bàn cháy khô thân xác con người. Hoa ban nở đầy trời mùa xuân, cúc dại tô điểm sắc đông thêm u hoài. Dù chiến tranh hay hòa bình, dù yêu hay hận, vận mệnh mãi là những vòng xoay, mà bản thân ta chẳng cách nào lý giải nổi. Đến rồi đi, sau cơn mưa cỏ lại mọc tràn.

Nếu bạn thấy dự án của chúng mình ý nghĩa, có thể ủng hộ thêm sách xuất bản tại đây: